zaterdag 23 november 2013

Bangladesh : Vải may nhuộm máu

Thứ tư 20 Tháng Mười Một 2013

Bangladesh : Vải may nhuộm máu

Công nhân ngành may mặc chọi gạch vào lực lượng an ninh - REUTERS /Andrew Biraj
Công nhân ngành may mặc chọi gạch vào lực lượng an ninh - REUTERS /Andrew Biraj

Lê Phước
Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ngành may mặc nước này sử dụng trên 4 triệu lao động. Thế nhưng, bên cạnh sự “đồ sộ” đó, thì lương công nhân của ngành này cũng thuộc vào hàng thấp nhất thế giới.


Công nhân may mặc tại đây đã nhiều lần xuống đường và đụng độ với cảnh sát. Làn sóng này có vẻ ngày càng dữ dội. Báo chí Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến chủ đề này. Nhật báo Công Giáo La Croix đăng bài: “Tại Bangladesh, công nhân ngành may mặc nổi dậy”. Nhật báo Le Monde cảnh báo: “Tại Bangladesh, biểu tình bị đàn áp trong máu lửa”.
Cả hai tờ báo cho biết, từ hai ngày nay, công nhân ngành may mặc lại rầm rộ xuống đường ở khu vực thủ đô Dhaka của Bangladesh. Có đến 140 xưởng may phải tạm đóng cửa. Cảnh sát đã nổ súng làm thiệt mạng 2 công nhân và làm bị thương 150 người. Hôm qua, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, cảnh sát lại dùng vũ lực giải tán đám đông, khiến 50 người bị thương.
Người biểu tình đòi chính phủ nâng mức lương tối thiểu cho công nhân ngành may mặc. Trước kia, mức tối thiểu này là 30 euro/tháng (40 đô la) cho 6 ngày làm việc trong tuần. Sau nhiều lần biểu tình đòi tăng lương của công nhân, nhà cầm quyền đã cho tăng lên mức 50 euro/tháng (68 đô la) và mức mới này sẽ được áp dụng từ đầu tháng 12 tới. Thế nhưng, các nghiệp đoàn cho rằng, mức lương tối thiểu phải là 76 euro/tháng (102 đô la).
Hai tờ báo đều nêu ra những chi tiết cho thấy, giới chủ doanh nghiệp và chính quyền đứng chung một phe để thẳng tay đàn áp công nhân. Có những chủ doanh nghiệp còn không ngần ngại cấm công nhân không được tham gia biểu tình.
Cách đây sáu tháng, Bangladesh từng bị chấn động bởi vụ sập tòa nhà 8 tầng ở thủ đô Dhaka mà ở đó có nhiều hãng xưởng may mặc. Hậu quả là: gần 1 200 người chết và 1 600 người bị thương. Sự việc đã cho thấy phần nào điều kiện làm việc đầy nguy hiểm của công nhân Bangladesh.
Hai tờ báo đều cho rằng: sáu tháng đã trôi qua, nhưng tình hình vẫn không có gì cải thiện, các cuộc điều tra không nhắm vào những điểm cần thiết, việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân cũng gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức phi chính phủ muốn thành lập một quỹ dành cho tai nạn lao động như trên với sự đóng góp của các chủ doanh nghiệp. Thế nhưng, có rất nhiều doanh nghiệp không chịu tham gia.
Nhật báo Le Monde cho biết thêm, tại Châu Á, lương công nhân ngành may mặc của Bangladesh thuộc hàng thấp nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế-ILO thuộc Liên Hiệp Quốc, thì thu nhập bình quân của công nhân may mặc ở Ấn Độ là 71 đô la/tháng, Sri Lanka là 73 đô la/tháng, Việt Nam là 78 đô la/tháng, Pakistan là 79 đô la/tháng, Cam Bốt là 80 đô la/tháng. Chỉ có Miến Điện là còn ở mức 53 đô la/tháng.
Còn theo báo La Croix, sau vụ sập tòa nhà 8 tầng nói trên, hơn 100 doanh nghiệp tại Bangladesh đã ký một thỏa thuận về an toàn làm việc ở các nhà máy. Theo thỏa thuận này, một ban thanh tra sẽ được thành lập và sẽ tiến hành kiểm tra một cách độc lập ở các hãng xưởng. Thế nhưng, công tác thành lập ban này hiện vẫn chưa đến đâu do nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau.

Bangladesh - Châu Á - Dệt may - Xã hội - Điểm báo

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20131120-bangladesh-nganh-may-mac-tiep-tuc-nong-len

Geen opmerkingen:

Een reactie posten