Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đập tan đảo chính, bắt hơn 1.500 người
Tổng thống Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính của nhóm binh sĩ tiến hành từ tối qua đã bị dẹp tan. 90 người chết, hơn 1.500 người tham gia đảo chính bị bắt.
Âm mưu đảo chính bắt đầu vào khoảng 19h30, tối 15/7 giờ địa phương, khi tiếng súng nổ ra tại một số địa điểm ở thành phố Ankara, trong khi phe đảo chính phong toả cầu Bosphorus ở Istanbul và bao vây một số địa điểm then chốt.
Phe đảo chính phong tỏa cầu Bosphorus ở Istanbul. Ảnh: Reuters
|
Khoảng 20h02, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo một nhóm trong quân đội nước này muốn lật đổ chính phủ, kêu gọi người dân bình tĩnh.
Phe đảo chính tuyên bố họ đã kiểm soát chính phủ và ban hành thiết quân luật. Binh lính thuộc phe này đột kích các tòa nhà truyền thông, trụ sở cảnh sát, đồng thời tấn công tòa nhà quốc hội dinh tổng thống, trụ sở quân đội và trụ sở cơ quan tình báo tại thủ đô Ankara. Phe đảo chính sử dụng một số xe tăng và trực thăng trong cuộc đảo chính nhưng không kiểm soát bất kỳ tiêm kích nào. Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt làm con tin.
Trực thăng quân sự nã đạn vào trụ sở tình báo Thổ Nhĩ Kỳ
Phản ứng trước cuộc đảo chính, Mỹ và NATO kêu gọi bình tĩnh và nhấn mạnh họ ủng hộ chính quyền dân cử.
Khoảng hai giờ sau khi cuộc đảo chính xảy ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra tuyên bố qua Facetime, kêu gọi người dân đổ ra đường chống lại đảo chính và khẳng định quân đảo chính sẽ thất bại.
Khoảng 23h00, tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bắn hạ trực thăng quân sự mà phe đảo chính sử dụng. Lực lượng ủng hộ chính phủ cũng sử dụng tiêm kích tấn công các xe tăng của phe đảo chính.
00h20 giờ địa phương, Tổng thống Erdongan xuất hiện tại sân bay Ataturk của Istanbul. Phát biểu trước báo giới và người ủng hộ, tổng thống nói những người đảo chính "đã chĩa súng của nhân dân vào chính nhân dân" và nỗ lực giành chính quyền của họ sẽ thất bại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: 'Các anh chĩa súng vào chính cha mẹ mình'
Khoảng 00h30, phe đảo chính bắt đầu đầu hàng tại Istanbul, sau khi bị cảnh sát vũ trang trung thành với chính phủ bao vây. Tại Ankara, những người ủng hộ chính quyền Erdogan cũng tập trung tại trung tâm thành phố, ngăn chặn xe tăng của phe đảo chính. Lực lượng chính phủ giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ.
Khoảng 5h20, Tổng thống Erdongan tuyên bố cuộc đảo chính thất bại. Tổng tham mưu trưởng quân đội được giải cứu. Cuộc đảo chính khiến 90 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương. Hơn 1.500 nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt, 29 đại tá, 5 tướng bị cách chức. Tổng tham mưu trưởng quân đội được giải cứu.
Cảnh sát và người dân chặn một chiếc xe tham gia đảo chính. Ảnh: Reuters
|
Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho rằng đại tá Muharrem Kose, người bị loại ngũ vì bị coi là thành viên của phong trào Gulen, là người chỉ huy cuộc đảo chính bất thành này. Tổng thống Erdogan cáo buộc nhóm đảo chính nhận lệnh từ Fethulla Gulen, giáo sĩ dẫn đầu phong trào Gulen. Ông Gulen, 75 tuổi, sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999 sau khi bị chính quyền Ankara kết tội phản quốc. Ông Gulen và Erdogan từng là đồng minh thân cận nhưng sau đó trở thành đối thủ chính trị.
Người ủng hộ chính quyền Erdogan tại thị trấn Marmaris, Thổ Nhĩ Kỳ hò reo sau khi nghe thông báo cuộc đảo chính bị dập tắt. Ảnh: Reuters
|
- Phóng viên kênh truyền hình Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt binh sĩ đảo chính (16/7)
- 120 người phe đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt (16/7)
- 4 lần đảo chính thành công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (16/7)
- Diễn biến chính cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ trong hai phút (16/7)
- Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến đấu cơ tiêu diệt trực thăng phe đảo chính (16/7)
http://vnexpress.net/tong-thuat/the-gioi/tong-thong-tho-nhi-ky-tuyen-bo-dap-tan-dao-chinh-bat-hon-1-500-nguoi-3437177.html
Thứ bảy, 16/7/2016 | 15:00 GMT+7
Người bị cáo buộc 'đặt hàng đảo chính' ở Thổ Nhĩ Kỳ
Giáo sĩ Hồi giáo lưu vong, từng là đồng minh thân cận của Tổng thống Erdogan, bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo sĩ Fethullah Gulen, 75 tuổi, từng là đồng minh thân cận của Tổng thống Erdogan. Ảnh: Guardian.
|
Cuộc đảo chính do một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tối 15/7 ở thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul nổ ra bất ngờ, nhưng thất bại cũng chóng vánh. Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho rằng đại tá Muharrem Kose, người bị loại ngũ vì bị coi là thành viên của phong trào Gulen, chính là người chỉ huy cuộc đảo chính bất thành này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc một nhóm sĩ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu đã đảo chính theo "đơn đặt hàng" từ giáo sĩ Fethullah Gulen. Ông Erdogan cũng cho rằng cuộc đảo chính cho thấy phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang, và cáo buộc nhóm đảo chính nhận lệnh từ Fethulla Gulen, giáo sĩ dẫn đầu phong trào Gulen.
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, 75 tuổi, sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999 sau khi bị chính quyền Ankara kết tội phản quốc. Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên ông. Phong trào này được cho là đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, với nguồn kinh phí hoạt động lên tới một tỷ USD.
Phong trào Gulen chủ trương pha trộn giữa sự huyền bí của Hồi giáo mật tông (Sufi) và sự hài hòa của con người để truyền bá đạo Hồi ở nhiều nước trên thế giới.
Theo AFP, ông Gulen là đối thủ chính trị lớn nhất của Tổng thống Erdogan, dù hai người từng là đồng minh thân cận. Ông Erdogan từng ngầm thỏa thuận với Gulen để phong trào này hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Gulen sẽ sử dụng tiếng tăm, nguồn lực của mình hậu thuẫn cho ông Erdogan trên con đường chính trị.
Trong thời kỳ đó, phong trào Gulen thu hút được sự ủng hộ của nhiều người, kể cả các quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát và tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. "Tuần trăng mật" giữa hai người kết thúc khi ông Erdogan dần cảm thấy bất an với quyền lực ngày càng lớn của phong trào Gulen.
Cuộc "minh tranh ám đấu" giữa hai người lên đến đỉnh điểm vào năm 2013, khi các quan chức tư pháp, được cho là gần gũi với ông Gulen, cáo buộc những người thân cận và cả con trai ông Erdogan phạm tội tham nhũng.
Ông Erdogan phản công bằng cách thanh trừng hàng trăm sĩ quan quân đội, cảnh sát, thậm chí cả các chỉ huy cấp cao. Các trường học có liên quan đến hoạt động của Gulen cũng bị buộc ngừng hoạt động. Những tòa soạn báo bị nghi ngờ có cảm tình với giáo sĩ Gulen cũng phải đóng cửa, hoặc sa thải biên tập viên.
Theo hãng tin Anatolia, khoảng 1.800 người có liên quan đến ông Gulen đã bị bắt trong chiến dịch đàn áp hai năm qua, trong đó có 750 sĩ quan cảnh sát, 80 binh sĩ. 280 người trong số này vẫn đang phải ngồi tù.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Gulen âm mưu thiết lập một "nhà nước trong nhà nước", song ông Gulen phủ nhận và cho biết chỉ muốn cải cách dân chủ, đối thoại giữa các tôn giáo với nhau. Giáo sĩ Gulen được cho là có tư tưởng rất phóng khoáng, tin vào khoa học và sự giao lưu đối thoại giữa các tôn giáo.
Tổ chức Liên minh Các giá trị Chia sẻ hôm qua cũng ra thông cáo tuyên bố ông Gulen và phong trào của ông đã "chứng minh cam kết đảm bảo dân chủ, hòa bình trong 40 năm qua". Phong trào Gulen cũng ra tuyên bố lên án hành động đảo chính quân sự, cho rằng điều này vi phạm giá trị cốt lõi của họ.
Ông Gulen, hiện sống ở một thị trấn nhỏ trên dãy núi Pocono của tiểu bang Pennsylvania, Mỹ, cũng lên án vụ đảo chính bằng "những ngôn từ mạnh mẽ nhất". Ông nói cáo buộc phong trào Gulen đứng sau cuộc đảo chính là tuyên bố "vô trách nhiệm".
Ông Gulen nói rằng ông cũng giống nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đã trải qua nhiều cuộc đảo chính và cảm thấy "bị xúc phạm" khi bị cáo buộc có liên quan. Thủ lĩnh Gulen cho biết ông cầu nguyện cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ và mong đợi đảo chính bị dẹp yên.
Văn Việt
- Lãnh đạo thế giới quan ngại trước cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ (16/7)
- Hai nguyên nhân thúc đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính (16/7)
- Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu tổng tham mưu trưởng quân đội (16/7)
- Súng vẫn nổ dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đập tan đảo chính (16/7)
- Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến đấu cơ tiêu diệt trực thăng phe đảo chính (16/7)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nguoi-bi-cao-buoc-dat-hang-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-3437493.html
Thứ bảy, 16/7/2016 | 08:14 GMT+7
Lãnh đạo thế giới quan ngại trước cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Lãnh đạo thế giới kêu gọi các bên giữ bình tĩnh sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đảo chính.
Người ủng hộ ông Erdogan đứng trước binh sĩ ở quảng trường Taksim. Ảnh: AP
|
Đại diện chính phủ Đức viết trên Twitter: "Trật tự của nền dân chủ cần được giữ vững, phải làm tất cả để bảo vệ tính mạng con người".
Tại Hy Lạp, các lực lượng vũ trang và cảnh sát đang tổ chức họp khẩn cấp ở thủ đô Athens nhằm đánh giá tình hình ở quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà chức trách miêu tả lực lượng vũ trang hiện được đặt trong tình trạng "sẵn sàng cao độ".
Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ "được bầu một cách dân chủ" ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo AFP. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có ý nghĩa chiến lược to lớn.
"Tổng thống và Ngoại trưởng đều nhất trí rằng tất cả các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ nên ủng hộ chính phủ được bầu dân chủ của quốc gia này, kiềm chế và tránh gây bạo lực hay đổ máu", thông báo từ Nhà Trắng cho hay.
Moscow bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đang liên tục cập nhật tình hình.
Theo Peskov, mọi chuyện đang phát triển quá nhanh nên việc đánh giá đầy đủ tình hình là khá khó khăn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Nga rất lo lắng, đồng thời thể hiện mong muốn nhìn thấy Thổ Nhĩ Kỳ trở lại ổn định và trật tự.
Ngoại trưởng Anh Borish Johnson cho hay ông cũng "vô cùng quan ngại" trước những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung kêu gọi mọi người "tránh xa những nơi công cộng và tiếp tục giữ cảnh giác".
Một quan chức NATO giấu tên nói với hãng thông tấn AP rằng tổ chức này đang "theo dõi sát sao sự việc".
Liên Hợp Quốc cũng đang cố gắng tìm cách làm rõ tình hình. "Tổng thư ký đang theo dõi sát các động thái ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ấy đã nắm được một số báo cáo về cuộc đảo chính tại đây", người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Farhan Haq nói.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay tiến hành đảo chính, tuyên bố đã kiểm soát chính phủ và ban hành thiết quân luật. Một số cuộc đụng độ đã nổ ra giữa quân đội và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Vũ Hoàng
- Phóng viên kênh truyền hình Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt binh sĩ đảo chính (16/7)
- 120 người phe đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt (16/7)
- 4 lần đảo chính thành công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (16/7)
- Diễn biến chính cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ trong hai phút (16/7)
- Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến đấu cơ tiêu diệt trực thăng phe đảo chính (16/7)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/lanh-dao-the-gioi-quan-ngai-truoc-cuoc-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-3437179.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend&utm_campaign=boxtracking
Geen opmerkingen:
Een reactie posten