dinsdag 27 augustus 2019

Lớp "người bụng bự" (béo phì) ở Việt Nam có tốc độ tăng... hàng đầu Châu Á

Về tốc độ phát triển lớp người bụng bự ở Việt Nam


Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu hãng nghiên cứu Fitch Solutions thì Việt Nam đang có tốc độ tăng hàng đầu Châu Á về người mắc chứng béo phì. (Hình minh họa: Getty Images)
Trần Tiến Dũng
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu hãng nghiên cứu Fitch Solutions thì Việt Nam đang có tốc độ tăng hàng đầu Châu Á về người mắc chứng béo phì. Tất nhiên trong toàn chuyện tăng cân của một người hay của cả cộng đồng là vấn đề về sức khỏe, nhưng cũng cần đặt ra vấn đề là cái bụng bự hay còn một cụm từ không mấy lịch sự là “thùng nước lèo” của đàn ông, đàn bà và cả trẻ em, ảnh hưởng thế nào về mặt xã hội.
Bằng con mắt bình thường của một người bình dân ở mọi đô thị Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn, thì mỗi ngày từ lúc rời khỏi giường ngủ, các bụng bự hầu như rất ít khi làm phiền đến đôi chân mỗi khi ra khỏi nhà. Cà phê sáng, ăn sáng thì cặp mông êm ái trên yên xe Honda. Ăn trưa, nếu không tự đề máy xe máy thì gọi Grab food đặt mang món ăn mình khoái khẩu đến tận nhà, văn phòng. Chiều tối, gặp tháng nắng khói bụi hay mưa dầm thì sẽ có ngón tay thay thế đôi chân để bấm smartphone kêu xe ôm công nghệ hay taxi ra quán làm vài chai bia cho lớp mỡ bụng được mát ruột, sảng khoái, ngất ngưởng. Có thể biên tập lại câu nói của “trùm cộng sản chế độ” để tổng kết như sau: Nhìn tổng quát, cái bụng mỡ bự (thùng nước lèo) người đô thị Việt Nam có bao giờ được như thế này không.
Nghiêm túc mà nói, nếu kéo thước đo thì đa số người dân ở các thành phố Việt Nam, suốt 24 giờ, mỗi ngày chưa chắc đi hết 1 cây số bằng hai chân của chính mình (trừ người có chơi thể thao, tập thể dục và lao động chân tay), thế nên chuyện phát tướng bụng bự, bụng phệ là đương nhiên.
Có thể ai đó không đồng ý với nhận xét trên, họ dẫn ra rằng ở các nước văn mình phát triển, các phương tiện di chuyển hiện đại cũng phục vụ tận chân người dân, đâu cần gì phải đi bộ nhiều. Nhưng xin thưa, có người trong nước ra nước ngoài lần đầu đều đưa ra nhận xét, việc đi bộ một đoạn đường dài tới bãi xe hay bước hết ga, có khi phải chạy cho kịp xe bus, tàu điện… làm chân cẳng họ rã rời, còn nhịp tim thì đánh liên hồi như trống trận. Có thể người Việt sống ở nước ngoài cũng không ít người bụng bự, nhưng chắc là đôi chân họ không vô quy trình dẫn đến nguy cơ thoái hóa để tiến lên “thiên đường” xứ bụng bự như phần nhiều người sống ở các đô thị Việt Nam.
Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại nở rộ “đô thị đặc thù” ăn, nhậu như thời này. (Hình minh họa: Getty Images)
Nguyên nhân thứ hai đang “kiến tạo” nên cộng đồng bụng bự đủ cỡ ở Việt Nam là thực phẩm. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại nở rộ “đô thị đặc thù” ăn, nhậu như thời này. Có người đưa ra minh giải là sau thời bị cộng sản đày đọa thiếu đói triền miên, bây giờ người Việt đang đua nhau ăn bù cho đã, chẳng những vậy, các lớp người có tuổi ở Việt Nam mỗi khi nhìn con cháu ăn tiệc nhà hay vô hàng quán với thực phẩm đủ loại, họ thường có gương mặt rạng rỡ hài lòng, rồi không cần ngăn cảm xúc, thốt lên với nhau: “Tụi nhỏ bây giờ ăn uống sung sướng hơn tụi mình nhiều!” Và cứ như vậy, mọi tô son sĩ diện hay khẳng định vị trí xã hội đều cùng một cách thể hiện là bắt đầu từ bàn ăn, món ăn, cùng khả năng tiêu thụ thức ăn để vung bồi cho cái bụng bự.
Việc người tuổi trung niên cả nam lẫn nữ ở các đô thị Việt Nam kè kè bụng bự đang làm thay đổi tiêu chuẩn về số size của cả thị trường quần áo. Nếu hàng chục năm trước, thời mà ca khúc “Chiều Tây Đô” gắn liền với các thùng đồ bà con Việt kiều gởi về, gọi chung là đồ Mỹ, đã khai sinh ra đội quân thợ may sửa quần áo đường phố chuyên cắt ngắn, bóp eo, rồi tới hàng đồ “si-đa” cũng cắt sửa đo may sao cho khớp với thể hình người Việt đô thị, thì nay trào lưu bụng bự chân teo đã góp phần làm thất nghiệp cánh thợ may đường phố và mở ra các cửa hàng bán gen nịt bụng, loại quần có dây đeo.
Thêm nữa, không có gì quá đáng khi các hình ảnh hàng ngày đăng lên mạng xã hội cho thấy cán bộ chế độ, nhất là công an mặc đồng phục mà bụng bự tới mức nút áo, nút quần phải kéo căng lòi lớp mở bụng, cũng đang làm nên hình ảnh biểu tượng về một chế độ tham nhũng “Ăn không từ thứ gì” trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Công an bụng bự (Hình minh họa: Getty Images)
Hiện tượng người bụng bự đang phát triển không có điểm giới hạn ở khắp các đô thị Việt Nam ngày nay không đơn giản chỉ là tạo ra khuynh hướng thẩm mỹ xấu; sâu xa hơn đây là một căn bệnh phổ biến mà nhiều người cực đoan cho rằng là biểu hiện rõ nhất về sự suy thoái về thể chất và tâm hồn cộng đồng do lối sống chỉ quan tâm đến máng ăn, món ăn.
Có thể lối suy nghĩ đó là quá đáng nhưng quả thật, ở Sài Gòn hay các đô thị lớn hiện nay dù đàn ông, đàn bà, thanh niên hay nam nữ, thậm chí cả trẻ con tuổi học sinh, người nào giữ được thể hình cân đối đều được người có bụng bự ao ước. Nhưng bi kịch thay, các thùng nước lèo óc ách của họ vẫn cứ theo đà kéo họ vào bàn ăn, tiệm ăn không có điểm dừng. (Trần Tiến Dũng)
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ve-toc-do-phat-trien-lop-nguoi-bung-bu-o-viet-nam/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten