zondag 25 augustus 2019

Người tắm biển ở La Gi, Bình Thuận liên tục bị ‘sóng tử thần’ cuốn trôi : 12 người thiệt mạng

Người tắm biển Bình Thuận liên tục bị ‘sóng tử thần’ cuốn trôi


Người dân lo lắng theo dõi lực lượng cứu hộ tại vùng biển Bình Thuận khi du khách bị sóng cuốn gần đây. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Chỉ trong hơn 10 ngày, tại Bình Thuận đã xảy ra nhiều vụ sóng cuốn tập thể làm 12 người thiệt mạng.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, rạng sáng 23 Tháng Tám, 2019, thi thể của bốn học sinh, sinh viên bị sóng cuốn tại bãi biển Bình Thuận đã được đưa về gia đình lo hậu sự. Cả thành phố núi Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng nơi những thanh thiếu niên xấu số này cư trú đều xót xa và bàng hoàng khi những nạn nhân đều còn quá trẻ.
Trước đó, hôm 10 Tháng Tám, tại thị xã La Gi, sóng cuốn tập thể khiến sáu người thiệt mạng, trong đó có cả nhân viên cứu hộ Nguyễn Minh Tâm.
Báo này cho hay, vào những ngày đầu Tháng Tám, tình hình thời tiết cả nước ảnh hưởng do cơn bão số 3 và hình thành áp thấp nhiệt đới cơn bão số 4 có thể xảy ra trên diện rộng. Vùng biển Bình Thuận chịu ảnh hưởng mưa lớn, nước biển dâng cao, có sự tác động đến du khách tắm biển và tình hình thời tiết xấu có nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao.
Theo ông Ngô Minh Chính, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao & Du Lịch tỉnh, sở yêu cầu các đơn vị du lịch thông báo đến du khách và kiên quyết hạn chế cho du khách tắm biển trong điều kiện thời tiết xấu.
Thế nhưng những cái chết đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bình Thuận, năm nay thời tiết ở Bình Thuận diễn biến thất thường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, làm thay đổi dòng chảy. Đặc biệt vùng ven bờ có nhiều dòng chảy nghịch, xuất hiện cả dòng chảy ngầm ven bờ và xa bờ làm xói mòn bờ biển và nguy hiểm cho du khách tắm biển.
Dòng chảy xa bờ là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Đây là một hiện tượng thường gặp ở các bãi biển và là nguyên nhân chính gây nên những vụ tai nạn thương tâm cho du khách.
Hiện trường vụ chín người bị sóng biển cuốn trôi, sáu người tử vong ở thị xã La Gi (Bình Thuận) hôm 10 Tháng Tám. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Dòng chảy xa bờ xảy ra khi sóng đánh và liên tục đưa nước vào bờ khiến nước rẽ sang hai bên, dòng chảy này di chuyển dọc theo bờ cho tới khi tìm được lối thoát ngược ra khơi và được ví như một dòng nước tử thần đang rình rập. Dòng chảy xa bờ thường khá hẹp, có chiều ngang 1-3 mét, nhưng cũng có những trường hợp dòng chảy này rộng đến cả chục mét.
Theo ông Huy, rất dễ dàng nhận ra những dòng chảy này bằng mắt thường, đó là những vùng nước có màu sậm hơn, mặt nước lặng hơn. “Dòng nước này không nhấn chìm nạn nhân nhưng nó khiến người bị cuốn vào kiệt sức khi cố bơi ngược vào bờ. Do đó hãy nhớ rằng dòng chảy xa bờ không nhấn chìm bạn, chúng chỉ cuốn bạn ra biển và đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu. Khi bị cuốn cần bình tĩnh thả nổi theo dòng nước và từ từ bơi dạt vào bờ khi dòng cuốn yếu đi, đồng thời chờ cứu hộ hoặc có thể bơi song song theo bờ biển, tới lúc gặp sóng bạc đầu, chúng sẽ hỗ trợ để bạn dễ dàng bơi lại vào bờ. Càng mất bình tĩnh, quẫy đạp, hoảng hốt sẽ gây mất sức và bị chìm,” ông Huy chia sẻ.
Thế nhưng vụ sóng cuốn tập thể ngày 10 Tháng Tám ở La Gi, du khách đã được cảnh báo từ trước. Tuy nhiên, với tâm lý “du lịch biển là phải tắm biển,” họ đã bất chấp và thảm họa đã xảy ra.
Riêng vụ sóng cuốn tập thể ngày 22 Tháng Tám, các du khách lưu trú ở địa điểm cách xa biển và rủ nhau xuống bãi biển cộng đồng nô đùa trong khi ở đây không hề có nhân viên cứu hộ hoặc biển cảnh báo. Rất may hai du khách người nước ngoài đã dũng cảm lao ra cứu được ba người, nếu không hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn nhiều. (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nguoi-tam-bien-binh-thuan-lien-tuc-bi-song-tu-than-cuon-troi/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten