zondag 14 december 2014

Nhân quyền ở Việt Nam đang như thế nào? (Nghệ sỹ Kim Chi)

Nhân quyền ở VN đang như thế nào?

  • 46 phút trước
Ông Ban Ki-moon
Tổng thư ký Liên hiệp quốc nói nhân quyền dành cho tất cả mọi người, không ngoại trừ ai.
Ngày 10/12 hàng năm là ngày Liên hiệp quốc đánh dấu việc công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Tổ chức này, năm nay, chủ đề của Ngày Nhân quyền được tô đậm và nhấn mạnh dưới hàng chữ "Nhân quyền 365" - tức nhân quyền phải là quanh năm 365 ngày, mà không riêng chỉ một ngày nào.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Ban Ki-moon cũng tuyên bố đây là ngày để tất cả mọi người chúng ta lên tiếng về quyền con người thiêng liêng, bất luận chúng ta là ai, ở đâu, thuộc giai cấp, tầng lớp nào, chính kiến gì và định hướng giới tính ra sao...
Trong tinh thần ấy, tôi xin chia sẻ một vài điều từ suy nghĩ của mình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay ra sao và thái độ thực sự của nhà nước, chính quyền đối với nó thế nào.
Và trước tiên, tôi có thể khẳng định nhà cầm quyền Việt Nam rất căm ghét ba chữ 'quyền con người'. Xin nêu những bằng chứng dưới đây:
Năm 2013 có cuộc vận động đóng góp cho nhà nước về việc sửa đổi hiến pháp Việt Nam. Có 72 trí thức Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến.
Ngày mồng 6 tết năm đó Tổng bí thư Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng lên Phú Thọ ăn tết.
Ông Trọng nói rằng những người tham gia đóng góp đó là “thoái hóa, biến chất …cần phải xử lý…”. Nhà báo Nguyễn Đức Kiên đã đưa việc này lên báo. Ngay sau đó nhà báo can đảm này đã bị đuổi việc.
Tháng 7.2014, thấy nhà nước Việt Nam ngày càng hèn với giặc, ác với dân nên 61 đảng viên đã kí thư ngỏ góp ý cho đảng Cộng sản Việt nam (CSVN). Lãnh đạo đảng đã không trả lời mà mở đợt tấn công 61 đảng viên.
Đầu tiên báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) viết bài miệt thị 61 đảng viên. Lời lẽ trong bài báo rất hỗn xược nhưng không có lý lẽ, tác giả Tân Vinh đòi mở đợt kiểm tra tư cách của chúng tôi để xử lí.
Anh em trong nhóm 61 ở Sài gòn yêu cầu đối thoại với báo SGGP thì họ tìm cách lẩn tránh. Họ chỉ nhận lời tiếp 2 người, không tiếp đông hơn vì phòng khách không có đủ ghế.
Thấy dư luận phản đối bài báo dữ quá thì hiện tại họ cho cán bộ đảng, công an quận, phường… đi đến gặp từng đảng viên thuyết phục rút tên ra khỏi thư ngỏ. Tất nhiên chẳng có ai rút tên cả.
Ngày 15.10 .201415.10 .2014, chúng tôi đi đến Ban Dân Nguyện của Quốc hội đưa yêu cầu bạch hóa hội nghị Thành đô. Không có ai tiếp chúng tôi, mà ngược lại chúng tôi bị công an và các dư luận viên bao vây, tấn công, xua đuổi… Sự kiện này đã được đưa lên mạng và dư luận rộng rãi đều biết.
Nghệ sỹ Kim Chi
Nghệ sỹ Kim Chi cho rằng chính quyền Việt Nam hiện nay 'không ưa' tự do nhân quyền.
Công an Việt Nam ngăn chặn quyết liệt những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Đã có nhiều người bị bắt bớ đánh đập rất dã man.

Ngăn chặn quyết liệt

Những hoạt động liên quan đến nhân quyền thì đều bị ngăn cấm quyết liệt.
Đơn cử, sáng 26 tháng 11, Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã bị công an đeo bám tới cùng để ngăn không cho ông tới cuộc Tọa đàm Cơ chế của Liên hợp quốc về “ bảo vệ người bảo vệ nhân quyền” ở nhà thờ Thái Hà.
Hôm đó nếu không có các vị ở đại sứ quán các nước xuống đón ở cổng nhà thờ thì TS Quang A không tài nào vào được chỗ tọa đàm.
Sáng 7.12.2014, chúng tôi đã bị công an săn đuổi quyết liệt không cho vào Hà Đông làm lễ kỉ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Chúng tôi đến nhà hàng nào họ cũng đuổi xe không cho đậu xe và cấm nhà hàng bán thức ăn cho chúng tôi.
Các tổ chức tôn giáo vẫn tiếp tục bị khủng bố. Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội luôn bị công an quấy nhiễu.
Dân oan ngày một đông hơn ở khắp nơi. Họ vu cho những người đi khiếu kiện là bị “thế lực thù địch xúi dục” .
Họ đang tìm mọi cách để dập tắt tiếng nói của các bloggers. Gần đây nhất blogger Hồng Lê Thọ và nhà văn Nguyễn Quang Lập đã bị bắt bởi điều luật quái quỉ 258.
Họ buộc tội những người này làm “mất uy tín và sự ổn định của nhà nước”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt trong khi đang bị liệt nửa người.
Tôi nghĩ, việc đảm bảo quyền tự do và các hoạt động xã hội dân sự không hề nhằm chống lại sự điều hành đúng luật của nhà nước mà chỉ làm xã hội tốt đẹp hơn, nhưng luôn bị chính quyền cản trở.
Tôi không thể tả hết những điều vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam, một quốc gia đã kí cam kết thực hiện nhân quyền với quốc tế.

Phía người hoạt động

Gặp mặt nhân quyền
Một cuộc gặp mặt nhân ngày nhân quyền LHQ 2014 của các trí thức, nhân sỹ bị chính quyền gây khó dễ.
Có hàng chục các tổ chức hoạt động đòi nhân quyền được thành lập và đàn áp, khủng bố, bắt bớ, tù đày vẫn không ngăn được những cuộc xuống đường chống Trung Quốc bành trướng.
Những cuộc biểu tình chống cướp đất xảy ra liên tục mà tiêu biểu là nông dân Dương Nội.
Các tù nhân lương tâm ngày càng được cộng đồng trong, ngoài nước quan tâm, hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần.
Những người tham gia các tổ chức xã hội dân sự luôn sát cánh bên dân oan.
Trong khi đó, các bloggers thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm cho nhau.
Thứ nữa, các phiên tòa xử tù nhân lương tâm luôn có mặt của những người cùng tranh đấu. Họ bất chấp ngăn cấm, đàn áp.
Rồi liên tục có những lễ cầu nguyện và đòi tự do cho các tù nhân lương tâm ở nhà thờ. Phải nói là các linh mục ở nhà thờ Thái Hà vô cùng can đảm.
Và dù bị ngăn cấm nhưng các blogger vẫn can đảm vượt qua để tới các sứ quán đưa những thông tin về vi phạm nhân quyền.
Ngày Quốc tế Nhân quyền 10.12.2014, được sự hỗ trợ của các linh mục ở nhà thờ Thái Hà, anh em thuộc tổ chức Xã hội Dân sự độc lập vẫn tổ chức được lễ kỉ niệm.
Cảm động nhất là có 4 tù nhân lương tâm vừa được tự do cùng gia đình và bè bạn từ Nghệ An để dự lễ và tạ ơn các cha.
Anh em trong các tổ chức Xã hội Dân sự ngày thứ Tư (10.12.2014) vẫn tổ chức những cuộc giao lưu.
Một điều khác cần nói thêm là những anh em tù nhân lương tâm như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cầy) v.v..., dẫu bị trục xuất sang Mỹ nhưng các anh vẫn tỏa sáng, tiếng nói của các anh vẫn góp sức mạnh mẽ cho cuộc tranh đấu ở quê nhà.
Và tiếng nói và sự hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất của người Việt ở hải ngoại và bạn bè quốc tế là một sự hợp lực tuyệt vời để góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Việt Nam.
Cuối cùng, bất luận tất cả những khó khăn, hiểm nguy tạm thời hiện nay, tôi vẫn vững tin rồi Việt Nam sẽ phải có một cuộc sống tốt đẹp, dân Việt Nam rồi sẽ tới lúc được sống đúng nghĩa Con người - Tự do, Dân chủ, Bác ái và Ấm no - với những con chữ được viết Hoa như chúng luôn xứng được như thế!
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nghệ sỹ điện ảnh đang sống tại Việt Nam.

 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/12/141214_kimchi_vn_human_rights

'Nhân quyền VN còn kém cả Campuchia'

  • 11 tháng 12 2014
Tiến sỹ Vannarith Chheang
Nhân quyền 'không nguy hiểm' cho an ninh quốc gia theo nhà nghiên cứu TS. Vannarith Chheang.
Nhân quyền của Việt Nam 'còn kém' cả Campuchia và nhà nước Việt Nam cần chấp nhận nhân quyền 'không phải là nguy hiểm' cho an ninh quốc gia 'mà ngược lại', theo nhà nghiên cứu từ Campuchia nói với Tọa đàm trực tuyến của BBC Nhân ngày Nhân quyền LHQ (10/12) năm nay.
Khi được yêu cầu so sánh giữa Việt Nam và Campuchia, ở đâu mà chính quyền và nhà nước 'nghiêm chỉnh, nghiêm túc' hơn đối với vấn đề nhân quyền, từ Phnom Penh, Tiến sỹ Vannarith Chheang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hợp tác và Hòa bình, nói với cuộc Tọa đàm hôm 11/12/2014.
"Hệ thống chính trị hai nước khác nhau, ở Campuchia có hệ thống bầu cử đa đảng từ năm 1993. Từ 1993 đến nay, Campuchia về dân chủ và nhân quyền có tiến bộ và phát triển khá, so với Việt Nam thì hệ thống chính trị khác nhau.
"Về tự do chính trị, tự do ngôn luận, Campuchia cao hơn nhiều so với Việt Nam, về phê phán chính phủ hay vấn đề xây dựng đất nước, như vậy đó cũng là một vấn đề, nhưng so với Việt Nam là thấp hơn, nó không nghiêm trọng bằng Việt Nam."
Nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, khu vực Đông Nam Á đưa ra lời khuyên với nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân quyền, ông nói:
"Đối với nhà nước Việt Nam, nhà nước Campuchia và các nước khác, nhà lãnh đạo, nhà chính trị phải chấp nhận những vấn đề nhân quyền không phải là nguy hiểm đến an ninh quốc gia, đên sự phát triển xã hội và kinh tế.
"Ngược lại nhân quyền là một vấn đề giúp cho sự phát triển, ổn định xã hội và ổn định chính trị.
"Như vậy đó là thực chất của vấn đề nhân quyền.
"Tôi nghĩ chính phủ của các nước trên thế giới phải thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền vì lợi ích của con người và lợi ích của nhà nước."

'Nhân quyền trên giấy?'

Mới đây, một nhà nghiên cứu về luật Hiến pháp và quyền con người, quyền công dân, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói với BBC rằng bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam 'đã có tiến bộ' với hẳn một chương riêng được soạn thảo về quyền con người.
Nhà nghiên cứu này cũng cho hay năm tới đây, Việt Nam đang 'đặt trên bàn' để cân nhắc sửa đổi toàn hệ thống luật pháp.
Theo ông Dung, việc này không chỉ hạn chế ở một số điều luật nhất định như các điều 258, 79 và 88 trong Bộ luật hình sự và lý do là để phù hợp hơn với Hiến pháp sửa đổi và công ước, các văn bản luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Hôm thứ Năm, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng bình luận với Tọa đàm của BBC về khoảng cách giữa chính sách, luật pháp và thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam.
Từ Đồng Tháp, nơi ông đang chuẩn bị theo dõi vụ xét xử với bà Bùi Thị Minh Hằng và một số nhà hoạt động nhân quyền khác, Kỹ sư Lân Thắng nói:
"Mọi điều luật cũng chỉ nằm trên giấy, điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải biết quyền của mình, bảo vệ quyền của mình và cùng hợp tác với những người khác để có thể giữ được quyền của mình không bị ai xâm phạm. Đấy mới là điều quan trọng.
"Chứ còn bất cứ điều luật, bất cứ điều hay rồi bất cứ tuyên bố của các chính trị gia như thế nào đều vô nghĩa hết, nếu như những người nhỏ bé trong xã hội cũng như những người ở một địa vị cao, họ bị vi phạm nhân quyền thì đấy là điều không thể chấp nhận được."

'Bắt bớ bloggers'

Bộ công an Việt Nam mới đây cập nhật về vụ bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập (tức blogger Bọ Lập - Quê Choa) với một thông báo trên trang tin của Bộ này nói ông Lập đã 'xin được khoan hồng' và cam kết 'từ nay chỉ viết về văn học, nghệ thuật', thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung từ Sài Gòn bình luận:
"Tôi không rõ thực hư như thế nào, nhưng dù có chuyện gì xảy ra, tôi lúc nào cũng yêu mến nhà văn Nguyễn Quang Lập.
"Và tôi biết rằng mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, cho nên tùy thuộc hoàn cảnh đó mà chúng ta sẽ chọn một cách hành xử khi trong hoàn cảnh như vậy.
"Bản thân tôi lúc nào cũng ủng hộ nhà văn Nguyễn Quang Lập và bản thân tôi cũng có mối quan hệ tình bạn với nhà văn Nguyễn Quang Lập," thạc sỹ Trung nói với Tọa đàm.
Trong vòng một tuần, từ ngày 29/11 tới ngày 6/12, hai blogger được nhiều người biết tới là ông Hồng Lê Thọ (chủ blog Người Lót Gạch) và ông Nguyễn Quang Lập đã bị công an bắt giữ mà có ý kiến cho là lý do bắt "tạm giữ hình sự" có thể đều liên quan tới điều 258 của Bộ luật Hình sự.
Kỹ sư Lân Thắng bình luận với Tọa đàm:
"Tôi nghĩ rằng giới blogger trong cả nước rất là quan tâm tới hai bloggers này. Và tôi nghĩ việc bắt họ cho đến giờ này, tôi nghĩ có lẽ là một đòn thăm dò đối với giới hoạt động.
"Đồng thời cũng có sự tranh đấu, sự tranh giành nào đó trước kỳ Đại hội Đảng và đấy là lý do chính để bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập."

'Hành xử lạ lùng'

Các vụ bắt hai bloggers diễn ra chỉ trong vòng một tuần trước ngày nhân quyền Liên hiệp quốc năm nay, ngày mà hôm thứ Tư, 10/12/2014, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh thông điệp "Nhân quyền 365" được hiểu là quanh năm 365 ngày, ngày nào cũng là ngày của quyền con người, ngày để 'lên tiếng.'
Bình luận về các vụ bắt giữ tại thời điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát xã hội Việt Nam từ Hà Nội nói với Tọa đàm: "Tôi cũng ngạc nhiên về một sự hành xử hết sức lạ lùng của chính quyền Việt Nam, bắt Giáo sư Lê Hồng Thọ trước, rồi cách ngày Nhân quyền Quốc tế có 3-4 ngày, thì bắt một nhà văn rất nổi tiếng, một blogger rất có tiếng ở Việt Nam.
"Anh Nguyễn Quang Lập có hàng trăm ngàn người hâm mộ và thực sự cả hai anh đều hoạt động hết sức ôn hòa và mang tính xây dựng. Nhưng người ta vẫn vu cho họ những tội hết sức vu vơ, và bắt họ tôi nghĩ là điều gì đấy mà tôi nghĩ là khó hiểu. Và người ta khó mà đánh giá, lý giải tại sao họ lại làm những việc mà nhiều người cho rằng là rất ngớ ngẩn và ngu ngốc như vậy. Nguyên nhân của nó là gì không cai có thể biết rõ được, nhưng chỉ có thể nêu ra những giả thuyết để tìm cách lý giải mà thôi.
"Trong mọi trường hợp, đấy là một sự vi phạm nhân quyền hết sức trắng trợn của nhà cầm quyền và rất đặc biệt là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền quốc tế của Liên hợp quốc, sau khi Việt Nam đã vượt qua cuộc sát hạch UPR (kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền), tháng Hai và tháng Sáu năm nay.
"Và trước ngày Nhân quyền Quốc tế có vài ngày, mà họ làm những việc như thế thì gây ra sự phẫn nộ hết sức là lớn ở trong nước Việt Nam và các trí thức, các nhà văn, cũng như những người yêu mến anh Lập đã vừa mới có một đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả ngay tự do lại cho anh Nguyễn Quang Lập cũng như trả tự do cho Giáo sư Lê Hồng Thọ, thả ngay anh Trương Duy Nhất, anh Nguyễn Hữu Vinh và những người khác.
"Tôi nghĩ rằng đấy là một diễn biến rất là buồn về nhân quyền ở Việt Nam trong những ngày mà cả thế giới kỷ niệm về nhân quyền," Tiến sỹ Quang A nói với Tọa đàm.

'Không thể đảo ngược'

VN đã chấp nhận gần 80% các khuyến nghị về nhân quyền tại phiên kiểm định 2014 ở Geneva.
Hôm thứ Năm, Thạc sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, người từng bị kết án 7 năm tù vì tội 'hoạt động chống phá chính quyền' trong vụ án với Luật sư Lê Công Định và kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và những người khác, bình luận với Tọa đàm của BBC về xu hướng nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam.
Nhắc lại lời được cho là của chính Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, thạc sỹ Tiến Trung nói:
"Ông nói nhân quyền, tự do và dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người, Việt Nam không phải ngoại lệ. Và như vậy trong Hiến pháp, pháp luật và chính sách đều nêu rõ dân chủ và nhân quyền vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.
"Như vậy chứng tỏ phía những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ vấn đề là phát triển nhân quyền tốt cho sự phát triển của đất nước, là bởi vì từng cá nhân khi bảo đảm các quyền của mình thì có cơ hội để phát triển toàn diện, để tối đa hóa tiềm năng của chúng mình.
"Khi từng cá nhân được tối đa hóa tiềm năng của chính mình và phát triển toàn diện thì khi đó đất nước mới phát triển toàn diện được. Tuy nhiên, trong bất kỳ quốc gia dân chủ nào đều có luật pháp và chuẩn mực.
"Thì luật pháp đó phải do Quốc hội do toàn dân bầu ra, có nhiều nhóm khác nhau để trong Quốc hội để ban hành đạo luật nó phải công bằng, phải chuẩn mực, như vậy mới bảo đảm được nhân quyền, chứ không thể nào ngụy biện như giới báo chí trong nước (nói) là 'nhân quyền hay tự do quá chớn sẽ gây hại, thì cái đó hoàn toàn không phải.
"Bởi khi đó còn có vấn đề pháp luật bảo vệ nhân quyền và bảo vệ quyền của người này sẽ không xâm phạm quyền của người khác. Nhưng vấn đề là pháp luật ở Việt Nam do một đảng làm ra nên nó sẽ bảo đảm quyền của cái đảng đó thôi," thạc sỹ Tiến Trung nói với Tọa đàm.

'Thông điệp hy vọng'

Hôm thứ Năm, Tiến sỹ Jonathan London, nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị từ Đại học Thành thị Hong Kong nêu quan điểm tại Tọa đàm đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Ông nói: "Tiến bộ đối với nhân quyền vẫn còn quá chậm so với những gì mà chúng ta mong muốn, nhưng việc chúng ta đang có những thảo luận công khai như thế này, việc có những bloggers như Nguyễn Quang A, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hoàng Vy v.v... thì người ta đang tiếp tục cho một quá trình mà có những tiến bộ quan trọng về nhân quyền.
"Và tôi hy vọng trong thời gian tới, có thể là (nhiều) tháng, (nhiều) năm, hy vọng rằng trong tương lai Việt Nam, mỗi người đều nỗ lực hơn nữa, để có một Việt Nam (mà) quyền con người sẽ (đạt) được, đó là một thông điệp tôi gửi tới những người Việt Nam.
Về vị trí của nhân quyền trong quan hệ Mỹ - Việt, nhà nghiên cứu người Mỹ đang giảng dạy tại Hong Kong nói:
"Tôi nghĩ rằng nhân quyền ở Việt Nam rất quan trọng đối với quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, chưa rõ làm sao gần đây có những người bloggers bị bắt, nhưng tôi hy vọng những người ở Việt Nam, đặc biệt những lãnh đạo muốn thực sự có một quan hệ với Mỹ,
"Thì dù Mỹ, cũng có những vấn đề về nhân quyền, chẳng hạn hành động của CIA..., nhưng nhiều người ở Mỹ muốn... đặc biệt giới lãnh đạo ở Việt Nam, có thể có một sự dũng cảm, để có bước đi quyết định, cho phép tình trạng nhân quyền ở Việt Nam có tiến bộ,
"Và nếu thế, tôi nghĩ là quan hệ giữa hai nước Mỹ - Việt sẽ tiến bộ rất nhanh, thì đó sẽ mang lợi cho cả hai nước," Tiến sỹ Jonathan London nói với BBC.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/12/141204_hangout_vn_human_rights_future

Geen opmerkingen:

Een reactie posten