zaterdag 24 december 2016

Vị vua có 142 đứa con, nhiều nhất sử Việt : vua Minh Mạng, lên ngôi năm 1820 - vị vua thứ 2 của triều Nguyễn

Chủ nhật, 25/12/2016 | 00:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Chủ nhật, 25/12/2016 | 00:00 GMT+7

Vị vua có 142 đứa con, nhiều nhất sử Việt

Vua Minh Mạng triều Nguyễn có rất nhiều vợ, ông nổi tiếng với phương thuốc giúp một đêm có thể làm 5 bà mang thai.

Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả, vua Minh Mạng sinh năm 1791, tên Nguyễn Phúc Đảm và là con thứ tư của Gia Long. Ông lên ngôi năm 1820 - vị vua thứ 2 của triều Nguyễn được miêu tả là thông minh, hiếu học, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, rất chăm lo việc triều chính.
vi-vua-co-142-dua-con-nhieu-nhat-su-viet
Chân dung vua Minh Mạng được phác họa trong cuốn sách xuất bản ở Anh năm 1828. Ảnh: Tư liệu
Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn do ông Nguyễn Viết Kế biên soạn có viết, khi nghỉ ngơi vua có 5 bà vợ hầu hạ. "Một bà vấn thuốc têm trầu, bà quạt, bà đấm bóp, người ru và một để sai vặt. Mỗi bà một canh, hết 5 canh thì danh sách các bà được chuyển giao cho Tôn Nhơn phủ giữ để tiện theo dõi việc khai hoa nở nhụy của họ".
Danh sách này thống kê, vua Minh Mạng đã ăn nằm với 43 phi tần, sinh hạ được 142 người con. Trong đó có 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Ông cũng là vị vua có nhiều phi tần và đông con nhất trong số 13 vua triều Nguyễn.
Vua Minh Mạng là người được hưởng nhiều vui thú nhất trong các vua Nguyễn ở chốn phòng the. Số phi tần ăn nằm với vua có con là 43 người, song theo nhiều tài liệu trong cung vua có đến 500-600 người. Vợ ông phần lớn là con gái miền Nam.
Hai vương phi được sủng ái nhất là Hiền phi Ngô Thị Chính và bà Lệ Tân Nguyễn Gia Thị. Hiền phi sinh được 4 hoàng tử, 2 công chúa còn Nguyễn Gia Thị sinh được 7 hoàng tử và 3 công chúa. Hai bà thường xung đột nhau, Ngô Thị Chính cậy mình được vua yêu mến thường đánh ghen các bà khác. Vua Minh Mạng cũng nhiều lần đau đầu vì khó xử.
Theo một số sách, lúc lên ngôi năm 29 tuổi, vua Minh Mạng yếu về đường sinh dục do hưởng thụ sớm. Ông khi đó ra lệnh cho các quan ngự y phải giúp mình lấy lại sức khỏe.
Họ làm ra thang thuốc bổ ngâm rượu để vua dùng hằng ngày có tên Minh Mạng thang gồm 20 bài (có tài liệu ghi 24 bài). Trong đó, 2 bài nổi tiếng nhất là "nhất dạ lục giao sinh ngũ tử" (một đêm quan hệ 6 lần, sinh 5 con trai) và "nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử" (một đêm quan hệ 5 lần, sinh 4 con trai).
Hiệu nghiệm thuốc rõ rệt, vua Minh Mạng vì thế có đến hơn trăm người con. Thuốc cũng giúp vua thêm trí tuệ, minh mẫn để xử lý việc triều chính hằng ngày.
Giống cha, nhiều người con của vua Minh Mạng cũng sinh hạ hàng chục con. Trong đó, Thiệu Trị kế ngôi có 64 người con, đặc biệt nhất là Thọ Xuân Vương Miên Định có đến 144 người con, hơn cả cha mình. Một người con khác của Minh Mạng là Miên Trinh có 114 con. Tuy nhiên, cháu nội ông sau này là vua Tự Đức có đến 300 bà nhưng không sinh được con.
Minh Mạng được xem là vị vua anh minh của triều Nguyễn. Dưới thời của ông kinh tế ổn định, đời sống của người dân có phần sung túc sau nhiều năm chiến tranh. Hồi đó lãnh thổ Việt Nam được mở rộng hơn bao giờ hết. Vua Minh Mạng cũng đưa ra hàng loạt cải cách trong bộ máy chính quyền, giáo dục, nông nghiệp...
vi-vua-co-142-dua-con-nhieu-nhat-su-viet-1
Toàn cảnh lăng mộ Minh Mạng ở Huế chụp đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu
Vua Minh Mạng qua đời ngày 28/12/1841, thọ 50 tuổi, ở ngôi 21 năm. Lăng mộ ông hiện vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sơn Hòa

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-vua-co-142-dua-con-nhieu-nhat-su-viet-3518496.html

Thứ hai, 26/9/2016 | 09:28 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 26/9/2016 | 09:28 GMT+7

Nơi vua Minh Mạng chào đời ở Sài Gòn

Bảo tàng chứng tích chiến tranh (quận 3) vốn là chùa Khải Tường - nơi vua Minh Mạng được sinh ra năm 1791, khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi.

Theo sách Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Saigon - TP HCM 1600-1992 ấn hành năm 2001, Khải Tường là ngôi chùa tọa lạc trên gò cao tại ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, thuộc thành Gia Định xưa. Ban đầu, đây là am nhỏ do Thiền sư Phật Linh - Ý Nhạc lập năm 1744. Khải Tường và chùa Từ Ân gần đó (ở vị trí trong Công viên Tao Đàn hiện nay) là 2 chùa cổ của Sài Gòn, nổi tiếng vì là nơi vua Gia Long từng ẩn náu quân Tây Sơn. Trong đó, chùa Khải Tường chính là nơi hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) chào đời.
noi-vua-minh-mang-chao-doi-o-sai-gon
Chùa Khải Tường khoảng năm 1871-1874. Ảnh tư liệu.
Năm 1788, nội bộ Tây Sơn có nhiều mâu thuẫn, tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh giành lại được Gia Định để củng cố lực lượng cũng như xây dựng thành trì, biến nơi đây thành trung tâm chính trị của triều Nguyễn.
Hai năm sau, trong lúc thành Gia Định mới được xây dựng, hoàng gia và bộ máy quan lại lúc này ở Gia Định phải tá túc ở hai ngôi chùa lớn nằm gần nhau là chùa Từ Ân và chùa Khải Tường. Theo một số tư liệu, ngày 25/5/1791, Nhị phi Trần Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) sinh Nguyễn Phúc Đảm nơi hậu liêu chùa Khải Tường.
Sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi vua, năm 1802 vua Gia Long cho trùng tu hai ngôi chùa này. Để tạ ơn che chở, vua đã dâng cúng tượng Phật A-Di-Đà cao 2,5 m bằng gỗ mít, ngồi trên tòa sen, sơn son thếp vàng.
Sách Lược Khảo Phật giáo sử Việt Nam của Vân Thanh, xuất bản tháng 3/1975, viết: "... chùa Khải Tường, Thôn Hoạt Lột, huyện Bình Dương, xây cất năm Tân Hợi (1791), hiện nay nền chùa là Trường Đại Học Y Khoa cũ, đường Trần Quý Cáp, do Nguyễn Vương Phúc Ánh kiến tạo để kỷ niệm nơi sinh Hòang tử Đởm (hay Đảm, tên vua Minh Mạng)".
Tương tự, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa cũng cho rằng "Chùa nầy có dật sử chính hoàng tử Đảm (sau lên ngôi là Đức Minh Mạng) sanh nơi hậu liêu vào năm Tân Hợi (1791) giữa cơn tị nạn Bình Tây Sơn. Qua năm 1804, Cao Hoàng nhớ tích cũ, để tạ ơn Phật dày công che chở mấy năm bôn tẩu nên gởi tặng chùa một cốt Phật Thích Ca thật lớn bằng gỗ mít, thếp vàng tuyệt kỹ".
noi-vua-minh-mang-chao-doi-o-sai-gon-1
Tượng phật A-Di-Đà vua Gia Long tặng chùa Khải Tường hiện được trưng bày ở bảo tàng lịch sử Việt Nam - TP HCM. Ảnh: Wikipedia
Năm 1820 vua Gia Long Mất, Minh Mạng nối ngôi. Đến năm 1832, sau khi tìm kiếm được địa chỉ nơi cha mẹ từng ở và cũng là nơi sinh ra mình, vua Minh Mạng sai xuất 300 lạng bạc trùng tu chùa và đặt tên là Quốc Ấn Khải Tường, đồng thời cho "mộ sư đến ở, cấp ruộng tự điền" để lo việc lễ tiết hàng năm (Khải Tường là mở bày đều tốt lành. Ám chỉ nơi chốn vua sinh ra là vùng đất quý, phát phúc lâu dài, rộng rãi). Chùa Từ Ân gần đó cũng được phong Sắc Tứ Từ Ân.
Quy mô của chùa Quốc Ấn Khải Tường từ ngoài vào trong gồm có lầu chuông trống ba gian hai chái; tiếp đến điện Phật ba gian; hai bên có hai hành lang dài nối với Tăng xá và nhà ăn đều ba gian hai chái. Chùa làm xong, thỉnh hai mươi nhà sư đến cư trú, ban cấp ruộng đất lấy hoa lợi lo việc thờ cúng hằng năm. Nơi đây có các vị Cao Tăng Trụ trì hoằng dương đạo pháp, được triều đình bảo hộ nên trở thành ngôi chùa tiêu biểu, ảnh hưởng rộng lớn đến quần chúng đạo Phật khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Năm 1859, quân Pháp tấn công Gia Định, sau khi chiếm được thành họ chiếm đóng chùa Khải Tường và các ngôi chùa lớn khác như Từ Ân, Kim Chương, Kiểng Phước, Mai Sơn... thiết lập phòng tuyến quân sự để chống lại các đợt tấn công của người Việt.
Riêng chùa Khải Tường, đại úy thủy quân lục chiến Pháp tên Barbé nhận nhiệm vụ dẫn quân vào chiếm giữ. Barbé cho đem tượng Phật bỏ ngoài sân, cưỡng bức các sư phải rời chùa. Chiều 7/12/1860, quân Việt phục kích giết chết Barbé khi viên sĩ quan này cỡi ngựa đi tuần đêm từ chùa Khải Tường đến đền Hiển Trung (nay được cho là ngã ba Võ Văn Tần - Trần Quốc Thảo).
noi-vua-minh-mang-chao-doi-o-sai-gon-2
Bảo tàng chứng tích chiến tranh ngày nay. Ảnh: Trung Sơn
Theo nhà văn Sơn Nam, khoảng năm 1867 chùa Khải Tường trở thành trường sư phạm nam. Mười ba năm sau chùa bị tháo dỡ, trường dời qua cơ sở mới là trường Chasseloup Laubat xây cất xong khoảng 1877.
Khi tháo dỡ, tấm hoành phi "Quốc ân Khải Tường tự" được chuyển về chùa Từ Ân (nay ở đường Tân Hóa, quận 6) cất giữ, còn tượng Phật A-Di-Đà phải dời đi nhiều nơi, sau cùng được trưng bày trong Viện bảo tàng Quốc gia Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP HCM).
Thời gian sau, trên nền chùa bỏ hoang này, người Pháp cho xây một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. Trước năm 1963 dùng làm Trường Đại học Y dược, sau khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các tướng lãnh cho các cố vấn quân sự đến trú đóng. Sau ngày năm 1975, nơi đây được dùng làm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Trung Sơn

Geen opmerkingen:

Een reactie posten