vrijdag 1 november 2013

Halloween ở Sài Gòn

Halloween ở Sài Gòn

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-10-31
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Halloween-2013-Poster-s-305.jpg
Hình quảng cáo lễ hội Haloween tại một khách sạn ở Sài Gòn
RFA files



Ngày lễ Halloween đang đến, không những ở những vùng đất Âu Mỹ xuất phát ra nó mà còn diễn ra tại Sài gòn, một thành phố Á châu nhộn nhịp pha trộn nhiều điều truyền thống và mới mẻ.
Tháng 10 chưa cười đã tối, tháng giao mùa thu đông, giao mùa mưa nắng lại đến với Sài gòn, thành phố lớn nhất nước và cũng là thành phố cởi mở nhất nước. Trong vài năm qua, nơi thời khắc giao hòa của thiên nhiên ấy các bạn trẻ Sài gòn lại đùa vui cùng một phong tục mới du nhập vào Việt nam là lễ hội Halloween.
Trên các đường phố của một thành phố Á châu nhộn nhịp, lâu lâu lại xuất hiện một bộ quần áo hóa trang hồn ma bóng quế theo kiểu tây phương, một truyền thống lâu đời và xa xôi từ vùng đất của xứ sở đầy sương mù lạnh giá ở châu Âu.
Một bạn trẻ tên Huy, thường xuyên tham gia những buổi hóa trang nói về Halloween tại Sài gòn,
“Halloween ở Sài gòn thường được tổ chức trong các quán cà phê, các bar, các rạp chiếu phim gần đây là các trường học, nhất là các trường quốc tế người ta tổ chức rồi lan sang các trường Việt nam, nhất là các trường đại học. Mình vô những chổ đó hóa trang làm ma làm quỷ, chơi những trò chơi nho nhỏ với bạn bè.”
Theo sách vở ghi lại thì lễ hội Halloween có lẽ bắt nguồn từ những xứ sương mù như Scotland, Ireland. Trong những niềm tin truyền thống xa xưa ấy người ta nghĩ rằng cuối tháng 10 chính là ranh giới giao hòa giữa hai thế giới sống và chết, là thời điểm những ma quỷ vất vưởng trở về làm hại mùa màng. Thế là người sống phải giả trang, phải cho kẹo những hồn ma, hay những người sống giả ma, mà những người giả ma lại là trẻ con. Câu chuyện làm gợi nhớ những buổi lể cúng cô hồn trong truyền thống Việt Nam vào ngày rằm tháng bảy, cũng bánh trái, cũng những cô hồn sống trong hình hài trẻ con.
Một bạn trẻ là Đỗ từng tổ chức các buổi vui chơi Halloween tại Sài gòn nói,
“So sánh ngày Halloween của họ với lễ cô hồn của mình cũng khá giống nhau, em thấyvăn hóa Đông và Tây cũng khá giống, không biết cái nào có trước nhưng mà ý nghĩa cũng giống nhau, chỉ khác ngày khác hình thức.”

So sánh ngày Halloween của họ với lễ cô hồn của mình cũng khá giống nhau, em thấyvăn hóa Đông và Tây cũng khá giống, không biết cái nào có trước nhưng mà ý nghĩa cũng giống nhau, chỉ khác ngày khác hình thức.
- Bạn Đỗ, Sài gòn
Lễ cúng cô hồn ở Việt nam là vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Người ta cho rằng phải cho những cô hồn vất vưởng đâu đó thức ăn. Ngày xưa người ta làm những bè chuối đầy thức ăn thả trôi sông cùng đèn lồng. Nay hiếm thấy chuyện đó, nhưng vẫn còn những dám trẻ con tranh nhau giật thức ăn sau khi cúng xong. Trông không khác gì những đám trẻ con bên trời tây đi gõ cửa xin kẹo vào đêm 31/10.
Tuy nhiên khi Halloween vào Sài gòn thì không chắc là những người trẻ tuổi tham gia đều hiểu được như bạn Đỗ đã hiểu. Theo Đỗ thì số thanh niên thành thị tham gia hội Halloween đông hơn những thanh niên đi chùa làm lễ xá tội vong nhân ngày rằm tháng bảy. Nhưng Cả Đỗ và Huy đều cho rằng họ chỉ tham gia để vui là chính. Điều này cũng giống như khung cảnh nhà thờ Đức bà Sài gòn đêm Giáng sinh đầy người lung linh và sắc màu, nhưng đại đa số chưa chắc đã là người Công giáo.
Nhà sư Thích Đồng Văn trụ trì chùa Viên giác tại Sài gòn cho chúng tôi biết nhận xét của ông về sự du nhập lễ hội Halloween vào thành phố này,
“Người ta không có ngày rằm tháng bảy như mình, nhưng người ta có lễ hội Halloween, cũng là lúc để tưởng nhớ người chết, cho âm dương gần nhau hơn. Ngoài chuyện vui chơi còn có cái ý nghĩa. Nhưng khi du nhập vô thành phố mình thì chỉ là dịp để vui chơi ghẹo phá nhau, mất cái ý nghĩa cho nên cũng không hay.”
Trở lại ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân, theo Huy, có gia đình theo đạo Phật, thì những hoạt động hội hè để thể hiện ý nghĩa thương cảm đến những linh hồn tha nhân vẫn còn sống động, và có nhiều ý nghĩa hơn,
“Ngày rằm tháng bảy thì thường đến chùa cầu siêu cho những người đã khuất trong gia đình. Thả cá phóng sanh để tích đức, đi làm việc thiện như nấu ăn cho người nghèo, làm việc trong các bệnh viện. Làm quà tặng cho những người bán hàng rong, người nghèo trên đường phố. Em thấy là ngày rằm tháng bảy của mình có ý nghĩa hơn lễ hội Halloween, vì lễ này chỉ là dịp để ăn chơi xả stress mà thôi, không có ý nghĩa cộng đồng.”
Nhưng suy cho cùng thì những tín ngưỡng và phong tục như rằm tháng bảy cũng là gắn liền với đạo Phật, một tôn giáo lớn được du nhập vào Việt Nam từ xa xưa. Và đạo Phật đã trở thành vô cùng gần gủi trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Với vị trí địa lý gần sông cận biển như Việt Nam thì sự giao lưu, du nhập văn hóa khác lạ là điều không thể tránh khỏi. Và sang đến thế kỷ của công nghệ thông tin thì việc này lại càng dễ xảy ra. Nhà sư Thích Đồng Văn nói tiếp về lễ hội Halloween,
Tất cả những nét văn hóa của mọi người mình đều có thể chấp nhận được hết, có điều là mình phải nắm cái ý nghĩa của nó, cái mục đích của nó.
- Nhà sư Thích Đồng Văn
“Tất cả những nét văn hóa của mọi người mình đều có thể chấp nhận được hết, có điều là mình phải nắm cái ý nghĩa của nó, cái mục đích của nó. Từ đó mình nâng cao văn hóa của mình, cái triết lý của mình, chứ đừng chỉ lấy cái hình thức mà quên đi cái nội dung của nó.”
Vui chơi lễ hội Halloween và hiểu rằng ý nghĩa của nó không xa ngày rằm tháng bảy có lẽ cũng sẽ giống như người dân Việt Nam vui mừng đón năm mới dương lịch hàng năm và sau đó vài ngày lại quay về với bàn thờ tổ tiên đầm ấm ngày 30 Tết âm lịch. Thế giới của thế kỷ 21đang gần biến thành ngôi làng nhỏ, nơi mà thanh thiếu niên Sài gòn hồn nhiên vui chơi lễ hội ma quỷ, với câu nói đùa “Trick or Treat” của Hallowween thành câu đùa rất Sài Gòn “Cho kẹo hay muốn bị ghẹo!”
Chúc mọi người một mùa Halloween vui tươi!

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-saigon-halloween-kh-10312013092222.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten