Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên các vùng biển tranh chấp
Phát biểu với báo chí nhân chuyến thăm Mỹ mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc một lần nữa khẳng định lập trường kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong khu vực. Đây có thể được coi là một thông điệp nhắn gửi đến các nước đang có tranh chấp về chủ quyền trên biển với Trung Quốc tại châu Á Thái Bình Dương. Liệu điều này cho thấy Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn với các nước trong khu vực và Mỹ hay chỉ là một lời nói không mang sức nặng? Việt Hà có bài tìm hiểu sau đây.
Quyết tâm bảo vệ lợi ích cốt lõi
Chuyến thăm đến Hoa Kỳ ngày 19 tháng 8 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn được cho là nhằm giúp xây dựng mối quan hệ về quân sự giữa hai cường quốc trên thế giới với những hứa hẹn được đưa ra từ cả hai phía. Thế nhưng, cũng ngay trong chuyến công du này, người ta cũng thấy vấn đề lợi ích cốt lõi của Trung Quốc tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và việc chuyển trục chiến lược của Mỹ tới khu vực này dường như vẫn còn nhiều khúc mắc.
Phát biểu với báo chí trong cuộc họp báo ngày 19 tháng 8 tại Pentagon, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn khẳng định qua lời thông dịch viên:
Không một ai nên có ý nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đánh đổi những lợi ích cốt lõi của mình. Đừng đánh giá thấp quyết tâm không thay đổi của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích trên biển.
Mặc dù ông Thường Vạn Toàn không chỉ đích danh vấn đề biển Đông nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với một số nước ASEAN, hay khu vực quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật bản, nhưng những người theo dõi tình hình có thể ngầm hiểu đây là lời nhắn đến các nước có liên quan, những đồng minh của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương.
Hiện tại, Philippines, nước có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc tại biển Đông, cũng đang ráo riết đàm phán với Hoa Kỳ để gia tăng sự hiện diện của quận đội Mỹ tại đây, một bước trong quá trình chuyển trục chiến lược của Mỹ tới châu Á Thái Bình Dương.
Phát biểu mới đây của ông Thường Vạn Toàn cũng làm người ta nhớ đến năm 2011, khi ông Đới Bỉnh Quốc, một lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc lúc đó, lên tiếng nói rằng biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Câu nói này đã khiến nhiều học giả quốc tế lên tiếng thắc mắc và quan ngại vì nếu Trung Quốc coi biển Đông là lợi ích cốt lõi thì chính sách mà Trung Quốc áp dụng tại đây cũng giống như những gì mà Trung Quốc áp dụng với Đài Loan và Tây Tạng.
Tuy nhiên, theo giới học giả Trung Quốc, thì ngày chính tại Trung Quốc vào lúc này, vấn đề lợi ích cốt lõi của nước này tại biển Đông vẫn chưa được thống nhất một cách rõ ràng. Trung tướng Chu Thành Hổ, thuộc học viện Quốc phòng Trung Quốc, phát biểu trong một hội thảo gần đây ở New York về vấn đề này:
Ở Trung Quốc có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có người đã hỏi ông Đới Bỉnh Quốc là biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi không. Có nhiều người tin biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc vì nó thuộc vào yếu tố toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc. Một số người cho rằng biển Đông không giống Đài loan hay Tây Tạng. Vào lúc này chúng tôi vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về vấn đề này.
Dù có định nghĩa thống nhất hay không thống nhất thì từ nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn luôn khẳng định chủ quyền không xoay chuyển tới 80% khu vực biển Đông. Với chính sách này, Trung Quốc hàng năm áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trên một vùng rộng lớn tại đây từ khoảng tháng 5 đến tháng 8. Các tàu bán quân sự của Trung Quốc liên tục có hành động như cắt cáp tàu Việt Nam, đuổi bắt và bắn vào các tàu cá của Việt nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước.
Gạt tranh chấp để hợp tác phát triển
Một mặt khẳng định lợi ích cốt lõi, mặt khác lãnh đạo Trung Quốc cũng lên tiếng tỏ ra mềm mỏng. Hôm 31 tháng 7, truyền hình Trung Quốc dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình nói về biển Đông rằng Trung Quốc khẳng định chủ quyền thuộc về mình nhưng có thể gác tranh chấp, cùng khai thác, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và cùng có lợi, tìm kiếm và mở rộng các lợi ích chung.
Mới nghe thì phát biểu của ông Tập Cận Bình có hướng xây dựng tích cực. Trên thực tế, lời nói này chỉ là lập lại lập trường của Trung Quốc đã từng được Thủ tướng Đặng Tiểu Bình nói tới vào năm 1978 trong tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư với Nhật Bản. Lời đề nghị này của ông Đặng Tiểu Bình đã bị Nhật khước từ và hiện Nhật vẫn là nước quản lý quần đảo Senkaku. Thời gian gần đây, căng thẳng hai nước Nhật và Trung Quốc cũng gia tăng vì tranh chấp này.
Hôm 22 tháng 8 vừa qua, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc cũng mạnh mẽ bác bỏ phát biểu của Thượng Nghị sĩ Mỹ, John McCain về chủ quyền của Nhật với quần đảo Senkaku. Ông Hồng Lỗi nói quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ thuộc Trung Quốc. Bất cứ nỗ lực nào nhằm khước từ sự thật này đều vô ích. Ông Hồng Lỗi cũng cảnh báo các Thượng Nghị sĩ Mỹ nên chấm dứt việc đưa ra các lời nói mà ông gọi là vô trách nhiệm làm phức tạp thêm tình hình tại khu vực.
Nói về vấn đề gạt tranh chấp và cùng khai thác phát triển ở biển Đông theo lời của ông Tập Cận Bình, giáo sư Renato Cruz de Castro, thuộc trường đại học De La Salle, Philippines, nhận xét:
Không có gì thay đổi. Theo tôi đó chỉ là một tín hiệu cho các thành viên đảng cộng sản Trung Quốc, trong bộ chính trị là không có gì thay đổi trong chính sách của Trung Quốc. Tuyên bố là Trung Quốc sẵn sàng tham gia hợp tác phát triển với điều kiện chủ quyền của Trung Quốc phải được tôn trọng, đó là một điều kiện làm hỏng mọi thứ. Ý tưởng cho hợp tác phát triển chung là không có điều kiện tiên quyết.
Sắp tới đây, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiến hành những đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) được chờ đợi từ lâu. Đề nghị về đàm phán này cũng được Trung Quốc đưa ra trong diễn đàn khu vực vào tháng 6 vừa qua, một bước đi được coi là tích cực từ Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên với những khẳng định về chủ quyền không tách rời trong các lời nói của lãnh đạo Trung Quốc, người ta cũng có thể đặt ra những nghi ngờ và lo lắng về những thiện chí cũng như quyết tâm của Trung Quốc.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten