zaterdag 17 december 2016

Tổng thống Nga công bố học thuyết mới về chiến tranh lạnh + 25 năm sau khi Liên Xô tan rã

25 năm sau khi Liên Xô tan rã, những tham vọng nào cho nước Nga ?

mediaMikhail Gorbachev và Boris Eltsine, tại Nghị viện Nga trong một phiên họp, sau cú đảo chính hụt năm 1991.Georges DeKeerle/Sygma via Getty Images

Cách đây 25 năm, Liên Bang Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô đã bị tan rã sau 69 năm tồn tại. Ngày 08/12/1991, tổng thống Nga lúc bấy giờ là Boris Eltsine, cùng với các đồng nhiệm Ukraina là Leonid Kravtchouk và Belarus là Stanislav Chouchkevitch, đã ký giấy khai tử Liên Xô. Hiệp ước này đặt dấu chấm hết cho một trật tự thế giới được lập ra dựa ra sự đối đầu giữa hai cường quốc : Liên Xô và Hoa Kỳ.
Ngày nay, Vladimir Putin tìm cách đảo lộn trật tự hậu Xô Viết bằng cách cố gắng trả lại cho nước Nga vị thế cường quốc mà thế giới buộc phải để ý tới. Trên đây là những phân tích của phóng viên Anastasia Becchio trên đài RFI ngày 08/12/2016.
Một phần tư thế kỷ trôi qua sau sự sụp đổ của Liên Xô, 56% người Nga vẫn còn tiếc nuối sự tan rã đó, theo như thăm dò của trung tâm Levada ; 43% người Nga cho biết đã bị mất cảm giác và sự kiêu hãnh là công dân một cường quốc. Tuy nhiên, chỉ có 12% người được hỏi là ủng hộ phục hồi thể chế Liên Xô như trước đây.
Tâm tư đó được thể hiện trong hàng loạt các tuyên bố của Vladimir Putin về sự cáo chung của đế chế Xô Viết. Tổng thống Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sự biến mất của Liên bang Xô Viết là một bi kịch đối với người dân Nga và là « thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX », như ông đã từng nói trước nghị viện Nga năm 2005. Thế nhưng tổng thống Nga cũng khẳng định : « Chúng ta quen nói : ai không nuối tiếc Liên Xô là không có trái tim, ai muốn phục hồi Liên Xô là không biết suy nghĩ ».

Tái thiết đế chế ?
25 năm sau, tuy không có chuyện phục sinh Liên Xô, nhưng Vladimir Putin không giấu giếm tham vọng làm cho nước Nga trở thành cường quốc trong một thế giới đa cực. Khi chiếm lại Crimée từ Ukraina năm 2014, tổng thống Nga không ngần ngại nhào nặn lại các đường biên giới có từ năm 1991, bất chấp các thỏa thuận quốc tế. Điều này đã dẫn đến việc Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra các lệnh trừng phạt và điện Kremlin đã đáp trả qua các biện pháp chống trừng phạt.
Ông Jean-Sylvestre Mongrenier, chuyên gia Viện nghiên cứu địa chính trị Pháp, trường đại học Paris VIII và là thành viên Viện Thomas More phân tích : « Người ta có thể nói đến dự án tân Xô Viết. Dự án này bao hàm vấn đề lãnh thổ với ý chí lấy lại quyền kiểm soát các lãnh thổ mà xưa kia là thuộc Liên Xô ».
Vào tháng 8/2008, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Xô Viết sụp đổ, Nga đã gởi chiến xa đến Gruzia nhằm cố gắng lấy lại quyền kiểm soát Nam Ossetia. Năm năm sau, sau cuộc cách mạng lật đổ tổng thống Ukraina Victor Ianoukovitch, Nga ủng hộ những mầm mống đòi ly khai, khi gởi quân đến Crimée đồng thời hỗ trợ các chiến binh thân Nga vùng Donbass. Ông Jean-Sylvestre Mongrenier nhắc lại : « Nhìn chung, Nga gây áp lực rất mạnh lên các nước láng giềng, kể cả các quốc gia vùng Baltic ».
Đối mặt với các mối đe dọa thật sự hay giả định, Estonia, Latvia và Litva thường xuyên bày tỏ các mối quan ngại của mình. Mặc dù là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, những quốc gia vẫn ám ảnh bởi nửa thế kỷ bị Liên Xô chiếm đóng, tỏ ra lo lắng về chính sách bảo vệ các cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga mà Matxcơva đang thực thi tại Ukraina.
Florent Parmentier, giảng viên thuộc Viện Khoa học Chính trị (Sciences Po), cộng tác viên của trung tâm nghiên cứu địa chính trị HEC cho rằng : « Nét đặc thù của các quốc gia vùng Baltic là có một cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga, lớn nhỏ tùy theo từng nước, ở mức vừa phải tại Litva, và ở Latvia và Estonia thì lớn hơn. Do vậy, đây là một dự án gây lo ngại »
Ông Parmentier cũng cho rằng chiến lược Nga bao hàm « phản xạ công-thủ. Nga vừa có ý muốn mở rộng ảnh hưởng đến mức tối đa tại những nước có liên quan, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được là cả thế giới đang cố gắng ngăn chận sự hội nhập khu vực với Nga là nòng cốt ».

Phá hoại các định chế xuyên Đại Tây Dương
Nga bị đe dọa do NATO tìm cách bao vây: Kremlin thường đưa ra luận điểm này, vì theo Matxcơva, hấp lực của Liên minh Bắc Đại Tây Dương hoặc Liên Hiệp Châu Âu đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là kết quả của một chiến lược chủ ý thu hẹp không gian ảnh hưởng của Nga. Ông Olivier Schmitt, phụ trách Hiệp hội nghiên cứu về chiến tranh và chiến lược, giáo sư thỉnh giảng về Khoa học chính trị tại đại học Nam Đan Mạch, nhấn mạnh:
« Một số hành động của Nga có thể được hiểu là kết quả của ý muốn xóa bỏ những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương. Học thuyết quân sự Nga nhận định rằng việc mở rộng khối NATO và bản thân sự tồn tại của Liên minh này là một mối đe dọa sinh tồn đối với Liên bang Nga. Và Nga sẽ được bảo đảm an ninh bằng cách làm suy yếu các định chế này. Do vậy, một trong những mục tiêu là phải có khả năng phá hủy các công cụ an ninh xuyên Đại Tây Dương ».
Vẫn theo ông Olivier Schmitt, để đạt được các mục tiêu của mình, Nga sử dụng các phương tiện không chỉ thuần túy quân sự, mà « còn có thể dưới các hình thức khá cổ điển khác như các âm mưu lật đổ, chiến tranh thông tin hoặc tài trợ cho các chính đảng dân túy có các chương trình chống lại những định chế an ninh xuyên Đại Tây Dương tại châu Âu ».
Chuyên gia này nhận thấy, mục tiêu mà Nga theo đuổi – phá vỡ sự gắn kết xã hội-chính trị của các xã hội phương Tây – lại được công luận tại một số nước châu Âu lắng nghe, bởi vì « các nước này thất vọng về nền dân chủ tự do hiện nay, họ đang chờ đợi những hô hào thay đổi. Khẩu hiệu của hãng thông tấn Nga Sputnik – chúng tôi nói với các bạn những điều mà người khác không nói cho bạn – khuyếch đại tâm lý của công dân là họ bị bộ máy Nhà nước tước đoạt : như vậy, ở đây có một nhu cầu của xã hội mà Nga có thể khai thác thông qua các phương tiện truyền thông của mình ».

Liên minh Âu-Á
Để tìm cách chống lại những định chế xuyên Đại Tây Dương, Nga đã lập ra, với ít nhiều thành công, các định chế riêng nhằm củng cố khu vực ảnh hưởng của mình tại nơi mà Matxcơva vẫn thường xuyên gọi là khu vực ngoại quốc gần gũi. Là một dự án lớn, do Vladimir Putin đưa ra từ đầu thập niên này, Liên minh Âu-Á, mà nguồn gốc ban đầu chỉ là một liên minh thuế quan, dự tính, trong tương lai, tiến hành hội nhập nhiều hơn về chính trị.
Ngày nay, có bốn nước tham gia cùng với Nga, đó là Belarus, Kazakhstan, Arménia và Kirghizstan, nhưng không có Ukraina. Quốc gia này kiên quyết quay sang phe phương Tây kể từ khi có cuộc cách mạng 2014. Liên minh này, « một hiệp hội siêu quốc gia mạnh, có khả năng trở thành một trong những cực trong thế giới hiện đại và sẽ trở thành cầu nối giữa châu Âu và vùng châu Á-Thái Bình Dương năng động.»
Jean Sylvestre Mongrenier giải thích, « Ukraina là hòn đá nền tảng cho các quan niệm địa chính trị Nga. Điều đó làm cho mọi người nghĩ rằng Nga chắc chắn sẽ không tìm kiếm một dạng thỏa hiệp trong cuộc khủng hoảng Ukraina ».
Ông cảnh báo những ai ở phương Tây vẫn cố bám lấy ý định « Phần Lan hóa » Ukraina để có được một sự thỏa hiệp với Nga. Chuyên gia thuộc học viện Thomas More thẩm định, nếu Ukraina trung lập, thì điều này cũng không làm thay đổi nhiều việc. « Về trung và dài hạn, Nga muốn biến Ukraina lại thành một nước vệ tinh của mình ».
Để đạt được các mục tiêu của mình, Vladimir Putin vẫn giữ lại các phương tiện gây sức ép : « Ông ta đã sáp nhập Crimée và gián tiếp kiểm soát một phần ba vùng Donbass. Tất cả những điều này trở thành điểm tựa hành động để gây sức ép đối với Kiev. Về lâu dài, ông ta tin rằng chính quyền Ukraina sẽ tan rã và các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ sẽ không quan tâm đến nước này nữa ».
Kremlin rất quan tâm đến các cuộc bầu cử vừa qua và trong thời gian tới ở phương Tây. Matxcơva hy vọng là cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp và bầu cử lập pháp ở Đức trong năm 2017, sẽ đưa các chính khách có xu hướng thỏa hiệp với Nga lên cầm quyền. Việc Donald Trump trúng cử đã làm cho các quan chức Ukraina lo ngại. Tổng thống tương lai của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố không hề chống lại việc Nga lập « các vùng đệm ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161209-25-nam-lien-xo-sup-do-tham-vong-nga-qt

Tổng thống Nga công bố học thuyết mới về chiến tranh lạnh

media
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp của Hội Đồng Xã Hội Dân Sự và Nhân Quyền, Matxcơva, ngày 08/12/2016REUTERS/Sergei Karpukhin

Trong bài viết có tiêu đề " Putin đưa ra học thuyết về chiến tranh lạnh kiểu mới ", Le Monde cho biết là trong bài diễn văn thường niên trước công chúng vào ngày 01/12/2016, tổng thống Nga Putin đã tuyên bố : " Trái ngược với một số nước phương Tây coi nước Nga là một đối thủ, chúng ta không gây hấn và chưa bao giờ tìm cách gây hấn ".
Thế nhưng, cũng chính trong ngày hôm đó, điện Kremlin đã cho công bố sắc lệnh của tổng thống Putin về một cuộc chiến tranh lạnh mới. " Mệnh lệnh của tổng thống Nga " là xem xét lại học thuyết về chính sách đối ngoại mà Nga đã đề ra năm 2013.
Nếu học thuyết năm 2013 xác định mục đích chính của Nga trong quan hệ với phương Tây là hòa nhập vào văn hóa phương Tây, khuyến khích tạo một không gian kinh tế và nhân văn trải rộng từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, thì học thuyết năm 2016 khơi gợi lại những vấn đề tích tụ một cách có hệ thống từ một phần tư thế kỷ nay.
Theo nhận định của nhật báo Le Monde, Matxcơva đã " đổi giọng ". Trong tài liệu mỏng chỉ có 38 trang, từ " an ninh " xuất hiện tới 70 lần và từ " đe dọa " thì được dùng tới 25 lần. Liên Hiệp Châu Âu bị Nga cáo buộc là " bành trướng về địa chính trị " và phối hợp với Mỹ để tìm cách " ngầm phá hoại sự ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới ".
Nếu vào năm 2013, Matxcơva ưu tiên đối thoại với Mỹ trên cơ sở kinh tế vững mạnh, để củng cố mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, thì năm nay Nga lại không chấp nhận cái mà họ gọi là “ ý đồ áp đặt quân sự, chính trị và kinh tế của Washington lên Matxcơva, ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế ”. Nga tự cho mình quyền đáp trả các hành động thù hằn, bao gồm cả việc củng cố quốc phòng bằng các " biện pháp tương xứng hoặc bất tương xứng ”.
Còn quan điểm không sử dụng sức mạnh quân sự trong chính sách đối ngoại nay đã đổi thành “ tăng cường vai trò của sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế ”.
Trước đây, Matxcơva đặt vấn đề bảo vệ vị thế kẻ mạnh và gây dựng ảnh hưởng trên trường quốc tế thông qua con đường phát triển mang tính cải cách và củng cố nhân quyền. Còn giờ đây, Putin chủ trương quảng bá di sản quốc gia, các giá trị văn hóa của dân tộc và củng cố vị thế của truyền thông Nga trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Matxcơva cũng thể hiện mong muốn xoa dịu quốc tế khi tự nhận là “ yếu tố cân bằng trong quan hệ quốc tế và phát triển văn minh nhân loại ” và “ duy trì quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng ”.
Nói tóm lại, chính sách đối ngoại của Nga là “ cởi mở, có thể dự báo và hài hòa ”.
Còn ngày thứ Ba 06/12, ông chủ điện Kremlin đã ký một sắc lệnh về an ninh thông tin, nhằm phát triển hệ thống kiểm soát Internet trên quy mô quốc gia. Trong văn bản này, Putin cảnh báo là truyền thông nước ngoài đang có xu hướng đăng tải các bài viết tiêu cực về Matxcơva. Kremlin hứa hành động chống lại âm mưu gây ảnh hưởng lên người dân Nga, đặc biệt là lên giới trẻ, nhằm làm xói mòn các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của người dân nước này.

15 năm sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Trung Quốc khiến các đối tác bực bội.
Từ khi chính thức trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO vào năm 2001, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng 8 lần. Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ và là nước xuất khẩu đứng đầu thế giới. Năm 2015, Trung Quốc đóng góp 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, ảnh hưởng của Trung Quốc lên phần còn lại của thế giới ngày càng tăng.
Bà Alicia Garcia Herrero, phụ trách kinh tế châu Á của ngân hàng Pháp Natixis đánh giá là Trung Quốc gia nhập WTO là một sự kiện quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi kinh tế thế giới từ 15 năm nay. Còn ông Sébastien Jean, giám đốc trung tâm nghiên cứu triển vọng kinh tế quốc tế thì nhận xét là sự gia nhập của Trung Quốc còn quan trọng hơn cả việc tổ chức này ra đời. WTO là công cụ thúc đẩy Bắc Kinh mở cửa để trở thành sức mạnh kinh tế toàn cầu và thay đổi toàn cảnh kinh tế thế giới.
Thế nhưng, theo nhận định của nhật báo Le Monde, " 15 năm sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Trung Quốc khiến các đối tác bực bội ", căng thẳng với các nước đối tác ngày càng tăng. Hiện các đối tác này đang chờ đợi Bắc Kinh mở rộng cửa thị trường hơn nữa.
Mặc dù Bắc Kinh đã giảm hàng rào quan thuế, đạt nhiều tiến bộ về kinh tế thị trường, nhưng vẫn tiếp tục chính sách bảo hộ. Vì thế, các doanh nghiệp nước ngoài còn gặp nhiều hạn chế trong đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc. Theo kết quả một cuộc điều tra của Cơ Quan Thương Mại Châu Âu, 60% doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy bị phân biệt đối xử so với các doanh nghiệp bản địa.
Trước thực trạng này và trước mối lo ngại về nguy cơ bành trướng của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài, các nước đối tác yêu cầu Bắc Kinh phải đảm bảo công bằng, " có đi, có lại ".
Le Monde cho biết ngày 08/12/2016, Bắc Kinh đã hứa mềm mỏng hơn trong các quy định về đầu tư nước ngoài trên một số lĩnh vực. Chúng ta hãy chờ xem thông báo này sẽ hiệu quả thế nào !

Miến Điện : bạo lực chống người Rohingya bùng phát
Trên lĩnh vực xã hội, trong bài viết " Miến Điện : Bạo lực chống người Rohingya bùng phát ", nhật báo Le Figaro cho biết các nhà hoạt động nhân quyền đã cáo buộc giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi bỏ rơi người Hồi Giáo thiểu số Rohingya.
Khi bà Aung San Suu Kyi - biểu tượng cho nền dân chủ - lên nắm quyền lãnh đạo, người ta hy vọng bà sẽ cải thiện tình hình liên quan đến sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Trong khi quân đội Miến Điện tiến hành chiến dịch " thanh trừng sắc tộc " đối người Rohingya ở bang Rakhine, thì bà Aung San Suu Kyi luôn giữ yên lặng. Điều này là một cú sốc đối với Liên Hiệp Quốc. Còn thủ tướng Malaysia đã mỉa mai là giải Nobel Hòa Bình mà bà Aung San Suu Kyi nhận được là vô dụng, và kêu gọi quốc tế hành động để ngăn chặn " nạn diệt chủng " ở Miến Điện.

Pháp lại dự kiến triển hạn tình trạng khẩn cấp đến mùa hè 2017
Về tình hình thời sự nước Pháp, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về triển hạn tình trạng khẩn cấp, cho biết ngày mai 11/12/2016, tân thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve sẽ đệ trình lên hội đồng bộ trưởng dự luật triển hạn tình trạng khẩn cấp. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần triển hạn thứ năm kể từ tháng 11/2015. Theo La Croix, về mặt chính trị, rất khó có thể làm khác, vì nguy cơ khủng bố chưa bao giờ cao như hiện nay.
Từ sau vụ khủng bố tại Paris vào tháng 11/2015, tư pháp đã tiến hành 4.300 vụ khám xét, truy tố vài trăm trường hợp, trong đó có 61 vụ liên quan tới khủng bố, còn lại là các vụ buôn lậu vũ khí, ma túy …, và quản thúc tại gia 430 người.
Tuy nhiên, theo chủ tịch Ủy ban giám sát tình trạng khẩn cấp của Quốc Hội, việc đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp là có ích và hiệu quả, nhưng không được lạm dụng để " lấn sân " sang các lĩnh vực duy trì trật tự khác, vì trên thực tế, chính phủ đã lạm dụng tình trạng khẩn cấp để hạn chế hoạt động của các nhà bảo vệ môi trường, hạn chế biểu tình phản đối dự luật lao động mới, hay hạn chế biểu tình phản đối phá dỡ trại tị nạn Calais ở miền bắc nước Pháp.

Paris đóng cửa công viên vì chuột
Cũng liên quan đến nước Pháp, nhưng trên lĩnh vực sức khỏe, đời sống, nhật báo Le Figaro cho biết ở Paris, ngày càng có nhiều chuột và chính quyền thành phố đã buộc phải đóng cửa nhiều công viên. Theo một chuyên gia về đô thị, ở Paris, hiện có khoảng 3,8 triệu con chuột, 75-80% sống trong cống rãnh, và con số này tăng nhanh trong thời gian gần đây, một phần do người dân vứt đồ ăn thừa bừa bãi, còn các thùng rác nơi công cộng thì không có nắp đậy kín, tạo điều kiện cho chuột sinh sôi nhanh chóng. Mỗi năm, thành phố Paris phải chi 150.000 euro để tiêu diệt bớt loài gặm nhấm có hại này.

Trang nhất các báo Pháp
" Nước Pháp đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng nhất 10 năm qua " là tít lớn trên trang nhất của nhật báo Le Monde. Ngày hôm qua, 08/12/2016, Paris, Lyon, Marseilles và nhiều thành phố lớn khác của Pháp phải chịu ô nhiễm không khí mùa đông ở mức cao đỉnh điểm. Hôm qua là ngày thứ ba liên tiếp người dân thủ đô Paris bị hạn chế đi lại bằng xe hơi cá nhân, tùy theo biển số chẵn hay lẻ. Nhưng hiệu quả của biện pháp này vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Còn nhật báo Libération cảnh báo : " Ô nhiễm : Ngày mai chúng ta sẽ ngưng thở ". Libération cho biết có nhiều giải pháp để tránh cho nước Pháp khỏi bị " ngạt thở " và một số giải pháp có thể được áp dụng ngay lập tức, nếu nhà chức trách chấp thuận.
Nhật báo kinh tế Les Echos lại quan tâm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế châu Âu qua hàng tựa lớn: “ Tăng trưởng : Thêm một đợt hỗ trợ từ Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu ”. Les Echos cho biết là hôm qua 08/12, lãnh đạo định chế này đã thông báo quyết định tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực đồng euro thêm chín tháng so với kế hoạch ban đầu, tức là đến hết tháng 12/2017.
Trên lĩnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix hướng sự chú ý tới thái độ phản kháng của giới trẻ Hàn Quốc, trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng liên quan tới vụ bê bối chính trị của tổng thống Park Gyun-Hye. La Croix ví phong trào của thanh niên Hàn Quốc với phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp năm 1968 qua hàng tựa chính: “ Sự kiện tháng Năm 1968 của giới trẻ Hàn Quốc ”. La Croix nhận định sinh viên Hàn Quốc đã thức tỉnh, rũ bỏ văn hóa phục tùng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161209-tong-thong-nga-vladimir-putin-cong-bo-hoc-thuyet-moi-ve-chien-tranh-lanh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten