vrijdag 6 december 2013

Nhà báo Phạm Chí Dũng xin ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam

Nhà báo Phạm Chí Dũng xin ra khỏi đảng


phamchidung
TS Phạm Chí Dũng (thứ 2 bên phải) cùng bạn hữu trong một chuyến đi Long An thăm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trước đây.
file photo

Nhà báo, nhà văn, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã chính thức viết đơn xin ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam.
Trong một tâm thư gửi đi từ thành phố Hồ Chí Minh hôm nay thứ Năm 05/12/2013, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết sở dĩ ông quyết định ra khỏi đảng là vì “Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản”.
Được biết, nguyên là một cán bộ kỳ cựu công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM, ông Phạm Chí Dũng là tác giả của nhiều bài phân tích, bình luận được đăng tải trên các website trong và ngoài nước thời gian gần đây.
Dưới đây là nguyên văn bức tâm thư và đơn xin ra khỏi đảng của ông Phạm Chí Dũng mà Đài Á Châu Tự Do có được.

Tâm thư từ bỏ Đảng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013
Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:
Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.
Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.
Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?
Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.
Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.
Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Đơn xin ra Đảng


Kính gửi:     Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.
Trân trọng.
Phạm Chí Dũng
TP.HCM ngày 05 tháng 12 năm 2013

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/phamchidung-quitting-the-party-12052013124743.html

Đúng! nhưng chưa đủ…
Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Câu đầu tiên phải nói là quyết định bỏ đảng của ông Lê Hiếu Đằng và một số người là hết sức đúng đắn và có thể là đáng cổ vũ. Mặc dù nó không có quá nhiều ý nghĩa như cái cách bỏ đảng của những người trước đây như cụ Tô Hải, nhà báo Bùi Tín, Hữu Loan vv… vì ông Đằng và nhiều người khác cũng thừa hiểu đảng cộng sản sắp chết ở thời điểm này. Ra khỏi đảng là một quyết định khôn ngoan và đúng đắn của ông Lê Hiếu Đằng nếu không muốn sống chung với con tàu sắp chìm hẳn. Tuy nhiên, dù là ở thời điểm nào thì một quyết định ra khỏi đảng cộng sản mà cái tên đích thực có thể gọi là đảng cướp sạch, giết sạch cũng là một quyết định đáng hoan nghênh…!.

Câu thứ hai tôi muốn gửi tới bạn đọc là quan điểm của chúng ta không hẹp hòi và luôn mở rộng vòng tay đối với những ai bỏ đảng về với dân tộc. Lý do thứ nhất là chúng ta đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại. Lý do thứ hai là cá nhân người viết bài này mặc dù chưa một ngày nào là đảng viên, nhưng gia đình của người viết thì gần như toàn bộ liên quan đến cộng sản. Chẳng có lý do gì mà người viết “cực đoan” và “hẹp hòi” đến độ không cho kể cả những người máu mủ của mình một con đường lùi về với nhân dân. Lý do thứ ba là tôi cũng chẳng có gì liên quan đến Việt Nam cộng hòa mà một số người tự nhận ra khỏi đảng nói rằng có thể chúng tôi thẳng thắn là “liên quan đến VNCH” với tấm long “nặng thù hận”. Tôi chỉ viết ra những quan điểm của mình với một tấm lòng: Dân tộc Việt Nam mà thôi!

Câu thứ ba, tôi chỉ muốn nói đến những người bỏ đảng một vài suy nghĩ của cá nhân tôi. Mặc dù những nỗ lực để tuyên bố ra khỏi đảng thật sự đáng hoan nghênh nhưng mà theo tôi nghĩ đọc những lời “tâm sự” ra khỏi đảng của các cá nhân tôi thật sự còn một chút chưa đủ. Cái chưa đủ ở đây là gì?

Đó là mặc dù ra đảng nhưng vẫn nói “Thậm chí cả các gương tiền bối CS cũng nên học chứ đừng có nghĩ không thích/ưa CS mà bỏ qua cả về cách kỷ luật, tính hi sinh của họ” [1]. Vâng! Cái gọi là “hi sinh” ấy là ông nào cũng vợ nọ, con kia, là ẩn núp trong chăn êm đệm ấm để đẩy những người lính vào chỗ chết với khẩu hiệu “giải phóng miền nam” hoặc là cái “hi sinh” ấy là viết sách tự ca tụng mình, là hút thuốc lá P.Morris trong khi người dân không có ăn nhưng lừa dối là “bác giản dị lắm”… Hoặc “Dù muốn hay không chúng ta phải thừa nhận công lao và hy sinh của những người Cộng Sản tiền bối đã là tác nhân cuối cùng giành độc lập cho dân tộc, mặc dù như trên tôi đã viết có những việc tàn độc đối với những đảng phái yêu nước khác. Nhưng với quan điểm chính thống của người theo chủ nghĩa dân tộc, với tôi những ai/tổ chức nào đã có công trong việc đánh đuổi ngoại xâm sẽ được lịch sử và người dân tưởng nhớ đời đời. Những ai hoạt động chính trị có ý định tuyên truyền nhằm bôi nhọ, phủ nhận công sức, hy sinh của những người CSVN đời đầu nhằm đề cao tính chính danh của mình theo kiểu “đạp người xuống nhằm tôn mình lên” là những kẻ không lương thiện trong chính trị”. [2] Thì dù có ra đảng hay không cũng chỉ là hình thức mà thôi!

Cũng là ra đảng, nhưng nhiều người vẫn “trịnh trọng” ghi lên bức thư của mình là “T.P Hồ Chí Minh”. Đây không phải là cực đoan mà là một điều chúng ta phải hiểu: Khi ra khỏi đảng cướp thì không lý do gì ta dùng tên của một tên tướng cướp cho lời tuyên bố của mình. Sài Gòn là Sài Gòn, Sài Gòn không phải là “Hồ Chí Minh” – tội đồ dân tộc. Cũng không thể ra khỏi đảng mà vẫn còn nói “ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc)”[3]. Vâng! Cái gọi là “giải phóng dân tộc” là: “Ta đánh cho LX, cho Trung Quốc”, là “ Bác Hồ Ta đó chính là bác Mao”, là “Yêu Trung Quốc là tự cứu mình”, là “Công nhận HS – TS là của Trung Quốc “vv… Những cái đó được gọi là “giải phóng dân tộc” là như vậy sao?

Trong một bài viết trước đây tôi đã khẳng định những ai tuyên bố bỏ đảng những vẫn ca ngợi đảng là “không ngay thẳng”. Bài viết này tôi vẫn giữ nguyên ý kiến đó. Vì chúng ta không thể nói tôi ly khai với đảng cướp mà lại đi tôn thời “quá khứ” của những tên cướp và thủ lĩnh của những tên cướp… Thậm chí quyết định ra đảng nhưng vẫn ca ngợi đảng,ca ngợi Hồ Chí Minh còn có thể dẫn đến tác dụng ngược đó là: Chỉ có Hùng, Dũng, Sang, Trọng… hiện nay mới xấu, thôi thì dân ta cứ ra đảng để lập nên một chế độ mới gọi là “Dân chủ Bác Hồ” vì hồi trước “Bác và đảng” rất tốt, có công giải phóng dân tộc mà không cần Hùng, Dũng, Sang Trọng… nữa mà là một biến thể của cộng sản mới sẽ vô tình biến Việt Nam thành một nước Nga thứ hai đó là “Dân chủ kiểu cộng sản biến tướng” hay nói cho chính xác là “Dân chủ thờ bác Hồ”. Đó là một trong những điểm rất nguy hiểm cho phong trào dân chủ thật sự tại Việt Nam.

Đã là dân chủ và tự do đương nhiên là mọi người có quyền tự do tư tưởng. Nhưng như chúng ta đã biết ở Châu Âu văn minh, người ta dân chủ và tự do nhưng đã đặt cộng sản ra khỏi cái “tự do” đó cũng như họ đã làm với chủ nghĩa phát xít. Vậy thì chẳng lý do gì mà chúng ta cho phép “Dân chủ kiểu bác Hồ” ở Việt Nam. Đơn giản cộng sản chưa bao giờ nói mà làm và cũng chưa bao giờ vì dân cả.

Trở lại chuyện ra đảng của ông Đằng và một số người, tôi thấy thật mừng là ông Đằng và một số người đã ra khỏi đảng cướp. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu như ông và những người bỏ đảng không quay lại ca ngợi “quá khứ” của những tên cướp. Sẽ là quá khắt khe nếu đòi hỏi những người đảng viên cộng sản nói lời xin lỗi nhân dân vì theo tôi biết lời xin lỗi của những người theo cộng sản thật sự hơi xa xỉ vì cộng sản quen thói gây lỗi rồi đổ thừa mà những Cải Cách ruộng đất, những “xả lũ đúng quy trình” hay là đổ thừa cho “thế lực thù địch”…là những ví dụ nhãn tiền. Nhưng nếu không mạnh dạn xin lỗi khi ra đảng thì những người như ông Đằng cũng chỉ cần vắn tắt: “Tôi không muốn đứng ở hang ngũ của đảng cộng sản vì tôi không thích nó nữa”. Đơn giản vậy thôi là đủ! Khồng cần phải ra khỏi đảng rồi vẫn thòng một câu có lợi cho đảng như vậy. Người ta thà không nói gì hoặc nhận lỗi dũng cảm sẽ được hoan nghênh, nhưng nửa nạc nửa mỡ thì thật là chưa đáng hoan nghênh. Vì ra đảng mà vẫn ca ngợi đảng chính là đi hàng hai và không ngay thẳng.

Đã là con người, ai cũng có lỗi lầm. Nhưng việc dám nhìn nhận lỗi lầm hay không lại là một chuyện khác. Người viết bài này đã từng nói với bạn mình “Tao đã bị lừa khi tham gia đoàn thanh niên cộng sản vì tao thấy rằng tao thật sự ngu dốt khi đi theo một lũ giá áo túi cơm”. Thật sự đòi hỏi những “tiến sỹ, kỹ sư, luật sư” tự nhận mình theo đảng cộng sản là một sai lầm và xin lỗi nhân dân là điều rất khó vì họ vẫn tự cho mình là “kẻ sỹ”… Nhưng sẽ là một kẻ sỹ hoàn hảo nếu biết nhận lỗi hoặc im lặng chứ đừng ca ngợi cái “quá khứ” của một đảng cướp mà mình đã theo để hưởng bổng lộc bao năm qua… Cũng đừng đổ thừa cho việc đang ở “ánh sáng” mà phải nói hàng hai như vậy. Thiếu gì người ở ánh sáng họ vẫn thẳng thắn không sợ đảng cộng sản như những Nguyễn Văn Trấn, Trần Anh Kim, Tô Hải, Hữu Loan… Nếu ta sợ thì âm thầm làm việc chứ không phải cứ làm điều hàng hai rồi đổ thừa cho “ở ngoài sáng”.

Dù sao thì bài viết này cũng một lần nữa khẳng định nhân dân rất hoan nghênh tất cả những ai bỏ đảng. Nhưng nhân dân cần một trái tim nữa đó là: Bỏ đảng và dứt khoát lật đổ chế độ cộng sản để về với dân tộc. Đó chính là những hành động thiết thực nhất để những ai đã từng theo đảng cộng sản gây nhiều tội ác có thể chuộc lại lỗi lầm của mình. Đừng chỉ vì sợ đảng sắp sụp mà ra khỏi đảng nhưng “không lật đổ đảng” và ca ngợi “quá khứ” của đảng. Bài viết này cũng chỉ có mong muốn được thấy ông Lê Hiếu Đằng và những ai tuyên bố bỏ đảng cộng sản hãy hành động lật đổ chế độ cộng sản hãy thể hiện cho người dân chúng tôi thấy được tấm lòng thật của các vị.

Vâng! Ra khỏi đảng là đúng! Nhưng chưa đủ nếu ta vẫn còn ca ngợi đảng và chưa dứt khoát với nó. Chúng tôi, những người dân Việt Nam đang vẫn cố chở một sự thật từ chính các vị mà chỉ có thời gian và hành động của các vị mới làm cho chúng tôi tin là “Sự thật”!

06/12/2013


_____________________________

Chú thích:



[3]. 274 Comments 
 


Friday, December 6, 2013

Lời tri ân đối với Nhà báo Phạm Chí Dũng...

QLB 
Thưa anh Phạm Chí Dũng,
Được tin anh viết đơn ra khỏi đảng với lời lẽ hòa nhã nhưng kiên quyết, tôi liền gọi điện thoại để ca ngợi sự dứt khoát của anh. Nhưng tiếc thay, Đảng đã cúp điện thoại của anh. Cộng Sản là thế! Luôn luôn hành xử một cách hèn hạ.
Lâu nay, tôi thường đọc những bài viết của anh và nghe anh trả lời phỏng vấn trên đài Á Châu Tự Do. Tôi biết anh là một người trí thức, lương thiện, muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhưng thật tiếc cho anh và cho những người như anh ôm ấp hoài bão lớn cho dân tộc. Rõ ràng nước ta đã bị Tầu Cộng đô hộ qua bàn tay của những thủ lãnh Việt Cộng.
Dưới đây là đôi hàng tôi viết comment dưới bài viết của anh Nguyễn Ngọc Già trên Dân Làm Báo:

"Có lẽ ông Lê Hiếu Đằng suýt soát tuổi tôi? Tôi có thể được hoãn dịch vì lý do học vấn. Nhưng tôi tình nguyện vào Quân đội -- Quân chủng Không Quân để góp phần bảo vệ Miền Nam. Trong khi đó ông Đằng hoạt động cho cộng sản, vào Đại học để được mang danh nghĩa sinh viên, nhưng thực chất là có mục đích xúi giục giới trẻ hăng say, nông nổi để quậy nát hậu phương Miền Nam nhằm dâng Miền Nam cho cộng sản
.
Tôi từng chở những tù binh cộng sản bị bắt ngoài chiến trường. Tôi luôn luôn đối đãi tốt với những tù binh ấy, vì họ nếu không bị Đảng đẩy vào cuộc chiến, thì họ cũng có cái can đảm trực diện với người lính Miền Nam. Nghĩa là những người lính cộng sản ở Miền Bắc không đâm sau lưng chiến sĩ VNCH. Còn những người mang danh "trí thức" nhưng lén lút đâm sau lưng chúng tôi. Cho nên, dù Miền Nam có một đạo quân thiện chiến đến mấy cũng không thể bảo vệ được Miền Nam. Những người "nằm vùng", theo tôi, là những kẻ phản bội Miền Nam rất nặng. Phản bội là vì họ được sống trong tự do, ăn uống đầy đủ, học hành tử tế mà lại tư thông với giặc.

Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa ... rất sớm sủa nhìn bộ mặt đểu cáng của cộng sản rất sớm, sau Tháng 4 năm 75. Nên Trương Như Tảng đã tìm đường vượt biển; Dương Quỳnh Hoa đòi ra khỏi Đảng (vì sợ Đảng mang tiếng xấu, nên Phạm văn Đồng yêu cầu bác sĩ cứ lẳng lặng ra khỏi, không được công khai tuyên bố.
Trong khi đó, ông Lê Hiếu Đằng vẫn ở lỳ trong Đảng, cho đến khi ốm liệt giường thì mới tỏ ra cay đắng với Đảng. Và viết một bài tả oán và kêu gọi các đảng viên cộng sản bỏ đảng tập thể. Nhận thấy ông Đằng kêu gọi bỏ Đảng tập thể, mà bản thân ông chưa ra khỏi đảng, tôi đã viết bài chê ông Đằng không dám bỏ đảng mà kêu gọi "đồng chí" bỏ đảng tập thể thì lời kêu gọi sẽ vô giá trị, mà còn khiến cho người ta nghi ngờ biết đâu ông Đằng được lệnh Đảng xuất chiêu giống như Phong trào Nhân Văn vào năm 1956 để hốt "trọn gói".

Tôi đã bị những người bạn trong phong trào dân chủ trong nước trách tôi không có lòng bao dung đối với kẻ chạy lại. Không! Tôi muốn sự rạch ròi, dứt khoát, bởi vì kinh nghiệm sống không cho phép tôi tin những gì cộng sản nói. Nay ông Đằng đã làm đơn xin bỏ Đảng, tôi đề nghị ông Đằng bước thêm một bước nữa. Ấy là tỏ lời xin lỗi đồng bào Miền Nam, vì những người như ông Đằng là nguyên nhân làm cho xã hội Miền Nam xuống cấp, bệ rạc về mọi phương diện văn hóa, đạo đức, lối sông... Phàm là con người, ai cũng có thể phạm lỗi lầm. Nhưng biết ân hận, biết ăn năn làm cho

nhân cách của mình lớn lên và lương tâm mình thanh thản. Hy vọng những ông "nằm vùng" như Huỳnh Tấn Mẫm, Hạ Đình Nguyên, Hồ Ngọc Nhuận còn đôi chút lương tâm để tạ tội với nhân dân Miền Nam.

Ông Đằng đã bỏ đảng. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bỏ đảng. Bao giờ đến lượt Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố bỏ đảng thì tên tuổi họ sẽ lưu lại tiếng thơm trong lịch sử. Lúc bấy giờ toàn dân sẽ công kênh các ông và đoàn kết một lòng chống lại kẻ thù truyền kiếp Phương Bắc không còn là điều khó khăn.
Bằng Phong Đặng văn Âu.
Hy vọng địa chỉ email của anh chưa bị Việt Cộng phong tỏa để email này có thể đến tay anh.

Thân ái,
Bằng Phong Đặng văn Âu
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten