Việt-Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng
Cập nhật: 05:12 GMT - thứ
năm, 21 tháng 11, 2013
Ông Trọng đang ở thăm Ấn Độ trong chuyến đi bốn ngày từ 19/11-22/11.
Ông đã hội kiến Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Phó Tổng thống Shri Hamid Ansari và Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar. Ngày 20/11 ông Nguyễn Phú Trọng cũng có hội đàm với Thủ tướng Manmohan Singh và sau đó hai bên đã ra tuyên bố chung.
Theo đó, "sử dụng khoản tín dụng trong lĩnh vực quốc phòng giúp tăng cường hợp tác quốc phòng".
Hai vị lãnh đạo "đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi về các điều khoản của khoản tín dụng" nói trên để tạo thêm động lực cho hợp tác song phương.
Tuyên bố chung không nói chi tiết về khoản tín dụng 100 triệu đôla, nhưng nguồn tin của BBC cho hay đây là khoản tín dụng Ấn Độ cho Việt Nam vay để mua tàu tuần tra.
Ý định cung cấp tín dụng cho Việt Nam mua bốn tàu tuần tra biển đã được đưa ra từ hồi tháng Bảy, và sau khi được lãnh đạo hai bên chuẩn thuận có thể sẽ được giải ngân ngay cuối năm nay.
Hai bên cũng mong muốn tiếp tục "thường xuyên tiến hành đối thoại quốc phòng, huấn luyện, tập trận, tàu Hải quân và Cảnh sát biển thăm viếng lẫn nhau, nâng cao năng lực, trao đổi các cố vấn và giao lưu giữa các cơ quan liên quan của hai nước".
Hồi tháng Chín, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, đã thăm chính thức Ấn Độ.
Hợp tác hải quân
"Hai nhà lãnh đạo... nhất trí cho rằng tự do hàng hải ở Biển Đông không nên bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực..."
Tuyên bố chung Việt-Ấn
Hai bên cũng thống nhất thành lập một Trung tâm Đào tạo Công nghệ Thông tin và tiếng Anh ở Học viện Quốc phòng Việt Nam ở Hà Nội.
Ấn Độ được trông đợi sẽ tham gia huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua từ Nga.
Hải quân là một trong các lĩnh vực hợp tác phát triển mạnh mẽ nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tháng Sáu vừa qua, bốn tàu hải quân Ấn Độ với thủy thủ đoàn 1.200 người đã cập cảng Tiên Sa trong một chuyến thăm bốn ngày.
Hoạt động thăm cảng được tiến hành thường niên và Delhi đã cung cấp cho Việt Nam nhiều trang thiết bị cũng như giúp huấn luyện quân nhân và sỹ quan của Việt Nam.
Tuyên bố chung Việt-Ấn ra hôm 20/11 nhấn mạnh rằng "tự do hàng hải ở Biển Đông không nên bị cản trở".
Đây là một phát biểu mạnh của Ấn Độ, quốc gia không chia sẻ Biển Đông và nằm khá xa Việt Nam.
Hai vị lãnh đạo kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
Tuyên bố chung cho hay Việt Nam và Ấn Độ "hoan nghênh các cam kết chung của các bên liên quan về việc tuân thủ và thực hiện Tuyên bố ứng xử của các Bên liên quan ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận".
"Hai nhà lãnh đạo kêu gọi hợp tác trong việc đảm bảo an ninh các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn."
Hợp tác dầu khí
Trong một diễn biến liên quan, hôm thứ Tư 20/11 giới chức PetroVietnam và Công ty Dầu khí ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác Dầu khí.OVL là công ty con của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC, chuyên trách khảo sát thăm dò và khai thác ở nước ngoài.
Bản ghi nhớ sẽ cho phép Petrovietnam và OVL cùng hoạt động thăm dò khai thác ở Việt Nam, Ấn Độ và cả các nước thứ ba.
Tuyên bố chung Việt-Ấn nói "Việt Nam hoan nghênh các dự án đầu tư mới của các công ty Ấn Độ trong các dự án thượng nguồn và hạ nguồn dầu khí ở Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo tỏ hài lòng rằng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ưu tiên giới thiệu cho Ấn Độ diện tích thăm dò và khai thác dầu khí mới."
Việc Ấn Độ tham gia thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông đã gây căng thẳng với Trung Quốc.
Năm 2011, ONGC loan báo kế hoạch tiến hành thăm dò ở hai lô 127 và 128 ở bể trầm tích Phú Khánh ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận của Việt Nam, một phần nằm trong các lô mà chính Trung Quốc cũng mời thầu nước ngoài.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối nhưng sau đó không có tin hãng dầu Ấn Độ rút đi.
Không phải đương nhiên mà giới quan sát cho rằng Ấn Độ là "đồng minh bền bỉ nhất" của Việt Nam.
Quan hệ kinh tế cũng được đề cập tới trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng.
Hai bên đặt mục tiêu đạt 7 tỷ đôla thương mại song phương vào năm 2015 và tăng lên 15 tỷ đôla vào năm 2020.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten