Lợi ích nhóm và doanh nghiệp nhà nước
Cập nhật: 04:50 GMT - thứ
sáu, 2 tháng 8, 2013
Đặc biệt khi các chủ thể nắm quyền về kinh tế và chính trị tương hợp cả về trách nhiệm lẫn quyền lợi thì xu hướng sẽ là liên kết tạo thành lợi ích nhóm.
Thẩm quyền Quốc hội
Nhiều người mặc định điều hiển nhiên chính phủ có chức năng quản lý điều hành nền kinh tế và thực tế chính phủ đã nắm giữ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như một công cụ hùng mạnh để thực hiện các chính sách kinh tế xã hội.Nhưng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới quyền chính phủ lại xảy ra nhiều sai phạm và hiệu quả kinh doanh thấp, theo số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư các doanh nghiệp nhà nước chiếm 79% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% nguồn vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp 37,38% GDP.
Tại sao các đơn vị này chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội mà hiệu quả đem lại ít? Điều này có liên đới gì tới việc chính phủ chứ không phải cơ quan nào khác có quyền nắm giữ các đơn vị này? Xét rộng hơn, nền kinh tế Việt Nam thuộc loại yếu kém hàng thấp nhất thế giới, điều này có liên đới gì tới việc chính phủ có thẩm quyền quản lý điều hành nền kinh tế?
Khác với nhiều nước, ở Việt Nam có đặc thù mảng phần kinh tế nhà nước trong tổng nền kinh tế quốc dân rất lớn, đây là tham số đặc biệt quan trọng khi lập phương trình giải các bài toán kinh tế xã hội.
Mặt khác, Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định thẩm quyền của Quốc hội là quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách nhà nước.
Vậy lâu nay Quốc hội có nắm được tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước không? Quốc hội có khả năng tác động tới quỹ đạo tăng giảm tài sản của nó không?
Nếu Quốc hội không có khả năng quyết định đối với tài chính doanh nghiệp nhà nước thì làm sao quốc hội có thể quyết định chính sách về tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định về sử dụng và phân bổ ngân sách nhà nước?
Rối mù và thua lỗ
Lâu nay kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước do lãnh đạo đơn vị và cơ quan quản lý trực tiếp là chính phủ quyết định. Các đơn vị này kinh doanh dàn trải, đầu tư chéo lẫn nhau, mở rộng thành phần sở hữu, lập ra nhiều công ty con dẫn đến có rất nhiều kế hoạch sản xuất kinh doanh trong một đơn vị, tạo ra sự rối rắm bùng nhùng rất khó kiểm soát quản lý, tạo môi trường tốt cho tham nhũng thất thoát.Sự rối rắm được tạo ra làm nản lòng những ai mong muốn có sự rõ ràng minh bạch trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước. Nó cũng là lý do tốt để chậm trễ trong kiểm đếm báo cáo và tách rời kế hoạch sử dụng tài sản nhà nước của các đơn vị này với chính sách tài chính tiền tệ chung của đất nước.
Trách nhiệm của Quốc hội trước nhân dân như thế nào trong các vấn đề đó?
Không biết hoàn thành từ bao giờ nhưng tháng 7 năm 2013 cơ quan kiểm toán nhà nước mới công bố kết quả hoạt động kiểm toán năm 2012 cho năm kinh doanh 2011, như thế độ trễ của việc nắm bắt thông tin xác thực từ 1 đến 2 năm. Phải mất ngần ấy thời gian Quốc hội mới nắm được thực chất tình hình tài chính của các doanh nghiệp, vậy khi chưa có số liệu rõ ràng thì quốc hội làm như thế nào trong việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế xã hội, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia?
Phải chăng chính sách ban hành vẫn đảm bảo chất lượng khi sử dụng số liệu không đủ độ tin cậy? Hoặc có thể ban hành các chính sách tài chính mà không cần tính đến số tài sản do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ?
Vô tình hay cố ý?
Khi sai phạm xảy ra nhiều người đổ lỗi cho việc chưa hoàn thiện về thể chế quản lý kinh tế, thiếu quy định pháp lý điều chỉnh, nhưng phải chăng là có sự cố tình chậm trễ trong việc ban hành ra các văn bản pháp lý điều chỉnh vấn đề này?Hàng loạt tập đoàn kinh tế được thành lập từ các năm 2005, 2006 nhưng đến tháng 11 năm 2009 chính phủ mới ban hành nghị định về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Tại sao lại chậm trễ như vậy trong khi trong cùng thời gian đó chính phủ ban hành ra hàng trăm nghị định khác?
Trong việc quản lý tài sản nhà nước do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ, sau cả chục năm thực hiện, đến tháng 7 năm 2013 chính phủ mới ban hành nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Sau khi để xảy ra quá nhiều hệ quả xấu, bây giờ chính phủ mới cho ra hàng loạt quy định cấm: Cấm doanh nghiệp góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những trường hợp doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản), không được góp vốn mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm…
Khi doanh nghiệp bắt đầu làm những việc mà bây giờ chính phủ cấm thì quan điểm của chính phủ như thế nào? Tầm nhìn viễn kiến và khả năng dự liệu ra làm sao mà để trong có vài năm đã cho thấy chính sách sai trái dẫn đến thua lỗ thất thoát tài sản quốc gia không biết bao nhiêu mà kể? Các cán bộ chính phủ không có năng lực lãnh đạo hay do vấn đề lợi ích nhóm trong vấn đề này?
Quốc hội cần nắm tập đoàn
Sau quá nhiều sai phạm thất thoát, hiện tại chính phủ cũng đang lấy ý kiến và đệ trình quốc hội dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Dự thảo này cơ bản chỉ là ghi nhận những thực tế nhiều năm qua về cung cách và thẩm quyền quản lý, nội dung quy định nhiều quyền hạn cho chính phủ, vai trò của quốc hội mờ nhạt không rõ ràng.Thực tiễn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi một phương cách quản lý mới mang tính đột phá, theo đó Quốc hội cần thu hồi và nắm giữ thẩm quyền đối với doanh nghiệp nhà nước.
Các ủy ban như Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hoàn toàn có khả năng nắm các tập đoàn thông qua việc thẩm định và phê duyệt mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và quyết định bổ nhiệm nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp.
Như thế sẽ giải quyết được mối mâu thuẫn tồn tại nhiều năm qua là trong khi Hiến pháp quy định Quốc hội có quyền quyết định về chính sách phát triển kinh tế xã hội, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định sử dụng và phân bổ ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chính phủ lại có ảnh hưởng quá lớn đến các hoạt động đó thông qua việc nắm giữ các doanh nghiệp nhà nước.
Thổi phồng vai trò chính phủ
"Nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển hơn thì cần tiệm cận với lề luật quốc tế trong điều hành kinh tế, tiết giảm bớt vai trò của chính phủ trong quản lý điều hành kinh tế. "
Qua tìm hiểu thì thấy Hiến pháp nước Mỹ không quy định chính phủ được quản lý điều hành nền kinh tế (thực ra trong toàn bộ bản hiến pháp được dịch sang tiếng Việt không có hai từ “quản lý” và “điều hành”) nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới. Có thể nguyên nhân do khác biệt ngôn ngữ nhưng hiến pháp Việt Nam năm 1946 cũng không có hai từ “quản lý”, “điều hành” tức cũng không quy định chính phủ có thẩm quyền quản lý điều hành kinh tế.
Hiến pháp nước Nhật Bản không có nội dung quy định chính phủ được quản lý điều hành kinh tế nhưng nền kinh tế Nhật đứng thứ 3 thế giới.
Trong các nền kinh tế thị trường, các quốc gia thường để cho thị trường tự vận hành điều chỉnh theo các nguyên lý thị trường tự do, chính phủ rất hạn chế can thiệp vào đó. Nhiều phân tích nghiên cứu đã chỉ ra khi chính phủ càng quản lý chặt, điều tiết càng nhiều, càng thiếu tôn trọng thị trường tự do thì nền kinh tế càng yếu kém.
Ở Việt Nam do hệ quả từ nền kinh tế bao cấp nên hiện nay tâm lý vẫn quá coi trọng vai trò quản lý kinh tế của chính phủ, pháp luật trao cho chính phủ toàn quyền quản lý điều hành nền kinh tế. Do tâm lý đó nên khi kinh tế phát triển không như ý muốn, nhiều người vẫn không nhìn ra nguyên nhân chính ở chính phủ.
Nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển hơn thì cần tiệm cận với lề luật quốc tế trong điều hành kinh tế, tiết giảm bớt vai trò của chính phủ trong quản lý điều hành kinh tế. Việc Quốc hội thay chính phủ nắm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng phù hợp với xu hướng đó.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, Trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten