dinsdag 20 augustus 2019

1,7 triệu người Hồng Kông lại xuống đường ngày 18/8/2019 bất chấp mưa gió + Bắc Kinh dọa đàn áp nhưng ngại tác hại như Thiên An Môn + Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ




1,7 triệu người Hồng Kông lại xuống đường bất chấp mưa gió


mediaCảnh biểu tình ở Hồng Kông, 18/08/2019.REUTERS/Tyrone Siu
Mặc cho cơn mưa tầm tã, trên 1 triệu người Hồng Kông hôm nay 18/08/2019 lại xuống đường. Những người tổ chức mong muốn cuộc biểu tình ôn hòa này sẽ chứng minh rằng phong trào đòi dân chủ đã kéo dài 11 tuần lễ luôn được ủng hộ, cho dù bị đàn áp và Trung Quốc đe dọa can thiệp quân sự.
Để đập tan cáo buộc « khủng bố » của Bắc Kinh, Mặt trận Dân sự Nhân quyền (FCDH), vốn đã tập hợp được hàng triệu người trong hai cuộc biểu tình đại quy mô hồi tháng Sáu và tháng Bảy, kêu gọi xuống đường « không bạo lực ». Cô Lương Dĩnh Mẫn (Bonnie Leung), một phát ngôn viên của FCDH tuyên bố : « Nếu chiến thuật của Bắc Kinh là để cho phong trào lụi tàn dần, thì họ đã lầm. Chúng tôi đấu tranh không ngơi nghỉ ».
Theo các nhà tổ chức, có ít nhất 1,7 triệu người xuống đường hôm nay, còn cảnh sát không cung cấp con số. Đây là một thành công mới của phong trào.
Đám đông biểu tình mặc áo đen, mang dù vừa để che mưa vừa nhắc lại cuộc Cách mạng Dù vàng trước đây, tập trung tại công viên Victoria với các khẩu hiệu « Tự do cho Hồng Kông », « Dân chủ ngay bây giờ ! ». Reuters ghi nhận có đủ mọi lứa tuổi, và những gia đình mang theo em bé. Khu công viên nhanh chóng bị bão hòa, người biểu tình tiến về phía trung tâm tài chính của thành phố, phong tỏa nhiều con đường.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Aabla Jounaïdi nhận định :
« Bạo lực trong những lần biểu tình gần đây, nhất là ở sân bay quốc tế tuần này luôn gây băn khoăn. Trước hết, những vụ này đã làm nhòa đi phần nào hình ảnh của những người phản kháng. Và khi mang lại một cái cớ cho chính quyền đặc khu và kể cả Bắc Kinh, các vụ bạo động đã giúp cho lực lượng an ninh có thể mạnh tay hơn.
Bắc Kinh cố ý cho phổ biến những hình ảnh quân đội tập trung tại biên giới. Về phần bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu, dường như đã để mặc cho cảnh sát hành động. Người ta lo ngại cuộc xuống đường không được phép hôm nay diễn biến xấu đi, vì người biểu tình kiên quyết tổ chức cuộc tuần hành này.
Tối qua tại khu Vượng Giác (Mongkok), người ta chứng kiến những hình ảnh cho thấy sự mất lòng tin giữa những người trẻ Hồng Kông và cảnh sát. Các vụ đụng độ đã xảy ra ngay sau khi cảnh sát giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa. Dù vậy các nhà tổ chức cũng trông cậy vào tâm trạng bất bình của người dân đối với chính quyền, và sự can thiệp của Bắc Kinh, để tập hợp được một triệu người ».
Phong trào phản kháng tại Hồng Kông kéo dài đến tuần thứ 11 là một thất bại nặng nề của chế độ Trung Quốc. Jean-Philippe Béja, giám đốc trung tâm nghiên cứu CNRS, chuyên gia về Trung Quốc giải thích :
« Từ 1997, Hồng Kông trở về vòng tay nước mẹ Trung Hoa. Ý tưởng lúc đó là sau 50 năm chung sống trong khuôn khổ « một quốc gia hai chế độ » Hồng Kông và Trung Hoa lục địa sẽ không còn khác biệt nhau nữa, người dân Hồng Kông sẽ yêu thương Trung Quốc, sẽ yêu đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Thế mà, qua cuộc phản kháng, chúng ta thấy cả xã hội Hồng Kông đứng dậy chống dự án này. Những người đứng ở tuyến đầu chính là những người trẻ sinh sau thời thuộc địa. Đây là lần đầu tiên người dân Hồng Kông giương lá cờ Anh Quốc trong một cuộc biểu tình, điều chưa bao giờ xảy ra trong suốt 140 năm bị Anh Quốc cai trị.
Đây là sự thất bại nặng nề của Bắc Kinh. Trung Quốc có thể tung hết lực lượng giải phóng quân chiếm đóng Hồng Kông nhưng không làm thay đổi thực trạng. Giải pháp duy nhất là thay thế hết dân cư Hồng Kông. Nhưng dù có làm như thế cũng vô ích, bởi vì trong hàng ngũ những người tiên phong xuống đường chống Trung Quốc có những người đến từ Hoa lục, sinh trưởng tại Hoa lục. »
Biểu tình Hồng Kông lan đến Anh, Pháp, Canada
Phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông đã có ảnh hưởng lan rộng sang các nước. Tại Luân Đôn, 1.000 người đã xuống đường hôm qua ủng hộ dân chủ Hồng Kông. Ở Paris, hai phe chống và ủng hộ Bắc Kinh khoảng 100 người đã đối đầu nhau ; còn tại Canada, nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo, hàng ngàn người xuống đường tại Vancouver, Toronto, Calgary gồm cả hai phe ủng hộ và phản đối phong trào phản kháng ở Hồng Kông.
Về phía Bắc Kinh, một phát ngôn viên Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội Trung Quốc lên án việc một số dân biểu Mỹ ra tuyên bố ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông, tuy không nêu đích danh, cho rằng đây là việc « can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ».
AP cho biết, Quốc Hội Mỹ có thể gây ảnh hưởng với việc thông qua luật về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, đòi hỏi ngoại trưởng hàng năm phải chứng minh rằng đặc khu này vẫn được tự trị, để tiếp tục được hưởng các ưu đãi. Thậm chí tổng thống Donald Trump có thể ra quyết định ngưng tư cách đặc biệt trong thương mại, sẽ tác động mạnh đến kinh tế Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190818-hang-tram-ngan-nguoi-hong-kong-lai-xuong-duong



Hồng Kông: Bắc Kinh dọa đàn áp nhưng ngại tác hại như Thiên An Môn


mediaCảnh sát dùng hơi cay giải tán biểu tình ở Hồng Kông ngày 05/08/2019.Reuters
Đối mặt với một phong trào phản kháng chưa từng thấy tại Hồng Kông từ ngày thu hồi nhượng địa này từ tay Anh Quốc vào năm 1997, sau khi để chính quyền đặc khu tự mình xử lý, chính quyền Bắc Kinh rốt cuộc được cho là đã trực tiếp nắm lấy hồ sơ kể từ ngày 29/07/2019 vừa qua.

Sau một thời gian tương đối kín đáo, trong những ngày gần đây, Trung Quốc liên tiếp lên tiếng tố cáo và đe dọa, cho biết không loại trừ việc cho quân đội can thiệp để tái lập trật tự. Có điều là theo giới quan sát, Bắc Kinh cho đến lúc này vẫn lo ngại trước khả năng diễn ra một Thiên An Môn thứ hai, rất bất lợi cho Trung Quốc.
Khi bùng lên phong trào tại Hồng Kông phản đối dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc, thoạt đầu Bắc Kinh có dấu hiệu coi thường, cứ để cho chính quyền đặc khu tự mình xử lý.
Thế nhưng, từ khi người biểu tình tấn công vào Nghị Viện Hồng Kông, đánh vào các biểu tượng của chính quyền trung ương, thì phản ứng của Trung Quốc đã cứng rắn hẳn lên, với một bước ngoặt vào hôm 29/07 vừa qua, khi Văn Phòng Hồng Kông và Macao tại Bắc Kinh - tức là định chế quản lý Hồng Kông của chính quyền Trung Quốc - đã họp báo chính thức về cuộc khủng hoảng.
Là một cơ chế hầu như im hơi lặng tiếng từ năm 1997, chỉ trong một tuần lễ, Văn Phòng này đã liên tiếp họp báo hai lần, với lần thứ hai là hôm 06/08 vừa qua. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy là khủng hoảng Hồng Kông bắt đầu được quản lý trực tiếp từ Bắc Kinh, chứ không còn nằm trong tay bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền đặc khu nữa.
Cho đến giờ, đối sách chống khủng hoảng Hồng Kông của Bắc Kinh chủ yếu là hù dọa người biểu tình, đặc biệt là bằng cách phô trương uy lực của quân đội, bắn tin cho biết là Giải Phóng Quân Nhân Dân sẵn sàng hành động. Sau đoạn video dữ dội do chính lực lượng quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông công bố, ngày 06/08, đến lượt Hoàn Cầu Thời Báo đăng tải video phô trương cuộc tập trận chống bạo loạn đô thị của 12.000 người trong lực lượng cảnh sát ở Thẩm Quyến.
Trước những động thái hù dọa ngày càng rõ nét đó, câu hỏi đặt ra là phải chăng Bắc Kinh đang chuẩn bị đưa quân đội vào “bình định” Hồng Kông, như họ đã từng làm tại Thiên An Môn vào năm 1989?
Về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng khó có khả năng một kịch bản Thiên An Môn tái diễn tại Hồng Kông, không phải vì Bắc Kinh không dám mạnh tay với người biểu tình, mà là vì họ lo sợ các hậu quả như đã từng xẩy ra sau thảm sát Thiên An Môn.
Đối với nhà nghiên cứu Pháp Jean-Philippe Beja, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, nếu dùng quân đội để đàn áp phong trào phản kháng tại Hồng Kông, Bắc Kinh “sẽ phải trả giá khá đắt vì chế độ ở Trung Quốc không hề bị đe dọa, trong lúc hậu quả quốc tế sẽ vô cùng mạnh mẽ.”.
Cùng trả lời tuần báo Pháp L’Express, chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, cũng thuộc trung tâm CNRS, cho rằng: “Nếu Bắc Kinh dùng quân đội để đàn áp, Mỹ và Châu Âu chắc chắn sẽ đề ra các biện pháp trừng phạt, điều này có thể cô lập gắt gao Trung Quốc về mặt kinh tế”.
Theo ông Cabestan, “Hồng Kông còn là một thị trường kinh tế cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc, nơi có 1300 công ty đa quốc gia đặt trụ sở, vì vậy Bắc Kinh luôn quan tâm đến việc bảo vệ một hình ảnh an toàn và ổn định cho thị trường tài chính có thể cạnh tranh với các thành phố như Singapore”.
Về tình hình Hồng Kông, chuyên gia Pháp ghi nhận là đã có rất nhiều lời lẽ và động thái đe dọa, nhưng khả năng Bắc Kinh đưa quân vào đàn áp phong trào biểu tình Hồng Kông là điều đó khó có thể xảy ra.
Đối với ông Cabestan, trước thái độ kiên cường của người biểu tình Hồng Kông hiện nay, việc cho chiến xa và binh lính đổ bộ lên đặc khu đồng nghĩa với một cuộc thảm sát.. Giáo sư Cabestan kết luận: “Đó sẽ là một sai lầm chính trị to lớn mà ông Tập Cận Bình không dại gì mà phạm phải.”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190807-hong-kong-bac-kinh-doa-dan-ap-nhung-so-tai-dien-thien-an-mon


Hoàng Chi Phong: Dân Hồng Kông không khuất phục trước "hoàng đế" Tập Cận Bình

mediaHoàng Chi Phong (Joshua Wong), 22 tuổi, cựu thủ lĩnh Phong trào Dù Vàng 2014. Ảnh chụp ngày 07/08/2019 tại Hồng Kông.Christophe Paget / RFI
« Tức nước vỡ bờ », từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ sang Hoa lục cách đây hai tháng, hiện người dân Hồng Kông đòi lại những quyền cơ bản mà đáng lẽ họ tiếp tục được hưởng cho đến năm 2049 theo mô hình « một quốc gia, hai chế độ ».

Phong trào thu hút đủ mọi tầng lớp tham gia, từ giới luật sư, ngân hàng đến công chức, lần lượt xuống đường ủng hộ những đòi hỏi của người dân, mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình quy tụ hơn 2 triệu người hôm 16/06/2019 và cuộc tổng đình công hôm 05/08.
Tuy nhiên, mức độ bạo lực trong những vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cũng đã vượt qua sức tưởng tượng. Điều này khác hẳn với phong trào Dù Vàng năm 2014 mà Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một trong những thủ lĩnh sinh viên vừa được ra khỏi tù hôm 17/06, sau khi thi hành xong hai án tù năm 2017 và 2018. Vừa ra khỏi tù, nhà hoạt động chính trị 22 tuổi đã lên tiếng kêu gọi đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức.
Đặc phái viên Christophe Paget của đài RFI đã gặp và phỏng vấn Hoàng Chi Phong tại Hồng Kông.
P.V. Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) 09/08/2019 Nghe
RFI : Hoàng Chi Phong, anh ra tù cách đây hai tháng khi mà các cuộc biểu tình đã bắt đầu. Hiện tại, anh tham gia phong trào như thế nào ?
Hoàng Chi Phong : Tôi tham gia phần lớn các cuộc biểu tình. Cùng với đảng Demosisto (đảng Dân Chủ), chúng tôi tổ chức hỗ trợ pháp lý bằng cách phối hợp với học sinh trung học. Ngoài ra, chúng tôi quyên góp tiền (crowdfunding) và cũng tổ chức tập hợp trong cuộc tổng đình công vào thứ Hai vừa qua (05/08).
Đây là đợt tổng đình công lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, qua đó người dân Hồng Kông chứng tỏ nhiệt huyết và quyết tâm của họ. Nhưng đó sẽ không phải là cuộc tổng đình công cuối cùng. Tôi nghĩ là sẽ còn có một cuộc tổng đình công khác trong một hoặc hai tháng nữa.
Giữa làn sóng biểu tình hiện nay và phong trào của anh cách đây 5 năm có những điểm gì khác ?
Cách đây 5 năm, chúng tôi yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và chúng tôi đã phải đối mặt với chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày nay, chúng tôi cũng yêu cầu bầu cử tự do và chúng tôi phải đương đầu với hoàng đế Tập. Chúng tôi hoàn toàn biết rõ về chính sách hà khắc của chủ tịch Trung Quốc mà chúng tôi đang phải chịu.
Ngoài ra, phong trào này không có thủ lĩnh, và đây là một điểm tích cực. Chính quyền Bắc Kinh không thể nhắm đến bất kỳ ai. Họ không thể ngăn chặn phong trào bằng việc lôi ra pháp luật một người đứng đầu. Chính nhờ điểm này mà phong trào kéo dài được từ hai tháng nay để trở thành « mùa Hè của bất bình ». Đới Diệu Bình (Benny Tai, phó giáo sư, khoa Luật, đại học Hồng Kông), Ivan Long và tôi đều bị bỏ tù với tư cách là thủ lĩnh chính trị, nhưng lần này phong trào không hề có người đứng đầu, mà chỉ có những nhà điều phối giúp người dân tiếp tục đấu tranh.
Phong trào Dù Vàng chủ yếu là sinh viên, nhưng giờ người ta có cảm giác là mọi tầng lớp xã hội đều tham gia. Vậy đâu là lý do ?
Điều này là nhờ vào thế hệ hậu chiến (« babyboom ») và thế hệ Millennials (còn gọi là « thế hệ Y », những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến đầu thập niên 2000). Chúng tôi ý thức rất rõ về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Trên tổng số 500 người bị bắt trong vòng hai tháng gần đây, người trẻ nhất chỉ mới 13 tuổi và người già nhất là 63 tuổi.
Việc có nhiều thế hệ tham gia là điều rất quan trọng, cho thấy sự đa dạng và đoàn kết của người dân Hồng Kông. Họ không tin vào chính phủ Bắc Kinh do Tập Cận Bình lãnh đạo. Họ hoàn toàn hiểu rằng có được bầu cử tự do quan trọng như thế nào đối với tất cả chúng tôi.
Phải chăng trong vòng 5 năm, người dân Hồng Kông đã mất niềm tin vào Bắc Kinh ?
Từ hàng loạt sự kiện như các nghị sĩ bị mất ghế, các nhà hoạt động bị cầm tù, các nhà xuất bản bị bắt cóc, một thông tín viên nước ngoài bị trục xuất khỏi Hồng Kông, chúng tôi hiểu rằng mô hình « một quốc gia, hai chế độ » đã bị xói mòn để trở thành « một quốc gia, một chế độ ».
Ông Tập Cận Bình đã thay đổi chế độ để trở thành hoàng đế. Với việc sửa đổi Hiến Pháp mà ông cho thông qua để xóa quy định về số nhiệm kỳ chủ tịch, ông Tập sẽ tiếp tục tại vị ở Trung Quốc trong 5, 10, 15 hoặc 20 năm nữa. Chính điểm này đã làm chúng tôi ý thức được tình hình và cũng làm chúng tôi sợ. Chính phủ Hồng Kồng phải được chính người dân Hồng Kông công minh bầu lên, chứ không phải do những người bị Bắc Kinh giật dây.
Những cuộc biểu tình hiện nay cũng bạo lực hơn phong trào Dù Vàng. Có những cảnh khó mà hình dung ra được cách đây 5 năm.
Cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay 1.800 lần trong hai tháng vừa qua, so với 18 lần khi diễn ra phong trào Dù Vàng. Tình hình hiện nay khác hoàn toàn. Cảnh sát Hồng Kông đã dùng đến vũ khí sát thương. Cảnh sát chống bạo động đóng trên nóc nhiều tòa nhà cao tầng ở trung tâm Hồng Kông và bắn đạn hơi cay, đạn cao su từ tầng 14 để ngăn đoàn người biểu tình. Họ thực sự triển khai cả một lực lượng đông đảo quá mức và có khả năng gây chết người. Họ thi hành lệnh từ Bắc Kinh để làm nao núng người biểu tình. Nhưng khí thế vẫn còn đó và phong trào vẫn tiếp tục !
Phong trào Dù Vàng kéo dài hơn hai tháng mà không xảy ra bạo lực, trong khi lần này, người biểu tình đã tấn công và làm hư hại trụ sở Nghị Viện, ngoài ra, nhiều sở cảnh sát cũng bị nhắm đến.
Nhiều người bị bắn đạn cao su, trong khi chúng tôi chỉ là những người biểu tình ôn hòa. Và người ta lại coi đó là chuyện bình thường. Thật điên rồ, thật kinh khủng ! Người dân phẫn nộ và họ hy vọng lấy lại quyền được bầu ra chính phủ của riêng họ.
Ngày 16/06, hai triệu người trên tổng số 7,5 triệu dân Hồng Kông đã tham gia một cuộc tuần hành. Điều này cho thấy rõ mong muốn của chúng tôi có được bầu cử tự do. Nhưng chính phủ hoàn toàn lờ đi cuộc tuần hành của người dân. Không ai muốn cuối tuần nào cũng đi biểu tình cả, nhưng điều này đã xảy ra.
Nhiều người biểu tình nhắm vào các trụ sở cảnh sát, các tòa nhà của chính phủ để cho thấy rằng đó không phải là những nơi đại diện cho tiếng nói của người dân. Cánh cửa thoát khỏi khủng hoảng không phụ thuộc vào người biểu tình, mà phụ thuộc vào việc chính phủ đừng tiếp tục nấp sau lực lượng chống bạo động và không làm gì cả.
Tại sao bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không rút hẳn dự luật dẫn độ ?
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là con rối trong tay Bắc Kinh và chế độ Cộng Sản. Bất kể quyết định nào của bà đều phải phụ thuộc vào Quốc vụ viện. Vì thế mà chúng tôi cần có bầu cử tự do, người điều hành đặc khu không được là con rối của Bắc Kinh.
Câu hỏi quan trọng khác : Liệu Bắc Kinh có sẽ điều quân đến Hồng Kông ?
Chính quyền Bắc Kinh không thể điều Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đến Hồng Kông. Nếu họ làm, thì kinh tế và phát triển sẽ sụp đổ. Và cái giá mà các nhà lãnh đạo tài chính thân Bắc Kinh ở Hồng Kông phải trả sẽ vô cùng lớn. Chính vì thế, họ sẽ không bao giờ làm điều đó.
Vậy thì đâu là giải pháp thoát khỏi khủng hoảng cho Bắc Kinh ?
Xóa dự luật dẫn độ, chấp nhận một ủy ban điều tra độc lập về tình trạng bạo lực của cảnh sát và để người dân Hồng Kông được bầu cử tự do.
Chính quyền Pháp phải tước huân chương Bắc đẩu Bội tinh đã trao cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Chúng tôi vừa đăng bản kiến nghị về vấn đề này trên mạng Twitter. Người dân Pháp cần phải hành động. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không xứng đáng nhận danh hiệu này khi bà điều cảnh sát chống bạo động trấn áp người biểu tình và không màng đến mong muốn được bầu cử tự do của người dân. Điều mà chúng tôi yêu cầu, đó là một quyền mà người dân châu Âu được hưởng từ thế kỷ trước. Vậy mà chúng tôi vẫn còn phải đấu tranh để có được quyền đó.
vi.rfi.fr/chau-a/20190809-hong-kong-nguoi-dan-khong-khuat-phuc-truoc-hoang-de-tap-can-binh

Hồng Kông : Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và giới trẻ đi về đâu ?


mediaNgười biểu tình tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019.REUTERS/Thomas Peter
Thái độ của Trung Quốc ngày càng hung tợn, đe dọa một Thiên An Môn thứ hai. Washington và Paris kêu gọi Bắc Kinh đối thoại với đối lập Hồng Kông, Tây phương lo âu nhưng giới trẻ không nao núng. Tại Nga, Putin đối đầu với thành phần đối lập trẻ và kiên quyết. Nước Đức và nguy cơ bạo lực cực hữu. Đó là một số chủ đề quốc tế trên báo Pháp 16/08/2019.

Đảng Cộng sản Trung Quốc bị thách thức
Sau hai tháng xuống đường, phong trào phản kháng tại Hồng Kông không giảm cường độ. Đứng trước thái độ đe dọa ngày càng thô bạo của Trung Quốc, đưa quân đến sát biên giới « chỉ cách có 10 phút » cộng đồng quốc tế bắt đầu phản ứng nhưng không có gì bảo đảm là Bắc Kinh sẽ lắng nghe. Thái độ hung hăng của Bắc Kinh mang ý nghĩa gì ?
Hành động thô bạo của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông trong thời gian gần đây cho thấy tính chất độc đoán của chính quyền cộng sản, La Croix nhận định trong bài xã luận « Hồng Kông và hơn thế nữa ». Washington, Luân Đôn, Paris hay Berlin yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trong nhà nước pháp quyền, nhân quyền và chế độ tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây sức ép chính trị, gia tăng tuyên truyền một chiều thô bạo và đưa quân đến Thâm Quyến, sát biên giới của đặc khu tự trị này.
Theo La Croix, hy vọng là hai bên sẽ đối thoại nhưng giải pháp này rất khó xảy ra. Bởi vì đảng Cộng sản Trung Quốc và tổng bí thư Tập Cận Bình xem cuộc nổi dậy tại Hồng Kông là một hành động thách thức uy quyền và mô hình chế độ chính trị tại Hoa lục.
Đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, chỉ có một chế độ độc tài, bá quyền mới có thể lãnh đạo một khối 1,3 tỉ dân. Do vậy, nhìn từ châu Âu, người ta không khỏi lo ngại trước chính sách kềm kẹp dân chúng, chính sách thương mại gian trá, chiến dịch lấn chiếm biển đảo của các láng giềng. La Croix kêu gọi quốc tế phải hành động khẩn cấp.
Le Figaro trong bài báo « Trung Quốc ngày càng đe dọa » đặt câu hỏi, liệu hành động này là dấu hiệu sắp can thiệp quân sự hay chỉ là lời đe dọa ?
Dù việc điều quân tới Thâm Quyến được tuyên bố chính thức là để chuẩn bị diễu binh nhân dịp 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Bắc Kinh, cách Hồng Kông đến 2.000 km, thì trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh gián tiếp đe dọa can thiệp trực tiếp để tái lập trật tự của đặc khu tự trị qua tuyên bố cuộc biểu tình hiện nay là hành động « khủng bố » và có « bàn tay nước ngoài ».
Nhiều chuyên gia lại cho rằng, hành động của Trung Quốc thực chất chỉ là lời đe dọa. Bởi vì, điều kiện để can thiệp vào Hồng Kông thì trước hết, thành phố này phải chìm trong hỗn loạn, khi đó Bắc Kinh mới có thể nói chủ quyền và lợi ích đang bị đe dọa. Thứ hai là chính quyền và cảnh sát Hồng Kông không kiểm soát được tình hình, khi đó Bắc Kinh mới có khả năng can thiệp. Và « các điều kiện này chưa hội đủ » theo lời ông Alexander Neil thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế của Singapore. Bắc Kinh cũng không thể dùng quân sự như ở Tây Tạng và Tân Cương, nơi không có nhân chứng hay ở Thiên An Môn, chỉ là một quảng trường. Hồng Kông, trái lại là một quần đảo đô thị.
Theo chuyên gia Valérie Niquet, viện Nghiên Cứu Chiến Lược, (FRS), trên La Croix, hai tháng sau khi nổ ra cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ, hai kịch bản bắt đầu hiện ra : Một là phong trào tranh đấu rơi vào bẫy bạo lực và yếu dần, tuyên truyền của Bắc Kinh thành công. Hai là biểu tình tiếp diễn và lan rộng, lúc đó Trung Quốc can thiệp quân sự. Nhưng muốn chiến thuật Thiên An Môn thành công ở Hồng Kông, thì quy mô phải đàn áp toàn diện và bắt nhiều ngàn người. Vấn đề là hình ảnh Trung Quốc đã rất tồi tệ từ nhiều năm nay, Bắc Kinh sẽ bị lên án nặng nề hơn. Tập Cận Bình đã nhận được nhiều lời khuyến cáo của Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, chuyên gia Valérie Niquet thận trọng : Tập Cận Bình vẫn có thể trực tiếp ra lệnh can thiệp quân sự bất chấp nguy cơ giết chết con gà đẻ trứng vàng.
Tuổi trẻ Hồng Kông dấn thân
Theo Le Monde, lần đầu tiên bộ Ngoại Giao Mỹ có thái độ thẳng thắn khi ra thông cáo « ủng hộ quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa » tại Hồng Kông. Le Figaro dành hai trang để tóm lược tình hình : Donald Trump tìm cách « dỗ ngọt » Tập Cận Bình. Thành phố sợ sóng thần suy thoái kinh tế nhưng giới trẻ Hồng Kông không sợ đoàn xe bọc thép của Hoa lục.
Bình luận về hình ảnh đoàn xe bọc thép của Trung Quốc đóng tại Thâm Quyến loan trên các mạng xã hội, một thanh niên Hồng Kông cho biết anh « không một chút lo âu, sẽ tiếp tục xuống đường và không tin Trung Quốc có can đảm tấn công ». Giới tài phiệt, trái lại, bỏ tiền quảng bá trên hai trang báo South China Morning Post, kêu gọi giới trẻ « ngưng xuống đường ». Một thanh niên họ Mã bác bỏ : « Những ông tỉ phú này cần Trung Quốc để làm giầu thêm nữa, nhưng chúng tôi không sống cùng một thế giới với họ, vì tương lai, giới trẻ chúng tôi không muốn dính dáng đến Hoa lục ». Nếu lính Trung Quốc tràn qua thì sao ?: « Chúng tôi rút về nhà và chờ cơ hội. Khủng hoảng vẫn nằm đó ».
Nhưng đâu phải chỉ có dự luật dẫn độ, bầu cử tự do và quan hệ độc lập với Hoa lục cũng nằm trong danh sách 5 yêu sách tranh đấu. Trên mạng xã hội, họ kêu gọi nhau xuống đường vào thứ Bảy tới, lần thứ 11.
Chống độc tài, sinh viên Nga là ngọn cờ đầu ?
Tại Nga, tổng thống Putin cũng đối đầu với giới trẻ dấn thân đấu tranh chính trị. Libération giới thiệu Egor Joukov, sinh viên cao đẳng chính trị. Sau khi bị bác đơn tranh cử, nhân vật trẻ được xem là ngọn cờ của phong trào phản kháng chống Putin đối mặt với bản án 8 năm tù.
Vào ngày 17 tới đây, Egor Joukov, người sinh viên 21 tuổi, sẽ không có mặt trong đoàn biểu tình ở thủ đô Matxcơva. Từ ngày 02/08, blogger có 110 ngàn « fan » theo dõi bị tạm giam chờ ra tòa với cáo buộc « tổ chức và chỉ huy gây bạo loạn ».
Cuộc đấu tranh của Egor Joukov nay đã được hàng chục ngàn dân Nga, trong đó có ca sĩ nhạc « ráp » dấn thân Oxxxymiron, ủng hộ. Tội của sinh viên trường chính trị Matxcơva là sau khi đơn ứng cử bị bác vì « không đủ chữ ký », anh quay sang ủng hộ Dmitri Goudkov, một ứng cử viên đối lập có tiếng tăm. Dmitri Goudkov cuối cùng, cũng như khoảng 30 nhà đối lập khác, bị cấm tranh cử.
Từ nhiều tháng nay, anh không ngừng kêu gọi dân chúng xuống đường « phát biểu mạnh mẽ sự suy nghĩ của mình, không đầu hàng chế độ ». Được đào tạo trong môi trường đại học chính trị, nơi mà thầy trò còn được khá nhiều tự do, Egor Joukov vừa tung lên mạng đoạn băng giải thích « Ba lý do để xỉ vả chế độ này ».
Trong bối cảnh đàn áp trước bầu cử, Egor Joukov trở thành mục tiêu triệt hạ của chính quyền Nga nhưng họ không bịt miệng anh được. Trái lại, càng bắt nhốt Egor Joukov, thì biểu tình càng đông hơn.
Đức : Cực hữu lộng hành
Về tình hình châu Âu, trang nhất và bài xã luận của Le Monde lo âu về nguy cơ khủng bố cực hữu tại Đức.
Với 8.605 vụ ám sát và bạo lực quy cho phe cực hữu được báo chí Đức tổng kết trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 10% so với năm 2018, nước Đức của Angela Merkel đứng trước đe dọa của « khủng bố nâu », ám chỉ thời tiền quốc xã.
Sự kiện làm cả nước choáng váng là vào ngày 02/06/2019, thị trưởng Walter Lubcke, ở Kassel, bị bắn một viên đạn vào đầu.
Các thủ đoạn khủng bố này nước Đức từng trải qua trong thập niên 1930. Thế mà cơ quan tình báo Đức xem thường hiện tượng từng xảy ra trong lịch sử và đang tái diễn với nhịp độ đáng ngại. Tư pháp Đức cũng chậm chạp truy tìm thủ phạm. Từ khi Angela Merkel, khác với thái độ rụt rè của các đồng nhiệm châu Âu, cho phép đón tiếp hơn một triệu di dân và người tị nạn, vì lý do nhân đạo và chuộc lỗi phần nào cho lịch sử đen tối của thời quốc xã, nhiều người dân Đức không được chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự nhân ái này.
Khai thác tâm lý tiêu cực này, các tổ chức cực hữu tại Đức và Châu Âu đang lên điểm trong các cuộc bầu cử. Tại Quốc hội Đức , đã có ít nhất 100 dân biểu cực hữu, và phe này có thể về đầu ở ít nhất hai bang thuộc Đông Đức cũ trong cuộc bầu cử tháng 9. Le Monde hy vọng nữ thủ tướng Đức sẽ thành công thực hiện chính sách hội nhập di dân trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Nếu không, tình hình sẽ rất nguy hiểm cho nước Đức và châu Âu.
Pháp : Thất nghiệp giảm kỷ lục
Vào lúc tăng trưởng kinh tế Đức bị khựng lại, tình trạng thất nghiệp tại Pháp được cải thiện với tỉ lệ 8,5%. Tin này đáng phấn khởi hay không ? Les Echos dự báo chỉ tiêu làm giảm thất nghiệp tại Pháp còn 7% vào cuối nhiệm kỳ tổng thống Macron có thể thực hiện được. Le Figaro không lạc quan lắm.
Lần đầu tiên sau 6 năm, tỉ lệ thất nghiệp của Pháp giảm xuống dưới 8,5%. Tuy nhiên, liệu đây có phải là một sự phát triển bền vững?
Tờ Le Firago trong bài xã luận « Vẻ đẹp yếu đuối » đăng vào sáng 16/08/2019 xem xét trên ba góc độ.
Thứ nhất, các nước láng giềng như Anh và Đức có tỉ lệ thất nghiệp chỉ bằng một nửa của Pháp trong khi các nước trong khu vực đồng euro cũng chỉ loanh quanh ở mức 7,5%.
Thứ hai, dù Pháp đang dần giảm thuế và cải cách luật lao động, hiệu quả của các biện pháp này đều chưa cao. Tiền cần được đầu tư vào nghiên cứu, chứ không phải rơi vào cái túi không đáy của chính phủ, ví dụ như chi gần 10 tỉ euro để xoa dịu khủng hoảng « Áo Vàng ».
Thêm vào đó, tuy giới doanh nghiệp phục hồi phần nào niềm tin, nhưng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao, tác động đến kinh tế thế giới, niềm tin này rất mong manh. Nước Đức đã trả giá. Kinh tế thế giới có vấn đề không bao giờ là điều thuận lợi cho kinh tế Pháp.
Ang San Suu Kyu, ngôi sao thất sủng
Tiếp tục loạt bài chân dung phụ nữ, hôm nay Libération giới thiệu Aung San Suu Kyi, người mệnh phụ bị “thất sủng”.
Là khôi nguyên Nobel hòa bình năm 1991, nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ phương Tây. Nhưng tình thế nay đã khác do những chính sách thiếu cảm thông của bà đối với người Rohingya, nhật báo cánh tả Libération lấy làm tiếc trong bài « Aung San Suu Kyi, người đàn bà bị ghét bỏ ».
Những năm 90 của thế kỷ trước, người phụ nữ châu Á này nhận hàng loại giải thưởng như giải Sakharov, Nobel Hòa Bình, danh hiệu « đại sứ lương tâm » của tổ chức Ân xá Quốc tế, lên trang bìa của nhiều tạp chí quốc tế, tên tuổi được nhắc nhở đến trong nhiều quyển sách và cả những bài hát. Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng tự do và dân chủ. Tại Paris, bà từng được tổng thống François Hollande đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia.
Tuy nhiên, gió đã đổi chiều. Giữa năm 2012, người dân theo đạo Hồi tại Miến Điện dường như phải đối mặt với nhiều đe dọa : tàn sát, hỏa hoạn, bình luận hằn học trên mạng xã hội. Mâu thuẫn tôn giáo bị đẩy lên cao tại quốc gia Đông Nam Á này. Cũng trong năm đó, người phụ nữ quyền lực Suu Kyi đã yêu cầu các nhà ngoại giao nước ngoài ngưng dùng từ « Rohingya ».
« Độc đoán », « không khoan nhượng », « hoài nghi » là những từ người ta nói về bà trong thời gian gần đây, gồm cả những người thân cận hay những nhà ngoại giao của Miến Điện.
Năm 2015, bà nhậm chức Cố vấn Nhà nước. Tháng 4, 2016, bà trở thành thủ tướng. Chỉ 6 tháng sau đó, một cuộc đụng độ của người Rohingya với quân đội Miến Điện đã xảy ra. Tháng 8 năm 2017, một cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn đã khiến 700.000 người phải chạy sang Bangladesh.
Vì sao bà Aung San Suu Kyi phủ nhận có « một cuộc thanh trừng sắc tộc » ? Dường như, bà đang chọn « sống chung hòa bình » với quân đội, định chế duy nhất có thể đảm bảo an ninh quốc gia.
Nhiều người lên tiếng kêu gọi rút lại giải thưởng Nobel của bà. Các thành phố, các tổ chức cũng tháo dỡ ảnh của bà, rút lại tước hiệu công dân danh dự hay đại sứ.
Hai năm trước, phát biểu với đài BBC, bà nói « Tôi không phải là Margaret Thatcher » (cựu thủ tướng Anh). Mặt khác, tôi cũng không phải Mẹ Teresa. » Ở tuổi 74, bà vẫn « nổi tiếng ở Miến Điện nơi người ta vẫn nói về bà với sự tôn trọng và chờ đợi kết quả », một nhà ngoại giao kết luận. Người đàn bà thép không hề biến mất mà trở nên « thực tế » hơn bao giờ hết.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20190816-hong-kong-cuoc-do-suc-giua-bac-kinh-va-gioi-tre-di-ve-dau

Geen opmerkingen:

Een reactie posten