maandag 9 december 2013

Luật mới vẫn cho Nhà nước Việt Nam quyền định đoạt đất đai của dân

Chủ nhật 08 Tháng Mười Hai 2013

Luật mới vẫn cho Nhà nước Việt Nam quyền định đoạt đất đai của dân

Đất trồng lúa của nông dân Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - REUTERS /Mua Xuan
Đất trồng lúa của nông dân Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - REUTERS /Mua Xuan

Thanh Phương
Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đất đai sửa đổi. Nhưng qua kinh nghiệm trợ giúp cho những người dân khiếu kiện về đất đai, Cha Đinh Hữu Thoại, phụ trách Phòng Công lý và Hòa bình của Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, cho rằng Luật mới vẫn không giải quyết được tận gốc rễ các vụ khiếu kiện ở Việt Nam, vì quyền định đoạt đất đai của dân vẫn thuộc Nhà nước.


RFI : Xin kính chào Cha Đinh Hữu Thoại. Trước hết xin Cha nhắc lại sự hình thành và phương châm hoạt động của Văn phòng CL và HB?

Cha Đinh Hữu Thoại, phụ trách Phòng Công lý và Hòa Bình
 
07/12/2013
 
 
Cha Đinh Hữu Thoại : Đứng trước tình trạng bất công xã hội tràn lan, công lý và sự thật bị chà đạp tại Việt Nam suốt hàng chục năm nay, ban đầu Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chúng tôi tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình  vào mỗi Chúa Nhật cuối tháng, lúc 20g. Việc cầu nguyện này khởi sự từ tháng 5/2011. Chúng tôi quan niệm “Cầu nguyện phải đi đôi với hành động”, sau gần 2 năm, ngày 24/3/2013, VP. CLHB đã được ra mắt và chính thức hoạt động từ ngày 8/4/2013, tính đến nay gần 9 tháng.
- Sứ mạng của Phòng Công lý và Hoà bình là Xây dựng một xã hội công bằng, bác ái trong sự thật. Những người được trợ giúp là những nạn nhân của các chính sách sai lầm và của các cá nhân, tổ chức độc tài. Chúng tôi hỗ trợ cho họ ba việc: Giúp nghiên cứu và hướng dẫn pháp luật; Hỗ trợ truyền thông; Thay mặt thân chủ chất vấn các cá nhân và cơ quan có liên quan.
RFI : Thưa Cha, kể từ khi hoạt động đến nay, Văn phòng CL và HB đã tiếp nhận bao nhiêu hồ sơ khiếu kiện và khiếu kiện đất đai chiếm tỷ lệ bao nhiêu?
Cha Đinh Hữu Thoại : Tính từ ngày 24/03/2013 cho đến nay (04/12/2013) chúng tôi tiếp nhận tổng cộng 511 hồ sơ cá nhân và tập thể, trong đó có 477 hồ sơ khiếu kiện đất đai, chiếm tỉ lệ 93.35 %.
RFI : Qua những khiếu kiện về đất đai đó, Cha nhận thấy luật đất đai cũ có những bất cập gì, nhất là trong vấn đề giải tỏa và đền bù cho người dân bị trưng thu đất ?
Cha Đinh Hữu Thoại : Như đã nói ở trên, qua hơn 500 hồ sơ khiếu nại, khiếu kiện gửi đến Văn phòng Công Lý và Hoà Bình, có đến 93.35 % là về thu hồi, giải toả, đền bù đất. Nguyên nhân chính ở đây là Luật đất đai đã cho Nhà nước “quyền định đoạt” đối với đất đai, “quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai” và quyền “giao đất, cho thuê đất, công nhận QSD đất, thu hồi đất…”
Đồng thời, nói theo cách mà người dân hay chỉ trích là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Nhà nước vừa “ban hành văn bản… xác định địa giới, quản lý quy hoạch, tài chính, giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất,…” lại vừa có quyền “thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… của chính mình, và giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm về đất đai…” Đặc biệt từ 2011 đến nay, Nhà nước còn tự cho mình thêm đặc quyền mới là “chấm dứt giải quyết khiếu nại”. Sau khi có quyết định chấm dứt giải quyết khiếu nại thì các cơ quan không nhận đơn nữa… Quý vị thấy có bất công không?
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật đất đai 2003, chỉ sau gần 7 năm thực hiện, tổng diện tích đất đã thu hồi là 728 nghìn ha (trong đó có 536 nghìn ha đất nông nghiệp) của 826.012 hộ gia đình, cá nhân. Một ảnh hưởng ghê gớm lên đời sống xã hội.
Đơn cử 2 trường hợp thực tế : a-Một gia đình có 6 người, ở trên mảnh vườn 3.000m2 đã 3 đời. NN gọi là quy hoạch, thu hồi đất thực hiện Dự án. Chủ đầu tư tư nhân đền bù đất theo giá đất nông nghiệp, một m2 được đền bù không đủ mua tô cháo lòng, chứ đừng nói đến ổ bánh mì của cảnh sát giao thông mà ông Trần Đại Quang vừa tuyên bố với báo chí trong nước. Sau một vài năm, nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng thành khu dân cư, bán lại theo giá kinh doanh đất ở.
Dân bị giải toả tiền đền bù không mua nổi thêm một nền đất 100 m2. Chưa kể, trước đây gia đình 6 người sống bằng hoa lợi khu đất vườn, nay thất nghiệp… kéo nhau đi khiếu nại. Nhà nước giải quyết “thế là thoả đáng”… khiếu nại TW, chuyển về địa phương… sau đó ra Quyết định : đã xem xét, giải quyết thoả đáng, nay chấm dứt giải quyết khiếu nại…/ Chưa kể đến áp dụng giá đất.
Theo quy định, hàng năm, địa phương ban hành giá đất, thường chỉ bằng 30% giá thị trường. Áp dụng giá từ 1/1 đầu năm. Thế thì, người nhận đền bù đầu năm được 100 đồng mua được nửa căn nhà trị giá 2 lượng vàng chẳng hạn. Đến cuối năm, người nhận đền bù vẫn giá ấy 100 đồng chỉ mua được 1/3 căn nhà trị giá l lượng rưỡi vàng chẳng hạn do trượt giá, do vàng lên, do nhà – đất lên chẳng hạn… Rồi người chưa nhận, đến năm sau nhận theo giá mới cao hơn… Thế là phát sinh khiếu nại.
b-Vụ án Ông Đoàn Văn Vươn, ở Hải Phòng là điển hình khác về “thời hạn sử dụng đất”. Gia đình Ông bỏ công sức, tiền của “quai đê chống biển” biến khu đất hoang, sình lầy thành đầm nuôi thuỷ sản. Nhà nước quản lý, cấp Giấy CN thời hạn 20 năm. Hết hạn, không gia hạn, thu hồi và có ý định cấp cho Cán bộ.
Trước nguy cơ “mất trắng” công sức, tiền của, và viễn cảnh không nhà, không công ăn việc làm, Đoàn Văn Vươn buộc phải chọn “tiếng nổ”. Vì nếu cứ đi khiếu nại thì chắc giờ cũng nhận được Quyết định “chấm dứt giải quyết khiếu nại”.
RFI : Theo Cha, luật vừa được sửa đổi có những điểm gì tiến bộ hay không? Luật còn cần phải được sửa đổi thêm như thế nào để hạn chế tối đa các vụ khiếu kiện ở Việt Nam ?
Cha Đinh Hữu Thoại : Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 2013, Luật này sẽ có hiệu lực kể từ 01/7/2014. So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều.
Có một vài điểm xem là mới, có tích cực, như : trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân… Xác định rõ và quy định cụ thể những trường hợp thu hồi đất mà theo NN là nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất đồng thời khắc phục một cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội…
Gọi là quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi; Mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp;… Luật sửa đổi cũng quy định đầy đủ hơn sự bình đẳng về sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài…
Cuối cùng, theo phân tích lạc quan thì điểm đặc biệt trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này là đã bổ sung các quy định mới về hệ thống thông tin, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch để mong ước đảm bảo dân chủ hơn v.v…
Nhưng, vấn đề mấu chốt là quyền định đoạt đất đai của người dân vẫn thuộc Nhà nước, không thay đổi. Có nghĩa, gốc rễ của khiếu nại, khiếu kiện đất đai vẫn tồn tại… Dân oan vẫn ngày càng tăng. Thật ra, chỉ có thể thay áo mới, chứ việc vá vải mới trên chiếc áo đã mục, đã nát chỉ dẫn đến áo rách hơn, xấu hơn mà thôi …
RFI : Xin cám ơn Cha Đinh Hữu Thoại.
tags: Phỏng vấn - Việt Nam - Đất đai
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131207-luat-moi-van-cho-nha-nuoc-viet-nam-quyen-dinh-doat-dat-dai-cua-dan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten