zaterdag 31 augustus 2019

Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải + Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng về căng thẳng ở Biển Đông

Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải

mediaHoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ảnh chụp màn hình từ Twitter của GS Ryan Martinson.Ryan Martinson/Twitter
Sau khi Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng, ngày 29/08/2019 ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, bày tỏ lo ngại là tình hình hiện nay có thể dẫn đến bất ổn trong khu vực. Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Pháp, Đức, Anh « kêu gọi các quốc gia ven Biển Đông có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực ». Trong đó bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của mình và quyền tự do hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.
Với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh « nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng một cách phổ quát Công ước ». Điều này tạo cơ sở cho việc hợp tác trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Pháp, Đức, Anh nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12/07/2016, theo đó « đường lưỡi bò » do Trung Quốc tự vẽ là không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, Pháp, Đức và Anh hoan nghênh tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS, và khuyến khích các bên sớm hoàn tất quá trình này.
Cũng trong ngày 29/08, Ấn Độ tuyên bố kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trên vùng biển quốc tế, theo đúng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Trả lời câu hỏi về vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính của Việt Nam từ tháng Bảy, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar bày tỏ sự tin tưởng là những bất đồng sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không dùng biện pháp đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Trên thực địa, tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục khảo sát tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có ít nhất hai tàu Việt Nam luôn theo sát chiếc tàu Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190830-bien-dong-anh-phap-duc-lo-ngai-bat-on-an-do-ung-ho-tu-do-hang-hai

Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng về căng thẳng ở Biển Đông

mediaẢnh minh họa: Một nhà giàn khai thác dầu khí của Việt Nam ở Trường Sa, Biển ĐôngReuters
Sau Mỹ, Úc, Malaysia, hôm qua 28/08/2019, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng về vụ Trung Quốc tiếp tục cho tàu khảo sát và tàu hải cảnh vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính ở Biển Đông.
Nhưng trái với lời lẽ cứng rắn lên án đích danh Bắc Kinh của Washington, Liên Hiệp Châu Âu chỉ bày tỏ thái độ quan ngại chung chung, mà không hề nêu tên Trung Quốc cũng như vụ việc cụ thể.
Trong bản tuyên bố về « những diễn biến gần đây ở Biển Đông », đăng trên trang web của cơ quan đối ngoại Liên Hiệp Châu Âu, bà Maja Kocijancic, phát ngôn viên phụ trách ngoại vụ và chính sách an ninh đã bày tỏ thái độ quan ngại trước việc « những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và tác hại đến môi trường an ninh biển », có khả năng « đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực ».
Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi tất cả các bên tự kềm chế, và có những bước cụ thể « nhằm khôi phục nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua những phương thức hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Bản thông cáo không hề nhắc đến Trung Quốc, bị cáo buộc là đang khuấy động Biển Đông khi cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Malaysia và đặc biệt là Việt Nam, tại khu vực gần Bãi Tư Chính, đồng thời cho tàu hải cảnh phá rối hoạt động dầu khí của Việt Nam, bất chấp luật lệ quốc tế.
Đây là lần thứ hai Liên Hiệp Châu Âu chính thức lên tiếng quan ngại về tình hình căng thẳng do Bắc Kinh gây nên ở khu vực Bãi Tư Chính tại Biển Đông. Lần trước là nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 03-05/08/2019 của bà Federica Mogherini, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và là đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về an ninh và đối ngoại.
Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 05/08, bà Mogherini cũng đã « chia sẻ quan ngại về việc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông », cho rằng việc quân sự hóa trong khu vực « không đóng góp cho sự phát triển hòa bình », và đề cao việc tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông, trong đó có Luật Biển Liên Hiệp Quốc.
Các nội dung được “ngoại trưởng” Liên Hiệp Châu Âu đề cập trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 08/2019 cũng đã được Bruxelles nhắc lại trong tuyên bố về Biển Đông hôm qua, như trông đợi việc đúc kết nhanh chóng, « một cách minh bạch », các cuộc đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc « có hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc », hay là khẳng định sự gắn bó của Liên Âu với « trật tự pháp lý tại các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, hợp tác và an ninh hàng hải, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190829-bien-dong-den-luot-lien-hiep-chau-au-len-tieng-ve-cang-thang-gan-day
Cùng chủ đề

Geen opmerkingen:

Een reactie posten