zaterdag 8 juli 2017

Biển Đông: Việt Nam dùng dầu khí công phá đường lưỡi bò Trung Quốc + Căng thẳng Việt-Trung do Bắc Kinh ngang ngược về dầu khí Biển Đông

Biển Đông: Việt Nam dùng dầu khí công phá đường lưỡi bò Trung Quốc

mediaMột giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh: en.wikipedia.org)
Việt Nam đang nổi lên thành nước bạo dạn nhất trong việc chống lại yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, thông qua hai hành động cụ thể nhắm vào đường lưỡi bò Trung Quốc, với vũ khí là quyền thăm dò dầu khí. Mỹ và Ấn Độ là hai phía hỗ trợ Việt Nam.
Mới nhất là sự kiện được tiết lộ hôm 06/07/2017, theo đó Hà Nội đã triển hạn giấy phép thăm dò lô 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam, cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh. Trước đó là thông tin về việc Hà Nội cho phép Talisman-Việt Nam - một liên doanh giữa ba tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tây Ban Nha và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất – khởi sự khoan dò tại lô 136-06, xa hơn xuống phía nam. Cả hai lô này đều bị Bắc Kinh cho là của họ vì nằm bên trong đường 9 đoạn – còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc trưng ra để khẳng định chủ quyền.
Theo trang mạng Mỹ The American Interest hôm qua, quả đúng là với hai động thái liên tiếp đó, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò « đối thủ hàng đầu » của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo tác giả bài viết trên trang mạng Mỹ, thời điểm Việt Nam bật đèn xanh cho các hành động đó không có gì là ngẫu nhiên.
Việc Việt Nam triển hạn cho ONGC Videsh tiếp tục thăm dò lô 128 được quyết định ngay sau khi ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh kết thúc 4 ngày công du Ấn Độ, nơi ông đã thảo luận về an ninh và hợp tác kinh tế, với một đối tác vốn không ngần ngại tái khẳng định rằng mọi nước cần phải bảo vệ quyền « tự do hàng hải và pháp luật quốc tế » ở Biển Đông.
Theo ghi nhận của Reuters, chống lại tham vọng của Trung Quốc muốn khống chế toàn bộ Biển Đông là điều được Hà Nội và New Delhi chia sẻ, và trong một vài năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, cung cấp tầu tuần tra, huấn luyện phi công và thủy thủ tàu ngầm, cho Việt Nam tiếp cận thông tin vệ tinh để giám sát vùng biển của mình.
Chính trong chiều hướng kháng lại Trung Quốc đó, mà Việt Nam và nhất là Ấn Độ, đã tiếp tục hợp tác thăm dò lô 128, dù nơi đó được cho là sẽ không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Lý do tiếp tục hợp tác là « chiến lược », như một quan chức Ấn Độ từng xác nhận với Reuters. Có thể hiểu chiến lược là duy trì sự hiện diện cụ thể tại một nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền, mặc nhiên chọc thủng đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Ý nghĩa chiến lược « cắt đứt đường lưỡi bò » cũng có thể được thấy qua việc Việt Nam bật đèn xanh cho liên doanh Talisman Việt Nam khoan dò tại lô 136-06 mà Trung Quốc từng nhận là của họ và giao quyền khai thác cho hãng Brightoil ở Hồng Kông.
Những động thái được cho là bạo dạn của Việt Nam chống lại Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã được giới quan sát lồng vào trong bối cảnh tân chính quyền Mỹ của ông Donald Trump liên tiếp thực hiện hai chuyến tuần tra « bảo vệ quyền tự do hàng hải » trên Biển Đông, thách thức Trung Quốc khi cho chiến hạm tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể mà Bắc Kinh trấn giữ, cả ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.
Song song với các sự kiện đó, hai chiến hạm Mỹ cũng đã cập cảng Cam Ranh từ hôm qua, bắt đầu các hoạt động diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Ý nghĩa quan trọng của sự kiện này chính là địa điểm diễn tập là Cam Ranh.
Đây là hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng ý nghĩa chống Trung Quốc được nêu bật vì diễn ra chỉ vài ngày sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Cho đến gần đây, Trung Quốc đã gần như được tự do tung hoành ở Biển Đông. Với việc Việt Nam hành động mạnh mẽ hơn chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và các cường quốc lớn như Hoa Kỳ Ấn Độ, Nhật Bản, can dự nhiều hơn, câu hỏi mà tờ The American Interest đặt ra là liệu cục diện có sẽ thay đổi được hay không?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170707-bien-dong-viet-nam-dung-dau-khi-cong-pha-duong-luoi-bo-trung-quoc

Căng thẳng Việt-Trung do Bắc Kinh ngang ngược về dầu khí Biển Đông

mediaVị trí của các lô 118 và 136 so với đường lưỡi bò Trung Quốc trên Biển Đông. Địa điểm đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014 cũng được ghi chú.CSIS
Một nguồn tin ẩn danh nói với trang mạng quốc phòng Jane’s vào ngày 20/6, là Phạm Trường Long bỏ ngang chuyến đi do các viên chức Việt Nam bác bỏ yêu cầu tạm dừng thăm dò dầu lửa và khí đốt trong phạm vi đường lưỡi bò.
Theo quan điểm của Hà Nội, việc Bắc Kinh chống đối thăm dò dầu khí ở lô 118 và lô 136 không chỉ là vô căn cứ mà còn gây phản cảm. Các lô này không nằm trong khu vực tranh chấp do chồng lấn thềm lục địa, mà chỉ vì đường lưỡi bò ảo mà cả Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế rộng rãi đều không thể chấp nhận được.
Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ nhiệm Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã lên lịch đi thăm Hà Nội hai ngày từ 18 đến 19/06/2017, rồi gặp gỡ bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhân sự kiện giao lưu quốc phòng cấp cao biên giới Việt-Trung từ ngày 20 đến 22/06/2017. Nhưng có điều gì đó không ổn đã xảy ra, vì ông Phạm Trường Long đã bất ngờ rời Hà Nội hôm 18/6 sau khi gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Trần Đại Quang và bộ trưởng Ngô Xuân Lịch.
Hai ngày sau, bộ Quốc Phòng Trung Quốc loan báo việc hủy bỏ sự kiện giao lưu quốc phòng biên giới, với « lý do liên quan đến sắp xếp lịch làm việc ». Sự thật dường như là căng thẳng đang âm ỉ giữa Bắc Kinh và Hà Nội sắp bùng nổ - Việt Nam vốn tỏ ra nghi hoặc hơn Philippines trước các động thái khuyến dụ gần đây của Trung Quốc. Theo tác giả Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), thì đó là do bất đồng về việc thăm dò dầu khí.
Một nguồn tin ẩn danh nói với trang mạng quốc phòng Jane’s vào ngày 20/6, là Phạm Trường Long bỏ ngang chuyến đi do các viên chức Việt Nam bác bỏ yêu cầu tạm dừng thăm dò dầu lửa và khí đốt trong phạm vi đường 9 đoạn, tức đường lưỡi bò do Trung Quốc tự ý vạch ra trên Biển Đông. Ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho rằng cuộc gặp bị hủy bỏ vì « Bắc Kinh coi như Việt Nam không giữ lời hứa là không thăm dò dầu khí tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông ». Hai lô 118 và 136 dường như là trung tâm của bất đồng.
Hồi tháng Giêng, tập đoàn ExxonMobil loan báo kế hoạch khai thác trữ lượng khí đốt ở bờ biển miền trung Việt Nam. Dự án mỏ « Cá Voi Xanh » nằm ở lô 118 cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 100 km, có một phần nhỏ chồng lấn với đường lưỡi bò Trung Quốc. Bắc Kinh yêu sách « quyền lịch sử » đối với toàn bộ trữ lượng dầu khí nằm trong đường 9 đoạn này, bất chấp việc Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hồi tháng 7/2016 đã ra phán quyết khẳng định đòi hỏi này là vô căn cứ. Tác giả Hiebert cho biết địa điểm mà Exxon dự định khoan dầu nằm gần đường lưỡi bò, cách khoảng 10 hải lý, nhưng vẫn ở phía ngoài đường ranh tự vạch của Bắc Kinh.
Tất nhiên trữ lượng khí đốt không cần biết đến biên giới, và việc khoan thăm dò của Exxon có thể bị Bắc Kinh coi là đụng chạm đến khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn nằm giáp với đường lưỡi bò. Đây cũng là khu vực lòng chảo mà Bắc Kinh đã cho kéo giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 (Haiyang Shiyou 981) đến vào năm 2014, gây ra cuộc khủng hoảng lớn kéo dài cả tháng trời giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều quan trọng cần ghi nhận theo chuyên gia Murray Hiebert, là dù lô 118 nằm chồng lên đường lưỡi bò, chắc chắn là lô này thuộc về phía Việt Nam trong bất kỳ việc phân định thềm lục địa nào trong tương lai.
Việc thăm dò của tập đoàn Exxon ở lô 118 có vẻ đã chọc giận Bắc Kinh, nhưng ngòi nổ gần hơn cho cuộc xung đột là kế hoạch của Việt Nam nhằm thăm dò trữ lượng dầu khí tại lô 136, ở xa hơn về phía nam. Lô này nằm tại bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank), một thực thể chìm vốn là trở ngại trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong suốt 30 năm qua, được cho là có trữ lượng dầu có thể thương mại hóa.
Bãi cạn Tư Chính nằm cách xa tất cả các đảo nhỏ và rạn san hô tranh chấp, nhưng Bắc Kinh tiếp tục yêu sách chủ quyền, dựa trên đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý. Năm 1992, Trung Quốc bán lại quyền khai thác dầu khí tại một lô rất lớn, bao gồm cả bãi cạn Tư Chính, cho một công ty Mỹ nhỏ hơn là Crestone Energy. Hợp đồng khổng lồ này chồng chéo với lô 136 của Việt Nam, hiện đang do công ty Repsol Exploration của Tây Ban Nha quản lý.
Từ khi nắm được lô này hai năm về trước, nằm trong khuôn khổ việc mua lại công ty Úc Talisman Energy, Repsol vẫn giám sát khu vực để chuẩn bị cho công tác thăm dò dầu khí. Theo lời đồn đãi, thì Hà Nội đã thông qua một kế hoạch để công ty sớm tiến hành khoan thăm dò, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Không biết có phải là một sự trùng hợp hay không, ông Phạm Trường Long cùng với phái đoàn của ông đã đến Tây Ban Nha ngay trước chuyến thăm Việt Nam.
Cả Repsol lẫn Hà Nội đều không đưa ra tuyên bố chính thức. Nhưng một chiếc tàu Việt Nam không rõ tên hiệu, dường như đã được điều đến tuần tra ở lô 136 ngay sau khi ông Phạm rời Hà Nội. Theo các dữ liệu của Windward, một công ty chuyên phân tích số liệu và rủi ro hàng hải, thì chiếc tàu đã đến khu vực này vào buổi sáng ngày 19/6 theo giờ địa phương, và đã hoạt động theo kiểu đi điều tra hoặc tuần tra.
Căng thẳng cũng được thể hiện trong bối cảnh Việt Nam đang có những bước đi nhằm siết chặt hơn quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản, chắc chắn là sẽ làm Trung Quốc bực tức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Nhà Trắng hồi tháng Năm, và sau đó Washington đã chuyển giao một chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Vào thời gian cuối của chuyến viếng thăm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đưa ra thông cáo chung, loan báo rằng Việt Nam hoan nghênh một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ lần đầu tiên thăm vịnh Cam Ranh, vốn là cảng nước sâu được quân đội Mỹ khai thác trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trước đây.
Hoa Kỳ và Việt Nam cũng thỏa thuận tăng cường chia sẻ tin tức tình báo. « Chúng tôi sẽ không chia sẻ thông tin quân sự về tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Trung Đông đâu » - một viên chức Việt Nam nói đùa, ngụ ý rằng các thông tin san sẻ là thuộc lãnh vực phòng bị hàng hải trên Biển Đông. Việt Nam cũng quan tâm đến việc mua thêm các thiết bị quốc phòng của Mỹ, một điều đã trở thành khả thi sau khi Washington dỡ bỏ cấm vận vũ khí cách đây một năm. Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cũng dự kiến đi thăm Washington lần đầu tiên để gặp gỡ tướng James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trong những tháng tới, có thể là vào tháng Tám.
Rất nhanh sau chuyến công du Washington, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến ngay Tokyo. Theo một thông cáo chung, Việt Nam và Nhật Bản đã thỏa thuận về quan hệ « đối tác chiến lược rộng rãi » và tăng cường hợp tác trong lãnh vực quốc phòng cũng như an ninh. Tokyo cam kết viện trợ trên 900 triệu đô la cho Hà Nội trong nhiều dự án khác nhau, trong đó có cả các hoạt động tuần duyên và cung cấp sáu tàu tuần tra. Chẳng bao lâu sau chuyến viếng thăm này, Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành tập dượt chung giữa tuần duyên hai nước, tập trung vào việc chống đánh cá bất hợp pháp – và có vẻ đã làm cho Bắc Kinh cay cú.
Theo quan điểm của Hà Nội, việc Bắc Kinh chống đối thăm dò dầu khí ở lô 118 và lô 136 không chỉ là vô căn cứ mà còn gây phản cảm. Các lô này không nằm trong khu vực tranh chấp do chồng lấn thềm lục địa, mà chỉ vì đường lưỡi bò ảo mà cả Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế rộng rãi đều không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục khai thác dầu khí ở cửa vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa chiếm được của Việt Nam bằng vũ lực năm 1974. Hôm 16/6, ngay trước khi Phạm Trường Long đến Hà Nội, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 lại được kéo đến phía nam đảo Hải Nam. Theo một thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc (China Maritime Safety Administration), giàn khoan này sẽ hoạt động tại khu vực cho đến ngày 15/9.
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 lần này đặt ở vị trí đường trung tuyến giữa bờ biển hai nước, ở phía Trung Quốc ; và trong khi việc phân ranh về mặt kỹ thuật vẫn đang bị treo lại, thì địa điểm này vẫn thuộc Trung Quốc. Còn các lô 118 và 136 tuy rõ ràng thuộc về Việt Nam, nhưng Bắc Kinh lại đòi Hà Nội phải rút ra. Theo chuyên gia Murray Hiebert, kiểu cách xử sự ngang ngược này làm các lãnh đạo Việt Nam hết sức bực tức.

 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170629-cang-thang-viet-trung-do-bac-kinh-ngang-nguoc-ve-dau-khi-bien-dong

Dù Biển Đông căng thẳng, Việt Nam vẫn ký thỏa thuận với Exxon Mobil

mediaMột cơ sở của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil tại Texas, Hoa KỳREUTERS
Ngày 13/01/2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ( PVN ) đã cùng với Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã ký với tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil hai văn bản : thỏa thuận khung phát triển dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí của mỏ này.
Mỏ khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay. Mỏ này nằm cách bờ biển tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, khoảng 80 km, với trữ lượng được ước tính khoảng 150 tỷ mét khối khí. Mục tiêu mà dự án đề ra là sẽ đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023 để cung cấp cho miền Trung Việt Nam. Nhưng mỏ khí Cá Voi Xanh nằm trong vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Thỏa thuận nói trên được ký kết đúng vào lúc ông John Kerry đang viếng thăm Việt Nam lần cuối trong cương vị ngoại trưởng Mỹ, còn ông Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi tái đắc cử tổng bí thư Đảng. Một sự trùng hợp về thời điểm nhưng nó cũng phản ánh chính sách của Việt Nam gọi là « đa phương hóa và đa dạng hóa » quan hệ ngoại giao.
Thỏa thuận này cũng được ký chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng được chỉ định của Mỹ, Rex Tillerson, nguyên là một lãnh đạo của tập đoàn Exxon Mobil, đã gây phản ứng giận dữ từ báo chí chính thức của Trung Quốc, khi lên tiếng yêu cầu cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Biển Đông, vì theo ông việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo này là « phi pháp », chẳng khác gì việc nước Nga sát nhập vùng Crimée của Ukraina.
Khi còn là một lãnh đạo của Exxon Mobil, ông Tillerson đã từng « nếm mùi » áp lực của Trung Quốc muốn ngăn cản tập đoàn dầu khí Mỹ đầu tư khai thác ở Việt Nam. Trong một bài viết đề ngày 16/01/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhắc lại rằng vào năm 2007 ông nhận được thông tin là tình báo Trung Quốc đã lấy được một bản sao Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020. Chiến lược này đề ra kế hoạch gắn nền kinh tế vùng bờ biển với các tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có cả dầu khí.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, lúc đó phía Trung Quốc đã cảnh cáo các tập đoàn dầu khí phương Tây là nếu giúp Việt Nam khai thác dầu khí, thì quyền lợi của họ ở Trung Quốc sẽ bị tổn hại. Theo nhật báo Hồng Kông The South China Morning Post, vào năm 2008, Exxon Mobil đã công khai xác nhận những áp lực đó của Trung Quốc. Nhưng giáo sư Thayer nhận định, bằng chính sách « cây gậy và củ cà rốt » mà Hoa Kỳ thi hành với Trung Quốc, phía Bắc Kinh đã ngưng sách nhiễu các tập đoàn dầu khí Mỹ làm ăn với Việt Nam.
Vấn đề là sau những tuyên bố của ông Tillerson về Biển Đông, chưa biết là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao về thỏa thuận vừa được ký giữa Việt Nam với Exxon Mobill, nhất là vì mỏ khí Cá Voi Xanh nằm tại vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tất cả tùy thuộc phần lớn vào quan hệ Mỹ - Trung dưới thời tổng thống Donald Trump. Hiện giờ Bắc Kinh còn tỏ ra thận trọng, mềm mỏng trước những tuyên bố cứng rắn của các bộ trưởng tương lai cũng như của bản thân ông Trump. Nhưng chắc chắn là Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên nếu chính quyền mới của Mỹ thi hành một chính sách gây tổn hại cho lợi ích của họ, đặc biệt là tại Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170117-bien-dong-cang-thang-viet-nam-thoa-thuan-exxon-mobil

Geen opmerkingen:

Een reactie posten