Nguyễn Giang
Khi lãnh đạo cất tiếng trên Twitter
Cập nhật: 14:56 GMT - thứ
ba, 19 tháng 11, 2013
Sáng nay tại buổi họp biên tập của BBC, tôi nêu
ra rằng trang Twitter của Tổng thống Indonesia đăng phản ứng với Úc
trong vụ nghe lén. Chuyện này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của
các đồng nghiệp tiếng Anh và các vùng khác.
Cách ông Yudhoyono đổi ngôn ngữ trên mạng xã hội là dấu hiệu Indonesia muốn cho cả thế giới thấy Jakarta rất bực bội và quan hệ đối tác với Úc sẽ bị xem lại.
Ông Susilo Bambang Yudhoyono không phải lãnh đạo quốc gia đầu tiên dùng mạng xã hội để giao lưu và nêu ra thông điệp quốc tế của mình.
Năm ngoái, theo thống kê của báo New York Times, một loạt lãnh đạo quốc tế từ thủ tướng Anh, Chile, Mexico, các quan chức Liên hiệp châu Âu đã chính thức đăng ký dùng Twitter, trang web dùng biểu tượng con chim hót líu lo (tweeting).
Tuy nhiên, họ đều chậm và còn thua xa ‘nhà quán quân’ là Tổng thống Mỹ.
Địa chỉ @barackobama hiện vẫn chiếm con số kỷ lục trên 40 triệu người theo và còn tiếp tục tăng.
Không chỉ ở Mỹ các chính khách mới dùng các mạng xã hội kết nối với dân chúng và vận động dư luận hoàn toàn miễn phí cho bản thân.
Quả vậy, dân mạng đến nay còn lưu truyền huyền thoại rằng Twitter đã giúp ông Francois Hollande thắng cử khi tranh chức tổng thống với ông Nicolas Sarkozy ở Pháp hồi 2012.
Ông Hollande, dù chỉ là ứng viên ra tranh cử, đã khôn ngoan ‘líu lo’ trên Twitter tới 15 lần câu ‘Tôi, ở cương vị Tổng thống Cộng hòa Pháp’ mà ông dùng ở dạng giả định với phần tiếp ‘sẽ làm XYZ,,,’.
Cái Tweet đó giúp cử tri Pháp hình dung ra ông Hollande là tổng thống và kết cục, ông được 51,62% phiếu, nhỉnh hơn ông Sarkozy một chút (48,38%) nhưng đủ để thắng cử.
Ví dụ như ông David Cameron đã lên Twitter (@David_Cameron) chỉ trước Hội nghị của đảng Bảo thủ Anh 2012.
Vì các đảng viên và các nhóm vận động của đảng này đã trênTwitter từ lâu rồi và không lên mạng thì ông Cameron bị lạc hậu.
Chủ tịch Ủy hội châu Âu, Jose Manuel Barroso, (@BarrosoEU) cũng dùng Twitter để nhắn tin trực tiếp tới hàng triệu người dân EU mà không cần bộ máy thông tin báo chí cồng kềnh ở Brussels.
Nhưng có vẻ trang Twitter quan chức như của ông Barroso không ăn khách lắm.
Tôi vừa vào kiểm tra và thấy ông chỉ có 60 nghìn ‘followers’, con số chẳng thấm gì so với trên 400 triệu dân toàn khối EU và cũng thua ông Cameron, mới 'líu lo' hơn một năm đã có 514 nghìn người theo.
Riêng hay chung?
Mạng xã hội có lợi thế là nó giúp các chính trị gia nắm bắt dư luận nói gì, phản ứng ra sao trước các thông điệp của họ.Nhưng quan trọng hơn, các mạng này cho chính khách cơ hội bày tỏ ý kiến như một con người, chứ không phải như một cái máy.
Khi tân Tổng thống Iran, Hassan Rouhani bắt đầu dùng Twitter (hiện có chừng 129 nghìn người theo) và đăng ảnh trên Facebook thì BBC bình luận ngay đây là dấu hiệu Iran muốn cởi mở hơn.
Vào xem trang Facebook của Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra ta cũng thấy được nhiều cách phục sức duyên dáng của bà và nghi lễ đón khách quốc tế khá hay của Thái Lan.
Nhìn tấm ảnh bà Yingluck ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, mặc quân phục màu cỏ úa ngồi giữa nhóm tướng lĩnh quân phục màu xanh hoặc lễ phục trắng ta cũng hiểu thêm về quan hệ quyền lực trong chính trường Thái.
Trang Facebook của ông Putin cũng nhiều ảnh với các thành tích võ thuật, bơi sông, lội suối, trượt tuyết, vật nhau với chó của ông, đúng là hình ảnh một người muốn tỏ ra có sức mạnh.
Nhưng Bấm trang chính của Điện Kremlin về ông cũng không thiếu các hình đen trắng thời cậu bé Vova sống nghèo, ở với ông bà tại vùng quê.
Có phải ông Putin muốn gợi lại quá khứ Xô Viết chung với nhiều người Nga?
Nói chung, các lãnh đạo quốc tế đều cố gắng trung thành với nguyên tắc mạng xã hội là vừa bày tỏ cá tính qua ảnh riêng, các câu bình luận về cảnh vật, vừa nhắn gửi thông điệp chính trị cho quốc gia.
Tôi không rõ các lãnh đạo Việt Nam hiện dùng mạng xã hội tới mức nào trong thời đại Twiplomacy rất cần thông tin nhanh.
Ví dụ sau các vụ va chạm biển đảo, chỉ cần một vị nhắn tin trên Twitter (như ông Yudhoyono làm với Úc) hay ‘up’ lên Facebook một bức hình ngư dân Việt là cả thế giới hiểu ngay, khỏi cần các thông cáo, trả lời phóng viên lặp đi lặp lại.
Đây là các trang vừa ít người theo, vừa đăng nhiều tin thiếu tầm quốc gia, lại thiếu tính cá nhân, có vẻ như do máy lập ra, tất cả chung một gam màu cờ đỏ, hình chủ trang là ảnh hộ chiếu.
Cũng ở châu Á nhưng các lãnh đạo nước khác sáng tạo hơn: trang Twitter của ông Lý Hiển Long dùng ảnh ông mặc thường phục, đứng giữa nhóm bạn trẻ, Facebook của ông Shinzo Abe đăng ảnh ông cầm đũa chia đồ ăn với người dân.
Twitter hay Facebook không còn chỉ là chuyện truyền thông chung chung mà như bà Hillary Clinton từng nói, mạng xã hội chính là ‘Nghệ thuật cầm quyền ở thế kỷ 21’.
Việt Nam được quốc tế ghi nhận là có số dân mạng tăng nhanh, riêng Facebook đã có trên 20 triệu người dùng, nên lãnh đạo dùng mạng xã hội đúng đắn và hấp dẫn chắc chắn là điều tốt cho chính họ và cho đất nước.
Mời quý vị xem thêm các Bấm bài viết gần đây hoặc đã đăng từ 2011 về trước của tác giả Bấm Nguyễn Giang.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/blogs/2013/11/131119_leaders_twitters_facebook.shtml
Geen opmerkingen:
Een reactie posten