Tại sao Ai Cập quan trọng?
Cập nhật: 16:11 GMT - thứ
sáu, 23 tháng 8, 2013
Có lẽ chưa một quốc gia nào ở Trung Đông – ở đây hiểu theo
nghĩa rộng bao gồm cả vùng Bắc Phi – lại khiến thế giới nín thở và lo lắng đến
như thế trong những ngày qua.
Chỉ trong vòng 2 năm, người dân Ai Cập tiến hành hai cuộc cách mạng, lật đổ
một nhà độc tài sau 30 năm lũng đoạn quyền lực, tống giam một tổng thống chỉ sau
một năm cầm quyền.Người Ai Cập từ cả hai phe phái đổ xuống đường hàng triệu bước chân biểu tình. Sự đẫm máu trong các cuộc đụng độ của Ai Cập còn xa mới bằng Syria, và sự cùng quẫn của Ai Cập còn xa mới bằng một góc của cơn ác mộng mang tên Syria, nhưng những tuần qua, sự biến động không ngừng của Ai Cập đã khiến thảm họa hơn 100.000 người bỏ mạng và các cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria hoàn toàn bị lu mờ.
Đằng sau sự khủng hoảng trầm trọng của Ai Cập hẳn nhiên là một bức tranh chính trị, xã hội, tôn giáo với rất nhiều tầng tranh chấp và một lịch sử không hề đơn giản.
Ai Cập không hề có nhiều tài nguyên thiên nhiên, dầu mỏ chỉ chiếm hơn 10% GDP, một phần khiêm tốn so với các nước cùng khu vực. Tuy nhiên, Ai Cập lại là thành tố quyết định trong toàn cảnh Trung Đông và thế giới.
- Thủ lĩnh văn hóa của Trung Đông
- Chủ nghĩa Hồi giáo thống nhất (Islamism)
- Pan-Arabism và Arab Nationalism: Chủ nghĩa Ả Rập thống nhất
- Kinh tế, quân sự và mối thâm thù giữa hai luồng tư tưởng
Sau khi đế chế Hồi giáo hùng mạnh Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) sụp đổ, các nước lớn như Anh, Pháp bắt tay vào chia sẻ chiến lợi phẩm: đất đai và các vùng đô hộ. Vào thời kỳ ấy, hầu hết dân cư Trung Đông vẫn còn sống trong tầng văn hóa bộ lạc. Các bộ lạc người Ả Rập và các sắc dân bản xứ cạnh tranh và liên minh với nhau làm chủ từng vùng đất nhỏ.
Khái niệm đất nước và quốc gia hầu như hoàn toàn chưa được xác lập. Kẻ thắng cuộc Anh, Pháp là những thế lực quyền năng trong việc vẽ các đường biên giới, thành lập các quốc gia mới để chia phần cai quản.
Tuy nhiên, Ai Cập rộng lớn với số dân khổng lồ hơn 80 triệu người dù bị đô hộ nhưng vẫn bảo tồn gần như nguyên bản một tinh thần dân tộc thống nhất, bất khuất, vượt qua ranh giới của tầng bộ lạc.
Chính nền văn hóa mạnh mẽ đó đã biến Ai Cập trở thành trung tâm ảnh hưởng của Trung Đông. Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của Ai Cập như thời trang, âm nhạc, văn học mang yếu tố quyết định trào lưu, định hướng và khẩu vị của toàn Trung Đông.
Ngoài ra, trường ĐH Hồi Giáo Al-Azhar tại Cairo, thành lập từ thế kỷ thứ 10, được coi là một trong những trung tâm quyền lực tôn giáo có uy tín nhất thế giới, nơi các phát ngôn tôn giáo có sức nặng ảnh hưởng đến đông đảo tín đồ, nơi đào tạo hàng ngàn Imam (người hướng đạo) cho Trung Đông, nơi khoa học và tôn giáo được kết hợp chặt chẽ sát sao theo tinh thần trọng dụng kiến thức của Hồi giáo thời kỳ cổ điển.
Các học giả của Al-Azhar là người đứng sau các bản Hiến Pháp, các chế tài pháp luật cũng như các quyết định chính trị và tôn giáo quan trọng của rất nhiều nước Trung Đông cùng dòng Hồi giáo Sunni.
Chính vì vậy, những biến động văn hóa, tôn giáo ở Ai Cập không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia mà còn quyết định đường hướng phát triển và tạo dựng khung mẫu tâm lý phản ứng cho đại đa số các quốc gia Trung Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là giảng viên ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), hiện đang nghiên cứu về Trung Đông dọc theo lịch sử của các nước Hồi giáo từ nơi khởi đầu tại bán đảo Ả Rập đến Tây Phi và Nam Á. Bài viết thể hiện quan điểm tiêng của tác giả.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/08/130823_forum_egypt_importance_nguyenphuongmai.shtml
Geen opmerkingen:
Een reactie posten