vrijdag 1 november 2013

Công ty tư ở Việt Nam: Muốn có hợp đồng, phải hối lộ

Công ty tư ở Việt Nam: Muốn có hợp đồng, phải hối lộ Thursday, October 31, 2013 3:04:44 PM







HÀ NỘI (NV) .- Có tới 68% doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam phải trả “hoa hồng” để có hợp đồng với các doanh nghiệp nhà nước và 70% trong số này chủ động đưa hối lộ.
Quang cảnh hội thảo "Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam" diễn ra ở Hà Nội. (Hình: Đất Việt)

Đó là kết quả một cuộc khảo sát do Thanh tra của chính phủ CSVN phối hợp với  Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Sứ quán Anh thực hiện trước cuộc hội thảo "Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam", vừa diễn ra hôm 30 tháng 10 ở Hà Nội.

Cả cuộc khảo sát lẫn hội thảo vừa kể nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12, sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng tới.

Phía thực hiện khảo sát nhận định, tham nhũng - đưa hối lộ trong quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân rất phổ biến. Giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước nhận “hoa hồng”, ra giá khi ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân là chuyện bình thường.
Một viên phó tổng thanh tra của chính phủ Việt Nam, tên là Trần Đức Lượng, nói thêm là trong 68% doanh nghiệp tư nhân xác nhận đã trả “hoa hồng”, có 70% chủ động đưa hối lộ để được việc. Nhân vật này nhận định, hầu hết doanh nghiệp tư nhân xem tham nhũng là vấn đề đáng ngại thứ hai, sau thực trạng vật giá gia tăng.
Cuộc khảo sát cho thấy, có tới 60% số doanh nghiệp khẳng định các “chi phí không chính thức” gây tốn kém cho họ và những “chi phí không chính thức” này tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Kết quả cuộc khảo sát còn cho thấy một kết quả đáng chú ý khác, đó là “tham nhũng vặt” đang lan tràn ở Việt Nam. “Tham nhũng vặt” được định nghĩa là những khoản tiền hối lộ nhỏ để không bị công chức hoặc các cơ quan cung cấp dịch vụ công nhũng nhiễu. Có tới 80% nhân viên các doanh nghiệp tư nhân khẳng định tham nhũng vặt là “rất phổ biến”.

Nhũng nhiễu được nhân viên các doanh nghiệp tư nhân mô tả là việc cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, cố tình đặt ra các quy trình sai quy định, không giải thích rõ quy trình để bắt lỗi và kiếm tiền.

Hôm 24 tháng 10, một cuộc hội thảo tương tự đã được tổ chức tại Sài Gòn. Ở cuộc hội thảo đó, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Cố vấn thể chế của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam, cho rằng, muốn chống tình trạng tham nhũng đang bành trướng trong lĩnh vực kinh doanh, doanh nhân Việt Nam cần “hành động tập thể”. Theo bà Liên, doanh nhân không thể hành động đơn lẻ. Hành động tập thể là sự liên kết nhiều chủ thể giữa doanh nhân với xã hội dân sự và chính phủ để cùng chống tham nhũng trong từng lĩnh vực, có mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, có cam kết và được giám sát của bên thứ ba.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam về hội thảo vừa kể ở Sài Gòn, đại diện nhiều doanh nghiệp công khai bày tỏ sự lo ngại về tình trạng câu kết giữa doanh nghiệp với viên chức chính quyền và giới làm luật, hình thành những “nhóm lợi ích”.
Đại diện một doanh nghiệp xuất cảng ở Sài Gòn cảnh báo, lúc này muốn đưa hối lộ nhưng không được các “nhóm lợi ích” ủng hộ cũng khó mà thực hiện. Nhiều doanh nghiệp không còn đất sống vì bị các nhóm lợi ích muốn loại bỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Thuế xuất nhập cảng Đồng Nai, nhận định, sự câu kết giữa doanh nghiệp với viên chức không chỉ gói gọn trong phạm vi địa phương mà mở rộng tới cả hệ thống chính quyền trung ương. Hối lộ lúc này không còn đơn giản là để hoàn thành thủ tục cho nhanh hay để được trúng thầu, được che chở, hối lộ bây giờ là để hoạch định chính sách nhằm tạo cơ hội trục lợi lớn. (G.Đ)


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=176301&zoneid=1#.UnOzD_lgW70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten