Tàu Speedy Falcon của Mông Cổ được Vinalines mua lại với giá 70 tỷ rồi vứt ở Quảng Ninh vì quá cũ, không dùng được. Dẫu nợ quốc gia tăng chóng mặt nhưng những kẻ vứt tiền sẽ có tiền bỏ túi mà người ta tin đó mới là lý do chính, khiến hệ thống DNNN vẫn tồn tại. (Hình: Tiền Phong)
|
Nhóm soạn thảo Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2013 nhận định, khu vực DNNN “có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả đã góp phần kéo dài giai đoạn suy thoái kinh tế của Việt Nam”. Trường hợp Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) được dẫn như bằng chứng rõ ràng nhất.
Nhóm chủ nợ của Vinashin đang đề nghị hoán đổi toàn bộ số nợ 600 triệu đô la của Vinashin thành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 12 năm và được đặt dưới sự bảo lãnh của chính quyền Việt Nam. Nếu chế độ Hà Nội chấp nhận đề nghị này, cộng với 750 triệu đô la trái phiếu quốc tế mà nhà cầm quyền trung ương đứng ra vay rồi cho Vinashin vay lại, riêng với việc duy trì Vinashin, Việt Nam sẽ mang thêm khoản nợ lên tới 1.35 tỷ đô la .
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội CSVN xác nhận nợ xấu và nợ phải cơ cấu lại của hệ thống DNNN đã lên tới 3.4 tỷ đô la và nói thêm rằng, việc giải quyết nợ xấu của hệ thống DNNN là bài toán nan giải.
Cũng theo ủy ban này thì hiệu quả đầu tư của DNNN thấp nhất so với các hình thái doanh nghiệp khác. Năm 2009, để tạo ra 1 đồng doanh thu, DNNN phải sử dụng tới 2.2 đồng vốn trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 1.2 đồng vốn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần 1.3 đồng vốn.
Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2013, nhóm soạn thảo chỉ trích chế độ Hà Nội vẫn duy trì tiêu chí “phải nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối (75% hay 65%) ở các DNNN trong một lĩnh vực nào đó”. Theo họ, tiêu chí này “tạo ra cơ cấu cứng nhắc và cản trở quá trình cải cách DNNN”.
Hồi giữa năm 2008, Quốc hội CSVN từng yêu cầu chính phủ phải tái cơ cấu nền kinh tế, thông qua việc sớm điều chỉnh cơ cấu của các DNNN, hệ thống ngân hàng - tài chính, đầu tư công. Tuy nhiên tới đầu năm nay, nhà cầm quyền trung ương chỉ mới phê duyệt 99 dự án tái cơ cấu DNNN.
Sự chậm trễ đó được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế Việt Nam suy thoái nghiêm trọng. Theo một báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (thường được gọi tắt là VCCI) công bố hồi tháng 4 năm nay thì có 300,000 trong số 700,000 doanh nghiệp Việt Nam đã chết. Những doanh nghiệp đã chết thuộc loại vừa và nhỏ - vốn là khu vực kinh tế năng động và hiệu quả nhất.
Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, tình trạng hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ lăn ra chết là vì nguồn lực quốc gia chỉ đổ vào các DNNN. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận được nguồn lực này, khiến chúng teo dần rồi chết.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ lăn ra chết hàng loạt còn vì bị những DNNN và một số tập đoàn tư nhân chuyên khai thác quan hệ để tìm lợi thế kinh doanh, chèn ép, tước đoạt cơ hội phát triển. Sự phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực quốc gia khiến chủ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyệt vọng, thay vì nỗ lực vượt qua khó khăn, họ tự thu hẹp hoạt động hoặc quyết định ngưng hoạt động.
Theo một nghiên cứu về tình hình nợ công của Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội CSVN công bố hồi giữa năm nay, nếu “tính đúng, tính đủ”, nghĩa là cộng cả nợ nần của các DNNN vào gói nợ quốc gia, nợ công của Việt nam sẽ tăng từ 55% GDP lên… 95% GDP. Cũng vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam cảnh báo, nợ của các DNNN đang là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh tài chính quốc gia.
Bất kể các cảnh báo cũng như thực trạng bi đát của nền kinh tế, hệ thống DNNN vẫn tồn tại vì đó là đặc điểm của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và là lý do để Đảng CSVN duy trì quyền “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”. Trong dự thảo hiến pháp mà các đại biểu quốc hội Việt Nam sẽ thông qua vào giữ tuần tới, kinh tế nhà nước vẫn được xác định là “chủ đạo”. (G.Đ)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=177686&zoneid=431#.UpDoDPlgXL8
Geen opmerkingen:
Een reactie posten