dinsdag 12 juli 2016

Tính năng của tàu ngầm hạt nhân mới Type 093B của Trung Quốc khiến Mỹ e ngại + 4 điểm yếu của đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc

Thứ hai, 11/7/2016 | 06:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 11/7/2016 | 06:00 GMT+7

Tính năng của tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc khiến Mỹ e ngại

Tàu ngầm hạt nhân Type 093B mới của Trung Quốc được cho là có độ êm và uy lực sánh ngang tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles cải tiến của Mỹ.

tinh-nang-cua-tau-ngam-hat-nhan-moi-cua-trung-quoc-khien-my-e-ngai
Hình ảnh rò rỉ trên mạng về tàu ngầm hạt nhân lớp Thương Type 093 của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik.
Việc Trung Quốc mới cho ra mắt một loại tàu ngầm tấn công hạt nhân mới định danh Type 093B khiến các chuyên gia phân tích hải quân Mỹ phải tỏ ra e ngại. Giới chuyên gia tin rằng uy lực của lớp tàu ngầm này có thể sánh ngang với tàu ngầm Mỹ và là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nhanh chóng bắt kịp công nghệ của phương Tây, theo National Interest.
Jerry Hendrix, giám đốc chương trình Đánh giá chiến lược Quốc phòng ở Trung tâm An ninh Mỹ cho rằng loại tàu ngầm mới của Trung Quốc chạy êm hơn và được trang bị một loạt vũ khí mới, gồm các tên lửa hành trình và ống phóng thẳng đứng, có sức mạnh tương đương với tàu ngầm lớp Los Angeles cải tiến của hải quân Mỹ.
Theo Phó đô đốc Joseph Mulloy, phó tư lệnh hải quân phụ trách tích hợp năng lực và các nguồn lực hải quân Mỹ, Washington đang có khoảng 52 tàu ngầm tấn công, và con số này sẽ giảm xuống 41 tàu vào năm 2029. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc có ít nhất 70 tàu ngầm và đang đóng thêm.
Muốn đối phó với số lượng tàu ngầm nhiều hơn của Trung Quốc, Mỹ buộc phải đạt được ưu thế vượt trội về chất lượng.
Dù các tàu ngầm lớp Los Angeles cải tiến không thể sánh bằng các tàu ngầm tấn công lớp Seawolf và Virginia mới của Mỹ, nhưng các tàu thế hệ cũ này hiện vẫn là trụ cột của hạm đội tàu ngầm trong nhiều năm tới.
Trong bối cảnh đó, nếu đánh giá của Hendrix về uy lực của các tàu ngầm Trung Quốc tương lai là đúng, hải quân Mỹ sẽ gặp rắc rối lớn, bởi ưu thế về công nghệ hẹp như vậy là không đủ để giúp hải quân nước này đối phó với ưu thế về số lượng của hải quân Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trong báo cáo "Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2016" trình quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc lưu ý rằng Bắc Kinh tiếp tục nâng cấp và mở rộng hạm đội tàu ngầm với việc bổ sung thêm bốn tàu ngầm Type 093 cùng với hai chiếc khác cùng loại hiện có trong biên chế để thay thế tàu ngầm Type 091 đang trở nên lạc hậu.
tinh-nang-cua-tau-ngam-hat-nhan-moi-cua-trung-quoc-khien-my-e-ngai-1
Tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Các tàu ngầm Type 093 cải tiến này được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) có thể khai hỏa tên lửa hành trình diệt hạm tiên tiến YJ-18. Trong thập kỷ tới, Trung Quốc có thể đóng tàu ngầm tên lửa dẫn đường năng lượng hạt nhân Type 095 mới giúp hải quân nước này không chỉ cải thiện năng lực tác chiến chống ngầm mà còn bổ sung năng lực tấn công mặt đất từ dưới lòng biển.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar, nhận ra việc thiếu hụt số lượng các tàu tấn công trong tương lai, hải quân Mỹ đang mong muốn mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công của mình bằng việc đóng thêm hai tàu lớp Virginia mỗi năm, dù đã và đang bắt tay vào chế tạo tàu ngầm tên lửa đạn đạo trong chương trình thay thế tàu lớp Ohio thế hệ mới.
Majumdar cho rằng nếu đang bị Trung Quốc bắt kịp về công nghệ, hải quân Mỹ cần nhanh chóng phát triển tàu ngầm thế hệ mới kế thừa tàu ngầm lớp Virginia trong chương trình tàu ngầm SSN(X) dự kiến đưa vào biên chế năm 2044.
Tuy nhiên, không ít các chuyên gia tỏ ra hoài nghi trước việc Bắc Kinh có thể đạt được những tiến bộ lớn về công nghệ nhanh như vậy và lưu ý rằng thông tin về khả năng tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc vẫn rất ít ỏi.
"Tàu ngầm Type 093B vẫn là một dấu hỏi lớn nhưng rõ ràng hải quân Trung Quốc có tham vọng đạt được bước tiến lớn về công nghệ vũ khí và độ êm của tàu ngầm. Dù sao tôi vẫn nghi ngờ về điều này", chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Mike Mc Devitt, hiện là chuyên gia phân tích ở trung tâm Phân tích hải quân Mỹ (CNA), khẳng định.
Duy Sơn


34
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quoc-phong/tinh-nang-cua-tau-ngam-hat-nhan-moi-cua-trung-quoc-khien-my-e-ngai-3431980.html?utm_source=detail&utm_medium=box_tinkhac&utm_campaign=boxtracking

Thứ ba, 7/6/2016 | 13:30 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 7/6/2016 | 13:30 GMT+7

4 điểm yếu của đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc

Những hạn chế về vũ khí, công nghệ và kinh nghiệm tác chiến khiến các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc khó phát huy khả năng trả đũa hạt nhân.

4-diem-yeu-cua-doi-tau-ngam-hat-nhan-chien-luoc-trung-quoc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Type 094 của Trung Quốc. Ảnh: RT
Để thực hiện đòn trả đũa hạt nhân, mỗi quốc gia bắt buộc phải đảm bảo một bộ phận trong lực lượng hạt nhân của mình có thể sống sót sau đợt tấn công phủ đầu của đối phương. Nhờ khả năng ẩn náu bí mật trong đại dương, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) mang tên lửa đạn đạo, trong đó có tàu ngầm Type 094 lớp Tấn, được Trung Quốc coi là thành tố quan trọng đối với năng lực trả đũa của nước này, theo National Interest.
Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của Phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho rằng dù tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn có thể được coi là một bước tiến mạnh trong nỗ lực phát triển khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh, nhưng các mẫu SSBN "non trẻ" này vẫn tồn tại những điểm yếu rất lớn.
Theo các chuyên gia Bonnie Glaser và Mathew Funaiole ở tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), điểm yếu đầu tiên của tàu ngầm Type 094 là khả năng tác chiến của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được lắp đặt trên tàu.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (SLBM) mang tên JL-2 của Type 094 có thể mang theo từ một đến ba đầu đạn hạt nhân, nhưng có tầm bắn tương đối ngắn, ước tính khoảng 7.400 km.
Để tấn công được vào lục địa Mỹ bằng JL-2, tàu ngầm Trung Quốc buộc phải đi qua một số chốt chặn để tiến vào Thái Bình Dương, trong khi công nghệ tàng hình của Type 094 không được đánh giá cao và dễ dàng bị các hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) phát hiện.
Bên cạnh đó, Type 094 vẫn tồn tại một số lỗi cơ bản về thiết kế như khoang tên lửa có thể tích lớn ở phía đuôi và cửa xả nước được tích hợp vào khoang dễ bị hệ thống định vị thủy âm phát hiện.
Báo cáo của ONI năm 2009 cho thấy tàu ngầm Type 094 có độ ồn lớn hơn các tàu ngầm lớp Delta III của Nga từ thập niên 1970, khiến nó dễ bị lộ mặt trước hệ thống thủy âm hiện đại của Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, tên lửa JL-2 nó mang theo liên tục phóng thử thất bại, và ở thời điểm năm 2013 vẫn chưa rõ Trung Quốc đã phóng thử thành công loại tên lửa này hay chưa.
Theo Christian Conroy, chuyên gia vũ khí hạt nhân và an ninh khu vực Đông Á, ngay cả khi các cải tiến kỹ thuật giúp Type-094 tránh được sự theo dõi của các thiết bị chống ngầm tối tân, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (BMD) nhiều khả năng sẽ ngăn chặn được hầu hết tên lửa JL-2 phóng từ các địa điểm khả thi như vịnh Bột Hải và Biển Đông. 
Khi tàu ngầm lớp Tấn phóng tên lửa JL-2, các hệ thống radar phòng thủ Aegis triển khai gần bờ biển Trung Quốc sẽ ngay lập tức phát hiện và kích hoạt tên lửa đánh chặn SM-3 sau 5 giây. Ngoài việc triển khai bổ sung các tên lửa đánh chặn SM-3 ngoài khơi và điểm đánh chặn mặt đất (GBI) ở California và Alaska, Lầu Năm Góc dự tính triển khai hệ thống SM-3 Block IIA có thể đánh chặn mọi tên lửa có khả năng vươn tới Mỹ của Trung Quốc.
Điểm yếu thứ ba là hải quân Trung Quốc đang tỏ ra thiếu kinh nghiệm trong việc duy trì các chuyến tuần tra răn đe trên các đại dương. Bắc Kinh vốn có truyền thống chỉ dựa vào các tên lửa liên lục địa trên mặt đất để thể hiện khả năng răn đe, do đó các chỉ huy tàu ngầm Type 094 của Bắc Kinh chưa được huấn luyện nhiều về quá trình kiểm soát và phóng tên lửa trong trường hợp xảy ra khủng hoảng và xung đột.
Điểm yếu cuối cùng là Bắc Kinh đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật trong việc thiết lập hệ thống chỉ huy và kiểm soát (C2) dành cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của nước này. 
C2 là hệ thống liên lạc hiện đại giữa các lãnh đạo cấp cao ở đại lục với các giao thức khai hỏa trên tàu ngầm nhằm đảm bảo việc phóng tên lửa chỉ được tiến hành khi hoàn toàn bắt buộc, phòng khi một tàu ngầm hạt nhân mất liên lạc với trung tâm.
Nước biển mặn khiến sóng vô tuyến chỉ có thể lan truyền trong khoảng cách ngắn dưới đại dương, khiến các trạm liên lạc phải sử dụng các sóng radio dải tần rất thấp (VLF) hoặc tầm cực thấp (ELF) để gửi tín hiệu cho tàu ngầm.
Tận dụng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông
Theo chuyên gia Glaser, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông để đảm bảo an toàn cũng như tăng cường khả năng triển khai ra Thái Bình Dương cho các tàu ngầm hạt nhân của nước này. Việc kiểm soát được Biển Đông có thể giúp Trung Quốc khắc phục những hạn chế của căn cứ tàu ngầm hiện nay trên đảo Hải Nam, bởi các tàu ngầm khi hoạt động xa căn cứ này rất dễ bị các hệ thống săn ngầm của Mỹ phát hiện.
Bên cạnh đó, việc triển khai phi pháp các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (có thể là các đảo khác) với tầm bắn 201 km sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng đối phó các máy bay săn ngầm của nước ngoài trong trường hợp nổ ra khủng hoảng.
Các lực lượng săn ngầm của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Việc thiết lập các căn cứ không quân mới trên đảo nhân tạo phi pháp dành cho máy bay săn ngầm có khả năng giúp Bắc Kinh đối phó với các tàu ngầm tấn công của đối phương đang theo dõi sát sao hạm đội SSBN của Trung Quốc.  Những nỗ lực này có thể bù đắp được những điểm yếu và tăng cường năng lực trả đũa của Trung Quốc.
Hiện có rất ít thông tin công khai về việc phát triển công nghệ tên lửa và tàu ngầm mới và chưa rõ khi nào Trung Quốc có thể giải quyết triệt để các vấn đề trên. Dù sao, việc đảm bảo hành trình an toàn ở Biển Đông cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, theo Glaser.
"Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc vẫn phải hoạt động xa căn cứ trên đảo Hải Nam, băng qua các chốt kiểm soát chiến lược đến các địa điểm ở xa và không được đảm bảo an toàn như ở gần bờ, một nhiệm vụ quá khó với hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn hiện nay của Trung Quốc", bà Glaser nhấn mạnh.
Duy Sơn


33
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten