'Nhà hảo tâm' không phải là 'Mạnh thường quân'.
Một bạn đọc msg hỏi tại sao tôi dùng chữ 'Nhà hảo tâm' mà không là 'Mạnh thường quân' trong bài trả lời phỏng vấn trên báo GDVN [1]. Nhân dịp câu hỏi này, tôi xin chia sẻ sự khác biệt giữa hai chữ đó và giải thích tại sao 'mạnh thường quân' không như chúng ta hiểu.
Mạnh Thường Quân (hình) là tên của một nhân vật thời Chiến Quốc (tức trước Tây Lịch) bên Tàu. Ông tên thật là Điền Văn, từng làm chức Tể tướng (Thủ tướng) nước Tề (tức Sơn Đông ngày nay). Là người giàu có, ông nhận nuôi hàng ngàn người và cho họ cơm ăn áo mặc. Nhưng ông chia họ thành 3 nhóm: nhóm 1 được ưu đãi ăn uống và có xe ngựa đi; nhóm 2 được ăn cơm với cá và thịt; và nhóm 3 chỉ ăn cơm với rau. Mục tiêu của ông không phải làm từ thiện, mà là dùng những 'gia nhân' này như là chư hầu để củng cố quyền lực và tạo uy danh.
Mạnh Thường Quân còn tỏ ra là một người ác ôn. Chuyện kể rằng khi ông và tuỳ tùng sang nước Triệu, người dân ra xem và nhận xét rằng ông là người 'nhỏ thó' (ý nói lùn và nhỏ con). Mạnh Thường Quân nghe được và tức giận lắm, bèn sai đám tuỳ tùng chém chết hàng trăm người rồi bỏ đi. (Chuyện này cũng chẳng khác gì quân lính Tây Sơn tàn sát cả vạn người ở Gia Định vào thế kỉ 18).
Câu hỏi là tại sao xưa kia (và ngày nay) chúng ta dùng danh từ ‘mạnh thường quân’ để chỉ những người thiện tâm? Câu trả lời là ngày xưa, những ‘trang sử đen’ của sử gia Tư Mã Thiên viết về Mạnh Thường Quân chưa được biết tới. Thời đó, tiền bối của chúng ta chỉ biết tới Mạnh Thường Quân là bậc hiền nhân quân tử, tức hơi sai lầm. Nay thì chúng ta biết về nhân vật này hơn để có cái nhìn công tâm hơn.
Như vậy, Mạnh Thường Quân là một danh từ riêng, là hiệu của một nhân vật lịch sử. Và, nhân vật này không hẳn là một mạnh thường quân như chúng ta hay hiểu như là người làm từ thiện. Cách dùng chữ 'mạnh thường quân' cho người làm từ thiện, do đó, không thích hợp.
Danh từ thích hợp hơn là 'Nhà hảo tâm' (tiếng Anh là philanthropist). Đó là những người có tấm lòng tốt và hay cống hiến tiền bạc để giúp đỡ nhân loại một cách bất vụ lợi. Nói đến nhà hảo tâm, tôi nghĩ ngay đến ông bà Warren Buffett và Chuck Feeney. Ông bà Buffett đã cống hiến hơn 46 tỉ USD, còn ông bà Feeney thì hiến tặng 8 tỉ USD cho các quỹ từ thiện. Những người này hay cống hiến tiền cho giáo dục và y tế.
Nhà hảo tâm đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Họ có thể là những cứu tinh đối với những người gặp khó khăn. Chính tôi đây trong thời gian khó khăn cũng từng được một số nhà hảo tâm Úc tài trợ cho những dự án nghiên cứu về loãng xương [2]. Ngay từ lúc mới tới Úc, tôi cũng được các nhà hảo tâm cho quần áo và giày dép. Nhân dịp này, xin tri ân các nhà hảo tâm, không phải 'mạnh thường quân', trên thế giới.
Tóm lại, đã đến lúc nên ngưng dùng danh từ 'mạnh thường quân', mà nên dùng danh từ 'nhà hảo tâm', để chỉ những người làm từ thiện.
_____
Geen opmerkingen:
Een reactie posten