Fragonard, "nốt trầm" trên xứ sở nước hoa Grasse
Pháp nổi tiếng về nước hoa, còn Grasse là quê hương của các loại nước hoa. Cách Cannes khoảng 20 km, thành phố nhỏ nằm trên triền núi nhìn thẳng xuống miền Côte d’Azur nước xanh như ngọc. Những triền núi quanh thành phố phủ đầy các loại hoa - nguồn nhiên liệu để chiết xuất tinh dầu. Hoa ở Grasse có mùi thơm đặc biệt nhờ luôn có ánh nắng mặt trời và gió biển.
Kỹ thuật sản xuất nước hoa của Grasse được xếp hạng Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO năm 2018. Thành phố còn nổi tiếng với Bảo tàng Nước hoa Quốc tế (Musée international de la Parfumerie) nơi trưng bầy nhiều bộ sưu tập từ cổ đại đến ngày nay và kỹ thuật sản xuất nước hoa.
Ở thành phố được mệnh danh là thủ đô của nước hoa trên thế giới, có đến hai trường chuyên đào tại về Nước hoa (Ecole supérieure du Parfum), vẫn được gọi thân mật là Ecole de Nez, trên tổng số bốn trường hiếm hoi và đều nằm tại Pháp (Paris và Versailles). Thương hiệu Chanel nổi tiếng cũng có một trang trại hoa hồng lớn ở Grasse. Fragonard, Galimard, Molinard…, rất nhiều nhà sản xuất nước hoa độc lập khác tiếp tục là linh hồn của thủ đô nước hoa.
Ban đầu, Grasse không nổi tiếng về nghề sản xuất nước hoa, theo giải thích với RFI tiếng Việt của chị Clémence Post, hướng dẫn viên tại nhà Fragonard :
« Ban đầu, thành phố Grasse rất nổi tiếng về da và nghề thuộc da. Người dân bắt đầu làm nước hoa để khử mùi hôi của da, từ đó, Grasse dần trở thành thủ đô nước hoa của thế giới ».
Một trong những lý do để Grasse trở thành vùng đất lý tưởng phát triển ngành thuộc da là nhờ nguồn nước dồi dào mà nghề này rất cần. Các sản phẩm da của Grasse nổi tiếng nhưng lại có mùi khó chịu. Nhờ đôi găng tay bằng da đầu tiên được tẩm nước hoa và tặng cho vương hậu Catherine de Médicis (sau trở thành nhiếp chính của ba đời vua Pháp), sản phẩm da và nước hoa của Grasse trở thành xu hướng thời thượng của giới quý tộc Pháp.
Thành công bất ngờ ! Đơn đặt hàng gửi về tới tấp. Cuối cùng, các nhà sản xuất ở Grasse quyết định xây dựng một nhà máy riêng để đáp ứng nhu cầu. Ngay từ cuối thế kỷ XVI, cả châu Âu đã đến Grasse để học nghề nước hoa.
Bảo tồn kỹ thuật chiết xuất tinh dầu truyền thống
Đến đầu thế kỷ XVII, Grasse bắt đầu chuyên về chiết xuất tinh dầu thơm. Kỹ thuật này được tiếp tục được phát triển, hoàn thiện vào thế kỷ XIX và giúp thành phố thêm nổi tiếng. Các nhà sản xuất lâu đời ở Grasse, như Fragonard, Galimard vẫn sử dụng kỹ thuật chưng cất bằng hơi nước truyền thống, như giải thích của chị Clémence Post :
« Kỹ thuật chưng cất bằng hơi nước là cách làm truyền thống, chỉ có một điểm khác biệt là các nồi chưng cất hiện được làm bằng inox và to hơn. Trong nồi chưng, chúng tôi bơm hơi nước vào, nguyên liệu được đặt lên trên đó và hơi nước sẽ biến các phân tử thành hương liệu.
Phần chất lỏng thu được cuối cùng được cấu tạo từ tinh dầu và nước chưng cất. Hai thành phần này tự tách rời nhau nhờ độ đặc. Dầu nổi trên mặt nước và được hớt lên. Còn nước chưng cất thì được rút từ phía dưới. Tinh dầu được dùng để sản xuất nước hoa. Còn nước chưng cất có thể được dùng làm nước thơm trong mỹ phẩm hoặc bánh ngọt.
