Sắp tới sẽ có bộ sách ‘Hình Ảnh Tài Tử và Cải Lương Thời Xa Xưa’
Ngành Mai
Một bộ sách với hàng mấy trăm bức hình nghệ sĩ tên tuổi và tài tử cổ nhạc lừng danh từ thời xa xưa, thập niên 1920 trải dài đến cuối thập niên 1960, đang được tác giả Ngành Mai biên soạn.
Kể từ lúc đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương xuất hiện ở Nam Kỳ Lục Tỉnh – miền Nam Việt Nam, và sau đó thì lan ra miền Bắc, thì từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay đã có “hằng hà sa số” hình ảnh những tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Thế nhưng, hiện nay phần lớn những bức hình của các nghệ sĩ từ thời xa xưa đã nằm rải rác trong nhân gian, cũng như một số không ít đã thất lạc.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ liên tục sưu tầm, lưu giữ nên hiện nay trong thư tịch cổ xưa của Ngành Mai đã tập trung rất nhiều hình ảnh nghệ sĩ từ thời xa xưa ấy. Không lẽ cất giữ mãi, rủi mai kia bị mai một thì sao? Có người đã lên tiếng như vậy. Do đó là động lực cho tác giả Ngành Mai biên soạn bộ sách “Hình Ảnh Tài Tử và Cải Lương Thời Xa Xưa.”
Nội dung tập sách gồm ba phần:
-Hình ảnh nghệ sĩ, tài tử từ thập niên 1920 trở về sau.
-Bích chương hát Tết của nhiều đoàn cải lương Bắc-Nam đăng trên báo Xuân nhiều năm.
-Bìa báo Xuân in hình nghệ sĩ Bắc-Nam (hình màu rất đẹp) của thập niên 1950-1960.
Theo đó, những bức hình trắng đen của các nam nữ nghệ sĩ miền Nam từ thời xa xưa như Nguyễn Tống Triều (Mỹ Tho), Cao Văn Lầu, tức Sáu Lầu (Bạc Liêu), Huỳnh Thủ Trung tự Tư Chơi, Năm Phỉ, Tư Út, Tám Thưa, Cô Tư Sạng, Năm Châu, Phùng Há, Tư Trang, Ba Vân, Tám Danh, Bảy Nhiêu, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Năm Phồi, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Cô Năm Cần Thơ, Cô Ba Bến Tre, Thành Công, Kim Chưởng, Thúy Nga, Kim Thoa, Kim Lan, Lệ Liễu, Bạch Huệ, Kim Anh, Sáu Thoàng, Thanh Loan, Thanh Hương, Văn Chung… Các soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, Thu An…
Hình các nam nữ nghệ sĩ miền Bắc như Kim Chung, Bích Hợp, Bích Thuận, Thúy Liệu, Túy Định, Huỳnh Thái, Thu Nhi, Ngọc Toàn, Sĩ Toán, Sĩ Cường, Charlot Miều, Hoàng Như, Nguyễn Hồng, Tường Vân, Bạch Tường, Tố Phụng, Phúc Lai (hề), Tư Vững (hề), các soạn giả Vạn Lý, Ngọc Văn, Hoàng Lan, Bạch Sơn…
Đó là một số bức hình tiêu biểu các nghệ sĩ Nam-Bắc nổi danh từ thập niên 1920 đến cuối thập niên 1950 (dĩ nhiên là còn nữa) mà hầu như đều qua đời, nếu còn sống thì cũng chẳng có mấy người.
Còn các nam nữ nghệ sĩ nổi tiếng từ đầu thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970 thì bài viết này chưa đề cập đến, nhưng trong bộ sách thì ghi rõ hình ảnh của Thanh Nga, Ngọc Hương, Thanh Thanh Hoa, Lan Chi, Hùng Cường, Thanh Hải, Bạch Tuyết, Tấn Tài, Út Hậu, Bích Sơn, Ngọc Giàu… thì một số lớn đã qua đời, nếu ai đó còn hoạt động nghệ thuật thì cũng không còn phong độ như xưa.
Các bích chương hát Tết đăng trên báo Xuân thời xa xưa, gồm:
-Đoàn Kim Chung hát Tết Ất Mùi 1955 tại rạp Norodom, Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên Kim Chung hát Tết ở miền Nam.
-Đoàn Thống Nhứt, Út Trà Ôn, Hoàng Giang hát Tết Nhâm Dần 1962 tại rạp Thanh Bình, Sài Gòn.
-Đoàn Thanh Tao hát Tết Kỷ Hợi 1959 tại hí viện Phạm Bửu, Dĩ An, Bình Dương.
-Đoàn Song Kiều, Thúy Nga hát Tết Canh Tý 1960 tại rạp Hồng Lợi, Phan Thiết.
-Đoàn Bạch Vân hát Tết Nhâm Dần 1962 tại rạp Tân Quang, Nha Trang.
-Đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát Tết Tân Sửu 1961 tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn.
-Đoàn Kim Thanh, Út Trà Ôn hát Tết Bính Thân 1956 tại rạp Chung Bá, Bạc Liêu.
-Đoàn Nam Phong hát Tết Canh Tý 1960 tại Đại Vũ Trường Thị Nghè, Sài Gòn.
-Đoàn Kiên Giang hát Tết Nhâm Dần 1962 tại rạp Biên Hùng, Biên Hòa.
-Đoàn Hoa Sen hát Tết Nhâm Dần 1962 tại rạp Lạc Thành, Bến Tre.
-Đoàn Kim Chưởng hát Tết Canh Tý 1960 tại rạp Biên Hùng, Biên Hòa.
-Đoàn Thanh Thinh hát Tết Kỷ Hợi 1959 tại Hà Tiên.
-Đoàn Thanh Hương, Hùng Minh hát Tết Tân Sửu 1961 tại rạp Biên Hùng, Biên Hòa…
Trên đây chỉ ghi một cách khái quát hình thức trình bày của bộ sách. Tác giả sẽ ghi rõ ràng hơn, như khi đưa hình Huỳnh Thái, đệ nhứt danh ca miền Bắc vào bộ sách thì ghi rõ tên thật là Hoàng Đình Thái, sinh năm 1920 tại Hà Nội.
Năm 1935 chính thức bước vào nghề, cùng vợ lập gánh hát nhỏ lấy tên Thái Châu Ban. Năm 1937 gia nhập gánh Ứng Lập Ban, năm 1939 về gánh Ái Liên và thành danh trong vai Trần Khắc Chung (tuồng Huyền Trân Công Chúa), Ái Liên vai Huyền Trân Công Chúa.
Năm 1947 thành lập Huỳnh Thái ca kịch đoàn. Năm 1950 đầu quân đoàn Kim Phụng, năm 1952 hát cho đoàn Tiếng Chuông Vàng Hải Cảng, năm 1953 lập gánh Huỳnh Thái-Bích Hợp. Năm 1954 gia nhập đoàn Kim Chung và theo đoàn di cư vào Nam, về sau thành lập đoàn Huỳnh Thái Thăng Long…
Hoặc đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn thì tên tuổi ông gắn liền với cổ nhạc, cải lương miền Nam. Út Trà Ôn tên thật Nguyễn Thành Út sinh năm 1921 tại quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (bây giờ Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Năm 1937 (16 tuổi) bắt đầu học ca vọng cổ, tham gia đờn ca tài tử ở quê hương Trà Ôn. Năm 1938 lên Sài Gòn ca đài Radio Sài Gòn với bản vọng cổ đầu tiên “Thức Trót Canh Đông” thu thanh dĩa hát Asia, bực thang thứ nhứt trên đường sự nghiệp. Từ năm 1939 đến 1942 vẫn ca trên đài và thu thanh dĩa hát. Lúc này tên tuổi Út Trà Ôn nổi bật với làn hơi ca bất hủ.
Năm 1943, Út Trà Ôn bắt đầu lên sân khấu từ gánh Hề Lập đến Thanh Long, Tiến Hóa, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh. Đến năm 1954 cùng với ba nghệ sĩ Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga lập gánh Kim Thanh. (Ngành Mai)
Đờn ca tài tử sinh hoạt vào Thứ Năm hằng tuần
Đờn ca tài tử hải ngoại sẽ sinh hoạt vào mỗi Thứ Năm hằng tuần, lúc 6 giờ chiều tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.
Ban tổ chức xin thông báo với tất cả giai nhân tài tử từng tham gia sinh hoạt thời gian qua, cũng như người tài tử ở các tiểu bang Hoa Kỳ về Nam California đến tham dự. Đồng thời cũng mời bà con mộ điệu. Vào cửa miễn phí.
Theo truyền thống tài tử thì những ai có đờn cổ nhạc bất cứ loại gì thì cứ mang đến để cùng hòa điệu tiếng tơ. Và những người biết ca cổ nhạc dù ít, ban tổ chức cũng mời lên ca chứ không phân biệt gì cả.
Mọi chi tiết xin liên lạc ban tổ chức: Ngành Mai (714) 360-6711, nhạc sĩ Quang Khải (619) 807-3790.
https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/sap-toi-se-co-bo-sach-hinh-anh-tai-tu-va-cai-luong-thoi-xa-xua/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten