vrijdag 19 december 2014

Trung Quốc, Thái Lan ký hiệp định về đường sắt và nông nghiệp


Châu ÁTrung QuốcThái LanHiệp địnhHợp tácNông nghiệpĐường sắtKinh tế

Trung Quốc, Thái Lan ký hiệp định về đường sắt và nông nghiệp


mediaThủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ( trái) và thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Bangkok ngày 19/12/2014.REUTERS/Pornchai Kittiwongsakul/Pool
    Viếng thăm Bangkok hôm nay, 19/12/2014, bên lề hội nghị Thượng đỉnh Mêkong lần thứ 5, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã ký các hiệp định về đường sắt và nông nghiệp.
    Hiệp định về đường sắt bao gồm dự án xây dựng một tuyến xe lửa, mà sau này sẽ là tuyến đường sắt cao tốc, trong khuôn khổ một dự án rộng lớn hơn, nhằm nối liền tỉnh Vân Nam Trung Quốc với Singapore. Dự án đường sắt nói trên sẽ được khởi công vào năm tới và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2022. Hiệp định về nông nghiệp thì dự trù Trung Quốc mua gạo và cao su của Thái Lan.
    Chuyến viếng thăm của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường diễn ra vào lúc Thái Lan, sau cuộc đảo chính quân sự bị phương Tây chỉ trích, đang tìm các đồng minh ngoại giao. Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan hôm nay tuyên bố rằng chuyến viếng thăm của thủ tướng Trung Quốc và lãnh đạo các nước châu Á khác cho thấy là tình hình đã trở lại bình thường ở Thái Lan.
    Phe quân sự đã lên cầm quyền ngày 22/05/2014 sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin, cũng bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006. Cộng đồng quốc tế đang hối thúc phe quân sự cầm quyền ở Thái Lan tái lập nền dân chủ và tổ chức các cuộc tuyển cử.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20141219-trung-quoc-thai-lan-ky-hiep-dinh-ve-duong-sat-va-nong-nghiep/

    Thái Lan xoay trục về phía Trung Quốc nhưng không bỏ đồng minh Mỹ

    mediaThủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Reuters)
      Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh với nhau để thiết lập ảnh hưởng chính trị và kinh tế lên vùng Đông Nam Á, một cuộc đua tranh càng lúc càng gay gắt. Là một quốc gia bản lề trên lục điạ Đông Nam Á, Thái Lan, đang cố cân bằng quan hệ của mình giữa hai cường quốc. Một bên là Hoa Kỳ, quốc gia mà các mối liên hệ thân thiết được nung đúc từ thời chiến trạnh lạnh bắt đầu nhạt đi, và bên kia là Trung Quốc đang khôn khéo ra sức chiêu dụ qua một chiên lược ngoại giao vừa kinh tế vừa văn hóa.
      Tại chỗ, thông tín Arnaud Dubus phân tích thế đứng của Thái Lan :
      Arnaud Dubus : Thái Lan có quan hệ chính trị và an ninh rất chặt chẽ với Hoa Kỳ. Bangkok thường được gọi là đồng minh chủ chốt ngoài khối yếu NATO của Washington. Quy chế đó cho phép Thái Lan được ưu đãi trong trợ giúp quân sự, kể cả những khoản tín dụng rất hời để mua vũ khí.
      Nhưng điều đã khiến cho tình hình thay đồi dần dần từ cuối thập niên 1980 là sự kiện Trung Quốc không còn bị xem là một mối đe dọa đối với Thái Lan nữa, trong lúc đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc lại khiến cho Washington lo ngại. Tóm lại Thái Lan và Hoa Kỳ không còn cùng chung mục tiêu về an ninh.
      Trong cùng một thời điểm, Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế rất quan trọng của Thái Lan. Trong năm 2011, kim ngạch trao đổi giữa hai bên lên đến 65 tỷ đô la, gần gấp đôi trao đổi giữa Mỹ và Thái Lan.
      Công cuộc hội nhập kinh tế của khối ASEAN lại càng thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Thái Lan đã ký một hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc về nông sản vào năm 2003, và một hiệp định rộng hơn giữa ASEAN với Trung Quốc đã có hiệu lực từ năm 2010.
      Trong tình hình chính quyền Thái Lan đương nhiệm dành ưu tiên cho vấn đề kinh tế hơn là chính trị và an ninh trong chính sách ngoại giao của mình, rõ ràng là đang có một sự ‘xoay trục’ của Thái Lan hướng về Trung Quốc.
      RFI : Các dự án hạ tầng cơ sở giao thông cấp khu vực phải chăng đã tạo thuận lợi cho tiến trình mà anh gọi là ‘xoay trục’ đó ?
      Arnaud Dubus :Đúng như thế. Việc thiết lập các hành lang giao thông trong các dự án của Tiểu vùng Sông Mêkông hầu như đã hoàn tất, ngoại trừ ở Miến Điện. Trong số những hành lang này, một trong những trục quan trọng nhất là hành lang Bắc Nam, đi từ Vân Nam, qua Lào và đến Thái Lan.
      Từ nay đến năm 2016, trục lộ này sẽ có thêm đường xe lửa, băng qua Lào và kể từ thành phố biên giới Nongkhai sẽ được nối với một đường cao tốc đi về hướng Bangkok và biên giới Malaysia.
      Trục lộ Đông -Tây nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông cũng đi qua Bangkok. Thái Lan như thế sẽ vẫn là giao lộ trọng yếu của màng lưới giao thông khu vực giữa Trung Quốc và vùng Đông Nam Á.
      Cho nên Thái lan cần định hướng lại kinh tế của mình, hướng nó về phía Trung Quốc, cũng như tất cả các nước trong khu vực đang làm.

      RFI :Điều này phải chăng có nghĩa là Thái Lan giữ khoảng cách với Mỹ ?
      Arnaud Dubus : Không đâu. Thái Lan vẫn là một đối tác quan trọng của Mỹ, đặc biệt trong lãnh vực an ninh.
      Cuộc tập trận Cobra Gold thường niên do Mỹ tài trợ tổ chức trên đất Tháí là cuộc tập trận quan trọng nhất ở Châu Á. Ngoài ra thì, như truyền thống ngoại giao của họ, Thái Lan luôn luôn tránh việc dấn thân quá sâu cùng với một đối tác duy nhất, mà chỉ muốn tạo thế cân bằng giữa các cường quốc, như Bangkok đã khôn khéo làm trong thời kỳ thuộc điạ giữa đế chế Anh và Đông Dương của Pháp.

      Bị quyến rũ trước đà vươn lên hùng mạnh của kinh tế Trung Quốc, nhưng Thái Lan vẫn thận trọng khi nhìn thấy thái độ ngày hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
      RFI : Anh có đề cập đến khía cạnh ngoại giao văn hóa của Trung Quốc. Anh có thể nói rõ thêm ?
      Arnaud Dubus : Trung Quốc rất khéo léo trên điểm này, và xoáy vào khía cạnh là có một phần lớn dân chúng ở các thành phố lớn tại Thái Lan là người gốc Hoa.
      Bắc Kinh rất tích cực trong việc khuyến khích học tiếng Hoa trong giới trẻ Thái Lan, hàng năm, họ gởi cả ngàn người đến dậy tiếng Hoa. Tiếng Quan thoại là một trong những ngoại ngữ được học nhiều nhất trong trường phổ thông Thái Lan bên cạnh tiếng Anh và tiếng Nhật.
      Mặc dù thế, thanh niên Thái vẫn thích văn hóa Mỹ hay văn hóa Hàn Quốc hơn là văn hóa Trung Quốc. Giấc mơ của một thanh niên thuộc gia đình khá giả ở Thái Lan là đi du học ở Yale hay Columbia, bên Mỹ, chứ không phải là qua Bắc Kinh hay Thượng Hải !

      http://vi.rfi.fr/chau-a/20130403-thai-lan-xoay-truc-ve-phia-trung-quoc-nhung-khong-bo-dong-minh-my/

      Vì thân Trung Quốc, Thái Lan mất vị trí trung tâm vào tay Miến Điện

      mediaNữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bangkok ngày 01/05/2013.
        Phải chăng vì thân Trung Quốc, Thái Lan sẽ để mất vai trò trung tâm khu vực vào tay Miến Điện ? Đây là khả năng đã được nhật báo Thái Lan The Nation nêu lên vào hôm nay, 27/05/2013, trong bối cảnh Miến Điện vừa nhận được hậu thuẫn to lớn của hai cường quốc thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
        Trong bài nhận định “Thái Lan đi về đâu vào lúc Miến Điện vươn lên”, nhà bình luận Kavi Chongkittavorn của The Nation đã không ngần ngại kêu gọi chính quyền Bangkok thức tỉnh trước nguy cơ vai trò của Thái Lan đang bị mờ đi.
        Bài báo nêu bật hai dấu hiệu cho thấy là Thái Lan không còn được Nhật Bản và Hoa Kỳ trọng vọng như xưa. Trong trường hợp Nhật Bản, theo The Nation, trong buổi gặp đồng nhiệm Shinzo Abe tại Tokyo hôm Thứ năm 23/05 tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào dự án khổng lồ Dawei tại Miến Điện mà Thái Lan có tham gia. Thế nhưng, cùng ngày, báo chí lại nhấn mạnh rằng nhân chuyến công du Miến Điện một hôm sau đó, Thủ tướng Nhật Bản sẽ loan báo kế hoạch tài trợ dài hạn trị giá gần 1 tỉ đô la cho Miến Điện, nhưng với một đề án khác trong tầm nhắm, chứ không phải là kế hoạch phát triển Dawei được đề xuất – ít ra là trong thời gian trước mắt.
        Trong trường hợp Hoa Kỳ, tờ báo Thái Lan ghi nhận là trong chuyến công du nước Mỹ, Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã được đồng nhiệm Obama tiếp đón ngay tại Nhà Trắng. Cuộc họp được nối tiếp ngay sau đó bằng việc ký kết một hiệp định khung về thương mại và đầu tư, một điều mà Thái Lan, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á, đã không làm được. Mặt khác, cũng theo The Nation, Thủ tướng Thái Lan Yingluck cũng chưa hề được chính thức mời đến thăm Nhà Trắng, cho dù trong tuần qua, hai nước đã kỷ niệm 180 năm bang giao !
        Trên bàn cờ khu vực Miến Điện đi lên còn Thái Lan đi xuống
        Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn, ở Thái Lan hiện nay đã xuất hiện mặc cảm ngày càng mạnh là đất nước đang đi xuống trong lúc Miến Điện lại vươn lên, với Tổng thống Thein Sein được biết đến ở Mỹ là "biểu tượng của cải cách", trong khi lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi là "biểu tượng của nền dân chủ".
        Nhà báo Thái Lan ngậm ngùi : “Thái Lan từng là trung tâm của các sáng kiến đối ngoại từ Nhật Bản và Hoa Kỳ liên quan đến Đông Nam Á. Nhưng những ngày đó giờ đã không còn nữa. Bây giờ, đất nước của những nụ cười đã được thay thế bằng Miến Điện.”
        Vì sao nên nỗi ? The Nation đã nêu bật một nguyên nhân : Thái Lan đã không thích ứng kịp với chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ qua châu Á đã được tuyên bố vào tháng 11 năm 2011. Miến Điện đã chuyển đổi nhanh chóng khi cho thấy là họ muốn thoát khỏi thế phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển quan hệ đa dạng với các nước lớn khác như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản. Miến Điện đã thành công, trong lúc Thái Lan thì không.
        Mỹ lơ là Thái Lan vì Bangkok có biểu hiện quá thân Bắc Kinh
        Theo The Nation, đã đến lúc Thái Lan đã phải thức tỉnh trước thực tế khắc nghiệt rằng Hoa Kỳ không thể chờ đợi lâu dài nữa. Với sự nổi lên của Trung Quốc và các hệ quả ngoại giao kèm theo, Washington không ủng hộ cách tiếp cận của Bangkok. Giới làm chính sách và các học giả tại Mỹ luôn luôn có ấn tượng mạnh mẽ rằng Thái Lan là một quốc gia ủng hộ Trung Quốc. Vì vậy, Hoa Kỳ rất khó mà thiết lập một liên minh thực thụ với Thái Lan trong môi trường an ninh mới, khác hẳn với các đồng minh còn lại của Mỹ trong khu vực - Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
        Bộ Ngoại giao Thái Lan thường nhắc lại rằng Bangkok không theo bất kỳ bên nào, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng theo báo The Nation, trong thế giới ngoại giao hiện thực, hành động cụ thể hàng ngày có giá trị hơn lời nói, và trên điểm này Thái Lan đã cho thấy là mình nghiêng về phía Trung Quốc.
        Bài bình luận trên The Nation kết luận : Trừ phi có những thay đổi đáng kể trong giới lãnh đạo cao cấp của Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng như trong một số nguyên lý cơ bản, chính sách đối ngoại liên quan đến các đại cường sẽ tiếp tục bị suy yếu hơn nữa. Hệ quả là Thái Lan - dù có vị trí độc đáo trên lục địa Đông Nam Á - sẽ không thể là đầu tầu khu vực như mong muốn...
        Paris biểu tình chống đồng tính nhưng Cannes lại khen tặng phim về tình yêu nữ-nữ
        Cuộc biểu tình chống Luật hôn nhân bị mệnh danh là “đồng tính” và bảng vàng táo bạo của Liên hoan phim Cannes dĩ nhiên là hai chủ đề được báo giới Pháp tập trung mổ xẻ vào hôm nay, 27/05/2013. Quan điểm tả hữu trên hai sự kiện nóng bỏng này đã được trình bày rõ nét.
        Trước tiên, nhật báo Công giáo La Croix ghi nhận là giới phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính chưa chịu buông vũ khí dù luật đã được thông qua. Dưới tựa đề « Vẫn rầm rộ hưởng ứng » tờ báo đánh giá là số người biểu tình hôm qua trên đường phố Paris vẫn rất đông đảo.
        Báo cánh hữu Le Figaro thì nhìn thấy cả một thế hệ vùng lên tham gia cuộc biểu tình chống luật gọi là hôn nhân cho mọi giới khi chạy tựa « Thế hệ ‘Biểu tình vì mọi người’ », lấy lại khẩu hiệu động viên của cuộc xuống đường là « Manif pour tous ».
        Nhật báo cánh tả Libération thì lại thấy khác, cho đấy là cuộc biểu tình cuối cùng trong bài viết với tựa đề : « 'Cuộc biểu tình vì mọi giới’ : xuất chiếu cuối cùng ».
        Tờ báo nêu lên song song hai sự kiện lớn của ngày hôm qua : Cuộc tuần hành của những người chống hôn nhân đồng tính tại Paris, và giải thưởng cao quý nhất tại Liên hoan Cannes được trao cho bộ phim “Cuộc đời của Adele », kể lại một câu chuyện tình yêu say đắm giữa... hai phụ nữ trẻ.
        Libération bình luận : « Vào lúc cuộc biểu tình chống hôn nhân đồng tinh – một biểu tượng mà nước Pháp không mấy hãnh diện – kết thúc, giải Cành cọ vàng cho « Cuộc đời của Adele » của đạo diễn Abdellatif Kechiche đã mang lại niềm vui, chỉ vì nó phản bác lại những lời nói sàm… của những người chống lại bộ phim một cách dữ dội và cho rằng ‘đó quả là một cái gì khác lạ, là một bộ phim do một đạo diễn người Ẳ Rập quay về lũ đồng tính nữ ».
        Tờ báo Pháp đã nhận xét không khoan nhượng là “quả bóng gọi là ‘biểu tình vì mọi người’ đã xì hơi », và đã cho rằng phong trào đó chỉ là biểu hiện của « thù hằn sôi sục được hâm nóng trên than hồng (...) của những người theo Pétain, chế độ Vichy, và chủ nghĩa phát xít. »
        Quan điểm trên đây dĩ nhiên ngược lại với suy nghĩ của Le Figaro. Theo tờ báo bảo thủ, mọi sự chưa kết thúc, vì làm sao « có thể tin được rằng hàng trăm ngàn người xuống đường hôm qua sẽ chấp nhận gác bỏ niềm tin cùng với các lá cờ đấu tranh của họ ? ». Theo tờ báo, « thế hệ 2013 chưa nói lên lời cuối cùng của mình ».
        Riêng nhật báo kinh tế Les Echos nhận thấy phong trào chống hôn nhân đồng tính bị ‘chia rẽ’. Tuy vậy, theo tờ báo, phong trào này vẫn gây đau đầu cả cho chính phủ cánh tả và đảng đối lập cánh hữu UMP.
        Bắc Triều Tiên không « khấu đầu » trước Trung Quốc ?
        Nhìn về Châu Á, báo Le Monde trở lại sự kiện Bình Nhưỡng gởi đặc sứ đến Bắc Kinh vào cuối tuần vừa qua, mà trong hàng tít tờ báo đánh giá là để ‘trấn an người đồng minh’.
        Tác giả bài báo, thông tín viên tại Trung Quốc, Brice Pedroletti, ghi nhận là nhìn từ Bắc Kinh, thì chuyến đi Trung Quốc kéo dài 3 ngày của Phó Nguyên soái Bắc Triều Tiên Choe Ryong Hae, với một chương trình gặp gỡ cấp cao là một thành công lớn.
        Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh chưa bao giờ quan hệ hai nước thoái hóa như hiện nay sau các vụ Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân, tên lửa, bắt giữ tàu cá Trung Quốc... Tuy nhiên không ai ngờ là nhân vật thứ hai của quân đội Bác Triều Tiên lại được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp vào ngày thứ Sáu, 24/05 vừa qua. Ông Choe đã trao cho Chủ tịch Trung Quốc một bức thư của Kim Jong Un.
        Bài báo nhắc lại là nội dung thư không được tiết lộ, nhưng Tân Hoa Xã đã nêu bật « ước muốn thành thật của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên muốn tạo một môi trường hòa bình ở bên ngoài để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân chúng của mình ».
        Bắc Triều Tiên cũng sẵn sàng làm việc với tất cả các bên có liên can qua đối thoại đa diện và đa phương, nhất là cuộc đối thoại 6 bên. Le Monde nhắc lại rằng khuôn khổ vòng đàm phán này là sáng kiến Trung Quốc, và đã đi vào bế tắc từ 2009, do việc Bình Nhưỡng ngưng tham dự.
        Tác giả bài báo đánh giá là các cam kết của Bình Nhưỡng ứng xử tốt rất có lợi cho Trung Quốc, vì ông Tập Cận Bình sẽ không đến gặp Obama tay không trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 7/06 tại Caliornia.
        Le Monde trích các nhà quan sát cho là viễn ảnh trên và việc cuối tháng Sáu Chủ tịch Trung Quốc còn tiếp Tổng thống Hàn Quốc tại Bắc Kinh, truớc khi tiếp sau đó lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un, nếu ông không ‘giở trò’, chắc chắn đã đóng một vai trò trong việc Bình Nhưỡng cử ông Choe đến Bắc Kinh.
        Tuy nhiên theo bài báo, Bắc Triều Tiên không phải là đã đến Bắc Kinh để khấu đầu : theo một nhà quan sát phương Tây ở Bình Nhưỡng, cuộc khủng hoảng do các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, trong mắt họ, đã thành công trong việc nâng cao uy tín Bắc Triều Tiên, nhất là đối với Mỹ.
        Hành động ‘nhận lỗi’ của Bắc Triều Tiên khi gởi đặc sứ đến Trung Quốc, theo Le Monde chỉ là một điều cố hữu : thách thức rồi đối thoại, như giải thích của một giáo sư Đại học Bắc Kinh.
        Đức muốn gỡ mìn trong quan hệ Trung Quốc - Châu Âu
        Liên quan đến Trung Quốc, báo kinh tế Les Echos, chú ý đến một chuyến thăm khác, chuyến đi Đức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Điểm được tờ báo quan tâm trước tiên và nêu bật trong hàng tựa là Thủ tướng Merkel nhân dịp này ‘muốn tháo gỡ bom mìn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Âu’.
        Phải nói chuyến đi Châu Âu của ông Lý Khắc Cường diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bruxelles và Bắc Kinh, nhất là trên pin mặt trời. Châu Âu muốn đánh thuế chống phá giá từ 37% đến 69% trên loại pin nhập từ Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Đức không mấy tán đồng, mà muốn vận động cho một giải pháp chinh trị tránh không để hai bên lao vào một cuộc chiến chống phá giá, không có lợi cho ai cả.
        Les Echos còn thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên Berlin và Bắc Kinh, qua sự kiện, bà Merkel là lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu duy nhất trong chương trinh tiếp xúc của Thủ tướng Trung Quốc trong vòng công du của ông. Quan hệ tốt đẹp này cũng dễ hiểu : Trung Quốc là đối tác thương mại thứ ba của Đức sau Pháp và Hà Lan với kim ngạch trao đổi là 144 tỉ euro trong năm 2012.
        Theo Les Echos, đối với ngành công nghiệp Đức chịu tác động của khủng hoảng trên xuất khẩu, thì Trung Quốc là ‘con gà đẻ trứng vàng’. Năm 2012, các tập đoàn xe hơi Đức - Volkswagen, Daimler hay BMW - đã bán được 2,8 triệu xe trên thị trường Trung Quốc, trong lúc trong lãnh vực máy móc xuất sang Trung Quốc mang về 17 tỉ euro. Trong bối cảnh này hơn bao giờ hết, Thủ tướng Đức phải rất quan tâm đến mối quan hệ với Trung Quốc.
        Nhưng điều gây ngạc nhiên cho Châu Âu trong chuyến công du phương Tây của Thủ tướng Trung Quốc lại không phải là ở Đức mà là ở Thụy Sĩ, với việc ông Lý Khắc Cường đã ký một thỏa thuận vào tuần qua, qua đó hai bên sẽ đi đến việc ký kết một hiệp định tự do mậu dịch, mà theo Les Echos, có thể là vào mùa hè tới đây.
        Theo tờ báo đây là một sự ‘đột phá’ chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc, và như ông Lý Khắc Cường nêu bật, đây là lần đầu tiên Trung Quốc ký một thỏa thuận như vậy với một nước kinh tế phát triển.
        Tác giả bài báo trên tờ Les Echos cũng hóm hỉnh, xem viêc ký kết tại Thụy Sĩ như một sự ‘chế giễu’ Châu Âu, trong lúc mà Bruxelles và Bắc Kinh căng thẳng thương mại, chuẩn bị mở cuộc chiến chống phá giá.
        Địa lý thương mại biến đổi : Châu Á –-Thái Bình Dương lên ngôi
        Cũng trên bình diện thương mại, báo Les Echos trích dẫn bản nghiên cứu của tâp đoàn bảo hiểm- tín dụng Euler Hermes, cho thấy chỉ trong vòng 10 năm, địa lý thương mại quốc tế đã bị đảo lộn. Nghiên cứu trên cho thấy luồng trao đổi thương mại đã thay đổi nhiều.
        Ngày nay trao đổi trong nội bộ một khu vực gia tăng mạnh, nhất là ở Đông Âu, Châu Phi. Trao đổi đang phát triển mạnh ở các khu vực đang trỗi dậy chứ không còn là thế mạnh các nước phát triển như trước.
        Đứng đầu luồng trao đổi hiện nay là Châu Á -Thái Bình Dương. Cuối năm 2011, vùng này tập trung 32% trao đổi thế giới so với 25% vào năm 2000, trong khi đó thì xu hướng ngược lại ở Mỹ và Châu Âu. Trong vòng một thập niên lượng trao đổi thương mại ở Mỹ từ 26% xuống còn 20%, tại Châu Âu từ 43% xuống 40%.
        Ở Châu Á, sau nhiều năm đơn thương độc mã, Trung Quốc - mà lượng nhập khẩu tăng trung bình hơn 10,5% hàng năm từ đây đến 2015 - ngày nay còn phải chú ý đến Việt Nam (+8,8%), Indonesia (+ 8,6%) hoặc Ấn Độ.

        http://vi.rfi.fr/chau-a/20130527-dong-nam-a-vi-than-trung-quoc-thai-lan-mat-vi-tri-trung-tam-vao-tay-mien-dien/

        Thái Lan : Môi giới tốt cho ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông ?

        mediaThủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại Nam Ninh, ngày 02/09/2013.REUTERS/China Daily
          Thái Lan là quốc gia điều phối quan hệ giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc cho đến năm 2015. Trong vai trò đó, vương quốc sẽ phải làm trung gian hòa giải trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông, liên quan đến Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.
          Hiện trạng các cuộc đàm phán ra sao, đặc biệt trong việc thành lập một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ? Vai trò của Thái Lan trong cuộc thương thảo đó là gì ?
          Từ Bangkok, Arnaud Dubus, thông tín viên của RFI trong khu vực trước hết xác định rằng Thái Lan hiện có nhiều ưu thế để đóng vai điều phối viên.

          Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok 01/10/2013 nghe
          Arnaud Dubus : Thái Lan có một số lợi thế để đóng vai trò điều phối viên. Trước hết, Bangkok là một trụ cột của ASEAN, một thành viên sáng lập của tổ chức có trọng lượng do vị trí địa lý ở trung tâm của khu vực. Hơn nữa, Thái Lan lại không có quy chế quốc gia duyên hải nên không có được thua gì nhiều ở Biển Đông, ngược lại với Singapore và Indonesia.
          Vả lại, Thái Lan còn có quan hệ rất tốt với Trung Quốc, nhưng không phải là nước lệ thuộc vào Trung Quốc, không phải là một kiểu chư hầu của Trung Quốc như Cam Bốt chẳng hạn.
          Sau hết, giới chức ngoại giao Thái Lan được đào tạo tốt, thành thạo trong việc đàm phán thỏa hiệp, chuyên gia ngoại giao Thái Lan thực sự chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và mở cửa với quốc tế.
          RFI :Ngoài những lợi thế của Thái Lan đóng vai trò tích cực như một trung gian hòa giải, chúng ta có thể nói sao về những điểm yếu của Bangkok ?
          Arnaud Dubus : Chúng ta có thể nói rằng có hai điểm yếu. Trước hết là vấn đề cuộc khủng hoảng chính trị – vốn đã ngăn không cho Thái Lan đóng một vai trò gì trong khu vực kể từ năm 2006 – hiện vẫn chưa kết thúc. Các chính khách Thái Lan do đó vẫn tập trung vào các vấn đề nội bộ trong nước hơn là sự phát triển của khu vực.
          Nhưng điểm yếu này cũng có một khía cạnh tích cực : Vì các chính khách không quan tâm nhiều đến chính sách đối ngoại, lãnh vực này chủ yếu nằm trong tay các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hiểu rõ hồ sơ hơn. Đây là điều đã từng xẩy ra trước thời các chính phủ của ông Thaksin Shinawatra.
          Điểm yếu thứ hai – một số nhà phân tích người Thái không tán đồng ý kiến này - là Thái Lan hiếm khi đóng một vai trò hàng đầu trong khu vực, ngoại trừ có lẽ trong thời gian ông Thaksin làm Thủ tướng. Do vấn đề văn hóa và truyền thống, các lãnh đạo Thái Lan ít quan tâm đến những gì xảy ra ở cấp độ chính trị bên ngoài biên giới của mình, và đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra không phải là ngoại lệ, cho dù bà thường xuyên ra nước ngoài vì lý do thương mại.
          RFI :Về vấn đề cụ thể là Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông thì tình hình hiện nay ra sao ? Nhìn từ Thái Lan thì các thách thức đối với việc hình thành ra bộ quy tắc này là gì và một khi được hình thành thì tác động của nó có thể ra sao ?
          Arnaud Dubus : Trung Quốc dường như đã đồng ý về nguyên tắc việc thành lập một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, tức là việc hệ thống hóa các quy tắc thường trực để quản lý quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực tranh chấp.
          Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng không nên xem cử chỉ đó của Bắc Kinh là một bước đột phá. Theo họ, Bắc Kinh tỏ vẻ mềm mỏng hơn chỉ vì lý do chiến thuật. Còn về căn bản, Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ trương xử lý các tranh chấp trên biển một cách song phương và chống lại phương thức đàm phán đa phương. Khi các bên đi vào trọng tâm của vấn đề, Bắc Kinh chắc chắn sẽ chứng tỏ thái độ miễn cưỡng.
          Một điểm khác nữa là không phải thành viên nào trong tranh chấp Biển Đông cũng thấy có lợi trong việc nhanh chóng thiết lập một bộ quy tắc ứng xử, vì điều đó sẽ buộc họ từ bỏ một số lợi ích về kinh tế hay lãnh thổ, có thể có lợi cho Trung Quốc trong tương lai.
          Chẳng hạn như đối với Việt Nam, các đề án khai thác dầu khí cùng với Nga và Ấn Độ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể bị xét lại. Cũng như vây, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hải quân Mỹ và Philippines có thể bị đe dọa.
          Tóm lại, ngay cả khi Bộ Quy tắc Ứng xử được hoàn thiện, con đường cần đi tiếp vẫn còn rất dài, và văn kiện này không phải là một phép mầu để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

          http://vi.rfi.fr/chau-a/20131001-bien-dong-lieu-thai-lan-co-the-la-mot-moi-gioi-tot-cho-asean-va-trung-quoc/

          Geen opmerkingen:

          Een reactie posten