maandag 2 december 2013

Trung Quốc đã phóng xe tự hành Thỏ Ngọc lên Mặt Trăng


TQ phóng Thỏ Ngọc lên Mặt Trăng

Cập nhật: 05:54 GMT - thứ hai, 2 tháng 12, 2013
Xe tự hành Thỏ Ngọc
Trung Quốc đã phóng xe tự hành thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên của họ, bước kế tiếp trong chương trình không gian đầy tham vọng của cường quốc châu Á này.
Tàu Hằng Nga 3 đã được phóng lên từ Tây Xương ở phía nam Trung Quốc vào lúc 1h30 sáng sớm thứ Hai ngày 2/12 theo giờ địa phương, tức 12h30 giờ Việt Nam.
Tàu Hăng Nga 3 đem theo một thiết bị đổ bộ và xe tự hành sáu bánh có tên là Ngọc Thố, tức Thỏ Ngọc.
Chiếc tàu này sẽ hạ cánh xuống bán cầu bắc của Mặt Trăng vào giữa tháng 12.

Thiết bị phức tạp

Truyền hình trung ương Trung Quốc phát sóng trực tiếp hình ảnh phóng tên lửa Trường Chinh 3B do Trung Quốc sản xuất đem theo xe thám hiểm Mặt Trăng.
Đây là lần thứ ba có một xe tự hành đáp trên bề mặt Mặt Trăng, nhưng tàu vũ trụ của Trung Quốc đem theo những thiết bị phức tạp hơn, trong đó có radar thâm nhập vào lòng đất để thu thập số liệu về đất đá của Mặt Trăng.
Xe tự hành Thỏ Ngọc nặng 120 cân có thể leo lên những ngọn dốc nghiêng 30 độ và có tốc độ di chuyển 200m một giờ, theo Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Không gian Thượng Hải, nơi chế tạo xe tự hành này.
Hồi tuần trước, Giáo sư Âu Dương Tự Viễn ở Viện Khoa học Trung Quốc nói với biên tập viên khoa học của BBC David Shukman rằng sứ mạng trên Mặt Trăng lần này sẽ thử nghiệm một số công nghệ then chốt và tiến hành các thí nghiệm khoa học.
Địa điểm đổ bộ sẽ là Vịnh Cầu vồng, một bình nguyên núi lửa bằng phẳng được cho là tương đối ít đá lớn.
Xe tự hành và bộ phận đổ bộ dùng năng lượng được tạo ra từ các tấm pin Mặt trời nhưng các nguồn khác cho rằng chúng cũng có các bộ phận đốt nóng đồng vị phóng xạ có chứa plutonium-238 để giữ ấm trong màn đêm lạnh giá của Mặt Trăng.

‘Khó nhất cho đến nay’

Tàu Hằng Nga 3 được phóng lên không trung
Trong một bài báo mới đây, các phi hành gia Eugene Cernan và ‘Buzz’ Aldrin từng bay trên tàu Apollo của Mỹ đã nhận xét rằng bộ phận đổ bộ lớn hơn cần thiết rất nhiều nếu xét về kích thước xe tự hành. Theo các phi hành gia này thì đây có thể là công nghệ dẫn đường cho một sứ mạng đưa người lên Mặt Trăng sau này.
Sứ mạng này có mục đích là thăm dò bề mặt của Mặt Trăng và tìm kiếm các kim loại quý. Nếu thành công thì đây sẽ là một cột mốc trong chương trình thám hiểm không gian dài hơi của Trung Quốc mà trong đó có thiết lập một trạm không gian thường trực trong quỹ đạo Trái Đất.
Tàu Hằng Nga 3 là ‘sứ mạng phức tạp nhất và khó khăn nhất cho đến nay trong chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc’ và có sử dụng nhiều công nghệ mới, Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn của Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp phục vụ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
Các chương trình thám hiểm Mặt Trăng khác trong tương lai mà Trung Quốc đang lên kế hoạch bao gồm đem về mẫu đất của Mặt Trăng. Các quan chức nước này cũng loan báo mục tiêu đầy tham vọng là đưa người lên hành tinh này.
Nếu được thực hiện thì đây sẽ là lần đưa người lên Mặt Trăng đầu tiên kể từ chương trình tàu không gian Apollo của Mỹ trong những năm 1960 và 1970.

Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten