maandag 18 november 2013

Ukraina trong tình thế "trên đe dưới búa" giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga

Chủ nhật 17 Tháng Mười Một 2013

Ukraina trong tình thế "trên đe dưới búa"

Quốc hội Ukraina, phiên họp ngày 13/11/2013
Quốc hội Ukraina, phiên họp ngày 13/11/2013
REUTERS

Thanh Hà
Hai thập niên sau ngày Liên Xô tan rã, Ukraina rơi vào cảnh « trên đe dưới búa » giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga. Cả Matxcơva và Bruxelles đều gia tăng áp lực để lôi kéo Kiev vào vòng ảnh hưởng của mình. Sau nhiều nỗ lực thắt chặt quan hệ với Châu Âu để từng bước thoát khỏi vòng kềm tỏa của Matxcơva, Ukraina đã đổi giọng khi cho rằng bình thường hóa quan hệ với Nga là « ưu tiên hàng đầu ».


Tại hội nghị của Liên Hiệp Châu Âu ở Vilnius – Litva trong hai ngày 28-29/11/2013, trên nguyên tắc, Bruxelles ký một thỏa thuận đối tác với 6 quốc gia từng là chư hầu của Liên Xô cũ, bao gồm Armenia, Azerbaidjan, Belarus, Gruzia, Moldavia và Ukraina. Thỏa thuận này phác họa ra viễn cảnh hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với các quốc gia trong vùng cho tương lai.
Trong số 6 quốc gia kể trên, thì Ukraina là nước có trọng lượng và vị trí chiến lược quan trọng nhất : Ukraina có dân số đông nhất, có diện tích lớn nhất và giàu có nhất so với 5 nước còn lại. Có lẽ vì vậy, Ukraina là nước cuối cùng trong khu vực mà Nga đành chấp nhận để thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Matxcơva : Từ nhiều năm qua, Nga luôn tìm cách lôi kéo Ukraina vào dự án thành lập một liên minh kinh tế và thuế quan giữa các nước thuộc Liên Xô cũ. Liên minh kinh tế trên nguyên tắc bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015, nhưng đến nay, mới chỉ thuyết phục được có ba quốc gia trong vùng.
Bruxelles chủ quan cho rằng thỏa thuận sắp sửa ký kết với 6 « đối tác phương Đông » vào cuối tháng này chỉ là một thủ tục. Nhưng bất ngờ, Kiev dường như đang thay đổi lập trường : Trong tuần, Hạ viện Ukraina đã hoãn lại việc biểu quyết dự luật cho phép cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko, hiện ở trong tù, ra nước ngoài chữa bệnh. Đây là một trong những điệu kiện tiên quyết để Kiev có thể lại gần với Bruxelles. Gần như cùng lúc, Thủ tướng Ukraina Mykola Azarnov lại nhấn mạnh với các phương tiện truyền thông rằng « bình thường hóa quan hệ với Nga là ưu tiên số 1 » của Kiev.
Trước đó, trong tuần lễ cuối tháng 10/2013, Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch đã bí mật bay sang Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Sotchi. Hai ông Ianoukovitch và Putin đã « làm việc » với nhau trong vòng 5 giờ đồng hồ. Theo nhiều nguồn tin, trong cuộc gặp bí mật đó, ông Putin đã đưa ra một « danh sách trừng phạt », nếu như Ukraina muốn đi theo Liên Hiệp Châu Âu.
Theo giới phân tích, với chiến thuật vừa dụ vừa dọa, Nga đang gia tăng áp lực với Ukraina trong những tuần lễ gần đây : Cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin, ông Serguei Glaziev, chính thức cảnh báo là Nga sẽ ngưng nhập khẩu hàng của Ukraina trong trường hợp Kiev ký kết thỏa thuận đối tác với Liên Hiệp Châu Âu. Còn nếu như chính quyền của Tổng thống Ianoukovitch vẫn « trung lập » thì Matxcơva hứa nhanh chóng thúc đẩy các dự án đầu tư hàng chục tỷ đô la để cùng với Ukraina phát triển các lĩnh vực không gian, hàng không, hạt nhân.
Trên thực tế, gần đây, nhiều tập đoàn công nghiệp của Ukraina, đặc biệt là ở miền đông, sát biên giới Nga bị rút giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, Nga chỉ cho các xe tải chở hàng của Ukraina đi qua biên giới một cách nhỏ giọt. Hiệp hội các doanh nhân Ukraina lo ngại trước viễn cảnh Nga đóng cửa thị trường, đã chính thức yêu cầu Tổng thống Ianoukovitch hoãn lại một năm việc ký kết hiệp ước đối tác với Châu Âu.
Ngoài áp lực trực tiếp lên chính quyền Ukrania, Nga còn gây sức ép với Litva, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu : Nga đã bất ngờ ngưng nhập sữa của Litva mà không hề đưa ra lời giải thích nào trong ba tuần lễ liên tiếp. Một số các tờ báo Nga thân cận với điện Kremlin cuối tháng 10/2013 còn tung ra cả một chiến dịch bôi nhọ Tổng thống Litva.
Theo phân tích của một quan chức Châu Âu, tất cả những động thái nói trên của chính quyền Nga cho thấy, việc Ukraina đang xích lại gần với Bruxelles không chỉ đơn thuần là một vấn đề hợp tác và kinh tế, mà đấy còn là « một cuộc đọ sức về phương diện địa chính trị » giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu. Không phải tình cờ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên bố « dân tộc Nga và Ukraina chỉ là một ». AFP cũng nhắc lại, phong trào bài Châu Âu của Ukraina hiện nay đang do một người rất thân cận với ông Putin lãnh đạo.
Trong khi đó, đối với Bruxelles, lôi kéo được Kiev về phía mình là một thắng lợi không nhỏ trong mục đích tạo nên một khu vực ổn định ở phía đông Âu.
Về phần Ukraina, giới phân tích cho rằng Tổng thống Ianoukovitch vốn được mệnh danh là « người của Matxcơva » đã muốn dùng lá bài Châu Âu để làm đối trọng với ảnh hưởng của Nga. Nhưng ông cũng ý thức được rằng, chơi với Liên Hiệp Châu Âu sẽ có lợi cho Ukraina về lâu dài, nhưng trước mắt, Kiev sẽ phải trả giá đắt – cả về chính trị lẫn kinh tế - cho việc quay lưng lại với Matxcơva. Ai cũng biết là Ukraina sẽ bầu lại Tổng thống vào năm 2015. Còn về kinh tế, Ukraina vừa bị hạ điểm tín nhiệm hôm đầu tháng. Kinh tế đang ngạt thở vì những biện pháp trừng phạt của Nga.
tags: Chính trị - Liên Hiệp Châu Âu - Nga - Phân tích - Quốc tế - Ukraina - Vladimir Putin
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131117-ukraina-giua-hai-lan-dan-cua-nga-va-chau-au

Geen opmerkingen:

Een reactie posten