vrijdag 12 januari 2024

Ngoại trưởng Đức Baerbock: Trung Quốc lấn át ở Biển Đông, Đức sẵn sàng giúp giảm căng thẳng

 

Ngoại trưởng Baerbock: Trung Quốc lấn át ở Biển Đông, Đức sẵn sàng giúp giảm căng thẳng

11/01/2024
Ngoại trưởng Đức Annalena Berbock (giữa), cùng với Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Chuẩn Đô đốc Armando Balillo (trái) và Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Đô đốc Ronny Gil Galvan (phải) trên một tàu tuần tra hàng hải Philippines hôm 11/1.
Ngoại trưởng Đức Annalena Berbock (giữa), cùng với Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Chuẩn Đô đốc Armando Balillo (trái) và Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Đô đốc Ronny Gil Galvan (phải) trên một tàu tuần tra hàng hải Philippines hôm 11/1.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Đức hôm 11/1 nói rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm quyền của các quốc gia ven biển châu Á như Philippines và đe dọa tự do hàng hải, nhưng nói thêm rằng các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình vì “thế giới không cần một cuộc khủng hoảng nữa”.

Bà Annalena Baerbock đã hội đàm với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và các quan chức hàng đầu khác khi đến thăm Manila. Bà nói Đức sẵn sàng giúp giảm căng thẳng ngày càng leo thang và nói thêm rằng điều quan trọng là phải thiết lập “các cơ chế” để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và thúc đẩy đối thoại.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Manila, ngoại trưởng Đức nói: “Có những cơn gió thực sự dữ dội thổi qua Biển Đông và điều này đang xảy ra ở giữa một trong những khu vực kinh tế năng động nhất thế giới”.

“Điều quan trọng bây giờ là thiết lập các cơ chế để cùng nhau giải quyết căng thẳng một cách hòa bình”, bà Baerbock nói mà không đi vào chi tiết. “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng thế giới không cần thêm một cuộc khủng hoảng nào nữa. Hiện có quá nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc”.

Trong một động thái mang tính biểu tượng về sự hỗ trợ của Đức đối với Philippines, bà Baerbock đã đến thăm trụ sở lực lượng tuần duyên ở Manila và lên một tàu tuần tra, nơi bà điều khiển một trong số những máy bay giám sát không người lái mà Đức tặng cho Philippines.

Các quan chức tuần duyên Philippines cho biết máy bay không người lái sẽ giúp nước này bảo vệ lợi ích lãnh thổ ở Biển Đông, thực thi luật hàng hải và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trong các vụ tai nạn trên biển.

Các quan chức Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng ngay lập tức.

Tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ đã leo thang vào năm ngoái giữa Bắc Kinh và Manila, làm dấy lên lo ngại nó có thể biến thành một cuộc xung đột lớn có thể liên quan đến Hoa Kỳ, một đồng minh hiệp ước lâu năm của Philippines.

Các quan chức Philippines cho hay các tàu cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu hộ tống đã sử dụng tia laser cấp quân sự và vòi rồng nhằm vào các tàu tiếp tế và lực lượng tuần duyên Philippines, đồng thời thực hiện các hoạt động nguy hiểm gần các bãi cạn có tranh chấp, khiến Philippines phải gửi nhiều công hàm phản đối ngoại giao đối với Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo rằng họ có nghĩa vụ phải bảo vệ Philippines nếu lực lượng, máy bay và tàu của nước này bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông. Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh chớ can thiệp vào những gì họ cho là tranh chấp thuần túy ở châu Á, đồng thời tăng cường lực lượng trong khu vực cũng như cảnh báo về những hậu quả chung chung.

Theo ngoại trưởng Đức, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, dẫn đến các vụ va chạm nhỏ với tàu Philippines, là mối lo ngại đối với Đức và các nước châu Âu khác, “bởi vì những hành động nguy hiểm như vậy vi phạm quyền và cơ hội phát triển kinh tế của chính nước họ và các nước khác ven biển”.

Bà Baerbock đã tổ chức cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines, Enrique Manalo.

“Những sự việc đó cũng làm nổi lên câu hỏi về quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên toàn thế giới”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng các tuyên bố của Trung Quốc “không được luật pháp quốc tế công nhận”.

Ngoại trưởng Đức, người đầu tiên đến thăm Philippines trong khoảng một thập kỷ để tăng cường quan hệ, đã trích dẫn phán quyết năm 2016 của hội đồng trọng tài do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, vốn vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ sâu rộng của Trung Quốc dựa trên yếu tố lịch sử. Trung Quốc từ chối tham gia vào vụ xét xử và coi phán quyết của tòa là giả hiệu và tiếp tục thách thức phán quyết đó.

Tại Manila, bà Baerbock nói rằng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế là “rất rõ ràng”.


Ngoại trưởng Baerbock: Trung Quốc lấn át ở Biển Đông, Đức sẵn sàng giúp giảm căng thẳng (voatiengviet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten