vrijdag 1 november 2013

Hủy thiết bị làm vũ khí hóa học ở Syria

Hủy thiết bị làm vũ khí hóa học ở Syria


Cập nhật: 12:14 GMT - thứ năm, 31 tháng 10, 2013

Vũ khí hóa học Syria
OPCW đã thanh tra 21 trên 23 địa điểm có vũ khí hóa học ở Syria
Syria tuyên bố các thiết bị dùng để sản xuất, pha trộn và bơm vũ khí hóa học đã được phá hủy, một tổ chức theo dõi quốc tế cho biết.
Tin này tới sớm một ngày trước hạn chót do Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW) đưa ra.
Các thanh tra được gửi tới Syria sau khi có cáo buộc lực lượng của chính phủ đã dùng vũ khí hóa học ở các khu vực dân sự, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Chính phủ Syria phủ nhận cáo buộc trên và đổ lỗi cho phe nổi dậy.
Nga và Hoa Kỳ đồng ý đưa các thanh tra tới quốc gia này sau khi Washington đưa ra đe dọa quân sự.

Pháo binh

Nay các thiết bị sản xuất đã không thể sử dụng, Syria phải tiếp tục phá toàn bộ vũ khí hóa học trước giữa năm 2014.
Lực lượng pháo binh của nước này được cho là có tới hơn 1.000 tấn khí độc sarin ảnh hưởng tới hệ thần kinh, chất độc làm phồng da lưu huỳnh mù tạt và các chất hóa học bị cấm khác, được lưu trữ ở cả tá địa điểm khác nhau.
“Chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến quá trình phá hủy,” người phụ trách chiến dịch của OPCW Jerry Smith nói với BBC.
“Giờ đây họ không còn ở vị trí có thể sản xuất thêm hay chế tạo vũ khí hóa học nữa.”
Trong một tuyên bố, OPCW nói đã có nhiều nhóm đi thanh tra 21 trên tổng số 23 địa điểm có vũ khí hóa học ở Syria.
Có 2 triệu người đã rời Syria đi tỵ nạn trong hai năm rưỡi xung đột
Hai nơi còn lại quá nguy hiểm nhưng các thiết bị đã được chuyển tới các địa điểm khác, tổ chức này cho biết.
Ông Smith nói rằng, việc xác nhận phá hủy khả năng sản xuất vũ khí ở Syria là “công việc đầy thách thức” vì khó có thể làm được điều đó ở nơi đang xảy ra chiến sự với thời gian hạn hẹp.
Hồi đầu tháng này OPCW giành giải Nobel Hòa bình, nhưng ông Smith nói đội của ông chưa kịp ăn mừng vì còn bận việc ở Syria.
Hoa Kỳ nói đã có hơn 1.400 người thiệt mạng trong vụ tấn công khí độc thần kinh ở Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/08.
Syria và Nga tin rằng trách nhiệm vụ tấn công thuộc về các nhóm nổi dậy.
Thông báo của OPCW được đưa ra cũng trùng với lúc tổ chức nhân quyền Amnesty International nói rằng nhiều người tỵ nạn Syria đã bị từ chối ở vùng biên giới Jordan và các quốc gia khác.
Jordan từ chối cáo buộc trên, nói biên giới của mình mở cửa cho người tỵ nạn.
Chỉ trong hai năm rưỡi, hơn 100.000 người thiệt mạng trong tranh chấp Syria, theo Liên Hợp Quốc.
Số dân đi tỵ nạn cũng đã lên tới 2 triệu người, và ước tính khoảng 4.5 triệu người đã phải di cư trong nước.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten