dinsdag 13 augustus 2019

Hồng Kông : 5.000 người tọa kháng, phi trường bị tê liệt hoàn toàn + phong tỏa xe lửa

Hồng Kông : 5.000 người tọa kháng, phi trường bị tê liệt hoàn toàn

mediaSân bay quốc tế Hồng Kông thông bảo hủy các chuyến bay đến và đi từ Hồng Kông, ngày 12/08/2019.REUTERS/Thomas Peter
Phi trường Hồng Kông đã ra quyết định hiếm hoi, hủy bỏ tất cả các chuyến bay trong ngày 12/08/2019, sau khi ít nhất 5.000 người biểu tình chống bạo lực cảnh sát, tràn ngập nhà ga đến, trong khuôn khổ phong trào dân chủ huy động mọi tầng lớp dân chúng đặc khu hành chính.
Chỉ 10 phút sau khi Bắc Kinh đả kích phong trào tranh đấu tại Hồng Kông là « dấu hiệu của khủng bố phá hoại », ban điều hành phi trường Hồng Kông thông báo đóng cửa phi trường quốc tế đứng hàng thứ tám trên thế giới về số hành khách và nổi tiếng về hiệu năng hoạt động.
Trong ngày thứ tư liên tiếp (12/08) của chiến dịch tọa kháng, hơn 5.000 người biểu tình đã tràn ngập ga đến, tiếp xúc trực tiếp với hành khách quốc tế và Hoa lục, kêu gọi họ ủng hộ cuộc tranh đấu.
Toàn bộ các chuyến bay trong ngày bị đình chỉ trừ những chuyến bay đi sắp khởi hành và những chuyến bay đến sắp hạ cánh.
Sau khi yêu cầu Cathay Pacific trừng phạt nhân viên tham gia biểu tình, chính quyền Hoa lục vừa tiến thêm một bước trong chiến thuật áp đảo tinh thần. Dương Quang, phát ngôn viên của văn phòng đại diện chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông và Macao, người mà hồi tuần trước khuyến cáo dân Hồng kông không nên đùa với lửa, sáng 12/08 cho là « một nhóm thiểu số tấn công cảnh sát bằng bom chai xăng và đó là dấu hiệu khủng bố ».
Theo AFP, quyết định của phi trường Hồng Kông chỉ vài phút ngắn ngủi sau khi chính quyền Hoa lục lên tiếng hù họa, cho thấy mức độ leo thang của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ cuối tháng Tư.
vi.rfi.fr/chau-a/20190812-hong-kong-5000-nguoi-toa-khang-phi-truong-bi-te-liet-hoan-toan

Hồng Kông: Tọa kháng tại sân bay nhằm đánh động dư luận quốc tế

mediaNgười biểu tình tọa kháng ở sảnh đến, sân bay quốc tế Hồng Kông, ngày 09/08/2019.REUTERS/Thomas Peter
Từ sáng 09/08/2019, hàng trăm người biểu tình đòi dân chủ đã tập trung tọa kháng tại nhà ga sân bay quốc tế Hồng Kông. Hành động mới của phong trào đòi dân chủ dự kiến kéo dài đến Chủ Nhật 11/08 nhằm đánh động dư luận quốc tế.
Theo người biểu tình, mục tiêu của họ không nhằm phong tỏa sân bay, hay gây bạo loạn mà chỉ để cho du khách quốc tế hiểu về những gì đang diễn ra ở Hồng Kông. Đó là cuộc đấu tranh đòi dân chủ và phản đối Bắc Kinh áp chế đời sống chính trị của đặc khu hành chính.
AFP cho biết người biểu tình đeo mặt nạ, mũ bảo hiểm lao động. Phần đông trong số họ mặc đồ đen, màu biểu tượng cho phong trào phản kháng, khởi phát từ cuộc tuần hành khổng lồ hôm 09/06. Người biểu tình ngồi bệt xuống sàn nhà chờ ở cửa đến của sân bay, trương các khẩu hiệu bằng tiếng Trung, tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác lên án bạo lực cảnh sát. Người ta có thể thấy các biểu ngữ : « Hãy cứu Hồng Kông khỏi chuyên chế và bạo lực cảnh sát ».
Hồng Kông đang lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi được Anh trao trả lại Trung Quốc năm 1997 dưới quy chế một đặc khu hành chính bán tự trị. Từ hai tháng nay, các cuộc biểu tình diễn ra gần như hàng ngày. Xuất phát điểm của phong trào biểu tình là phản đối dự luật dẫn độ mà chính quyền đặc khu dưới sự thao túng của Bắc Kinh đã dự định thông qua.
Yêu sách của người biểu tình ngày càng mở rộng, từ chống chính quyền đặc khu đến chống chế độ Bắc Kinh. Nhiều vụ xô xát bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra.
Người biểu tình quyết tâm theo đuổi cuộc đấu tranh cho đến khi yêu sách của họ được thỏa mãn : Hủy hẳn dự luật dẫn độ, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức, mở điều tra độc lập về các hành động bạo lực của cảnh sát, ân xá những người biểu tình bị bắt và hơn nữa là bầu lãnh đạo Hồng Kông theo thể thức phổ thông trực tiếp...
Những biến động ở đặc khu hành chính Hồng Kông không chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều nước mà đặc biệt còn làm quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng.
Bắc Kinh vào ngày 08/08 cho công bố ảnh và thông tin cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ đã tiếp xúc với các sinh viên trong phong trào dân chủ ở Hồng Kông và gọi đó là hành vi « can thiệp của thế lực bên ngoài ».
Ngay lập tức, hôm 09/08, bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên án Trung Quốc cư xử như một « chế độ côn đồ » khi tung các thông tin cá nhân liên quan đến gia đình của nhà ngoại giao Mỹ lên mặt báo. Đánh giá gay gắt về Trung Quốc như vậy được đưa ra trong khi quan hệ Washington và Bắc Kinh đang rất căng thẳng do chiến tranh thương mại, cũng như do cạnh tranh quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190809-hong-kong-bieu-tinh-toa-khang-tai-san-bay-nham-danh-dong-du-luan-quoc-te

Phản đối chính quyền, người Hồng Kông phong tỏa nhiều tuyến xe lửa

mediaNhững người biểu tình phong tỏa một xe lửa của hệ thống MTR ở Hồng Kông ngày 30/07/2019.REUTERS/Tyrone Siu
Hôm nay 30/07/219, hàng ngàn người đấu tranh ở Hồng Kông đã phong tỏa hệ thống giao thông đường sắt vào giờ cao điểm, nhằm thể hiện thái độ phản kháng đối với chính quyền thân Bắc Kinh.
Những người phong tỏa các tuyến tàu hô vang khẩu hiệu “Giải phóng Hồng Kông”. Nhiều tuyến tàu phục vụ 5 triệu người mỗi ngày đã hoàn toàn bị tê liệt. Một thanh niên phát biểu với hãng tin Anh Reuters : “Chúng tôi không muốn làm phiền mọi người, nhưng chúng tôi muốn chính quyền hiểu tại sao chúng tôi biểu tình. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp tục chừng nào điều đó còn cần thiết”.
Theo Reuters, trong khi hãng đường sắt MTR kêu gọi khách hàng sử dụng các phương tiện thay thế, lãnh đạo ngành giao thông Hồng Kông kêu gọi người tham gia phong trào đấu tranh thay đổi phương thức phản kháng.
Phản ứng về tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh hôm qua về phong trào biểu tình ở Hồng Kông, phát biểu trên đài RFI, bà Bonnie Leung, phó chủ tịch Mặt trận nhân quyền dân sự Hồng Kông, tổ chức đã tập hợp được 2 triệu người biểu tình cách nay vài tuần, lấy làm tiếc là Bắc Kinh đã không quan tâm đến nỗi tức giận của người dân đặc khu:
“Qua cuộc họp báo này, Bắc Kinh đã tái khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối đối với lực lượng cảnh sát và chính quyền Hồng Kông. Điều này khiến chúng tôi vô cùng thất vọng, bởi vì chính phủ trung ương Bắc Kinh hoàn toàn có thể cách chức trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nhưng họ đã từ chối làm điều đó, có nghĩa là họ không muốn công nhận những gì đang diễn ra tại Hồng Kông. Họ đã lơ đi những nguyên nhân thực sự gây ra nỗi tức giận của người dân Hồng Kông, nguồn gốc của phong trào đấu tranh kéo dài suốt nhiều tuần qua”.
 vi.rfi.fr/chau-a/20190730-phan-doi-chinh-quyen-than-bac-kinh-nguoi-hong-kong-phong-toa-nhieu-tuyen-xe-lua

Geen opmerkingen:

Een reactie posten