Mặt nạ phòng độc đặc biệt ở Thái Lan
Trong khi cảnh sát Thái Lan tiếp tục sử dụng hơi cay chống lại người biểu tình, nhiều loại mặt nạ tự chế bắt đầu xuất hiện tại các điểm xung đột ở Bangkok.
Cảnh sát Thái Lan bắt đầu dùng hơi cay vào khoảng trưa ngày 1/12, nhằm ngăn chặn người biểu tình di dời các tấm bê tông được thiết lập tại cầu Chamai Maruchet. Để đối phó với hơi cay của cảnh sát, người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đang vận dụng trí sáng tạo, phát minh ra nhiều loại mặt nạ độc đáo. Ảnh: TheNation
|
Trong ảnh, một người biểu tình ở Bangkok dùng chai nước 5 lít và kính bơi để tạo thành mặt nạ chống hơi cay, và không quên buộc tấm vải in màu cờ cùng chữ Thailand. Ảnh: AFP
|
Có người chỉ đơn giản đeo khẩu trang và trùm một túi nilon lên đầu. Ảnh: AFP
|
Một nhà sư Thái đeo kính và mặt nạ chống hơi cay chuyên dụng, tay cầm chai nước muối, giúp rửa mắt cho người bị dính hơi cay. Ảnh: AFP
|
Ban đầu những người biểu tình chỉ đeo khăn ướt khi thấy dấu hiệu của khói và hơi cay, nhưng đến ngày hôm qua, họ bắt đầu có những dụng cụ tốt hơn. Ảnh: AFP
|
Trong số khoảng 100 người bị thương hôm qua ở Bangkok, hầu hết liên quan đến việc tiếp xúc với hơi cay. Người đàn ông này chọc thêm một lỗ ở túi nilon để luồn ống hút, giúp dễ thở. Một bác sĩ được cho là đã đến cuộc biểu tình, giải thích về thiết kế đơn giản này để giúp người dân tự bảo vệ khỏi những tác hại nguy hiểm nhất của hơi cay. Ảnh: Nation
|
Các phóng viên có vẻ được trang bị kỹ càng hơn với mũ bảo hiểm và mặt nạ phòng độc chuyên dụng. Ảnh: AFP
|
Một người dùng mạng xã hội có tên Nam Nam Nam còn đăng tải một đoạn video chỉ dẫn người biểu tình vô hiệu hóa đạn hơi cay bằng cách thả nó vào nước. Ảnh: AFP
|
Các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát hôm qua bước sang ngày thứ hai, trải rộng trên 4 địa điểm ở Bangkok và làm 100 người bị thương. Phe chống chính phủ yêu cầu Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. Ảnh: AFP
|
Trọng Giáp
Tin liên quan
Thứ ba, 3/12/2013 15:01 GMT+7
Căng thẳng ở Thái bất ngờ hạ nhiệt
Hàng trăm người biểu tình Thái Lan thuộc phe đối lập vừa vào các trụ sở chính phủ mà không bị ngăn cản, sau khi cảnh sát tuyên bố sẽ không chống lại họ.
Người biểu tình hôm nay vẫy quốc kỳ sau khi vào tòa nhà chính phủ mà không bị cảnh sát ngăn cản. Ảnh: AFP
|
Theo Bangkok Post, sau cuộc đàm phán thành công giữa các lãnh đạo biểu tình và cảnh sát, người biểu tình được phép vào Sở Cảnh sát Bangkok trên đường Sri Ayuthaya.
Chính quyền vừa tháo dỡ những thanh chắn, cho phép người biểu tình vào khuôn viên của tòa nhà chính phủ "nhằm giảm căng thẳng giữa người biểu tình và cảnh sát", Krisana Pattanacharoen, một quan chức cảnh sát phát biểu trên truyền hình.
Hiện trường ở tòa nhà chính phủ đầy không khí lễ hội, khi người biểu tình ùa vào khuôn viên, thổi còi, ngồi trên bãi cỏ và chụp ảnh. Căng thẳng hạ nhiệt nhanh chóng ở thủ đô sau hai ngày bạo lực.
Có khoảng 20 cảnh sát và binh lính tại cửa của một trong các tòa nhà thuộc khuôn viên trụ sở chính phủ. Con số này cho thấy sự giảm mạnh về số lượng nhân viên an ninh tại nơi là biểu tượng quyền lực.
Hàng trăm nghìn người Thái Lan hôm 24/11 bắt đầu đổ xuống đường với mục tiêu lật đổ chính phủ trước dịp sinh nhật Quốc vương Bhumibol Adulyadej ngày 5/12. Họ cáo buộc Thủ tướng Yingluck Sinawatra bị anh trai Thaksin điều khiển, và muốn thay thế ban lãnh đạo bằng một "Hội đồng Nhân dân" để từ đó chọn ra thủ tướng mới.
Tuy nhiên, bà Yingluck hôm qua bác yêu cầu của người biểu tình về việc chỉ định lập "Hội đồng Nhân dân" bởi điều này trái với hiến pháp. Bà khẳng định mở cửa tất cả các kênh để tìm giải pháp chung và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để lập lại hòa bình.
Các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát hôm qua bước sang ngày thứ hai, và đã có 100 người bị thương.
Người biểu tình sáng nay chụp ảnh cùng mộti cảnh sát trên con đường dẫn đến Sở Cảnh sát Bangkok, một diễn biến đối lập hoàn toàn so với hôm qua, với hơi cay và bạo lực. Ảnh: BangkokPost
|
Trọng Giáp
Thứ hai, 2/12/2013 22:07 GMT+7
Tòa án Thái phát lệnh bắt thủ lĩnh biểu tình
Một tòa án Thái Lan hôm nay phát lệnh bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban với tội "nổi dậy", do nỗ lực dẫn dắt hàng trăm nghìn người lật đổ chính phủ.
Lãnh đạo phong trào biểu tình chống chính phủ Thái Lan Suthep Thaugsuban. Ảnh: AFP
|
"Lệnh bắt giữ được ban ra với tội danh nổi dậy, mức phạt là tử hình hoặc tù chung thân", Chayut Thanataweerat, phó cảnh sát trưởng Bangkok nói trên truyền hình. Dù "nổi dậy" được xem là một tội nghiêm trọng, án tử hình hiếm khi được Thái Lan áp dụng cho tội danh này.
Tuần trước, một tòa án cũng phát lệnh bắt giữ ông Suthep vì chỉ huy cuộc chiếm đóng các cơ quan bộ ngành của chính phủ.
Suthep vốn đang đối mặt với tội giết người do ra lệnh tổ chức một cuộc đàn áp người biểu tình đẫm máu năm 2010, khi ông còn là phó thủ tướng cho chính quyền đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình của phe đối lập Thái Lan vẫn bất chấp các vấn đề pháp lý trên, tuyên bố quyết tâm lật đổ chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Mỗi tối, ông Suthep lại có những bài phát biểu hùng hồn để thu hút những người ủng hộ khắp Bangkok, phản đối một đạo luật mà ông cho là tạo điều kiện để cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra quay về, được Hạ viện thông qua hôm 2/11. Ông cáo buộc chính phủ của bà Yingluck bị anh trai Thaksin điều khiển, và muốn thay thế ban lãnh đạo bằng một "Hội đồng Nhân dân".
Hàng nghìn người ủng hộ ông đã đổ xuống đường biểu tình từ ngày 24/11, với đỉnh điểm là vụ đụng độ làm 4 người chết, hơn 50 người bị thương, bên ngoài tòa nhà chính phủ hôm qua.
Họ cũng ồ ạt bao vây và chiếm giữ nhiều cơ quan chính phủ then chốt ở Bangkok. Cảnh sát buộc phải bắn đạn cao su, hơi cay và dùng vòi rồng để trấn áp đám đông đang đối phó bằng cách ném đá.
Ông Suthep, 64 tuổi, có thâm niên ba thập kỷ tham gia chính trường Thái Lan, từ chức vụ trưởng thôn đến một nghị sĩ và sau đó trở thành phó thủ tướng trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2011.
Hôm qua, trong cuộc gặp với thủ tướng tại một địa điểm bí mật, ông Suthep cho bà Yingluck chỉ hai ngày để "trao trả quyền lực lại cho nhân dân".
Tuy nhiên, bà Yingluck hôm nay khẳng định sẽ không từ chức và bác yêu cầu của người biểu tình về việc chỉ định thủ tướng mới, bởi điều này trái với hiến pháp. Bà khẳng định mở cửa tất cả các kênh để tìm giải pháp chung và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để lập lại hòa bình.
Anh Ngọc
Tin liên quan
Thứ ba, 3/12/2013 10:36 GMT+7
Cảnh hỗn loạn ở Bangkok nhìn từ trên không
Khung cảnh hỗn loạn ở Bangkok từ trên cao được ghi lại bởi một máy bay không người lái gắn camera, trong đó cảnh sát phun vòi rồng và hơi cay khiến hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ bỏ chạy.
Cảnh biểu tình ở Bangkok mà máy bay không người lái ghi lại. Ảnh: CNET
|
Video đầu tiên cho thấy một hàng rào chắn rất lớn được dựng lên ở cây cầu bên ngoài tòa nhà. Đằng sau rào chắn là các xe cảnh sát, còn phía trước là người biểu tình.
Khói trắng từ hơi cay do cảnh sát bắn ra tỏa khắp khu vực xung quanh, giữa những đám đông hỗn loạn. Họ còn dùng cả hai vòi rồng lớn phun nước để giải tán những người đang cố gắng xông vào bên trong.
Máy bay không người lái có lúc bay rất gần với vụ đụng độ, có lúc phải tăng độ cao để tránh vòi rồng.
Video thứ hai cũng được quay ở địa điểm trên nhưng vào lúc chập choạng. Hơi cay vẫn bốc cao ở hiện trường nhưng cảnh sát dường như đã đẩy lùi được hầu hết người biểu tình.
Chiếc máy bay không lái sau đó di chuyển về đường Phitsanulok, nơi rất đông người phản đối chính phủ đang tụ tập. Những người biểu tình tuyên bố 1/12 là ngày mang tính chất quyết định cho những gì mà họ gọi là "một cuộc đảo chính của nhân dân".
Video cảnh biểu tình ở Thái Lan nhìn từ trên không:
Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010. Cuộc biểu tình bắt đầu sau khi một đạo luật được cho là tạo điều kiện cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra quay về, được Hạ viện thông qua hôm 2/11. Dự luật này sau đó bị bác ở Thượng viện. Ông Thaksin, bị phế truất trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2006, hiện sống lưu vong để tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng.
Hàng trăm nghìn người dân Thái Lan bắt đầu đổ xuống đường từ ngày 24/11. Mục tiêu của họ là lật đổ chính phủ trước dịp sinh nhật Quốc vương Bhumibol Adulyadej ngày 5/12.
Họ cáo buộc chính phủ của bà Yingluck bị anh trai Thaksin điều khiển, và muốn thay thế ban lãnh đạo bằng một "Hội đồng Nhân dân".
Tuy nhiên, bà Yingluck hôm qua bác yêu cầu của người biểu tình về việc chỉ định lập "Hội đồng Nhân dân" bởi điều này trái với hiến pháp. Bà khẳng định mở cửa tất cả các kênh để tìm giải pháp chung và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để lập lại hòa bình.
Anh Ngọc
Geen opmerkingen:
Een reactie posten