Cũng về Châu Á nhưng liên quan đến Trung Quốc, nếu Le Figaro chú ý đến việc Trung Quốc phóng phi thuyền thám hiểm mặt trăng, thì Le Monde chú ý đến tính keo kiệt của Trung Quốc qua bài viết của Sylvie Kauffman, dưới tựa đề : « Làm thế nào để không có bạn. »
Tác giả bài báo nêu nhận xét hóm hỉnh là sau cơn bão Haiyan, đề nghị giúp đỡ của Trung Quốc rất là đặc biệt, đặc biệt do tính cách keo kiệt.
Bài viết bắt đầu bằng nhận xét, ai cũng biết là trong lúc khốn cùng, gặp tai họa thì người ta mới nhận ra ai là bạn. Điều này thì cứ hỏi người Philippines.
Theo Le Monde, cơn bão Haiyan, ngày 08/11, không chỉ đã tàn phá mọi thứ trên đường đi của bão, làm hơn 5.000 người thiệt mạng, gần 4 triệu người bị di dời, mà nó còn là một bài học về địa chính trị thiên tai. Nói cách khác, đây là công cuộc trợ giúp nhân đạo quốc tế, nhìn trên phương diện đóng góp nhanh chậm, phương thức giúp đỡ ra sao và mức độ trợ giúp. Những điều này phơi bày rõ các va chạm chiến lược ở Châu Á, và Trung Quốc, cường quốc đang lên, đã phơi bày một bộ mặt không tốt đẹp chút nào.
Không kể cộng động người Philippines ở hải ngoại đã ngay từ giờ phút đầu đã phát động công cuộc trợ giúp, Hoa Kỳ cùng với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, đều loan báo đóng góp ngay và nhiều - 20 triệu đô la. Mỹ còn huy động cả hàng không mẫu hạm George Washington – vì phải cứu hộ bằng đường biển.
Nối tiếp theo Mỹ là Anh Quốc và Úc. Anh cũng huy động hàng không mẫu hạm, Nhật cũng mau chóng đóng góp 30 triệu đô la, và cử 1.000 quân lính trên 3 chiếc tàu có trực thăng, mang theo lương thực, thuốc men đến cứu hộ ở những nơi khó đến. Đây là điều rất đặc biệt, hiếm thấy từ sau Thế chiến thứ hai.
Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc cũng rất đặc biệt, đặc biệt vì tính chất keo kiệt, bủn xỉn : Bắc Kinh thông báo đóng góp 100.000 đô la. Không những bị chỉ trích ở ngoài, Chính quyền Trung Quốc còn bị chỉ trích cả bên trong nước.
Le Monde trích dẫn Hoàn cầu Thời Báo, đã phải lên tiếng cho rằng một cường quốc phải có trách nhiệm giúp đỡ một láng giềng bị thiên tai cho dù đó là nước bạn hay không.
Cuối cùng Trung Quốc đã phải thông báo trợ giúp khẩn cấp Philippines 1,6 triệu đô la và gởi chiếc tàu bệnh viện duy nhất của mình tham gia cứu trợ.
Theo bài báo, dĩ nhiên Trung Quốc không có kinh nghiệm và thiết bị cứu hộ nhân đạo như Mỹ chẳng hạn, nhưng hậu ý chính trị của Bắc Kinh quá rõ. Hình ảnh còn đọng lại là phản ứng keo kiệt, nhỏ nhen lúc ban đầu, trong lúc mà Nhật đã ghi được một điểm. Ông Tập Cận Bình sẽ phải rút kinh nghiêm của sự kiện này.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten