LAS CRUCES, New Mexico (SPACE.com) - Ðể cơ quan không gian NASA có thể đạt được bất cứ mục tiêu lớn lao nào trong tương lai, kỹ nghệ không gian thương mại phải thành công, theo lời phó giám đốc điều hành của NASA, bà Lori Garver.
Hỏa tiễn Space X Falcon 9 được phóng lên tại Cape Canaveral, Florida, hồi Tháng Sáu, 2010, để thực hiện một thí nghiệm mà giới khoa học nói là phát triển phi thuyền thương mại trong tương lai. (Hình: Bruce Weaver/AFP/Getty Images) |
Cơ quan không gian đã đánh cá lớn rằng các con tàu không gian của tư nhân chẳng bao lâu nữa sẽ sẵn sàng chở hàng hóa và các phi hành gia lên quỹ đạo. Tương lai của Trạm Không Gian Quốc Tế ISS (International Space Station), cũng như tương lai của các sứ mạng khoa học tự hành của NASA và các tham vọng thám hiểm không gian sâu thẳm của con người, tùy thuộc vào kết quả đó, bà Garver tuyên bố hôm 20 Tháng Mười tại Las Cruces, tiểu bang New Mexico.
“Ðể thành đạt toàn thể kế hoạch, phần này trong kế hoạch phải thành công,” bà Garver nói.
Sau 30 năm đưa các phi hành gia vào quỹ đạo thấp quanh Trái Ðất, NASA cho nghỉ hưu chương trình phi thuyền không gian con thoi mới đây trong năm nay.
“Trái với những gì mà quý vị có thể nghe nói, chuyện đó đánh dấu sự khởi đầu, không phải là kết thúc. Với sự yểm trợ của tổng thống và Quốc Hội, NASA đã đưa ra một cam kết mới cho các chuyến bay vào không gian của con người,” bà nói.
Một phần của cam kết đó là một kế hoạch để xây dựng một hỏa tiễn mới có sức đẩy mạnh được gọi là Hệ Thống Phóng Không Gian (Space Launch System) và một khoang phi hành đoàn để tiến sâu vào không gian, được gọi là Con Tàu Phi Hành Ðoàn Ða Dụng (Multi Purpose Crew Vehicle) để đưa người lúc đầu tới một thiên thạch và rồi tới Hỏa Tinh.
Nhưng để giúp NASA có thể dành các tài nguyên cho cuộc theo đuổi đầy tham vọng đó, kỹ nghệ tư nhân phải nhận lãnh việc chuyên chở tới quỹ đạo thấp của Trái Ðất và Trạm Không Gian Quốc Tế, bà Garver nói.
NASA và các nước cộng tác dự tính sẽ điều hành trạm không gian ít nhất tới hết năm 2020, nhưng vì không có phi thuyền con thoi, các tàu không gian Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất để tới đó. Cho tới khi các phi thuyền không gian thương mại sẵn sàng, NASA phải mua vé trên Soyuz cho các phi hành gia của Hoa Kỳ.
Cho tài khóa 2012, NASA yêu cầu cấp $850 triệu để dành cho chương trình Phát Triển Phi Hành Ðoàn Thương Mại, để yểm trợ việc phát triển những con tàu tư nhân này.
Cơ quan hy vọng sẽ chấm dứt việc nhờ cậy Nga vào năm 2016, tốn kém mỗi năm $450 triệu, bà Garver nói thêm.
NASA đã ký hợp đồng với bốn công ty không gian tư nhân - Blue Origin, Sierra Nevada, SpaceX và Boeing - cho giai đoạn mới nhất của chương trình Phát Triển Phi Hành Ðoàn Thương Mại. Công ty SpaceX là công ty duy nhất trong nhóm đã phóng một chuyến bay thử nghiệm lên quỹ đạo với phi thuyền không gian mẫu của công ty.
Theo bà Garver, việc NASA khuyến khích kỹ nghệ không gian thương mại cuối cùng sẽ đưa tới phí tổn thấp hơn, khả năng lớn lao hơn, và một chương trình không gian của Mỹ nói chung mạnh mẽ hơn.
Bà Garver nói: “Cùng nhau chúng ta sẽ phát triển một kỹ nghệ mà cho tới gần đây phần lớn là khoa học giả tưởng. Chúng ta biết rằng cùng nhau chúng ta có thể làm nên những điều kỳ diệu.” (n.n.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139233&z=269
Geen opmerkingen:
Een reactie posten