zaterdag 3 augustus 2019

Nông nghiệp thế giới có nuôi được 10 tỉ dân mà không hủy hoại thiên nhiên ? + Trung Quốc là nước phá rừng lớn nhất thế giới + Dầu cọ : Indonesia phá huỷ rừng

Nông nghiệp có nuôi được 10 tỉ dân mà không hủy hoại thiên nhiên ?

mediaTại Indonesia, khoảng 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính là do phá rừng.Solenn Honorine/ RFI
Tại Genève ngày 02/08/2019, đã khai mạc cuộc họp của đại diện 195 quốc gia nhằm thảo luận về một bản báo cáo rất quan trọng của GIEC, với chủ đề chính : Vai trò của nông nghiệp và nền công nghiệp thực phẩm – trước thách thức nuôi sống khoảng 10 tỉ người vào giữa thế kỷ - và tình trạng Trái đất bị hâm nóng, hiên nhiên bị hủy hoại.
GIEC – nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu – đã đệ nạp báo cáo 1.200 trang về chủ đề « Biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, đất đai suy kiệt, quản lý đất bền vững, an toàn thực phẩm và vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính với các hệ sinh thái trên Trái đất ». Đây là bản báo cáo khoa học được coi là đầy đủ nhất về chủ đề này cho đến nay.
Đại diện của 195 quốc gia họp tại Genève thảo luận kín về bản tóm tắt kết luận báo cáo, để đưa ra một kết luận chính thức. Nội dung - sau khi được đại diện các nước phê chuẩn - sẽ được công bố vào ngày 08/08.
Báo cáo về « Biển đổi khí hậu và đất đai » tập trung làm rõ vai trò của nền công nghiệp thực phẩm - từ khâu sản xuất đến người tiêu thụ - đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc sử dụng một cách tối ưu nguồn tài nguyên đất đai.
Sử dụng đất đúng cách, đất đai được bảo vệ sẽ vừa giúp bảo đảm an ninh lương thực, thanh lọc nước, vừa lưu giữ được khí các-bon, giảm nguy cơ khô hạn hay lũ lụt.
Nông nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân của biến đổi khí hậu
Nông nghiệp và nạn phá rừng bị coi là chịu trách nhiệm khoảng một phần tư lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Việc mở rộng nhanh chóng diện tích trồng trọt, ví dụ như trồng đậu tương để nuôi gia súc hay trồng dầu cọ chế tạo xăng sạch, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc rừng bị phá hủy trên quy mô lớn. Mỗi năm trên toàn thế giới, một diện tích rừng nhiệt đới tương đương nước Sri Lanka bị phá hủy, do nạn phá rừng, do tình trạng sa mạc hóa, hay các nguyên nhân khác.
Theo đại diện Hiệp hội Climate Action Network, Stephan Singer, hiện nay, cho dù nông nghiệp có sản xuất nhiều thêm lương thực, thực phẩm, thì vẫn còn 820 triệu người bị đói. Báo cáo của GIEC đặc biệt chú ý đến số phận của các cộng đồng bản địa và phụ nữ, nạn nhân hàng đầu của tình trạng môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, điều kiện sống tồi tệ.
Một trong các biện pháp hàng đầu có thể làm - để vừa hạn chế tác hại của việc phát triển thái quá nông nghiệp khiến thiên nhiên bị hủy hoại, vừa có thêm thực phẩm - là hạn chế nạn lãng phí. Tính tổng cộng trên toàn thế giới, khoảng 30% thực phẩm bị phí phạm hàng năm. Giảm 50% lượng tiêu thụ thịt cũng là một biện pháp quan trọng khác để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
  • http://vi.rfi.fr/kinh-te/20190802-nong-nghiep-co-nuoi-duoc-10-ti-dan-ma-khong-huy-hoai-thien-nhien

Trung Quốc bị nêu danh là nước phá rừng lớn nhất thế giới

mediaMột khu rừng ở đảo Sumatra thường xuyên bị chặt phá bất hợp pháp.Getty Images
Sự sống còn của các khu rừng nhiệt đới, lá phổi của hành tinh, giờ đây phụ thuộc vào Trung Quốc. Báo cáo của một tổ chức phi chính phủ công bố hôm nay 29/11/2012, chỉ rõ Trung Quốc là nước xuất nhập khẩu và tiêu thụ gỗ lớn nhất thế giới và đồng thời cũng là quốc gia chịu trách nhiệm chính về tình trạng chặt phá rừng nhiệt đới hiện nay.
Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường (EIA) cho biết ở thập kỷ trước châu Âu và Hoa Kỳ đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng chặt phá rừng bất hợp pháp, trong khi đó Trung Quốc lại không ngừng gia tăng việc nhập khẩu gỗ có nguồn gốc không rõ ràng.
Đóng giả là khách hàng mua gỗ, sử dụng máy quay phim bí mật, các nhà điều tra của EIA đã phát hiện những đường dây mua bán gỗ trái phép chuyển về Trung Quốc. Các nhân viên của EIA đã chỉ cho thấy các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc đã lập các chi nhánh đường dây chặt phá rừng trực tiếp tại nhiều nước như Mozambic hay Miến Điện bằng cách hối lộ các quan chức lãnh đạo địa phương.
Trong cuộc họp báo công bố báo cáo, ông Julian Newman, một lãnh đạo của EIA nói « 80 đến 90% lượng gỗ chặt từ rừng Mozambic được chế biến ở Trung Quốc » và 44% khối lượng gỗ đó được các công ty nhà nước Trung Quốc nhập về.
Theo tổ chức phi chính phủ đóng trụ sở tại Luân Đôn này từ năm 2000, do nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng lớn, đến nay lượng gỗ nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các loại gỗ quý hiếm để chế biến thành các sản phẩm đồ gỗ đắt tiền. Năm 2011, Trung Quốc chiếm 30% thị trường sản phẩm gỗ trên thế giới.
Khu vực khai thác gỗ rừng của Trung Quốc đang được chuyển dần sang những nơi ít bị để ý. Lấy thí dụ, Indonesia từ lâu nay vẫn có tiếng là nguồn cung cấp gỗ rừng nhiệt đới cho Trung Quốc, nhưng từ năm 2005, Jakarta đã thắt chặt quản lý việc chặt phá rừng bằng những công cụ luật pháp. Các công ty Trung Quốc sau đó đã quay sang vùng đất mới, chủ yếu là các nước châu Phi như Madagascar, Sierra Leon, Tanzania, Gabon, Guinée, Congo.
Tổ chức EIA cũng thống kế được là một nửa lượng gỗ cung cấp cho Trung Quốc có nguồn gốc từ những nước vốn nổi tiếng về nạn phá rừng như Miến Điện, Papua New Guinée hay Mozambique. Cơ quan bảo vệ môi trường này còn đưa ra hình ảnh, lượng gỗ nhập về Trung Quốc có thể chất đầy kín 6 sân vận động Olympic ở Bắc Kinh. Cùng lúc xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp của Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần trong 10 năm.
Các chuyên gia đều nhất trí với kết luận rằng « tất cả các tiến bộ đạt được nhờ các bộ luật được thông qua ở Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ hay Úc đều trở nên vô ích nếu Trung Quốc không hành động ».
Hôm nay, được hỏi về kết luận của báo cáo nói trên, phát ngôn viên Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời : « Lập trường của Trung Quốc là rất rõ ràng : Chúng tôi chống lại việc phá rừng bất hợp pháp và buôn bán gỗ bất hợp pháp ». Một tuyên bố ngoại giao không ăn nhập gì với kết luận của EIA và thực tế làm ăn của các công ty kinh doanh gỗ Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20121129-trung-quoc-bi-neu-danh-la-nuoc-pha-rung-lon-nhat-the-gioi

Dầu cọ : Indonesia đe dọa rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris

mediaRừng nhiệt đới tại đảo Kalimantan (Borneo), Indonesia bị phá dần nhường đất cho ngành công nghiệp khai thác cọ.BAY ISMOYO / AFP
Một bộ trưởng Indonesia hôm 27/03/2019, tại một diễn đàn về dầu cọ, tuyên bố Jakarta có thể rút khỏi Thỏa thuận về Khí hậu Paris 2015, nếu Liên Hiệp Châu Âu vẫn duy trì dự án loại dầu cọ ra khỏi danh sách các thành phần dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học của châu Âu từ đây đến năm 2030.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư và nhà sản xuất dầu cọ số một thế giới.
Thông tín viên Joel Bronner tường trình từ Jakarta :
« Tại Indonesia, ngành sản xuất dầu cọ được coi như một lợi ích quốc gia, gắn liền với phát triển. Chính quyền Jakarta thường chống lại các tấn công nhắm vào ngành trồng cọ bằng mọi giá, hàng năm tạo ra hơn 30 triệu tấn dầu, chủ yếu tại hai đảo lớn Sumatra và Kalimantan.
Trong khi lĩnh vực này là nguồn sinh kế của hàng triệu người Indonesia, thì ngược lại ở châu Âu, người ta nhấn mạnh đến hình ảnh xấu của việc trồng cọ, khiến rừng nhiệt đới Indonesia bị phá hủy hàng loạt trong mấy thập niên trở lại đây. Việc phá rừng được sử dụng như một luận điểm chính trong chủ trương gạt dầu cọ ra khỏi các thành phần chế tạo nhiên liệu sinh học tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.
Đáp lại chủ trương này, Indonesia khẳng định đây là một biện pháp bảo hộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dầu hướng dương và dầu cải, được trồng trên đất châu Âu.
Tuần này, một giới chức Indonesia khác đã khuyên các doanh nghiệp sản xuất dầu cọ Indonesia nên đưa vụ việc ra tòa. Đe dọa rời khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris cũng là một áp lực mới với châu Âu trong hồ sơ nhiên liệu sinh học đầy gai góc ».
  • http://vi.rfi.fr/chau-a/20190328-dau-co-indonesia-thoa-thuan-khi-hau-paris
Cùng chủ đề

Geen opmerkingen:

Een reactie posten