vrijdag 12 januari 2024

Ngày Quốc Tế Phở 12/12

 Ngày Quốc Tế Phở


Phan Thanh Tâm

Người Việt tị nạn có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại, một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn đó là phở. Mùi phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đó có phở.

Một tô phở Bắc tiêu biểu. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Phở xứng đáng được thế giới vinh danh để phải có một Ngày Quốc Tế Phở như Ngày Quốc Tế Trà (21 Tháng Năm), Ngày Quốc Tế Cà Phê (1 Tháng Mười), và Ngày Quốc Tế Bia (8 Tháng Hai), và chỉ trọn vẹn, đầy đủ, khi có Ngày Quốc Tế Phở, vì sau khi ăn phở đều có lệ uống trà, bia hay cà phê, mới đúng điệu. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, phở đã là một món ăn quen thuộc với mọi sắc dân kể từ sau năm 1975.

Cuốn Người Việt Niên Giám Thương Mại 2024 cho biết tại Little Saigon ở Nam California, nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt với khoảng 200,000 ngàn sinh sống, có cả trên 2,000 hàng quán cà phê và nhà hàng, trong đó có gần 200 tiệm chuyên bán phở. Câu nói muốn ăn thức ăn Việt Nam thì hãy đến California rất đúng.

Rời xứ nhưng người Việt xa quê mẹ vẫn mang theo quê hương các món ăn từ thuở đầu đời. Ở các tiệm này có bán hầu như không thiếu thứ gì hay món gì, ngay cả các đặc sản của từng vùng miền Nam Trung Bắc, đặc biệt là phở. Loanh quanh các con đường khu Westminster, Garden Grove, …đâu đâu cũng có bảng quảng cáo phở. Phở ngon đây, danh bất hư truyền.

Chẳng những ở California mà ở khắp các thành phố nước Mỹ, ở các tiệm ăn, trong thực đơn đều có phở. Tên phở hay “Vietnamese Noodle Soup” đã có vị trí không thua hay hơn cả sushi của Nhật, kim chi của Nam Hàn, pizza của Ý, cari của Ấn Độ, taco của Mexico, bánh bao của người Hoa, hay poutine của vùng Quebec, Canada. Có nhiều người Mỹ đồng hóa Việt Nam là phở hay phở là Việt Nam.

Không sai khi nói muốn tìm hiểu lịch sử nước Mỹ thì nên tìm hiểu lịch sử các thức ăn ở xứ này qua các thời đại, các biến cố. Cũng như vậy, muốn tìm hiểu lịch sử cận đại Việt Nam thì nên tìm hiểu sự hình thành phở từ cuối thế kỷ 19 tới nay. Phở đi từ Bắc vô Nam rồi phở vượt biên sang các nước tự do như thế nào.

Ngày Của Phở

Phở khác với các thức ăn nêu trên vì phở có tính toàn cầu, vượt mọi biên giới, chủng tộc hay tôn giáo và có thể ăn bất cứ lúc nào. Không bò thì có gà, không gà thì phở chay hay phở biển. Các thức ăn kia chỉ phổ biến có giới hạn ở một vài quốc gia. Còn phở đi đến đâu cũng được dân xứ đó đón nhận, cho là khoái khẩu và bổ dưỡng.

Phở ở Phi Châu. Phở ở Âu Châu. Phở ở Úc. Phở ở Á Châu. Hiện nay, phở đã có nhiều phó bản: Phở Nam Hàn, Phở Indonesia, Phở Thái, Phở Lào, Phở Hmong có tên là Fawm. Hồi Tháng Năm, 1995, nhật báo The Washington Post cho biết ở thủ đô nước Cờ Hoa suýt xảy ra một cuộc chiến tranh về phở vì tiệm nào cũng xưng mình là “vua phở.”

Nhằm tôn vinh phở tại Nhật, công ty Acecook của quốc gia này vào năm 2016 chọn ngày 4 Tháng Tư hàng năm là Ngày Của Phở. Hiệp hội những ngày kỷ niệm của con dân xứ Mặt Trời Mọc đã công nhận đề nghị này. Tại sao là ngày 4 Tháng Tư? Bởi vì số 4 trong tiếng Anh là “four,” phát âm giống với “Fo,” cách gọi món phở trong tiếng Nhật. Sau đó, Acecook còn đưa món phở ăn liền vào hệ thống các cửa hàng tiện lợi ở Nhật.

Thấy nước Nhật có một Ngày Của Phở mà chính nước có nguồn gốc phở không có này nên báo Tuổi Trẻ ở Việt Nam năm 2017 mới cùng với hãng này khởi xướng ngày 12 Tháng Mười Hai là Ngày Của Phở. Từ đó tới nay năm nào ở Việt Nam cũng có tổ chức hội thảo, triển lãm về phở nhằm tôn vinh và góp phần giữ gìn, cùng phát huy món phở Việt Nam.

Nấu phở là một nghệ thuật tinh tế. Mỗi người mỗi cách có thể thêm thắt, chế biến, gia giảm nguyên liệu từ bún gạo, động vật bò, gà,… rau cải và gia vị miễn là nước phải đậm đà thanh ngọt và có mùi phở. Phở mà không mùi thì vô duyên tận mạng. Trăm tiệm phở thì có trăm tô phở có vị khác nhau, nhưng tô nào cũng phải có mùi phở. Cái mùi kỳ lạ khó giải thích nhưng đó là linh hồn của phở.

Như một đời người, phở cũng thăng trầm theo dòng lịch sử Việt Nam. Tiếng rao phở qua các gánh hàng rong quanh các khu phố Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20 được giới văn nghệ sĩ đưa vào văn học. Chẳng bao lâu phở lâm vào cảnh mạt vận. Đó là thời bao cấp ở miền Bắc từ năm 1954 và cả nước từ 1976 tới 1986 dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của Cộng Sản. Trong các cửa hàng mậu dịch, phở bị biến chất, sinh ra phở “không người lái,” tức là không có thịt thà gì cả.

Phở chỉ nở rộ, phát triển mạnh sau khi có cả triệu người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Tại đây, phở có thêm ngò gai, rau quế, giá sống, giá chín, tương đen, tương đỏ. Sau biến cố 1975, người Việt tị nạn rời xứ đem theo quê hương trong đó có phở. Không tuyên ngôn, không đòi xẻ núi, lấp sông, không đường mòn huyền thoại, không tôn sùng lãnh tụ, không bè đảng, hội hè, phở chỉ qua đường thực quản đã thấm động lòng người khắp năm châu.

Di sản của đất nước 

Cuộc Nam Tiến của phở giống như cuộc Nam Tiến của áo dài êm thắm, không gây chết chóc. Miền Nam vùng đất của thăng hoa, xuất hiện áo dài Trần Lệ Xuân (1958), áo dài với tay Raglan (1960), áo dài Mini Raglan (1971). Thời gian đó, ở miền Bắc vào năm 1947, bài Đời Sống Mới, ký tên Tân Sinh, khiến áo dài không còn là trang phục của phụ nữ Việt cho đến 1976. Cuộc “Nam Tiến của bộ đội cụ Hồ” khác hẳn với phở và áo dài vì có cả triệu người chết trong “20 năm nội chiến từng ngày.”

Điều này cho thấy cái ăn, cái mặc không tồi tàn. Quý lắm, nhất là đối với những người phải lâm cảnh đói rét quanh năm suốt tháng. Có thực mới vực được đạo. Trong tứ khoái của đời người cái ăn đứng đầu. Lê Hùng, ký giả của Việt Nam Thông Tấn Xã thời VNCH bị đi tù cải tạo sau năm 1975, viết bài Lưu Đày Tận Miền Bắc, đăng trong tập Việt Nam Ký Sự, cho thấy rõ về nhu cầu ăn uống.

Tâp san phát hành tại Minneapolis năm 1983, ký giả Lê Hùng viết: “Khi các trại cải tạo ở miền Bắc chưa có chính sách thăm nuôi, hầu như mọi người chỉ nói với nhau về chuyện ăn uống, về các món thực phẩm. Mọi chuyện chính trị, xã hội, tình yêu, đạo lý, tôn giáo chẳng còn ai muốn nhắc tới.”

Tờ Star Tribune Tháng Chín, 1996 đăng bài của ký giả Judith Weinraub kể lại chuyện các bà mẹ Do Thái trong cơn đói lạnh, xác xơ, tuy nằm chờ chết trong trại tập trung Terezin ở Đức năm 1944, vẫn cố ghi chép lại các món ăn mà các bà ưa thích, hầu lưu lại hậu thế. Hơn 50 năm sau, con cháu các bà cho phổ biến tập thủ bút đó bằng hai thứ tiếng Anh và Đức.

Cuốn sách nấu ăn đó có tựa đề là “Di Sản Của Các Bà Mẹ Trong Trại Tập Trung Terezin” (In Memory’s Kitchen: A Legacy From The Women of Terezin) của nhà xuất bản Jason Aronson, Inc. Nhà văn Lâm Ngữ Đường của Trung Quốc có lần viết: “Lòng ái quốc là gì, nếu không là tình yêu những món ngon mà mình được ăn hồi nhỏ?”

Hàng năm, kể từ 2013, Liên Hiệp Quốc đều có tổ chức Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc. Ngày Quốc Tế Trà thì kể từ năm 2019. Ngày Quốc Tế  Cà Phê từ năm 2014. Ngày Quốc Tế Bia năm 2008.  Còn Ngày Quốc Tế Phở chừng nào? Ngày nào?

Bài viết này chỉ nhằm đề nghị với các giới chức và đoàn thể có thẩm quyền nên tìm cách vận động để có Ngày Quốc Tế Phở.

Mùi Phở từ một món thực phẩm đường phố không kích thích vùng lên hay kỳ thị chủng tộc mà chỉ mời gọi, gây khoái khẩu cho thực khách bốn phương. Mong sẽ có ngày cả thế giới nhà nhà cùng ăn phở, như ăn gà Tây trong ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) ở Mỹ. Ngày đó toàn cầu sẽ ngào ngạt mùi phở, mùi của dân tộc Việt. [đ.d.]

Ngày Quốc Tế Phở (nguoi-viet.com)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten