dinsdag 27 december 2016

Madagascar: Đầu tư Trung Quốc bị cư dân ghét bỏ

Madagascar: Đầu tư Trung Quốc bị cư dân ghét bỏ

mediaTamatave, cảng chính của Madagascar, nằm ở phía đông hòn đảo.RFI/Sarah Tétaud
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia đang phát triển hầu như có một mẫu số chung, đó là thường bị dân chúng tại những nơi đó chống đối : từ những vườn chuối tại Lào chẳng hạn, hay mỏ đồng, đập thủy điện ở Miến Điện, cho đến các mỏ, công trình ở Châu Phi... Ác cảm của cư dân địa phương đối với Trung Quốc ngày càng lớn. Phóng viên AFP đã minh họa hiện tượng này với bài phóng sự thực hiện tháng 12/2016 tại Madagascar.
Phóng viên AFP đã đến thành phố nhỏ Soamahamanina, ở vùng trung bộ Madagascar, nơi mà trong nhiều tháng trời, cư dân đã xuống đường phản đối đề án của một tập đoàn Trung Quốc tại đây: Cứ đều đặn mỗi thứ Năm là họ biểu tình chống tập đoàn Jiuxing muốn khai thác mỏ vàng trong vùng và trong vòng 40 năm.
Đối với cư dân tại đây đề án này sẽ tác hại đến việc canh tác của họ, nhưng bên cạnh lý do khách quan đó, người dân tại đây cũng không che giấu nguyên nhân khiến họ phản đối : Đó là vì đó là tập đoàn của người Trung Quốc.
Phản đối của dân cư mạnh đến nỗi mà mỏ vàng chưa mở thì người tập đoàn đưa đến đã phải rút lui: Vào một ngày tháng 10 vừa qua, họ đã âm thầm rút đi, dân chúng chỉ thấy những lều trại trống rỗng và dưới đất chỉ là những đầu thuốc lá Trung Quốc.
« Madagascar đâu phải là của Trung Quốc ? Cho khai thác 40 năm không khác gì bán nước ! »
Một sinh viên ở Soamahamanina, Fenohasina tỏ ra gay gắt : « Đảo Madagascar là của người dân Madagascar chứ không phải của Trung Quốc hay nơi nào khác ». Một cô bán hàng trả lời AFP cho là « cho khai thác 40 năm, không khác gì bán đất nước. »
Ác cảm này ngày lan rộng trong dân chúng, đến nỗi những người đã chấp nhận bán đất cho tập đoàn Trung Quốc giờ đây lại lấy làm tiếc vì bị người chung quanh chỉ trích là ‘bán nước’.
Nhưng cũng có người, như ông Rakotondrazafy, quản đốc công trường làm việc cho Jiuxing Mines, bào chữa : « Có những người ở ngoài xúi giục người ở Soamahamanina không thích người Trung Quốc. Có vấn đề chính trị trong vụ này. »
Nhưng trước làn sóng phản đối, tập đoàn Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác là rút lui. Người phát ngôn của Jiuxing giải thích : « Tập đoàn nghĩ là có quyền ở lại, nhưng vì muốn tình hình xã hội yên ổn, chúng tôi thấy nên rút lui, nhưng hy vọng sẽ trở lại trên cơ sở mới, sửa chữa những lỗi lầm trước đây. »
Hy vọng là vậy, nhưng theo bài phóng sự, không chắc là Jiuxing có thể nhanh chóng trở lại đây. Một bộ phận dân chúng tuyệt đối không chấp nhận. Marie Rasoloson, một người cương quyết chống đối nhắn nhủ: « Chúng tôi muốn nói với chính phủ là phải suy nghĩ lại, những kẻ lớn trên thế giới chỉ muốn thao túng chúng ta và phá hoại đât nước chúng ta ».
Dân chúng nói thẳng là không thích Trung Quốc
Theo phóng viên AFP, tại thành phố nhỏ như Soamahamanina cũng như ở các thành phố lớn trên khắp Madagascar, người dân ngày càng công khai nói thẳng là không ưa thích người Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của họ.
Chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã áp đặt sự hiện diện hùng hậu ở Madagascar, trở nên đối tác thương mại quan trọng nhất : 800 công ty hoạt động tại đây, 60.000 công dân Trung Quốc đã đến định cư ở đây. Từ đề án khai thác nông nghiêp, đến công nghiệp, khách sạn, trường học, bệnh viện, đường xá, Bắc Kinh cho biết đã đầu tư hơn 740 triệu đô la ở Madagascar. Tại đây 90% dân chúng sống dưới ngưỡng nghèo khó, tiền Trung Quốc đổ vào đã giúp phát triển được hạ tầng cơ sở.
Có điều, cũng như ở nơi khác ở Châu Phi, việc Trung Quốc ồ ạt đổ vào nơi đây đã làm đảo lộn thế cân bằng kinh tế, môi trường và xã hội, gây ra va chạm.
Ngay năm 2011, cảnh sát đã phải can thiệp để tránh biểu tình bạo động nổi lên ở khu phố người Trung Quốc ở thủ đô Antananarivo, do việc một thương nhân Trung Quốc đánh 2 nhân viên người Madagascar.
Năm 2014, vụ nhân công đòi tăng lương ở một xưởng sản xuất đường ở Morondova, đã dẫn đến 6 người chết. Đại sứ quán Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại và cảnh cáo chính quyền Madagascar về hình ảnh xấu của nước này đối với hợp tác và đầu tư.
Người Trung Quốc làm ăn tại chỗ không biết cư xử
Một trong những nguyên nhân khiến người Madagascar nhìn người Trung Quốc một cách không thiện cảm đó là do vấn đề cư xử. Một nhân viên làm việc cho công ty Trung Quốc nhận xét: « Vấn đề đối với người Trung Quốc là họ không hiểu người khác, người nước khác. Họ đến đông đảo, nhưng sống tách biệt, quanh quẩn trong cộng đồng của họ. Ở đây thì họ không hiểu người Madagascar, cho nên không cư xử đúng đắn, dễ có va chạm ».
Lãnh đạo Madagascar rất ý thức về ác cảm này đối với Trung Quốc, và cố tìm cách làm dịu tình hình. Chủ tịch đảng cầm quyền, ông Rivo Rakotovao chủ trương "phải tránh bằng mọi giá sự kỳ thị, rất dễ khơi lên nhưng khó dập tắt."
Gần đây, khi khánh thành một con lộ do Trung Quốc xây, tổng thống Hery Rajaonarimampianina, đã lớn tiếng hoan nghênh « bàn tay trợ giúp » của Bắc Kinh đối với đất nước ông. Đáp lại, đại sứ Trung Quốc hứa hẹn tăng cường hợp tác hai bên cùng có lợi với Madagascar.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng tìm cách trấn và nêu bật kết quả hợp tác kinh tế : « Các công ty Trung Quốc hội nhập tốt, nhân viên sử dụng đến 90% là người tại chỗ, và đã tạo được 17.000 công việc làm. Trung Quốc rất chú trọng đến trách nhiệm xã hội của mình ».
Nhưng giới doanh nhân Madagascar thì nghĩ sao về « trách nhiệm xã hội » này của Trung Quốc ?
Theo AFP bị sự canh tranh của Trung Quốc đè bẹp, nhiều người xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Một doanh nhân giải thích : « Họ (công ty Trung Quốc) mua số lượng lớn, giá tốt, chúng tôi chỉ còn lại vật thừa, lại còn phải trả giá cao. Tương lai quả không sáng sủa gì. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161227-madagascar-dau-tu-trung-quoc-bi-cu-dan-ghet-bo

Geen opmerkingen:

Een reactie posten