Hồ sơ hạt nhân Iran : ai thắng ai thua ?
Ngày 24/11 vừa qua, 6 cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức đã ký với Iran một thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân Iran theo đó, Iran phải giảm tỷ lệ làm giàu uranium xuống mức dưới 5% và chấp nhận sự giám sát quốc tế, đổi lại các cường quốc phương Tây sẽ nới lỏng các biện pháp bao vây kinh tế và chính trị. Thỏa thuận nói trên thu hút nhiều sự quan tâm của các tạp chí Pháp.« Sự đánh cược của tổng thống Obama trên hồ sơ Iran », đó là tựa đề bài thời luận đăng trên tuần san L’Express. Bài viết cho rằng, đối với Mỹ, thỏa thuận vừa qua, dù là tạm thời, có thể làm thay đổi chiến lược của Washington tại khu vực Trung Đông. Tờ báo cho rằng, tổng thống Obama đã biết nắm lấy thời cơ để thúc đẩy thỏa thuận này. Thời cơ đó là chính vào lúc nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn do bị bao vây với mức lạm phát lên đến 40%. Và chính trong bối cảnh này, chính quyền Iran phải xem xét đạt được thỏa thuận « một cách vội vã » với phương Tây. Trong khi đó, nếu thỏa thuận không đạt được, thì chắc chắn sẽ giúp cho tiếng nói của phe cứng rắn bài phương Tây tại Iran thêm mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng có thể góp phần làm thay đổi chiến lược của Iran trên chiến trường Syria.
Thỏa thuận nói trên đã làm dấy lên phản đối mạnh mẽ của phía Israel. Thủ tướng Israel Banyamin Netanyahu đã gọi thỏa thuận là « một sai lầm lịch sử ». Chính quyền Obama cũng có ý thử phản ứng của một số nước khác trong khu vực, trong đó quan trọng hơn hết là của Ả Rập Xê Úc. Và còn phản ứng của những nước khác nữa mà phép thử Obama đang chờ đợi như là một « sự đánh cược » mà bà viết chạy tựa.
Đối với tuần san Courrier Intertional thì « sự đánh cược » của tổng thống Obama đã thành công. Tờ báo trích dịch bài của tờ New York Times nhận định rằng, thỏa thuận nói trên với Iran dù tạm thời (chỉ có công dụng 6 tháng), nhưng « là một thỏa thuận mang tính lịch sử ». Thời báo New York nhắc lại, Mỹ đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Iran hơn 30 năm nay, và thỏa thuận đã là cơ hội để hai nước xích lại gần nhau.
Chưa hết, đối với tổng thống Obama, thỏa thuận này rất có lợi : Uy tín tổng thống Obama trong nước đang xuống thấp nhất là do hồ sơ bảo hiểm xã hội Obamacare, vì thế với thỏa thuận này, tổng thống Obama muốn lái dư luận Mỹ về các hồ sơ ngoại giao. Hơn nữa, đối với Mỹ, thỏa thuận sẽ khiến cho Mỹ có những bước đi mới tại khu vực Trung Đông. Nhóm Hezbollah chiến đấu trên lãnh thổ Syria ủng hộ chính quyền Assad là do Iran hỗ trợ, vì thế với thỏa thuận nói trên và với ý muốn xoa dịu với phương Tây, chính quyền Iran có thể sẽ xem xét lại việc này. Thứ đến, Iran có thể sẽ giúp Mỹ đạt được thỏa thuận với các lực lượng Taliban tại Afghanistan.
Nguyệt san Le Monde Diplomatique cũng chia sẻ quan điểm này trong bài xã luận mang tên « Sự tan băng ». Tờ báo cho rằng, sau 30 năm đối đầu trực tiếp, thỏa thuận là cơ hội để Mỹ và Iran sưởi ấm quan hệ song phương. Le Monde Diplomatique cũng cho rằng, sự giảm căng thẳng trong quan hệ Iran-Mỹ sẽ có thể đóng góp vào tiến trình giải quyết các cuộc xung đột tại Syria và Afghanistan.
Đối với Israel, Courrier International trích dịch bài viết của nhật báo Ha’Aretz tại Tel-Aviv với dòng nhận định : « Thủ tướng Netanyahu đã thua cuộc ». Tờ báo cho rằng, thủ tướng Israel luôn muốn phương Tây có biện pháp mạnh với Iran như đối với Libya, và Israel đã không ít lần hăm dọa không kích Iran. Thế nhưng, mong muốn này đã thất bại do Iran đã ký được thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc. Và dù rất giận dữ, nhưng theo tờ báo, thì Israel cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt để tiếp tục giữ mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Nhận định về Israel, Le Monde Diplomatique trong bài xã luận đăng trên trang nhất cũng có ý chỉ trích nước này. Bài xã luận cho rằng, 11 năm sau ngày mà cựu tổng thống Mỹ George Bush tiến hành « cuộc Thập Tự Chinh » tấn công cái gọi là « Trục Ma Quỷ », thì Trung Đông lâm cảnh bất ổn, Irak điêu tàn, một phần Châu Phi rơi vào tay của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan…Trong bối cảnh đó, tờ báo nhấn mạnh : « Giống như một kẻ cuồng tín, chính phủ Israel cứ bám víu vào cái khung cảnh điêu tàn đó. Israel cùng với những nước đồng ý chí là Ả Rập Xê Úc và các tiểu vương quốc thuộc nhánh Hồi Giáo Sunni ở Vùng Vịnh, cứ muốn nước Iran do nhánh Hồi Giáo Chia lãnh đạo phải bị cô lập và bị loại ra khỏi thị trường dầu hỏa ».
Geen opmerkingen:
Een reactie posten