maandag 11 juli 2016

Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở The Hague (Hà Lan) : Những điều cần biết + Vụ kiện Trung Quốc của Philippines


Tòa Án Trọng Tài Thường Trực : Những điều cần biết


mediaTrụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan.wikipedia
Ngày mai 12/07/2016 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA – Permanent Court of Arbitration), một định chế ít được biết đến sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.
Năm 2013, Manila đã hướng về tòa án quốc tế đặt ở La Haye, yêu cầu các thẩm phán tuyên bố các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bao trùm lên hầu hết vùng biển chiến lược này, là bất hợp pháp. Theo Philippines, các yêu sách này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, tuyên bố sẽ không tuân thủ mọi phán quyết, dù đã phê chuẩn UNCLOS.
1 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là gì ?
Có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là cơ quan liên chính phủ thường trực đầu tiên nhận đứng ra giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng tài và « các phương tiện ôn hòa khác ».
Được khai sinh năm 1899 nhân Hội nghị Hòa bình La Haye lần thứ nhất, do Sa hoàng Nicolas đệ nhị của Nga triệu tập, mục tiêu của tòa án này là tìm kiếm « những phương cách hiệu quả nhất để bảo đảm cho mọi dân tộc lợi ích của một nền hòa bình thực sự và lâu dài ».
Các trọng tài dựa vào những hợp đồng, các thỏa thuận và hiệp ước khác nhau, như của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để giải quyết. Hiện có 116 hồ sơ đang được nghiên cứu.
2 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có phải là một tòa án thực sự ?
Cái tên Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có thể gây hiểu lầm, vì đây không phải là một tòa án theo đúng nghĩa truyền thống, với các thẩm phán tuyên các bản án. Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là một định chế thường xuyên, thông qua các phiên trọng tài để giải quyết những bất đồng cụ thể.
Các phiên tòa thường họp kín, không mở rộng cho công chúng hay báo chí, trừ phi có sự đồng ý của đôi bên.
3 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực hoạt động như thế nào ?
Một vụ kiện được đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai Nhà nước thất bại, hay khi bất đồng xảy ra giữa một Nhà nước và một tổ chức công hoặc tư, hay có thể giữa hai đối tác tư nhân.
Một phiên trọng tài sẽ được chỉ định để phụ trách hồ sơ này. Gồm một, ba hay năm thành viên do các bên tranh chấp chỉ định, phiên tòa này do một trọng tài làm chủ tọa, và trọng tài này cũng phải được các bên đồng ý.
4 - Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đặt ở đâu ?
Trụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường Trực nằm trong Cung điện Hòa bình ở khu vực ngoại giao của La Haye, chung với Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ – International Court of Justice), định chế tư pháp cao nhất của Liên Hiệp Quốc.
5 - Các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có mang tính ràng buộc ?
Đúng vậy. Tất cả các quyết định của tòa, được gọi là phán quyết, mang tính bắt buộc đối với tất cả các bên tham gia vụ kiện, và phải được thực thi ngay. Tuy nhiên nếu một trong các bên không hài lòng về phán quyết, thì có thể yêu cầu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực giải thích.
Nhưng làm thế nào để buộc các bên tôn trọng phán quyết của tòa là một điều rất khó khăn. Việc thực thi phán quyết thường là « gót chân Achille » của các định chế tư pháp quốc tế.
Các Nhà nước làm ngơ hoặc coi thường các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có nguy cơ bị mất uy tín, cộng đồng quốc tế không còn tôn trọng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160711-toa-an-trong-tai-thuong-truc-nhung-dieu-can-biet


Vụ kiện Philippines-Trung Quốc : UNCLOS qua 4 câu hỏi


mediaLính Trung Quốc tuần tra gần một "bia chủ quyền" ở Trường Sa, 09/02/2016.REUTERS/Stringer
Để giải quyết vụ Manila kiện yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
1- UNCLOS được đặt ra để làm gì ?
Với ít nhất 320 điều khoản và 9 phụ lục, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dự trù tất cả các phương diện điều tiết liên quan đến biển và đại dương, từ chủ quyền quốc gia cho đến việc khai thác các nguồn lợi kinh tế đáy biển, hay vấn đề hàng hải, tranh chấp giữa các nước.
2 - Nguyên nhân ra đời của UNCLOS ?
Đã từ lâu chỉ có nguyên tắc tự do trên biển được chấp nhận. Theo Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc có từ thế kỷ 17 quy định « các quyền quốc gia và thẩm quyền xét xử liên quan đến các đại dương được giới hạn ở vòng đai hẹp bao quanh vùng duyên hải của một Nhà nước ». Phần còn lại của biển « được cho là mở rộng cho tất cả, không là của riêng một ai ».
Nhưng đến giữa thế kỷ 20, các công nghệ mới ra đời, nhất là kỹ nghệ khai thác dầu khí, đã gây ra căng thẳng dữ dội giữa các cường quốc biển, xung quanh vấn đề đánh cá và khai thác nguồn lợi thiên nhiên.
Năm 1945, Hoa Kỳ đơn phương mở rộng lãnh hải của mình. Tiếp theo là Achentina, Ethiopia, Ả Rập Xê Út, Indonesia, Philippines.
Bị xâm lấn từ khắp nơi và được thèm muốn, đại dương nay chất chứa nhiều mối nguy : tàu ngầm nguyên tử, các tàu chở dầu gây ô nhiễm và nhiều loại vũ khí khác.
Năm 1967, đứng trước « xung đột trước mắt có thể tàn phá các đại dương », đại sứ Malta tại Liên Hiệp Quốc, ông Arvid Pardo đã kêu gọi « một chế độ quốc tế hiệu quả về đáy biển và đáy đại dương ».
3 - UNCLOS ra đời từ bao giờ ?
Được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng 4/1982, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển với 168 quốc gia thành viên, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994 khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn.
4 - Những xung đột nào đã diễn ra ?
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển dự kiến bốn định chế tùy theo chọn lựa nhằm giải quyết bất đồng. Đó là Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (ITLOS - International Tribunal for the Law of the Sea), Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ – International Court of Justice), trọng tài và cuối cùng là trọng tài đặc biệt.
Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển, định chế tư pháp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển gồm có 21 thành viên độc lập do các Nhà nước liên quan bầu lên, đã xử lý 25 vụ kiện kể từ năm 1997 đến nay.
Trong vụ « cá ngừ vây xanh » chẳng hạn, Úc và New Zealand muốn Nhật Bản chấm dứt việc đơn phương đánh bắt thử nghiệm loại cá này, được tiến hành kể từ tháng 6/1999. Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã ấn định hạn ngạch đánh bắt hàng năm, các biện pháp tồn trữ và quản lý hàng tồn.
Ngoài vụ Philippines kiện Trung Quốc đang được thụ lý, năm 2015 Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã ra phán quyết buộc Matxcơva phải bồi thường cho Hà Lan những thiệt hại do vụ khám xét tàu Arctic Sunrise năm 2013, bị giữ gần một năm trời ở Mourmansk (Nga). Chiếc tàu phá băng mang cờ Hà Lan do Greenpeace khai thác đã tiến hành chiến dịch bảo vệ môi trường, nhắm vào một giàn khoan dầu của tập đoàn Gazprom tại Biển Barents.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160711-vu-kien-philippines-trung-quoc-unclos-qua-4-cau-hoi

Barack Obama đề nghị Quốc Hội phê chuẩn UNCLOS

mediaTổng thống Barack Obama tham dự một buổi lễ của Học viện Không Quân Hoa Kỳ, tại Colorado Springs, ngày 02/06/2016.REUTERS/Kevin Lamarque
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 02/06/2016 đã đề nghị Quốc Hội phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhằm đối phó với sự bế tắc trước hành vi độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Phát biểu tại Học Viện Không Quân Hoa Kỳ ở Colorado, ông Obama nhấn mạnh, Quốc Hội nên phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc, quy định việc giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Trong nhiệm kỳ của tổng thống Obama, căng thẳng về ngoại giao và quân sự đã tăng lên do Trung Quốc cố áp đặt yêu sách chủ quyền lên hầu như toàn bộ Biển Đông - vùng biển quan trọng cho giao thương quốc tế, đồng thời có nguồn tài nguyên tiềm tàng rất lớn.
Biển Đông cũng là nơi mà Bắc Kinh tập trung nỗ lực để chuyển đổi lực lượng hải quân từ việc phòng vệ vùng duyên hải sang hoạt động ngoài khơi xa, để có thể phô trương sức mạnh răn đe trên toàn khu vực. Các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây lo sợ cho các láng giềng đang đòi hỏi chủ quyền, và dẫn đến một loạt các động thái "ăn miếng trả miếng" giữa Bắc Kinh và Washington.
Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho Hải Quân Hoa Kỳ tuần tra trong khu vực để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Nhà Trắng tin rằng việc Quốc Hội không phê chuẩn UNCLOS đã gây bất lợi cho chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Ông Obama tuyên bố : « Nếu chúng ta thực sự quan ngại trước các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, thì Thượng Viện phải hỗ trợ bằng cách phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Lời kêu gọi của tổng thống Mỹ được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, lúc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye sắp quyết định về vụ Philippines kiện Trung Quốc, và Bắc Kinh giận dữ tuyên bố là sẽ không chấp nhận phán quyết.
Trong bối cảnh đó, tuần tới ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp gỡ ông Dương Khiết Trì, cố vấn cấp cao phụ trách vấn đề ngoại giao của Trung Quốc, trong khuôn khổ Đối thoại thường niên Mỹ-Trung. Bản tin ngày 02/06 của Tân Hoa Xã dẫn lời thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ « giữ lời hứa không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông »« chấm dứt mọi hành động khiêu khích » Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160603-tong-thong-my-obama-de-nghi-quoc-hoi-phe-chuan-unclos-de-doi-pho-voi-trung-quoc

Biển Đông : Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS

mediaẢnh chụp từ một phi cơ quân sự Philippines cho thấy Trung Quốc đang đào đắp tại Palawan, Trường Sa, 11/05/2015.REUTERS/RITCHIE B. TONGO/POOL
Các nguồn tin ngoại giao, ngày hôm qua, 20/06/2016, cho hãng tin Kyodo biết là Trung Quốc đã nói với các nước châu Á khác là họ có thể rút ra khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để trả đũa, nếu như Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết trái với lập trường của Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực được thành lập trong khuôn khổ Công ước.
Năm 2013, Philippines đã đệ đơn lên tòa đề nghị xem xét tính hợp lệ của bản đồ « chín đoạn » thể hiện tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo giới chuyên gia, điều mà Trung Quốc lo ngại là tòa bác bỏ bản đồ « chín đoạn » và không thừa nhận các cơ sở pháp lý của các đòi hỏi lãnh thổ của Bắc Kinh.
Theo nhiều nguồn tin, trong những tuần tới, Tòa Án sẽ ra phán quyết về vụ kiện này và có rất nhiều khả năng bất lợi cho Trung Quốc.
Chính vì thế, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao thuộc Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á  (ASEAN) là Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút ra khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước này năm 1996 nhưng nhiều lần tuyên bố là Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không có thẩm quyền xét xử vụ kiện và cũng sẽ không chấp hành các phán quyết của tòa nếu bất lợi cho Bắc Kinh. Mặt khác, Trung Quốc chỉ trích Philippines đã không chịu giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông thông qua đàm phán song phương. Đồng thời Bắc Kinh lên án các nước ngoài khu vực can thiệp vào hồ sơ này.
Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ không có quyền nói đến vụ kiện vì bản thân Washington không phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh tố cáo Mỹ muốn khai thác vụ này để tạo dựng liên minh trong khu vực nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không mang tính ràng buộc, nhưng quyết định không thi hành phán quyết sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160621-bien-dong-trung-quoc-doa-rut-khoi-cong-uoc-lien-hiep-quoc-ve-luat-bien-neu-bi-toa-an

Geen opmerkingen:

Een reactie posten