Ví dụ để có được một lít tinh dầu oải hương, phải cần đến 200 kg hoa. Còn một lít tinh dầu hoa hồng Bulgari, thì cần đến tận 3,5 tấn hoa. Đôi khi cần phải có khối lượng hoa rất lớn ! »
- Một số bình đựng bằng đất nung, thế kỷ IV-V TCN ở Hy Lạp. Bảo tàng Nước hoa Quốc tế, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Bộ mẫu mùi để tạo nước hoa. Bảo tàng Nước hoa Quốc tế, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Một số mẫu chai nước hoa tại Pháp, thế kỷ XX, Bảo tàng Nước hoa Quốc tế, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Ba nghiên cứu cổ chai nước hoa J'Adore, Bảo tàng Nước hoa Quốc tế, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Một số kiểu bình nước hoa cổ. Bảo tàng Nước hoa Quốc tế, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Một số bình đựng bằng đất nung, thế kỷ IV-V TCN ở Hy Lạp. Bảo tàng Nước hoa Quốc tế, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Bộ mẫu mùi để tạo nước hoa. Bảo tàng Nước hoa Quốc tế, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt
Fragonard, bốn thế hệ cha truyền con nối
Được thành lập năm 1926, Fragonard là một trong những nhà sản xuất nước hoa độc lập vẫn hoạt động tại Grasse. Trên con đường núi ngoằn ngoèo dẫn lên thành phố, khu nhà xưởng của Fragonard nổi bật với màu vàng ngay lối vào.
« Fragonard mang tên danh họa Jean-Honoré Fragonard (1732-1806, họa sĩ của vua Louis XV) để tôn vinh họa sĩ, một người con xứ Grasse (con trai của nhà làm găng nổi tiếng François Fragonard). Có nghĩa là công ty không mang tên của nhà sáng lập. Nhà sáng lập tên là Eugène Fuchs. Hai thế hệ sau nhà sáng lập, Jean-François Costa là người xốc vác thực sự hoạt động của Fragonard và mở rộng công ty ».
Ba người cháu gái của Jean-François Costa là Anne, Agnès và Françoise, hiện là thế hệ thứ tư điều hành hoạt động của doanh nghiệp gia đình. Nhà sáng lập Eugène Fuchs là người đầu tiên có ý tưởng tổ chức tham quan xưởng sản xuất để thu hút du khách đến vùng Côte d’Azur, nổi tiếng với biển xanh, nắng vàng và là nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ ngày giai đoạn giữa hai thế chiến.
Đến thời François Costa, con rể của nhà sáng lập Fuchs, Fragonard trở nên nổi tiếng với bộ sự tập liên quan đồ vật về lịch sử nước hoa và được trưng bày tại hai Bảo tàng, một ở ngay trong xưởng sản xuất được xây năm 1782 tại Grasse và Bảo tàng Nước hoa Opéra ở Paris. Đến thế hệ thứ tư hiện nay, Fragonard không chỉ dừng ở « nhà sản xuất nước hoa » mà còn đáp ứng « nghệ thuật sống mới ».
Những lọ nước hoa nhỏ xinh bằng nhôm mạ vàng cũng là một đặc điểm riêng của nhà Fragonard, như giải thích của nhà Agnès Webster Costa, chủ tịch thương hiệu, với đài truyền hình TV 5 :
« Fragonard nổi tiếng về những chiếc bình nước hoa mầu vàng. Và truyền thống này đến một cách tình cờ. Ban đầu, những chiếc bình bằng nhôm (estagnon) được dùng để chứa và vận chuyển nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nước hoa. Bà nội của tôi, Emilie Costa, trong thời chiến, không tìm được nguồn cung cấp lọ thủy tinh, thế là bà nảy ý tưởng mạ vàng những chiếc bình nhỏ bằng nhôm mầu bạc để chiếc lọ được đẹp hơn, nữ tính hơn. Ý tưởng đó lại rất được ưa chuộng nên chúng tôi tiếp tục giữ kiểu bình nhôm đó cho đến nay ».
Theo Clémence Post, loại chai bằng nhôm này còn có một ưu điểm khác :
« Nhà Fragonard sử dụng chai được làm từ nhôm để có thể bảo quản được lâu. Vì là nhôm nên có thể tránh được ánh sáng trực tiếp cho nước hoa, như vậy, nước hoa có thể giữ được ít nhất 6 năm. Còn nước hoa được đóng trong chai thủy tinh thì thường có thể bảo quản được đến 3 năm. Đó là một lợi thế của vật liệu nhôm. Ngoài ra, chất liệu này còn rất nhẹ và không vỡ được ».
- Xưởng sản xuất của nhà máy Fragonard, mở cửa cho miễn phí cho khách tham quan, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Bộ nước hoa nhỏ lọ nhôm mạ vàng, đặc trưng của Fragonard, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Cửa hàng của Fragonard ở Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Xà phòng hình trứng, hoàn toàn làm thủ công, của Fragonard, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Một góc trong bảo tàng Fragonard, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Xưởng sản xuất của nhà máy Fragonard, mở cửa cho miễn phí cho khách tham quan, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt - Bộ nước hoa nhỏ lọ nhôm mạ vàng, đặc trưng của Fragonard, Grasse, Pháp.
RFI / Tiếng Việt
Fragonard có khoảng 50 loại nước hoa khác nhau và mỗi năm được đánh dấu bằng một sáng tạo mới, như năm 2019 là dành vinh danh hoa oải hương nổi tiếng của vùng Provence. Vẫn theo Clémence Post, để làm ra được một loại nước hoa, phải mất nhiều năm, từ sáng tạo đến sản xuất vì còn tùy theo mùa thu hoạch. Trong một gian phòng riêng, khách tham quan có thể học cách phân biệt mùi tinh dầu và tự tạo cho mình một loại nước hoa riêng.
« Trên chiếc bàn có ba tầng này là ba tầng tinh dầu. Ba tầng này tương ứng với ba loại « nốt » trong thành phần của nước hoa, như nốt thăng, nốt trầm trong một bản nhạc.
Trong bất kỳ loại nước hoa nào đều có một nốt bổng (còn gọi là lớp hương đầu, « note de tête »), một nốt trung (lớp hương giữa, « note de cœur ») và một nốt trầm (lớp hương cuối, « note de fond »). Vì thế, mùi của nước hoa sẽ thay đổi theo thời gian. Khi vừa xức nước hoa, đầu tiên người ta sẽ ngửi thấy nốt bổng. Nguyên liệu nốt bổng nằm trong những chiếc lọ ở tầng cao nhất, gồm những loại tinh dầu nhẹ nhất, dễ bay hơi nhất, thường là giống cam chanh… Sau khi những nốt bổng tan đi, những nốt trung sẽ thay thế. Nốt trung thường được chiết từ các loại hoa nhài, hoa hồng… và đóng vai trò rất quan trọng để xác định « thème » của nước hoa. Cuối cùng, những nốt trầm (hổ phách, gừng, vani…) được dùng để giữ nước hoa trên da vì đó là những loại tinh dầu đọng lâu nhất và có mùi đậm nhất ».
Tùy theo mùa, hàng ngày có ít nhất từ 1.000 đến 1.500 du khách đến thăm xưởng sản xuất của nhà Fragonard, rồi len lỏi trong những phố nhỏ ngoằn ngoèo hoặc thả bộ dọc những cánh đồng hoa trải dài triền núi quanh thành phố. Được mệnh danh là « Thành phố Nghệ thuật và Lịch sử », Grasse còn nổi tiếng từ năm 1946 với Lễ Hội Hòa Nhài (Fête du Jasmin) diễn ra vào cuối tuần đầu tiên của tháng Tám, để đánh dấu vụ thu hoạch kéo dài đến tháng Mười.
http://vi.rfi.fr/phap/20190823-fragonard-not-tram-tren-xu-so-nuoc-hoa-grasse
Cùng chủ đề
PHÁP - DU LỊCH
Người Pháp vẫn thích đi du lịch ở trong nướcPHÁP - VĂN HÓA
Champagne và Bourgogne : Di sản văn hóa thế giớiPHÁP - VĂN HOÁ
Hang động Chauvet của Pháp được xếp hạng ‘‘di sản thế giới’’
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
Geen opmerkingen:
Een reactie posten