maandag 2 december 2013

Cuộc “cách mạng tĩnh mịch” của Giáo Hoàng Phanxicô

Chủ nhật 01 Tháng Mười Hai 2013

Cuộc “cách mạng tĩnh mịch” của Giáo Hoàng Phanxicô

Giáo Hoàng Phanxicô rửa chân cho các tù nhân vị thành niên tại nhà tù Casal del Marmo, gần Roma, nhân ngày Thứ Năm Tuần thánh, cuối tháng 3/2013.
Giáo Hoàng Phanxicô rửa chân cho các tù nhân vị thành niên tại nhà tù Casal del Marmo, gần Roma, nhân ngày Thứ Năm Tuần thánh, cuối tháng 3/2013.
Reuters

Huê Đăng / Trọng Thành
Ngày 26/11/2013, Giáo Hoàng Phanxicô công bố bản Tông huấn “Niềm vui Phúc âm” (“Evangelii Gaudium”), gửi đến toàn thể tín đồ Công giáo trên thế giới. Giới quan sát ghi nhận đây là văn bản quan trọng nhất của Giáo Hoàng kể từ khi nhậm chức (tháng 3/2013). Trong thông điệp dài 160 trang, do tự mình chấp bút và xưng “tôi”, người đứng đầu Vatican vạch ra các đường hướng lớn cho một cuộc cải tổ toàn bộ Giáo hội trên mọi cấp độ. Nhân dịp này, thông tín Huê Đăng của RFI có bài tường trình điểm lại các cải cách và những thay đổi căn bản đã diễn ra dưới thời Giáo Hoàng Phanxicô.


Thông tín viên Huê Đăng (Roma)
 
01/12/2013
 
 
Cho đến nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lãnh đạo Giáo hội Công giáo được 8 tháng. Chưa đầy một năm... nhưng xem ra vị Giáo Hoàng thứ 266 của Tòa thánh đã có những quyết định quan trọng làm thay đổi nhiều mặt trong cơ chế hoạt động của Vatican.
Các thay đổi này càng dễ “bắt mắt” công luận nếu người ta còn nhớ đến tình trạng khá rối loạn và tê liệt bởi những tranh chấp và mâu thuẩn trong hàng giáo phẩm vào giai đoạn cuối của giáo triều dưới thời của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI trước đó, rối loạn và tê liệt đến độ Bênêđictô XVI đã phải bó tay và đi đến quyết định từ nhiệm.
Theo AFP, bản Tông huấn “Niềm vui Phúc âm” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được công bố hồi đầu tuần, dành nhiều trang để chỉ trích quyết liệt hệ thống kinh tế thế giới hiện nay (với một "thị trường được thần thánh hóa" hay "nạn đầu cơ - nền chuyên chế vô hình") và nhấn mạnh đến nghĩa vụ đối với người nghèo của các tín đồ và hàng giáo phẩm Công giáo. Mặc dù một loạt các chủ đề được coi là “nhạy cảm” trong những năm gần đây đối với Giáo hội như : nạn ấu dâm trong giới linh mục, luyến ái đồng tính, phòng tránh thai... đã không được đề cập đến (Le Nouvel Observateur), cùng việc thụ phong nữ giới không được chấp nhận, và nạo thai bị lên án, văn bản kể trên được một số phương tiện truyền thông đánh giá là mang “tính cách mạng” đối với Giáo hội Công giáo (Le Figaro).
Cuộc cách mạng tĩnh mịch trong một xứ sở ồn ã
Điều đáng chú ý là, trái ngược lại với những thói quen thường có của giới lãnh đạo chính trị ở Ý, tất cả những quyết định “sang trang” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thời gian vừa qua ... đều được đưa ra gần như trong im lặng “không kèn không trống”, không có những tuyên bố ầm ĩ kiểu “vá trời lấp đất” mà thiên hạ vẫn thường nghe ở cửa miệng của các chính khách Ý.
Báo chí Ý mệnh danh là “cuộc cách mạng tĩnh mịch”, xuyên qua hàng loạt “đổi mới”. Và xem ra các quyết định đổi mới của Đức Giáo Hoàng bắt đầu có những hiện tượng “đâm chồi kết trái”.
Cử chỉ “sang trang” đầu tiên của Đức Giáo Hoàng là ngay sau khi Mật nghị hồng y kết thúc, vị tân Đức Giáo Hoàng, Hồng y Jorge Mario Bergolio, đã không theo bài bản lễ tân như các người tiền nhiệm, thay vì lên chiếc xe limousine sang trọng dành cho Đức Giáo Hoàng, ông vẫn khăng khăng đòi trở lên xe buýt con chở các vị Hồng y khác.
Theo cách tổ chức từ ngàn năm thì Đức Giáo Hoàng được dành một căn hộ khang trang nằm ngay trong Vatican với đầy đủ tiện nghi và nhân viên phục vụ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại quyết định tiếp tục ở lại ngay tại chủng viện mà ông đã ở trước khi được tấn phong làm Giáo chủ của Giáo triều Roma.
Nhưng đó chỉ là những thay đổi bề nổi, có lẽ ở vào thời hậu hiện đại đa truyền thông hôm nay thì những thay đổi đó được các mạng truyền thông nhanh chóng phát tán và gây nên những ấn tượng lớn trong công luận.
Thực ra thì “cuộc cách mạng tĩnh mịch” mang nhiều nội dung sâu sắc hơn, không ầm ĩ nhưng cũng tạo ra những ảnh hưởng rộng lớn trong Giáo hội.
Đó là những thay đổi hàng loạt nhân sự trong các guồng máy lãnh đạo của Tòa thánh, với mục tiêu là đổi mới cơ chế hoạt động hành chính của Vatican.
Thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao
Tin mới nhất là ngày hôm qua 30/11/2013 Đức Giáo Hoàng vừa mới bổ nhiệm Giám đốc mới cho Ngân hàng Vatican, đó là ông Rolando Marranci, sau khi ông Giám đốc cũ đã từ chức. Như thế là Viện Giáo Vụ, tức là cơ quan IOR – Istituto per Opere Religiose, thực chất là ngân hàng của Tòa thánh bắt đầu có lãnh đạo mới, với hy vọng đoạn giao được với thời kỳ quá khứ vốn có nhiều tai tiếng.
Trước đó 48 tiếng đồng hồ, Đức Giáo Hoàng đã giao cho người trợ tá đặc biệt, Đức ông Alfred Xuereb, người Malta, trọng trách “đại biểu đại diện cho Ủy Ban Giáo Hoàng về IOR”, tức là về ngân hàng của Tòa thánh, đồng thời Đức ông Alfred Xuereb cũng đại diện cho Ủy Ban Giáo Hoàng trong “Cơ quan thẩm quyền về thông tin tài chính” (AIF – Autorità Informazione Finanziaria), tức là cơ quan được đặt ra để phòng chống các hoạt động kinh tế tài chính bất hợp lệ. Điều này có nghĩa là Đức Giáo Hoàng, một cách gián tiếp, sẽ thường xuyên theo dõi các hoạt động về kinh tế tài chính của Tòa Thánh.
Trước đây hơn một tháng, Đức Giáo Hoàng cũng đã thay đổi nhân sự ở chức vụ Quốc vụ khanh, chức vụ chỉ đứng ở hàng thứ hai trong hàng giáo phẩm, sau Đức Giáo Hoàng: đó là Tổng Giám Mục Pietro Parolin thay thế Hồng y Tarcisio Bertone, và điều này có nghĩa là Đức Giáo Hoàng muốn chấm dứt “thời kỳ trị vì” của Hồng y Tarcisio Bertone vốn trong những năm gần đây đã bị chỉ trích khá nhiều trong hàng giáo phẩm.
Tất cả các thay đổi nhân sự cho thấy là Đức Giáo Hoàng muốn nhanh chóng thay đổi lại bộ máy quản trị của giáo triều.
Tài chính-Quản trị : Những dấu ấn cách mạng
Có lẽ một trong những quyết định “cách mạng” nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là đường lối nhằm trong sạch hóa toàn bộ cơ chế điều hành guồng máy kinh tế tài chánh của Tòa thánh.
Ngày 21/11/2013 vừa qua với một bức Tông Thư Tự Sắc (Apostolic Letter Motu Proprio) Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê duyệt nội quy mới của “Cơ quan thẩm quyền về thông tin tài chính” (AIF). Theo lời của cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, thì đây là “một quyết định cần thiết để AIF thích ứng với chức năng và nhiệm vụ mới của mình.”
Một trong những trọng tâm lớn của các thay đổi là nhằm tạo khả năng phòng chống những hoạt động bất hợp pháp trong lãnh vực kinh tế tài chánh.
Ngày mùng 08/08/2013 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố Tông Thư Tự Sắc nhằm phòng chống việc rửa tiền, tài trợ khủng bố và gia tăng vũ khí tàn phá hàng loạt, trong đó điều đáng chú ý là quyết định phòng chống rửa tiền, vốn xưa nay là một trong những điều gây nhiều tai tiếng cho cơ chế quản lý tài chánh của Tòa thánh, với những xì-căng-đan mà báo chí đã nhiều lần tung ra, và nhất là những căng thẳng về pháp lý tài chính giữa Ngân hàng trung ương Ý và IOR về những hoạt động chuyển khoản tài chính không mấy minh bạch của IOR.
Nhiệm vụ phòng chống những hoạt động bất hợp pháp nói trên sẽ được giao phó cho “Cơ quan thẩm quyền về thông tin tài chính” (AIF) để kiểm soát tất cả những hoạt động tài chính của Tòa Thánh.
Một thay đổi quan trọng khác là áp dụng các định pháp quốc tế.
Trong nhiều năm gần đây Ủy Ban Châu Âu cũng đã nhiều lần nhắc nhở Tòa Thánh về việc áp dụng những tiêu chuẩn phù hợp với định pháp quốc tế trong lãnh vực phòng chống rửa tiền, tài trợ các tổ chức khủng bố, mua bán cần sa ma túy và vũ khí. Nội quy mới của “Cơ quan thẩm quyền về thông tin tài chính” AIF ấn định rõ ràng chức năng và trách nhiệm của Chủ tịch và của Hội đồng điều hành với mục tiêu giúp AIF thi hành một cách hữu nghiệm và độc lập các định pháp quốc tế nói trên.
Có lẽ thay đổi cách mạng nhất là quyết định áp dụng tư vấn quốc tế.
Theo đề nghị của “Ủy Ban Giáo hoàng đặc trách về nghiên cứu và định hướng các chính sách kinh tế và hành chính của Tòa Thánh”, và sau một quá trình tuyển chọn, Vatican đã giao phó cho công ty tư vấn quốc tế Ernest Young trách nhiệm kiểm định và tư vấn về các hoạt động kinh tế, về các quy trình điều hành của cơ chế quản lý kinh tế tài chánh của Tòa Thánh. Các chuyên viên của công ty tư vấn Ernest Young sẽ soạn thảo các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các quy trình nói trên.
Song song đó công ty tư vấn quốc tế thứ hai là Promontory cũng được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của “Cơ quan quản trị gia sản của Tòa Thánh” (APSA – Amministrazione del Patrimonio della Sede Apostolica), tức là quản trị cả một cơ ngơi tài sản của Vatican, trong đó cơ ngơi lớn nhất là các bất động sản thuộc quyền sở hữu của Tòa Thánh.
Lối sống gần gũi
Ngoài những quyết định “sang trang” có ảnh hưởng sâu rộng đến cơ chế quản lý hành chính, kinh tế tài chánh của Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã có một chuỗi hoạt động trong đời sống hằng ngày hoàn toàn mới so với các người tiền nhiệm trước đây.
Trước hết là việc Đức Giáo Hoàng quyết định tiếp tục đeo cái thánh giá bằng bạc mà ngài đã có sẵn từ khi còn là Hồng y, thay vì phải đổi lấy cái thánh giá bằng vàng mà Vatican vẫn thường ra lệnh đúc cho các Đức Giáo Hoàng. Lý do là để tránh những tiêu phí không đáng.
Trong khi di chuyển Đức Giáo Hoàng cũng tránh không dùng xe hơi sang trọng cao cấp mà chỉ dùng những chiếc xe nhỏ thực dụng, như trường hợp lúc công du sang Brazil hồi tháng 7 vừa qua, Đức Giáo Hoàng đã di chuyển từ phi trường vào thành phố trên một chiếc xe hơi nhỏ rất bình thường, không còi hụ không có lính dẫn dường chạy giữa đường phố ùn tắc giao thông khiến đội ngũ bảo vệ cũng có những lúc lo lắng.
Để gần gũi với giáo dân, Đức Giáo Hoàng cũng hay nhấc điện thoại trực tiếp nói chuyện với những giáo dân đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng, như trường hợp của một anh sinh viên Ý hồi tháng 8 vừa qua, hay cho một người vừa bị bại liệt sau một tai nạn giao thông.
Thậm chí trước làn sóng ồ ạt nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển Địa Trung Hải để vào Ý, với những tai nạn đắm tàu làm chết một lúc cả trăm người, Đức Giáo Hoàng cũng đã đích thân ra đến tận đảo Lampedusa, tức là đảo cực nam của Ý, nơi mà các làn sóng vượt biển nhập cư bất hợp pháp lên lãnh thổ của Ý, để an ủi những con người bất hạnh và nhất là để gây ảnh hưởng chính trị xã hội lên các cơ chế chính phủ và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh quá trình đi tìm một giải pháp cho một vấn nạn xã hội có tầm vóc toàn cầu.
Tất cả những cử chỉ này, đối với giáo dân nói riêng, đối với công luận nói chung đã tạo ra những ấn tượng tốt đẹp rất lớn. Nhất là trong thời buổi kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, ngay chính đời sống của phần lớn giáo dân cũng gặp nhiều khốn đốn, thì một cử chỉ động viên tinh thần, hay tìm cách dè xẻn cũng làm cho giáo dân cảm thấy gần gũi với Đức Giáo Hoàng.
Siết chặt kỷ luật làm việc tại Tòa Thánh
Có một thay đổi đúng là có tính đổi đời cho hàng ngàn nhân viên làm việc cho Vatican: theo quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì kể từ ngày mùng 1/1/2014, tất cả những ai vào làm việc trong Tòa thánh, chỉ trừ các Hồng Y và Giám Mục, đều phải “bấm thẻ ra vào” (time-card) trong đó có ghi giờ vào làm việc và giờ ra khi tan sở.
Theo tin báo chí thì từ lâu Tòa thánh cũng đã có ý muốn áp dụng “bấm thẻ ra vào” cho nhân viên, nhưng lâu nay vẫn gặp những trở ngại ngăn cản từ cơ chế hành chính của Tòa thánh. Lần này Đức Giáo Hoàng, với sự ủng hộ của “Cơ quan quản trị gia sản của Tòa Thánh” (APSA) đã lấy quyết định “đổi đời” nói trên.
                                                          “Va chạm” với thế giới ngầm
Tất cả những thay đổi có tính chất đột phá ở trên, đối với giáo dân nói riêng và đối với công luận nói chung, đã tạo ra những ấn tượng tốt. Về phía giáo dân, Đức Giáo Hoàng đang nhanh chóng lấy lại uy tín cho Giáo hội gây lại niềm tin cho giáo dân. Nhưng song song với những phản ứng tích cực nói trên, chắc chắn là cuộc “cách mạng tĩnh mịch” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng “va chạm” đến những quyền lợi của một số thế lực kinh tế tài chánh quốc tế, và thậm chí đến các tổ chức băng đảng xã hội đen như Mafia, như một số báo chí đã loan tin về một khả năng Mafia có thể đe dọa đến Đức Giáo Hoàng. Dĩ nhiên là báo chí cũng chỉ nhận xét rằng đó là những giả thuyết, tin đồn, và phía Tòa thánh cũng đã công khai phủ nhận giả thuyết đe dọa nói trên.
Nhưng điều chắc chắn là ở đời thì đồng bạc nào cũng có hai mặt: nếu một mặt cuộc cách mạng tĩnh mịch của Đức Giáo Hoàng nhận được sự tán đồng và ủng hộ của giáo dân và công luận, thì mặt bên kia sẽ là những “khó chịu” của những thế lực tài phiệt quốc tế hay của các tổ chức bất hợp pháp, vì những hệ lụy do chính những đổi mới của Đức Giáo Hoàng có thể gây ra. Nhưng lúc nào cũng thế, trước bất cứ một sự đổi mới nào cũng có kẻ khóc người cười.
Tin bài liên quan
Giáo hoàng Phanxicô bị Mafia đe dọa
« A lô, Giáo hoàng Phanxicô ở đầu dây… »
Ý : Giáo hoàng Phanxicô khiến mafia tức giận
Giáo Hoàng Phanxicô : «Tôi lấy tư cách gì để phán xét » quan hệ đồng tính
Đức Giáo Hoàng Phanxico công du Brazil nhân Đại hội giới trẻ thế giới
Giáo Hoàng cảnh báo chống lại việc "tự do hóa" ma túy
Tân Giáo Hoàng Phanxicô mang lại luồng gió mới cho Tòa thánh
Vatican khẳng định giá trị của Thần học Giải phóng
Những thách thức đang chờ đức Giáo hoàng mới
Đức Giáo hoàng Benedicto 16 : dũng cảm nhưng lực bất tòng tâm
tags: Cải cách - Công giáo - Giáo Hoàng - Phỏng vấn - Tài chính - Vatican - Xã hội
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131201-cuoc-%E2%80%9Ccach-mang-tinh-mich%E2%80%9D-cua-giao-hoang-phanxico

Geen opmerkingen:

Een reactie posten