vrijdag 8 juli 2016

Tập Cận Bình lấn lướt Đảng Cộng sản Trung Quốc với 89 triệu đảng viên, chiếm 6,5% dân số


Tập Cận Bình lấn lướt Đảng Cộng sản Trung Quốc


mediaTranh hoạt hình ca ngợi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận BìnhDR
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm tiêu tan hình ảnh một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, khi áp đặt lên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một chiến dịch chống tham nhũng quy mô mang tính thanh trừng. Bên cạnh đó, ông ta ngày càng tập trung thêm nhiều quyền hành, nuôi dưỡng chế độ sùng bái cá nhân lãnh tụ. Các nhà phân tích cảnh báo, tình trạng này có nguy cơ gây bất mãn trong bộ máy Đảng.
Khi lên giữ chức Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư cách đây hai năm vào tháng 3/2013, Tập Cập Bình được coi là một ứng viên dung hòa giữa hai phe phái đối địch, được cả hai người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào ủng hộ.
Nhưng tầm cỡ của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập tung ra, đánh vào nơi này nơi kia trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, đã đi ngược lại với thái độ thận trọng trước đây.
« Nếu các cán bộ Đảng hoài nghi về những gì sẽ diễn ra trong tương lai, chắc chắn họ sẽ không chọn lựa Tập Cận Bình. Nay ông ta lộ ra bộ mặt ngược hẳn với những gì người ta hình dung trước đây : Tập Cận Bình là hiện thân hoàn hảo của một kẻ phá đám ». Ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Claremont McKenne College ở Hoa Kỳ, nói thẳng như trên.
Theo chuyên gia trên, từ sau cái chết của Mao Trạch Đông, người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1976, ĐCSTQ tỏ ra « vô cùng bảo thủ về mặt chính trị » để tránh những lệch lạc. Với nguyên tắc ngầm là các nhà lãnh đạo phải quyết định theo đồng thuận, không đe dọa sự toàn vẹn của khối cán bộ chóp bu, không chấp nhận một lãnh tụ nắm toàn bộ quyền lực, không áp đặt sùng bái cá nhân.
Bùi Mẫn Hân giải thích : « Giang Trạch Dân cũng như Hồ Cẩm Đào đều hành động trong khuôn khổ này ». Ngoài Tập Cận Bình ra, cả sáu ủy viên thường trực khác của Bộ Chính trị « đều không thực sự là loại người có thể đảo lộn tình hình ».
Đem lại sức sống cho một hệ thống èo uột ?
Tất nhiên là các chuyên gia nghi ngờ về tính hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng trong Đảng do Tập Cận Bình tung ra, trong khi không có những cải cách thực sự về bề sâu.
Nhưng tháng này sang tháng khác, các thông báo về điều tra và cách chức không ngừng nở rộ. Từ các lãnh đạo tập đoàn nhà nước đến cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, hay các tướng lãnh cao cấp, trong đó có cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Từ Tài Hậu…dường như không ai có thể được yên thân.
Cùng lúc đó, khuôn mặt có vẻ hiền từ của Tập Cận Bình xuất hiện dày đặc trên tất cả các phương tiện truyền thông, và thậm chí trên mọi ngả đường. Các nhà hàng đều có treo ảnh chân dung ông Tập, những bài hát, bài viết ca ngợi Tập Cận Bình đầy dẫy trên internet. Ông ta là Chủ tịch được Nhân dân Nhật báo nêu tên nhiều nhất trong 18 tháng đầu nắm quyền, kể từ thời kỳ Mao Trạch Đông đến nay.
Báo chí nhà nước mới đây còn dành vô số bài báo để ca ngợi những « đóng góp về lý luận » của Tập Cận Bình, tuy ông ta chỉ nhai lại các công thức cổ lỗ sỉ của Đảng.
Đối với Barry Naughton thuộc trường đại học California, các tham vọng của Tập Cận Bình được biểu hiện qua « nỗ lực tạo sự năng động trên mọi phương diện để trở thành một lãnh tụ quyền năng (đứng trên mọi lãnh tụ khác), và gợi lại sinh khí cho toàn hệ thống » - một chiến lược có thể gây nguy hiểm.
« Luôn có thêm nhiều chiếc đầu phải rơi rụng »
Ông Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), thuộc City University of Hongkong nhấn mạnh, trên thực tế, cuộc săn lùng bất tận các quan chức tham nhũng « khiến các cán bộ Đảng phải rất chú ý », lo ngại cho sự nghiệp của mình. Chuyên gia này nhận xét: « Hiện đang có xu hướng không muốn lao vào các dự án lớn hay đưa ra các sáng kiến quan trọng. Tình trạng này rốt cuộc sẽ ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và không khí trong nội bộ Đảng ».
Đối với Trịnh Vũ Thạc, nỗi ám ảnh của Tập Cận Bình là thoát khỏi mô hình phản xô-viết khi Gorbatchev « phá hủy Đảng nhân danh cải cách kinh tế ». Thế nên mệnh lệnh của ông Tập là « tăng cường ý thức hệ và loại trừ các tư tưởng phương Tây ».
Bên cạnh đó, các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ tố cáo chiến dịch đàn áp thô bạo : các blogger bình thường, những người tranh đấu cho nữ quyền, thậm chí các thành viên xã hội dân sự đấu tranh chống tham nhũng bị bắt bớ.
Chuyên gia Tăng Nhuệ Sanh (Steve Tsang), trường đại học Nottingham cảnh báo : Chiến dịch của Tập Cận Bình chống lại các quan tham « gây nhiều bực tức và bối rối trong số các đồng chí của ông ta ». Và từ nay « còn nhiều chiếc đầu khác sẽ phải rơi rụng » để duy trì áp lực, nếu không, tâm trạng bất mãn trong nội bộ Đảng sẽ biến thành đương đầu.

http://vi.rfi.fr/20150313-tap-can-binh/

Trung Quốc : Đảng viên tăng chậm dưới thời Tập Cận Bình
Le Figaro quan tâm đến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, còn nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến mức độ « tăng trưởng » của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chưa bao giờ đảng Cộng Sản Trung Quốc lại đông đảo như hiện nay, với 89 triệu đảng viên, chiếm 6,5% dân số.
Tuy nhiên, Les Echos ghi nhận : năm 2015, số người mới vào đảng Cộng Sản « chỉ là » một triệu, tương đương 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với 3,1% năm 2012, khi ông Tập Cận Bình mới nhập chức.
Trở thành đảng viên Cộng Sản không còn là chuyện dễ dàng như trước, với một loạt các rào cản thủ tục, cuộc chiến « chống tham nhũng » cũng có thể là nguyên nhân làm giảm số cán bộ « tha thiết » muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhìn chung, đảng Cộng Sản cũng giống như xã hội Trung Quốc đang già đi. Giới trẻ ngày nay không còn nhiều háo hức với một tổ chức không còn mang lại nhiều lợi ích cho họ, trong lúc nền kinh tế thì ngày càng tư nhân hóa. Trong dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhật Đảng, ông Tập Cận Bình một lần nữa lại hô hào trở lại với « chủ nghĩa Mác », với « tinh thần kỷ luật ». Theo lãnh đạo Trung Quốc, nếu không nghiêm khắc, đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể « mất quyền lãnh đạo ».
Vẫn về Trung Quốc, phụ trương Kinh Tế của Le Figaro chú ý tới tham vọng đi đầu trong việc phát triển công nghệ 5G của tập đoàn viễn thông và điện tử Trung Quốc Hoa Vi - Huawei, với cuộc phỏng vấn chủ tịch tập đoàn, ông Ken Hu. Với lợi thế của tốc độ siêu nhanh (gấp hàng trăm lần so với 4G và hàng nghìn lần so với 3G), lãnh đạo Hoa Vi hy vọng 5G sẽ là « hạ tầng cơ sở chủ yếu » của kỷ nguyên Internet kết nối đồ vật, và thậm chí của « toàn xã hội ». Hoa Vi hiện được đánh giá là tập đoàn viễn thông số một thế giới và đứng thứ ba về điện thoại thông minh, sau Sam Sung và Appel. Châu Âu là một thị trường nơi Hoa Vi đang bành trướng mạnh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160705-an-do-dau-may-kinh-te-the-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten