donderdag 22 augustus 2019

Facebook và Twitter vạch trần chiến dịch của Bắc Kinh bôi nhọ người biểu tình Hồng Kông + xóa bỏ hàng nghìn tài khoản “giả mạo” phát xuất từ Hoa lục

Facebook và Twitter vạch trần chiến dịch của Bắc Kinh bôi nhọ người biểu tình Hồng Kông

mediaFacebook và Twitter tiến hành nhiều biện pháp chống tuyên truyền của Trung Quốc bôi nhọ người biểu tình Hồng KôngNICOLAS ASFOURI, Lionel BONAVENTURE / AFP
Hôm qua 19/08/2019, hai mạng xã hội hàng đầu trên thế giới hiện nay là Twitter và Facebook đã đồng thời loan báo quyết định xóa bỏ hàng nghìn tài khoản “giả mạo” chỉ trích các cuộc biểu tình tại Hồng Kông. Hai mạng xã hội này không ngần ngại nêu bật xuất xứ của các tài khoản này là từ Trung Quốc, nơi mà cả Twitter lẫn Facebook đều bị chận.
Động thái quyết liệt của hai đại gia mạng xã hội này đã góp phần vạch trần chiến dịch bôi nhọ mà chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành nhắm vào phong trào dân chủ tại Hồng Kông.
Trong một thông cáo công bố hôm qua, Twitter xác nhận đã đóng cửa 936 tài khoản xuất xứ từ Trung Hoa Lục Địa, dùng cả tiếng Anh và tiếng Hoa, với lý do chính thức là các tài khoản này đã vi phạm “chính sách chống thao túng thông tin” của mạng xã hội này, dưới các hình thức như gởi spam ồ ạt, phối hợp hành động, dùng tài khoản giả.
Các tài khoản này bị cho là đã hoạt động trong khuôn khổ một chiến dịch do chính phủ Trung Quốc yểm trợ, nhằm kích động bất hòa chính trị ở Hồng Kông.
Twitter đồng thời cho biết sẽ không còn chấp nhận quảng cáo từ các phương tiện truyền thông do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát.
Về phần mình, Facebook cũng loan báo xóa bỏ bảy trang, ba nhóm và năm tài khoản dính líu đến các hành vi mà tập đoàn này gọi là “hành vi phối hợp không trung thực như một phần của một mạng nhỏ xuất xứ từ Trung Quốc và tập trung vào Hồng Kông”. Facebook cũng nói thẳng là sở dĩ các tài khoản trên bị đóng, đó là vì “liên hệ với chính quyền Trung Quốc”.
Facebook đã nêu bật một số ví dụ về các hành vi có phối hợp và không trung thực, tức là dối trá, như các bài đăng so sánh người biểu tình với loài gián, cáo buộc các nhà báo là tham nhũng và thông đồng với những kẻ “bạo loạn”, và những khẳng định theo đó chính những người biểu tình chứ không phải là cảnh sát là phía đã gây thương tích ở mắt của một cô gái, một hình ảnh đã trở thành biểu tượng của bạo lực cảnh sát tại Hồng Kông.
Chiến dịch lũng đoạn thông tin của chính quyền Bắc Kinh nhằm mục đích bôi nhọ phong trào phản kháng tại Hồng Kông bị công khai vạch trần, nhưng theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, đó chỉ là phần nổi của cả một hệ thống tuyên truyền rộng lớn dựa trên hàng trăm ngàn dư luận viên ẩn danh trên các mạng xã hội:
“Ở Trung Quốc, thành phần này vẫn được gọi là Ngũ Mao Đảng (wu mao dang), nghĩa đen là “Đảng 5 hào”, tức là thù lao được chính quyền trả trước đây cho mỗi bình luận có lợi cho chế độ, hoặc có tác dụng chuyển tiếp các thông điệp tuyên truyền.
Theo một khảo sát của Đại Học Mỹ Harvard công bố vào năm 2016, các dư luận viên, đa số làm việc dưới tên giả, đã đưa lên mạng hơn 480 triệu tin nhắn mỗi năm. Để phát tán những tin nhắn tương tự ở nước ngoài, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc cần phải dùng đến các mạng xã hội bị kiểm duyệt ở Trung Hoa Lục Địa.
Phát biểu với RFI, nhà báo Trung Quốc Cao Du ước lượng rằng “hiện có hàng trăm ngàn thành viên “ngũ mao đảng” đang hoạt động ở Trung Quốc. Trên mạng Twitter, xuất hiện hai loại tài khoản Trung Quốc “ngụy tạo”: một bên của giới chuyên tấn công các nhà đối lập, kể cả bằng cách chửi rủa, và một bên bao gồm những người được đào tạo chuyên nghiệp hơn, trong đó có rất nhiều công an mạng, chuyên loan truyền các tin giả fake news.”
Các dư luận viên này cũng được rèn luyện để sử dụng tiếng Anh. Tập đoàn Twitter khẳng định rằng họ đã nhận diện được “một số lượng lớn các tài khoản hoạt động có phối hợp với nhau để khuếch đại thông tin họ đưa về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.”
Tập đoàn Mỹ cũng cho biết là họ có “bằng chứng đáng tin cậy” để nói rằng “đó là một chiến dịch được Nhà nước Trung Quốc hỗ trợ”.
Rất nhiều tài khoản trong số này đã có thể truy cập vào Twitter từ Trung Quốc thông qua các mạng ảo cá nhân VPN để vượt rào kiểm duyệt, trong khi cũng có những tài khoản đến từ các địa chỉ IP đặc biệt không bị chặn tại Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh chưa bình luận về các quyết định của Twitter và Facebook, nhưng guồng máy tuyên truyền kích động chống người biểu tình Hồng Kông đã có tác dụng đối với người Trung Quốc tại Hoa lục. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post vào hôm nay, một số người dùng internet ở Trung Quốc đã khẳng định rằng động thái của Twitter và Facebook cho thấy là Hoa Kỳ đang khuấy động tình hình. 
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190820-chien-dich-cua-bac-kinh-boi-nho-nguoi-bieu-tinh-hong-kong-bi-vach-tran

Geen opmerkingen:

Een reactie posten