donderdag 22 augustus 2019

Ánh sáng xanh đèn LED: Kẻ thù của thị lực và giấc ngủ

Ánh sáng xanh đèn LED: Kẻ thù của thị lực và giấc ngủ

Ánh sáng xanh đèn LED: Kẻ thù của thị lực và giấc ngủ
 
Màn hình điện thoại smartphone, máy tính bảng và các loại máy tính khác là một trong những nguồn phát nhiều ánh sáng xanh.AFP

    Với nhiều ưu điểm nổi trội như tiết kiệm năng lượng, giá thành rẻ, dùng được lâu bền …, đèn LED từ năm 1990 đã dần thay thế các loại bóng đèn dây tóc và đèn halogène « truyền thống ». Hiện nay, đèn LED được sử dụng khắp nơi, từ đèn chiếu sáng trong nhà, đèn chiếu sáng ngoài đường, đèn pha ô tô, đèn pin, dây đèn trang trí, đèn màn hình điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng …

    Tuy nhiên, theo một báo cáo Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn sức khỏe ANSES công bố hôm 14/05/2019, những loại đèn LED phát ra nhiều ánh sáng xanh lại gây hại cho sức khỏe con người, nhất là mắt và não bộ, làm suy giảm thị lực và chất lượng giấc ngủ.
    Vào năm 2010, Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn sức khỏe ANSES tiến hành một nghiên cứu chứng minh là ánh sáng xanh đèn LED gây hại cho võng mạc trong mắt những người hay tiếp xúc với ánh sáng xanh. Ánh sáng xanh thực chất là một loại ánh sáng mạnh, có bước sóng ngắn. Báo cáo năm 2019 của ANSES, dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học, tái khẳng định việc tiếp xúc với ánh sáng xanh trong một thời gian dài sẽ có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh thoái hóa điểm vàng trên võng mạc do tuổi tác (DMLA), nguyên nhân đầu tiên gây suy giảm thị lực ở những người trên 50 tuổi.
    Tuy nhiên, báo cáo của ANSES cũng chỉ rõ những đèn LED chiếu sáng trong nhà phát ra ánh sáng nóng gần như các bóng đèn kiểu truyền thống thì không gây hại cho người dùng. Bác sĩ Francine Behar Cohen, giáo sư nhãn khoa, thuộc INSERM, Viện quốc gia về sức khỏe và nghiên cứu y khoa củaPháp, giải thích cụ thể với RFI Việt ngữ :
    « Ánh sáng nói chung là sẽ vào trong mắt, cho phép chúng ta nhìn thấy, nhưng nếu luồng ánh sáng quá mạnh thì sẽ có hại. Chúng ta biết rằng, nếu chúng ta nhìn thẳng vào mặt trời khi có nhật thực có thể sẽ làm bỏng võng mạc. Đó là những điều chúng ta biết rất rõ. Trong ánh sáng, có rất nhiều luồng sáng với bước sóng khác nhau. Ánh sáng có nhiều nguy cơ gây tổn thương nhất cho mắt là ánh sáng xanh, loại ánh sáng có bước sóng ngắn nhất. Và theo cơ chế quang hóa, tác hại của chúng đối với võng mạc cũng đã được biết đến từ lâu.
    Ánh sáng có ở khắp nơi, chẳng hạn ánh sáng mặt trời. Mặt trời có nguy cơ như gây đục thủy tinh thể, gây thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Câu hỏi được đặt ra là tại sao bây giờ người ta lại lo lắng ? Đó là vì chúng ta có những bóng đèn phát ánh sáng ngày càng mạnh, mạnh tới mức chưa từng có. Chúng ta có hệ thống chiếu sáng nhân tạo mạnh nhất từ trước tới nay với độ sáng cao hơn rất nhiều so với trước đây và cũng có rất nhiều ánh sáng xanh ».
    Vào năm 2010 đã có những nghiên cứu nhấn mạnh rằng các bóng đèn LED chiếu sáng trong nhà cần tuân thủ các tiêu chuẩn. Người ta phân loại loại bóng đèn LED theo các nhóm có nguy cơ 0-1-2-3-4. Nhóm 0 là nhóm được khuyên dùng nhiều nhất, vì ánh sáng không gây hại cho mắt. Bóng đèn LED nhóm 3-4 chứa nhiều ánh sáng gây hại cho mắt nhất và không nên dùng trong nhà.
    Bác sĩ Francine Behar Cohen lưu ý rằng các loại màn hình điện thoại smartphone, máy tính bảng hay máy tính đều có luồng ánh sáng xanh, người dùng thường nhìn màn hình rất gần, các luồng sáng này có thể mạnh quá tiêu chuẩn, nhưng ánh sáng phát ra từ các loại màn hình này lại không có trong các quy định trên vì chúng không được coi là đèn chiếu sáng trong nhà. Vì thế, Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn sức khỏe ANSES muốn các quy định trên phải được áp dụng cho cả các loại màn hình điện thoại, máy tính.
    Trong thời buổi công nghệ số bùng nổ, thì nguồn ánh sáng xanh nguy hiểm phát ra nhiều chính là từ màn hình điện thoại smartphone, máy tính bảng và các loại máy tính khác. Báo cáo của ANSES nhấn mạnh là vào buổi tối, nhất là tối khuya, khi sắp đến giờ đi ngủ, luồng ánh sáng xanh, cho dù là ít thì cũng gây rối loạn đồng hồ sinh học và giấc ngủ ban đêm của con người.
    Cụ thể là ban đêm, cơ thể sẽ sản sinh ra chất mélatonine, được gọi là một loại hormone gây buồn ngủ khiến con người chìm vào giấc ngủ. Ánh sáng xanh sẽ khiến quá trình sản sinh ra chất mélatonine bị đẩy lùi muộn đi hoặc thậm chí là bị ức chế hoàn toàn dẫn đến tình trạng mất ngủ. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, bác sĩ Sylvie Royant-Parola, chuyên gia về tâm lý và giấc ngủ giải thích :
    « Ánh sáng nói chung, và đặc biệt là ánh sáng xanh, tác động rất mạnh đến võng mạc, gây ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của chúng ta. Đồng hồ sinh học của con người có chức năng tự nhiên là điều chỉnh theo nhịp điệu ngày - đêm. Vì thế, khi chúng ta tiếp nhận nguồn ánh sáng nhân tạo từ bên ngoài bao gồm nhiều luồng ánh sáng xanh, đồng hồ sinh học của chúng ta bị đánh lừa.
    Chẳng hạn, khi buổi tối chúng ta sử dụng các loại máy phát ra ánh sáng xanh, đồng hồ sinh học lầm tưởng là vẫn đang là ban ngày. Điều đó sẽ để lại những hậu quả đối với giấc ngủ của chúng ta, nhất là cơn buồn ngủ sẽ đến muộn hơn. Nếu chúng ta dùng các loại máy đó lâu thì cũng ảnh hưởng đến cả việc duy trì giấc ngủ, khiến chúng ta thức giấc nhiều lần trong đêm ».
    Còn giáo sư Francine Behar Cohen giải thích thêm với RFI tiếng Việt :
    « Nguy cơ thứ hai từ các màn hình là chúng ảnh hưởng đến nhịp sinh học, không chỉ là nhịp độ thức - ngủ ban đêm, mà tất cả mọi thứ trong cơ thể con người đều thay đổi theo giờ giấc trong ngày, tức là ánh sáng màn hình ảnh hưởng đến tất cả, chẳng hạn hormone … Một chiếc điện thoại di động được bật giữa đêm, với luồng ánh sáng xanh, cũng đủ để gây ra các rối loạn về nhịp sinh học. Điều này là rất có hại. Tại sao ? Đó là bởi vì chúng ta biết rằng nhịp sinh học bị rối loạn kéo dài thường gây ra các bệnh tim mạch, tiểu đường, thậm chí là một số bệnh ung thư ».
    Vậy những ai dễ bị tổn thương nhất vì ánh sáng xanh ? Theo cả hai chuyên gia Francine Behar Cohen và Sylvie Royant-Parola, đó là trẻ em, vì võng mạc trong mắt các em nhỏ nhạy cảm hơn so với người trưởng thành và chưa có khả năng lọc ánh sáng để chặn được những luồng ánh sáng quá mạnh. Bác sĩ Sylvie Royant-Parola giải thích :
    « Võng mạc rất nhạy cảm với ánh sáng, nhưng nhạy cảm với ánh sáng nhất là võng mạc của trẻ nhỏ và những người mới trưởng thành. Về sinh lý học con người, chúng ta càng nhiều tuổi thì võng mạc càng nhận cảm ánh sáng yếu đi, nhưng đó cũng là do nhiều bộ phận cấu tạo bên trong mắt như thủy tinh thể, dịch thủy tinh bị mờ đục hơn, nên ánh sáng truyền đến mắt cũng giảm đi ».
    Giáo sư nhãn khoa Francine Behar Cohen cũng nhấn mạnh là những người nhạy cảm với ánh sáng, có các bệnh về mắt hay đã từng trải qua phẫu thuật mắt, cấy ghép thủy tinh thể …, cần tránh luồng ánh sáng xanh. Vậy cần làm gì để hạn chế tác động tiêu cực của ánh sáng xanh đối với sức khỏe con người, chuyên gia Sylvie Royant-Parola lưu ý :
    « Điều đầu tiên là cần phải ngưng hẳn việc sử dụng điện thoại, máy tính, máy tính bảng vào buổi tối, một giờ trước khi đi ngủ, tuyệt đối không sử dụng các thiết bị này khi đã lên giường đi ngủ. Vào buổi tối, nhất là tối muộn, nếu phải làm việc nhiều trên các loại màn hình phát ra ánh sáng xanh, thì ít nhất cũng nên có màn hình lọc ánh sáng xanh hay bộ lọc ánh sáng xanh được cài đặt trong máy, chúng có tác dụng thay đổi độ sáng và thay đổi cả ánh sáng, để màn hình phát ra ánh sáng màu cam, nếu không thì nên đeo kính có tròng kính màu vàng cam để chắn luồng ánh sáng xanh. »
    Bác sĩ Francine Behar Cohen cũng đưa ra nhiều lời khuyên :
    « Cần sử dụng bóng đèn trong các nhóm nguy cơ thấp 0-1, chúng thường được ghi rõ trên vỏ hộp bóng đèn. Chúng ta cũng cần sử dụng bóng đèn ánh sáng trắng-nóng ngả sang ánh vàng hơn là ngả sang ánh xanh. Cần phải tránh mọi vật mà chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng phát ra trực tiếp, chiếu thẳng vào mắt và không có lớp vỏ bọc ngoài, hay không có bầu khuếch tán ánh sáng. Các bóng đèn LED nhỏ, chúng ta cần tránh sử dụng hết sức có thể, dù tôi biết là điều này không đơn giản chút nào. Nhìn màn hình điện thoại, máy tính vào ban đêm hay trước khi đi ngủ gây rối loạn nhịp sinh học ».
    http://vi.rfi.fr/xa-hoi/20190904-anh-sang-xanh-den-led-ke-thu-cua-thi-luc-va-giac-ngu
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten