Trung Quốc là mục tiêu tên lửa tầm trung của Mỹ
Mỹ phóng thử thành công tên lửa quy ước tầm trung, từ đảo San Nicolas (California).Scott Howe/Defense.gov
Một tháng sau khi hủy Hiệp định tên lửa hạt nhân INF với Nga, ngày 19/08/2019, Hoa Kỳ thông báo thử nghiệm thành công một hỏa tiễn quy ước tầm trung. Đâu là mục tiêu thực mà Mỹ đang theo đuổi và không nói ra ? Nga chỉ trích hành động « leo thang quân sự ». Còn Trung Quốc lên án Mỹ « kích động chạy đua vũ trang dẫn đến xung đột quân sự ».
Phi đạn thử nghiệm hôm đầu tuần được phóng từ đảo San Nicolas, bang California, từ hệ thống ống phóng Mark 41, đánh trúng mục tiêu cách xa 500 km trên biển Thái Bình Dương. Một viên chức Mỹ cho biết thêm « đây là tên lửa được chế tạo từ tên lửa hành trình Tamahawk ».
Hoa Kỳ đã được rảnh tay cải tiến và thử nghiệm tên lửa mới có tầm bay từ 500 đến 5000 km sau khi hủy bỏ hiệp định giới hạn vũ khí hạt nhân tầm trung gọi tắt là INF ký kết từ thời Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev.
Hai lý do được Washington chính thức đưa ra là nước Nga của Vladimir Putin không tôn trọng hiệp ước này, chế tạo vũ khí mới 9M729 hay SS C8, theo cách gọi của NATO. Lý do thứ hai là Trung Quốc đứng ngoài, thì tại sao Mỹ lại tự trói tay.
Về điểm thứ nhất, Nga biện minh 9M729 chỉ có tầm bay tối đa 480 km. Về điểm thứ hai, trong quá trình đàm phán với Nga từ tháng Hai năm nay cho lúc thất bại, Lầu Năm Góc lý giải là cần canh tân vũ khí để đối đầu với Trung Quốc đang bành trướng sức mạnh tại châu Á.
Tín hiệu quân sự nhắm vào Trung Quốc
Phải chăng Hoa Kỳ cố tình phát động một cuộc chạy đua vũ trang ? Đúng ! Nhưng với ai ? Theo một chuyên gia chiến lược Pháp, tướng Dominique Trinquand, nguyên chỉ huy trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, đối tượng của Mỹ không phải là Nga mà chính là Trung Quốc : Người ta bàn luận rất nhiều về đe dọa của Nga nhưng Trung Quốc mới là mục tiêu cảnh báo. Lên án Nga « không tôn trọng INF » chỉ là cái cớ. Tổng thống Donald Trump « muốn rảnh tay để đối phó với Trung Quốc, một đại cường quân sự đang lên ».
Theo tướng Dominique Trinquand, « kho tên lửa của Trung Quốc tương đối ít » nhưng nếu Hoa Kỳ « như đã loan báo, trong một năm nữa, sẽ bố trí tên lửa trong vùng Thái Bình Dương trực tiếp đe dọa Hoa lục, thì Bắc Kinh sẽ phải chạy đua vũ trang ».
Nhận định « Trung Quốc là mục tiêu của Mỹ » không phải là võ đóan.
Trung Quốc cũng thấy rõ và phản ứng qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng : « Hành động của Mỹ với mục tiêu duy nhất là bảo vệ thế thượng phong quân sự sẽ gây những hệ quả tiêu cực cho an ninh khu vực và quốc tế ».
Từ khi vào Nhà Trắng cách nay gần ba năm, tổng thống Donald Trump thường xuyên có những tuyên bố bốc đồng. Nhưng thái độ « sáng nắng chiều mưa » của tổng thống thứ 45 của Mỹ tuân thủ một nguyên tắc xuyên suốt « làm cho nước Mỹ hùng mạnh ». Trong chiều hướng này, nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ bị bạc đãi nhưng trong danh sách đối thủ của Mỹ, Trung Quốc bị xem là mục tiêu số một chứ không phải là Nga.
Chỉ trong hồ sơ G7 hay G8 thôi, đã hai lần Donald Trump đề xuất mời Nga trở lại, sau khi tư cách thành viên của Matxcơva (do vụ sáp nhập Crimée) bị tổng thống Obama và giới lãnh đạo châu Âu « đình chỉ » vào năm 2014.
Trong khi đó Trung Quốc đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại gần như toàn diện : chính quyền bị lên án khuynh đảo đồng tiền, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế, các tập đoàn công nghệ bị tố cáo làm gián điệp, đánh cắp phát minh của đối tác…
Bằng mọi cách, phải bảo vệ thế áp đảo của Mỹ từ kinh tế, công nghệ cao cấp cho đến quân sự đang bị Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt với mục tiêu qua mặt nước Mỹ vào năm 2049, theo kế hoạch của Tập Cận Bình.
Gia tăng ngân sách quốc phòng , thành lập binh chủng không gian, chế tạo vũ khí mới vừa làm hài lòng phe quân đội, vừa tạo thêm công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế nhưng cũng để bảo vệ thế thượng phong quân sự.
Những quyết định giúp Đài Loan tăng cường vũ trang, đưa các hải đội tác chiến vào vùng biển Đông Nam Á nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền, dự án bố trí tên lửa tầm trung ở châu Á - Thái Bình Dương và củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương với Úc và các tiểu quốc đảo cũng cùng mục đích « Trung Hoa lục địa ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190821-trung-quoc-la-muc-tieu-ten-lua-tam-trung-cua-my
Hiệp ước INF tan vỡ, Mỹ rảnh tay đối phó Trung Quốc
Tên lửa SSC-8/9M729 của bị phương tây cho là vi phạm hiệp ước INF. Ảnh chụp tại trung tâm trưng bày Patriot Expocentre, gần Matxcơva, 23/01/2019.REUTERS/Maxim Shemetov
Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) Mỹ - Nga tan vỡ hôm nay, 02/08/2019. Lý do Washington chính thức đưa ra là Matxcơva đã không phá hủy các vũ khí vi phạm Hiệp ước. Nga lên án Mỹ là thủ phạm gây đổ vỡ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả Mỹ và Nga đều không muốn ở lại với Hiệp ước trong tình trạng như hiện nay. Việc rút khỏi INF cho phép Washington triển khai các vũ khí vốn bị INF cấm tại vùng Đông Á, để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc, cũng như gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận tên lửa tầm trung mới.
Việc Hiệp ước INF hết hiệu lực đã được hai bên chờ đợi từ nhiều năm nay. Từ năm 2014, Washington đã lên án Nga triển khai các tên lửa 9M729, có tầm bắn 1.500 km, vi phạm INF, không cho phép triển khai các tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km trên bộ, điều mà Matxcơva kiên quyết phủ nhận. Tháng 10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ rút khỏi INF, nếu Nga không tuân thủ Hiệp ước. Chính quyền Nga kể từ đó đã không làm gì để giữ Washington ở lại với INF.
Trên thực tế, Hiệp ước INF cũng bị nhiều giới chức cao cấp Nga lên án là bất công, có lợi cho Washington. Trả lời AFP, chuyên gia độc lập người Nga Pavel Felgenhauer cho biết : « Ngay từ năm 2007, khi Matxcơva rút khỏi Hiệp ước FCE (về vũ khí quy ước tại châu Âu), quân đội Nga và điện Kremlin đã cho rằng INF không phải là một hiệp ước tốt cho Nga ». Tại Matxcơva, vấn đề hủy bỏ Hiệp ước INF với Mỹ lại trở lại mỗi khi có thông tin về việc triển khai một hệ thống hỏa tiễn chống tên lửa mới tại các quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu hoặc châu Á. Đối với Hoa Kỳ, đây chỉ là hệ thống vũ khí phòng vệ, nhưng Nga lo ngại các cơ sở hạt nhân của nước này là đối tượng tấn công.
Việc Nga và Hoa Kỳ rút khỏi INF gây nhiều lo ngại về một nguy cơ chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ. Trên thực tế, hai bên dường như đều tỏ ra kiềm chế. Washington thông báo sẽ không triển khai thêm vũ khí hạt nhân tầm trung tại châu Âu.
Về phần mình, Matxcơva đề xuất thảo luận về một số khu vực mà Mỹ - Nga đồng thuận không triển khai hỏa tiễn tầm trung, sau quyết định rút khỏi INF của Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga cũng nhiều lần khẳng định việc phát triển các tên lửa tầm trung mới, nếu có, sẽ không dẫn đến việc tăng chi phí quốc phòng. Chính quyền Nga đối mặt với một thực tế khắc nghiệt là kinh tế Nga tiếp tục chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2014, sau khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraine, khiến phương Tây áp đặt nhiều trừng phạt kinh tế. Ngân sách quân sự của Nga chỉ bằng một phần mười so với Mỹ.
Trung Quốc : Hệ thống tên lửa tầm trung hùng hậu
Việc Washington rút khỏi INF được giới quân sự Mỹ đón nhận hồ hởi. Phát biểu trước Thượng Viện, ngay trước ngày rút chính thức, tân lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ, ông Mark Esper, nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc tại châu Á, bởi một phần lớn hệ thống hỏa tiễn của nước này thuộc loại tên lửa tầm trung.
Theo nhiều nhà quan sát, cho đến nay, do không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, Bắc Kinh đã phát triển được một hệ thống hỏa tiễn tầm trung hùng hậu tại Hoa lục, được đánh giá là « tân tiến nhất thế giới », trái ngược hoàn toàn với tình trạng yếu kém của binh chủng tên lửa Trung Quốc vào thời điểm Mỹ - Xô ký thỏa thuận INF năm 1987.
Hàng trăm tên lửa Trung Quốc được bố trí tại miền đông nam nước này, có thể dễ dàng tấn công Đài Loan, hòn đảo dân chủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cũng như đặt Nhật Bản và Ấn Độ trong tầm ngắm. Tên lửa Trung Quốc cũng có thể tấn công các đảo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Thomas Mahnken, Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại học Johns Hopkins (trong một bài phân tích trên mạng War on the Rocks), đây là thời điểm cho phép đảo ngược lại cán cân lực lượng. Trước Thượng Viện Mỹ, tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng tương lai của quân đội Mỹ cũng ủng hộ quan điểm cần triển khai tên lửa tầm trung tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo nhật báo Mỹ New York Times, ngay trong những tháng tới, Hoa Kỳ sẽ trắc nghiệm phiên bản hỏa tiễn tầm trung Tomahawk trên bộ, loạt tên lửa hành trình trên bộ đầu tiên sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng tới. Hiện tại, Washington đang tìm kiếm địa điểm đặt hỏa tiễn tầm trung mới. Hàn Quốc được nhắc đến như là một địa điểm hàng đầu có thể tiếp nhận tên lửa Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190802-hiep-uoc-ten-lua-inf-voi-nga-tan-vo-my-ranh-tay-doi-pho-trung-quoc
Cùng chủ đề
Geen opmerkingen:
Een reactie posten