zaterdag 23 november 2013

30 năm ngày giỗ nữ ca sĩ Karen Carpenter của ban nhạc Mỹ nổi tiếng The Carpenters

Thứ sáu 22 Tháng Mười Một 2013
30 năm ngày giỗ ca sĩ Karen Carpenter

Tuấn Thảo
5 giải Grammy, 10 album, 100 triệu đĩa hát bán chạy trong vòng 14 năm liền. Ít có ban nhạc nào ăn khách đều đặn và liên tục như ban song ca người Mỹ The Carpenters. Trên tột đỉnh danh vọng, đà thành công của nhóm này đột ngột bị gián đoạn với cái chết của Karen Carpenter vào năm 1983, cách đây vừa đúng 30 năm.
Có nhà phê bình cho rằng giọng ca của Karen không khỏe khoắn, không đầy kỹ thuật luyện thanh như các diva nhạc pop thời nay. Một giọng ca như vậy chưa chắc gì sẽ lọt qua các vòng tuyển của các cuộc thi hát truyền hình như "The Voice" hay là "American Idol - Thần tượng nước Mỹ". Nhưng thay vì đầy nội lực, giọng ca Karen Carpenter lại tràn sức sống nội tâm.
Một giọng ca nhung trầm, dung dị mà biểu cảm, như lời thoại tiếng thầm khe khẽ bên tai. Đối với giới hâm mộ, Karen không phải là hình tượng của người tình, mà lại là một người bạn, một người chị. Những bài hát của cô có tác dụng của những lời vỗ về an ủi, cho tâm hồn một chút hơi ấm, cho tim buồn bớt quạnh vắng đơn côi.
Ngày Karen Carpenter vĩnh viễn ra đi, đột qụy đứng tim do chứng bệnh biếng ăn, ban nhạc người Mỹ The Carpenters coi như không còn lý do để tồn tại. Tài hòa âm, chơi đàn của người anh trai Richard, trở nên vô hiệu với cái chết của cô em gái. Kẻ ở người đi, nhóm Carpenters đánh mất vầng hào quang sáng ngời khi tiếng hát của Karen vĩnh biệt cõi đời



Sinh trưởng ở New Haven, bang Connecticut, Karen vào nghề ca hát là nhờ vào sự dìu dắt của người anh trai Richard, lớn hơn cô 4 tuổi. Thời niên thiếu, hai anh em có tánh tình rất khác nhau. Richard trầm mặc ít nói, suốt ngày ở trong nhà nghe nhạc và chơi đàn piano, trong khi Karen thì lại ngỗ nghịch như con trai, mê thể thao và thích rong chơi ngoài đường. Có lẽ cũng vì thế mà sau này, khi bắt đầu chơi nhạc, Karen chọn bộ trống làm nhạc cụ sở trường, một điều tương đối hiếm trong các nghệ sĩ phái nữ thời bấy giờ.
Thời còn học trung học, Karen tham gia vào hai ban nhạc jazz của người anh trai là The Richard Carpenter Trio và Spectrum. Đến khi các nhóm này rã đám, hai anh em tiếp tục ca hát và chính thức chọn nghệ danh Carpenters, khi ký hợp đồng ghi âm vào tháng Tư năm 1969. Hai anh em thu hút sự chú ý ngay từ album đầu tiên đề tựa Offering, tập nhạc này sau đó được tái bản với tựa đề Ticket to Ride, trong đó nhóm Carpenters có ghi âm lại ca khúc nổi tiếng của nhóm Tứ Quái The Beatles.



Trong album thứ nhì phát hành vào năm 1970, Carpenters chọn ghi âm lại nhạc phẩm Close to you của hai tác giả Burt Baccharach và Hal David làm ca khúc chủ đề. Bài này ban đầu do nam diễn viên Richard Chamberlain thu thanh vào năm 1963, tức cách đây đúng nửa thế kỷ, nhưng phải chờ đến phiên bản do nhóm Carpenters ghi âm 7 năm sau, thì bài hát mới nổi tiếng trên khắp thế giới.
Từ album này trở đi, ban nhạc áp đặt tên tuổi của mình với 14 ca khúc đứng đầu bản xếp hạng trên thị trường Hoa Kỳ, xen kẽ các bản nguyên tác của nhóm như bài Yesterday Once More hay Top of The World với những sáng tác của nhiều tác giả khác như bản Superstar của Bonnie Bramlett & Eric Clapton & Leon Russel. Bản nhạc Desperado của nhóm The Eagles, Solitaire của Neil Sedaka hay bài Jambalaya của Hank Williams …



Nhờ vào tài nghệ chơi đàn và hòa âm của Richard, mà đa số các bản cover của Carpenters, tuy là phiên bản ghi âm sau lại vượt trội so với nguyên tác. Đó là trường hợp điển hình của bài The End of the World do ca sĩ nhạc country Skeeter Davis ghi âm lần đầu tiên vào năm 1963, để rồi phá kỷ lục số bán với phiên bản của Carpenters 10 năm sau đó. Bài hát Superstar từng được nhiều nghệ sĩ thu thanh trong đó có Bette Midler hay Joe Cocker, nhưng không xuất thần bằng phiên bản của nhóm Carpenters.
Nhờ vào chất giọng nhung trầm, mượt mà và mềm mại như nhung lụa, trầm tĩnh lung linh như mặt hồ chưa gợn sóng, Karen Carpenter thổi vào khung trời hoài niệm một luồng gió : Mát mà tĩnh mặc, nhẹ mà u uất. Chất giọng contralto của Karen ấm áp tràn đầy nhờ hát giọng ngực ít khi nào hát chẻ giọng óc, nhờ vậy mà cực trầm trong cách luyến láy, cực sang trong lối nhả chữ.



Lối hòa âm đa tầng của Richard Carpenter khai thác tối đa các cung bậc thấp để giúp Karen phát huy trọn vẹn độ dài thang âm trong mỗi lần ngân giọng. Độ ngân giọng càng dài, tình cảm càng bàng bạc man mác. Nhạc cụ yêu chuộng của Karen từ thuở thiếu thời là bộ trống. Vì thế cho nên giọng ca này rất vững trong cách nắm bắt từng nhịp điệu, hát chậm mà không lê thê, hát nhanh vẫn không dồn dập. Lối hát rất vững nhịp đó giúp cho Karen Carpenter có một lối phát âm nhả chữ độc đáo khác thường.
Có lúc giọng ca này hát đùa với nhịp điệu, chậm hơn một chút so với tiếng gõ nhịp. Sinh thời, Frank Sinatra tận dụng kỹ thuật này để hất câu, đá chữ. Karen Carpenter biến nó thành nghệ thuật để tăng thêm chiều sâu trong những nốt trầm, thăng hoa ca từ và cách diễn đạt ý tứ.
Những yếu tố đó có thể giải thích vì sao trong các bản nhạc của Carpenters, dù là nguyên tác hay phiên bản cover vẫn toát lên một sức cuốn hút kỳ lạ. 30 năm sau ngày qua đời, chất giọng của Karen Carpenter vẫn giữ nguyên ma lực quyến rũ đối với người hâm mộ : cốt cách thiên thần, hồn phách liêu trai.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten