zaterdag 27 december 2014

Pháp : Quà Noel đặc biệt : hiến tặng... tinh trùng và trứng !

Pháp : Quà Noel đặc biệt ?
Mùa Noel và nhân dịp tết năm mới, tại Pháp đang có một chiến dịch kêu gọi tặng quà có vẻ đặc biệt. Đó là nội dung được phản ảnh trên báo Libération với dòng tựa dí dỏm : « Trung tâm y sinh học phát động cuộc săn tìm tế bào trứng nhân mùa Noel ».
Số là Trung tâm y sinh học của Pháp vừa phát động một chiến dịch mang tên « Người cho hạnh phúc » (Donneurs de bonheur) với nội dung kêu gọi mọi người hiến tặng tinh trùng và đặc biệt là tế bào noãn của chị em phụ nữ để giúp đỡ các cặp vô sinh.
Cơ quan này cho đăng quảng cáo trên báo chí và trên mạng Internet. Chiến dịch được phát ra đúng mùa Noel để tận dụng tâm lý lễ hội vào cuối năm. Cơ quan này đưa ra dòng chữ khuyến dụ mọi người như sau : « Những món quà đẹp nhất không phải là những món quà to nhất ».
Tờ báo cho biết thêm, tại Pháp, lượng đàn ông cho tinh trùng thì không thiếu, nhưng hiện lượng tế bào trứng của chị em phụ nữ đang thiếu trầm trọng. Số liệu năm 2012 sẽ cho thấy rõ điều đó : chỉ có 422 phụ nữ cho tế bào trứng và cho ra đời được 164 trẻ em trong khi số lượng các cặp vợ chồng cần xin tế bào trứng lên đến 2110. Sự thiếu hụt này, một phần được giải thích là do việc lấy tế bào trứng ở phụ nữ diễn ra rất phức tạp và tốn thời gian, bởi vậy nó ảnh hưởng nhiều đến công việc và đời sống của người cho.

Pháp : Năm hồ sơ ngoại giao lớn trong năm 2015
Trong những bài viết tổng kết cuối năm và nhìn về năm mới, nhật báo Le Figaro số ra hôm nay chú ý đến hồ sơ ngoại giao của Pháp với bài nhận định của chuyên gia chạy tựa : « Năm thách thức ngoại giao của Pháp vào năm 2015 ».
Đầu tiên bài biết cho rằng, do kinh tế suy yếu nên nước Pháp cũng dần bị yếu thế về ngoại giao. Và hiện tại, Pháp đã đánh mất một phần lớn tầm ảnh hưởng ngoại giao thế giới mà Charles De Gaulle đã mang về cho nước Pháp trước đây.
Kế đến, bài viết nhận định, trong năm 2015, sẽ có năm hồ sơ ngoại giao phức tạp đòi hỏi nước Pháp phải dấn thân vào.
Hồ sơ thứ nhất đó là cuộc khủng hoảng Ukraina. Bài viết cho rằng, đến hiện tại, Liên Hiệp Châu Âu đã tỏ ra quá cứng nhắc khi sử dụng các biện pháp trừng phạt Nga trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin đã có nhiều động thái nhượng bộ, trong bối cảnh người ly khai ở miền đông Ukraina đã chấp nhập hình thức nhà nước liên bang theo kiểu Đức.
Bài viết cảnh báo rằng « cái vòng lẩn quẩn » của các biện pháp trừng phạt sẽ không có lợi cho ai cả. Kinh tế Nga sắp tới có thể sẽ suy sụp, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế Ukraina. Cái giá của « sự sụp đổ kép » này sẽ là rất lớn cho nền kinh tế Châu Âu. Trong bối cảnh đó bài viết đánh giá cao hành động đứng ra làm « trung gian chân thành » của Pháp thông qua chuyến đến Nga bất ngờ hồi đầu tháng của Tổng thống Pháp François Hollande.
Hồ sơ thứ hai là hồ sơ hạt nhân Iran. Bài viết nhắc lại, Thượng đỉnh Iran+6 hồi cuối tháng 11 vừa qua đã quyết định kéo dài đàm phán tới đầu tháng 7/2015. Đương nhiên người ta sẽ không chấp nhận cho Iran có vũ khí nguyên tử. Tuy vậy, bài viết cho rằng, Pháp với tư cách là cường quốc hạt nhân có thể dấn thân sâu vào hồ sơ này để có thể đạt được những hợp đồng hạt nhân dân sự tại Iran, vừa có lợi ích kinh tế, vừa cũng có thể cứu thể diện cho quốc gia Hồi Giáo mà hiện tại tầm ảnh hưởng đang rất cần để ổn định « lò lửa » Trung Đông.
Còn về hồ sơ khủng bố, bài viết kêu gọi Pháp tăng cường hợp tác, phân công phân nhiệm với Mỹ ở các chiến trường khủng bố. Về Hiệp ước tự do thương mại đang đàm phán giữa EU và Mỹ, bài viết cho rằng, Pháp nên ủng hộ Hiệp ước này, tuy nhiên phải sử dụng ảnh hưởng của Pháp tại Bruxelles để làm sao đảm bảo được chuẩn mực y tế, môi trường và xã hội của Châu Âu. Cuối cùng bài viết kêu gọi Pháp nỗ lực làm sao để cho Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu 2015 tại Paris đạt được nhiều tiến bộ so với các lần trước.
Cũng bàn về nền ngoại giao của Pháp, Le Monde đăng bài chuyên gia cho rằng, nước Pháp do yếu về kinh tế, nên hiện chính sách đối ngoại với Trung Quốc đang ở thế yếu và có vấn đề. Vấn đề đó là nước Pháp hiện chỉ tập trung vào việc tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc trong khi có vẻ nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền trắng trợn của nước này.
Đức-Mỹ : Câu chuyện lòng tin và kinh tế
Hiệp ước đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU không chỉ là một hồ sơ ngoại giao lớn đối với nhà cầm quyền Pháp mà còn với cả Đức nữa. Nhìn sang nước Đức, nhật báo Les Echos đăng bài đáng chú ý : « Tại Đức, tình trạng phản đổi TTIP đang tăng cao ».
Tờ báo nhắc lại, chỉ mới tuần rồi, tại Hội đồng Châu Âu, nguyên thủ các nước Châu Âu một lần nữa thể hiện quyết tâm sẽ kết thúc được đàm phán TTIP với Mỹ vào cuối năm 2015 và cho rằng đó là một hiệp ước thương mại có lợi cho cả đôi bên. Trước đó, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel còn cho rằng hiệp ước là thuộc diện « ưu tiên tuyệt đối » vì có lợi ích kinh tế vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, Les Echos cho hay, từ nhiều tháng nay, làn sóng « chống Mỹ » đã dâng cao tại Đức. Đầu dây mối nhợ của làn sóng này có lẽ là vụ việc tình báo Mỹ đã nghe lén các nguyên thủ Châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Merkel, theo tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. Tờ báo dẫn lời ông Pascal Lemy, cựu Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhấn mạnh rằng : « Người Đức mất lòng tin đối với Mỹ. Người Đức rất bị tổn thương bởi vụ việc Snowden ».
Hồi mùa hè 2013, khi bắt đầu đàm phán TTIP, tại Đức có 56% người được hỏi ủng hộ hiệp định này. Thế nhưng, con số đó đã giảm xuống còn 48% vào tháng 10/2014. Nhìn rộng ra Châu Âu, hiện tại có một bản kiến nghị phản đối TTIP đăng trên mạng đã thu hút được hơn 1,16 triệu chữ ký, trong đó có đến 676 000 chữ ký là của người Đức, trong khi con số này đối với Anh là 204.000, còn với Pháp chỉ có 69.000.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141223-thai-lan-muoi-nam-sau-song-than-2004/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten