zondag 18 december 2016

Người Việt làm trại gà công nghiệp ở Mỹ

Người Việt làm trại gà công nghiệp ở Mỹ

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-12-16
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Một trang trại gà của người Việt ở vùng Newark, Maryland
Một trang trại gà của người Việt ở vùng Newark, Maryland
Hình do ông Hà Xuân Hải gửi RFA

Hơn một thập niên trở lại đây, càng ngày càng có nhiều người Việt ở Hoa Kỳ quay sang tậu đất mở trại nuôi gà, một nghề  không quá vất vả mà cuộc sống ổn định hơn làm công nhân trong các hãng xưởng trên thành phố.
Việc tìm người
Đây là những trại gà công nghiệp ở vùng quê nước Mỹ, chỉ nuôi gà lấy thịt chứ không thu hoạch trứng. Và nếu chỉ tính riêng vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, riêng tiểu bang Maryland thôi người ta có thể tìm thấy hơn 40 trại gà công nghiệp của người Việt tại những vùng đất chỉ sống bằng trồng trọt hoặc chăn nuôi như Salisbury, West Over, Pocomoke, Newark, Ocean City...
Làm trại gà không phải là chọn lựa đầu tiên khi chân ướt chân ráo tới Hoa Kỳ, nhưng khi đã vào nghề này thì phần lớn người Việt tự làm chủ chứ không làm công. Mặt khác, cũng rất ít người nuôi gà mà bỏ cuộc nửa chừng. Đó là lời ông Hà Xuân Hải, thuyền nhân đến Mỹ năm 1984:
Tôi đã lên tham quan, sau đó tôi trở về và quyết định bán nhà, dọn lên trên này... Tôi mua một trang trại cũ chỉ có 5 chuồng thôi, sau đó phát triển thêm 3 chuồng nữa.
- Ông Hà Xuân Hải
Tôi đã định cư tại California, thành phố Oakland, sau đó tôi về Virginia, định cư tại thành phố Annandale 22 năm. Tôi đã trải qua nhiều công việc khác nhau như rửa chén, cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh trong cao ốc, làm thợ  sửa chữa bảo trì ở một khách sạn tại Washington DC.
Năm 2005, như một duyên may, ông Hải quen một người đang làm chủ trại gà ở thành phố Pocomoke, tiểu bang Maryland:
Tôi đã lên tham quan, sau đó tôi trở về và quyết định bán nhà, dọn lên trên này. Hiện giờ tôi đang định cư tại thành phố Newark tiểu bang Maryland.
Đầu tiên phải nói cám ơn người bạn đó đã cố vấn và có những khích lệ. Tôi mua một trang trại cũ chỉ có 5 chuồng thôi, sau đó phát triển thêm 3 chuồng nữa.
Bây giờ thì trại gà của ông Hà Xuân Hải có tất cả 8 chuồng với 3 kích cỡ khác nhau. Thứ nhất là 2 chuồng với mỗi chuồng 21,000 con gà. Thứ hai là 3 chuồng với 27.000 con gà trong mỗi chuồng, và thứ ba là 3 chuồng sau này với 43.000 con mỗi một chuồng.
Nuôi gà ở Mỹ là nuôi gà kiểu công nghiệp, hoàn toàn không giống với cách nuôi bên nhà, không cần vườn rộng để thả gà ra khỏi chuồng, cũng không cần phải đi rải thức ăn cho chúng:
Đây là kiểu nuôi gà gia công,mình đi với một hãng cung cấp gà giống, thức ăn, thực phẩm, thuốc men, đó là những hãng của người Mỹ. Đầu tiên là mình có một trại gà trước rồi mình ký hợp đồng với những hãng gà đó. Hợp đồng thỏa thuận xong thì mình chuẩn bị tất cả những dụng cụ trong chuồng gà, máy móc trong chuồng gà sẵn sàng, có hệ thống nước uống và thức ăn, sẵn  sàng  thì họ mang gà lại bỏ cho mình. Đồ ăn gà họ sẽ mang lại luôn, công việc chính của mình gần như là chỉ chăm sóc gà thôi.
Sau 8 tuần thì  hãng gà sẽ tới và mang gà đi. Họ đưa nhân viên tới và mang gà về hãng để giết rồi họ sẽ cân ký, trả tiền cho mình theo số ký họ đã mang ra khỏi trại của mình.
Đó là lý do những trại chăn nuôi gà công nghiệp không bao giờ thu hoạch trứng vì gà vừa lớn thì công ty cung cấp gà giống đã tới nhận mang đi, thay vào đó những lứa gà mới nở  đã được chủng ngừa cẩn thận:
Tại vì vốn liếng mình đã bỏ một số tiền để xây chuồng  xây trại, vốn liếng họ bỏ ra là gà giống và thức ăn, họ đưa những người chuyên về gia súc để coi gà có bịnh hoạn hay không.
Ở đây có hai lãnh vực khác nhau, có trại chỉ nuôi gà đẻ trứng ấp ra để có gà giống, còn như của tôi là chuyên về nuôi gà để lấy thịt. Nhưng vùng  này không có loại gà để trứng để bán ngoài chợ.  Họ phải chia ra vùng để dễ dàng sắp xếp công việc của một khu vực.
Đất lành chim đậu
Với trang trại hơn 200.000 con gà, ông Hải chỉ mướn hai nhân công người Mexico để chạy việc, còn lại là máy móc trang bị sẵn:
Tại vì những việc như nhập gà vô, xuất gà ra là hãng gà họ lo, còn sau khi đã xuất gà rồi thì tôi sẽ mướn những công ty khác tới để dọn dẹp chuồng và lấy phân gà ra khỏi trại.
Một ngày làm việc của một ông chủ trại gà công nghiệp như thế nào:
Buổi sáng mình phải ra coi gà có khỏe mạnh đau ốm gì hay không, đồ ăn và thức uống có đầy đủ hay không. Hệ thống thông gió trong chuồng gà, quạt không khí trong lành vô, mang  những hơi độc từ mùi phân trong chuồng gà ra, đó là những công việc chính mỗi ngày. Mình  đi lượm những con gà chết,  những con gà bị còi hay bị què quặt  thì bỏ ra ngoài để thiêu hủy.
Trong 4 nùa thì công việc gần như khác nhau. Thí dụ mùa hè quá nóng thì mình phải dùng quạt  để mang hơi nóng ta ngoài và đưa hệ thống lạnh chạy bằng nước vô. Mùa đông thì ngược lại,  lúc gà còn nhỏ mình phải dùng hệ thống sưởi để sưởi ấm cho nó trong thời gian ít nhất là 4 tuần. Mùa xuân và mùa thu mình sẽ dùng hệ thống sưởi  theo nhiệt độ của thân con gà.
Không có rủi ro dịch bệnh trong việc chăn nuôi đại trà tại các trại gà công nghiệp là vì gà con khi nhập trại đã được chích ngừa trước:
Gà con đã được chủng ngừa trước khi vào trại của mình và sau đó họ cũng có tới chủng ngừa khi gà đã được 10 cho tới 18 ngày. Từ ngày tôi lên  đây là 12 năm rồi thì vấn đề dịch cúm gà hay H5N1 chưa bao giờ xảy ra..
Thế nhưng thiên tai thì có rồi, thí dụ mưa bão hay tuyết. Có những năm quá nhiều tuyết thì có những chuồng gà bị sập. Mùa hè nóng quá, trên đây nói chung người Việt cũng như người Mỹ gần như năm nào cũng có một hai trại có thể chết hết một trại gà luôn. Lý do là điện bị cúp, máy phát đèn bị trở ngại, chết một hai chuồng mà mỗi chuồng hai ba chục ngàn con là chuyện thường, gần như là xảy ra mỗi năm.
Có nhiều người Việt lên vùng Newark để mở trại gà như ông Hà Xuân Hải không là câu hỏi tiếp theo, được ông Hải trả lời:
Cứ mỗi năm như vậy là có thêm một hai gia đình người Việt Nam tới đây, có năm ba bốn gia đình về. Mười hai năm trước đây vùng này người Việt chỉ khoảng 15 gia đình thôi, nhưng mà tới ngày hôm nay đã lên tới con số 40 trại gà ở đây rồi.

123_2-400.jpg
Bên trong một chuồng gà của ông Hà Xuân Hải vùng Newark Hình do ông Hải gửi RFA

Princess-Anne, một thành phố nhỏ của Maryland, không xa Newark là mấy, có trại gà của ông Nguyễn Chí Hiện. Ông Nguyễn Chí Hiện là dân Đồng Nai, vượt biên sang Mỹ năm 1989, làm đủ thứ việc trong mười mấy năm ở New Jersey  cho đến khi dọn về Maryland để tiếp tục nghề may.
Năm 2011, sau 4 năm dọn về Marylan, ông Hiện tính đến chuyện làm chủ một trại gà:
Tại vì muốn thay đổi công việc thôi, coi trên báo thấy có một số trại gà người Việt thì tôi liên lạc với một anh ở đây thì anh cũng cho biết cách thức nuôi gà. Tôi cũng chạy xuống coi rồi mua lại một trại nho nhỏ có đất của người Mỹ, có một số chuồng gà thì tôi sửa lại tôi nuôi.
Trại của tôi ở thành phố Princess-Anne, nằm trên  bán đảo giữa Maryland, Delaware và Virginia. Princess_Anne là một thành phố đồng quê,dân thưa, không có nhà chỉ có rừng, không có business gì hết chỉ có làm rẫy làm gà vậy thôi.
Khi vô vùng này thì giống như lạc vô khu rừng hoang vậy, lúc đầu kiểu như mình bị lạc lõng lắm, trại gà nói chung làm chỉ đủ sống thôi. Nhiều khi cũng muốn bước ra nhưng tại vì số tiền khá  lớn nên bước ra không được thì mình phải chịu.
Vạn sự khởi đầu nan
Đã vậy, khi bắt tay vào việc, ông Nguyễn Chí Hiện mới cảm thấy mọi chuyện lúc đầu không dễ dàng, ít nhất là đối với bản thân ông:
Có nhiều khó khăn, thứ nhất về cách nuôi gà mình không biết một cái gì hết, mình cũng  không biết cách kiểm soát cái máy tự động để điều khiển tất cả mọi thứ trong chuồng gà, từ đồ ăn, cám, rồi những cái quạt để có hơi gió cho gà sống,  rồi máy điều khiển khi muốn mở cửa số lớn hay mở nhỏ, tất cả bằng máy móc tự động hết.
Hãng bỏ gà cho mình thì họ gởi một người kỹ thuật chịu trách nhiệm giúp đỡ mình, người ta chỉ xuống nói nói rồi bấm bấm  cái máy control điều khiển cái chuồng gà, mình không thể nào nhớ một lúc được, xong cái người ta đi rồi thì mình ớ ra không biết điều khiển làm sao luôn. Đó là cái mình phải học hỏi ngay từ bước  đầu.
Mười hai năm trước đây vùng này người Việt chỉ khoảng 15 gia đình thôi, nhưng mà tới ngày hôm nay đã lên tới con số 40 trại gà ở đây rồi.
- Ông Hà Xuân Hải
Phải qua một năm mới thành thạo việc điều khiển máy móc, ông Hiện nhớ lại:
Hiện tại bây giờ làm được 4 năm rồi. Hai năm đầu tiên tôi  không lấy được đồng nào, nghĩa là có lấy về được nhưng phải đập vô để sửa chữa tu bổ cho trang trại của mình nó hoàn hảo hơn. Bây giờ tôi cũng xây thêm được 3 cái chuồng lớn nữa. Từ ba chuồng đó với mấy cái chuồng kia cuộc sống mình đỡ hơn, mình không phải vất vả nữa.
Lúc mới mua  tôi có 5 chuồng, mỗi chuồng 25.000 con. Về sau này tôi xây thêm được 3 chuồng nữa, một chuồng 50.000 con. Tám chuồng gà này là gà công nghiệp, không đẻ trứng vì nó có bằng đó bốn mươi mấy ngày cho nên nó chưa tới thời kỳ đẻ trứng.
Nếu chỉ nói về thành phố Princess-Anne không thì đã có bảy hay tám trang trại nuôi gà công nghiệp của người Việt.:
Trại gà của người Mỹ cũng rất nhiều nhưng họ không làm lớn. Hầu hết những người Việt về đây nuôi gà thì người nào cũng có chiều hướng mở lớn hơn, nghĩa là thêm nhiều chuồng. Người Mỹ mà 3 chuồng hay 4 chuồng là quá nhiều rồi, người Việt thì ham hơn xíu vậy đó.
Cuộc sống của những người làm gà công nghiệp ở Mỹ, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống cũng  đỡ hơn rất nhiều người, là suy nghĩ của ông Hiện:
Nói chung cuộc sống ổn định, đủ để trang trải tiêu xài. Làm trại gà này phải mượn tiền nhà băng rất nhiều, hiện tại một số người Việt Nam mà họ biết thì họ rất muốn nuôi gà, không được giàu có như những công việc khác nhưng mà cuộc sống thanh thản và bình yên lắm.
Đối với ông Hà Xuân Hải ở Newark thì :
Đây là một công việc phải nói là tốt và có thể nói là thành công cho người Việt Nam. Mặc dù cũng có lúc chân lấm tay bùn nhưng được cái an ủi là mình tự làm chủ, mình có thời giờ để sắp xếp cho gia đình. Với tôi đây là công việc mà tôi cảm thấy rất hài lòng. Tôi cũng đang chuẩn  bị phát triển thêm.
Còn lợi tức hàng năm, ông Hải nói không thể nhớ con số chính xác, có điều:
Lợi tức của trại gà thì mới đầu nghe mình rất thích  tại vì nó cũng cao lắm. Trừ đi hết rồi thì cũng còn con số nhất định, thí dụ một năm là bao nhiêu, nhưng phải để coi lại cái bill điện thoại, điện nước, rồi những chi phí ...
Tiếng là có  trên 40 trang trại nuôi gà của ngưởi Việt ở Maryland nhưng trại này ở cách trại kia khá xa, điển hình khoảng cách từ trại của ông Hà Xuân Hải ở Newark đến trại của ông Nguyễn Chí Hiện ở Princess-Anne. Điểm đáng lưu ý mà ông Hiện chia sẻ  ở đây, làm  gà thì phải về vùng quê, do đó những ai có con nhỏ cũng là một trở ngại:
So  với thành phố thì nó quá xa, có con nhỏ mà về vùng rừng này ở thì cũng tội cho tụi nó. Tôi thì mấy đứa nhỏ cũng lớn hết rồi, tụi nó đi học xa nhà hết rồi. Đi học ở những thành phố nhỏ này thì không có điều kiện nhiều như những trường lớn của  thành phố lớn.
Người Việt ở Mỹ, dù phải dùng thịt gà đông lạnh bày bán trong các siêu thị, lại không mấy chuộng thịt gà công nghiệp này vì cho là bở và nhiều chất béo, thịt lại không ngọt và không thơm bằng “gà đi bộ” được nuôi thả bên ngoài.
Thực tế đã có một số trang trại nhỏ của người Việt chuyên chăn nuôi và giết mổ “gà đi bộ”  để bỏ mối cho các cửa hàng thực phẩm của người Á Châu trong vùng.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten