vrijdag 1 november 2013

Đầu tư Trung Quốc vào Pháp : Hy vọng và lo lắng

Thứ ba 29 Tháng Mười 2013
Đầu tư Trung Quốc vào Pháp : Hy vọng và lo lắng
Trung Quốc đầu tư mua lại các hiệu rượu nho hay cổ phần công ty xe hơi Pháp - AFP / N. Tucat
Trung Quốc đầu tư mua lại các hiệu rượu nho hay cổ phần công ty xe hơi Pháp - AFP / N. Tucat
Thanh Hà
Hy vọng và lo lắng trước các làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Pháp lại dấy lên với tin đồn Đông Phong (Dongfeng) chuẩn bị mua lại 30 % tập đoàn PSA Peugeot Citroën để làm chủ công nghệ xe hơi. Đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Pháp tăng mạnh trong 10 năm gần đây trong đủ mọi lĩnh vực vừa là hy vọng vừa là rủi ro đối với nhiều ngành nghề.
Vào đầu tháng 10, nhiều tờ báo kinh tế tiết lộ tin tập đoàn sản xuất xe hơi Trung Quốc Đông Phong chuẩn bị thâu tóm 30 % vốn của đối tác Pháp là PSA Peugeot Citroën. PSA đang phải đối diện với khủng hoảng trong ngành công nghiệp xe hơi và cần tăng vốn thêm 3 tỷ euro. Năm ngoái PSA thua lỗ đến 5 tỷ euro. Nhìn từ phía Pháp, Gió Đông -với hơn 7 tỷ euro doanh thu một năm- là một đối tác lý tưởng. Với chìa khóa kỹ thuật trong tay, Peugeot trông cậy vào đối tác tài chính vững mạnh như Đông Phong để cùng nhau chinh phục thị trường xe hơi thế giới.
Về phần mình, Đông Phong chỉ cần chi ra 1,2 tỷ euro, sẽ rút ngắn được thời gian chuyển giao công nghệ, đồng thời sự hợp tác này sẽ mở ra cánh cửa của thị trường xe hơi châu Âu cho Trung Quốc. Liên kết với PSA còn là con đường ngắn nhất để hãng xe lớn thứ nhì tại Trung Quốc, Đông Phong, trở thành một nhà sản xuất có tầm cỡ quốc tế, khi biết rằng, Peugeot Citroën hiện là tập đoàn xe hơi đứng hạng thứ nhì tại toàn châu Âu.
Đông Phong được hình thành từ những năm 1960, có trụ sở ở Vũ Hán. Trong nhiều thập niên, tập đoàn này chỉ sản xuất xe vận tải chủ yếu đẻ phục vụ cho quân đội trước khi chuyển sang lĩnh vực xe ô tô cá nhân. Một trong những chi nhánh của Đông Phông là SAIC năm ngoái đã cho ra lò hơn 3 triệu chiếc xe hơi trong khuôn khổ hợp tác liên doanh với nhiều đối tác quốc tế như Nissan, Honda của Nhật, Peugeot Citroën PSA của Pháp hay Kia của Hàn Quốc.
Cuộc hôn nhân giữa hai đối tác đã làm việc với nhau trong hơn 20 năm trời tưởng chừng quá đẹp nhưng thật ra cả phía Peugeot Citroën lẫn Đông Phong còn thận trọng. PSA hiện cần gấp được rót thêm 3 tỷ euro tiền mặt để đầu tư. Trong đó 50 % do nhà nước Pháp bảo đảm để giữ tập đoàn sản xuất xe hơi này dưới màu cờ của Pháp. Nói như vậy Peugeot phải tìm ra khoảng 1,5 tỷ euro khác mà trên nguyên tắc Đông Phong có nhiều khả năng để tham gia. Thế nhưng trước mắt Đông Phong có thể kiểm soát tới 30 % vốn của PSA mà chỉ chi ra có 1,2 tỷ euro mà thôi. PSA nhìn nhận là cần vốn, nhưng con chim đầu đàn của nền công nghệ xe hơi Pháp này không chấp nhận « bán mình » bằng bất cứ giá nào. Hơn nữa hiện tại 7 % vốn của PSA do tập đoàn xe hơi Mỹ, GM kiểm soát và GM không đồng ý để cho đối tác Trung Quốc tham gia hội đồng quản trị của PSA Peugeot Citroën. Sau cùng, gia đình Peugeot hiện đang kiểm soát hơn 25 % vốn của PSA cũng không sẵn sàng nhường lại chiếc ghế chủ tịch hội đồng quản trị cho bất kỳ một đối tác nước ngoài nào. Tất cả những yếu tố đó khiến, theo tin mới nhất có thể là PSA đang hướng tới một giải pháp khác để tìm ra khoản đầu tư 1,5 tỷ euro mà không cần đến Đông Phong.
Về phần mình bản thân Đông Phong tuy trông thấy những tiềm năng to lớn đang mở ra trước mắt, nhưng phía đối tác Trung Quốc « không vội ». Bởi tập đoàn này thừa biết rằng họ là điểm tựa của Peugeot trên thị trường xe hơi đầy tiềm năng của Trung Quốc. Hơn nữa trong quá khứ một vài tập đoàn của Trung Quốc cũng đã từng bị vấp ngã và thất vọng khi mua lại các đối tác Pháp. Đó là trường hợp từng xảy tới với tập đoàn điện tử TCL khi mua lại chi nhánh sản xuất màn hình vô tuyến của Thomson hay chi nhánh sản xuất điện thoại di động của Alcatel. Phía Trung Quốc cũng đề phòng khả năng đối tác nước ngoài không chuyển giao công nghệ như là trường hợp của tập đoàn dược phẩm Rhodia Silicones&Adisseo vẫn duy trì các hoạt động nghiên cứu tại Pháp.
Kế hoạch để cho tập đoàn Đông Phong của Trung Quốc tham gia vào vốn của hãng xe PSA Peugeot Citroën đến nay vẫn chưa ngã ngũ nhưng trường hợp này lại làm dấy lên nhiều tranh luận về đầu tư của Trung Quốc vào đất Pháp.
Pháp là địa điểm đầu tư quan trọng thứ 3 của Trung Quốc tại châu Âu. Trong khi đó Trung Quốc là nhà đầu tư đứng hàng thứ 11 của Pháp. Theo thống kê của Ngân hàng trung ương Pháp BDF, tổng đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc và Hồng Kông vào lãnh thổ Pháp trong năm 2012 lên tới 4,2 tỷ euro- tương đương với chưa đầy 1 % FDI của Pháp. Con số 4,2 tỷ euro nói trên không thấm vào đâu so với tổng đầu tư trực tiếp của Pháp trên quê hương ông Đặng Tiểu Bình. Tính tới cuối năm 2012, Pháp đầu tư đến 16,7 tỷ euro vào Trung Quốc.
Nhưng chỉ mới cách nay hơn một chục năm Pháp còn là một vùng đất gần như không được các công ty Trung Quốc biết tới. Thế rồi khủng hoảng tài chính 2008 và nhất là khủng hoảng kéo dài trong khu vực đồng euro từ năm 2010 tới nay đã đột ngột thay đổi tình hình. Từ Anh Quốc đến Đức và đương nhiên là Pháp, Ý đều trải thảm đỏ đón các doanh nhân Trung Quốc.
Với khoảng 3 000 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc là chủ nợ chính của Hoa Kỳ, nắm giữ 10 % nợ công của châu Âu. Bắc Kinh đang ráo riết tìm kiếm các ngả đầu tư hiệu quả hơn. Tính tới tháng 6/2013 tổng đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực không kể ngành tài chính và ngân hàng, tăng 29 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Hiện tại có khoảng 200 chi nhánh của các tập đoàn Trung Quốc đã có mặt tại Pháp, bảo đảm công việc làm cho khoảng từ 12 đến 15 ngàn người.
Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc, như Lenovo hay ZTE, chọn Paris để mở văn phòng đại diện cho toàn khu vực châu Âu. Lại cũng tập đoàn tin học ZTE đang chuẩn bị mở trung tâm nghiên cứu ngay tại Pháp. Tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc ICBC đã mở chi nhánh đầu tiên trên đất Pháp từ hơn 2 năm nay. Lại cũng các đối tác Hồng Kông đã mua lại ba khách sạn hạng sang của Pháp là Shangri La, Mandarin Oriental và Peninsula. Thế rồi tháng 7/2013, hãng du lịch và cho thuê nhà nghỉ mát Club Med đã hợp tác với Fosun. Về phần quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc CIC đã tham gia vào tập đoàn điện lực quốc gia Pháp DGF …
Bên cạnh đó còn phải kể đến sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm. Nhiều nhãn hiệu rượu vang nổi tiếng của Pháp với những đồn điền trồng nho thẳng cánh cò bay cũng đã đổi chủ. Trả lời đài RFI Pháp ngữ, bà Françoise Nicolas, giám đốc Trung tâm Châu Á thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp, IFRI nêu lên vấn đề :
« Thực ra đây là một trường hợp mới tiêu biểu cho chính sách đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Mọi người ngạc nhiên vì cứ nghĩ rằng Trung Quốc chỉ tập trung đầu tư vào châu Phi hay những nước đang phát triển, chủ yếu là để làm chủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay các nguồn nhiên liệu cần thiết cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc. Thế nhưng rõ ràng là chiến lược đầu tư của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Trung Quốc rất quan tâm đến các nước công nghiệp phát triển. Cũng phải nói là hiện nay Trung Quốc đang có rất nhiều dự trữ ngoại tệ trong tay và người Trung Quốc rất năng động trong việc tìm kiếm các thị trường mới, các địa bàn hoạt động mới. Trong khi đó thì những quốc gia như là Pháp chẳng hạn lại thiếu tiền, lại cần nguồn đầu tư »
Sự dồi dào về tài chính của Trung Quốc luôn làm mê hoặc các tập đoàn của Pháp đang trong tình trạng thiếu vốn. Thậm chí một số các công ty của Pháp và kể cả một số chính quyền cấp địa phương còn coi Trung Quốc như là một giải pháp để đưa châu Âu ra khỏi khủng hoảng. Về điểm này nhà nghiên cứu Claude Meyer, giảng dậy tại trường chính trị kinh doanh Sciences-Po Paris phân tích :
« Tôi nghĩ là chính sách đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trước hết là để đáp ứng một số nhu cầu cơ bản của quốc gia này. Trung Quốc đầu tư để đắp vào những ‘lỗ hổng’ trong cơ cấu kinh tế. Những lỗ hổng đó là gì ? Đó là nhu cầu về năng lượng, là những yếu kém về phương diện kỹ thuật, và nhu cầu cần tìm ra những thị trường mới để xuất khẩu hàng Trung Quốc. Do vậy 70 % đầu tư của Trung Quốc ở hải ngoại nhắm vào các lĩnh vực năng lượng, và nguyên liệu.
Kế tới, họ nhắm vào các tập đoàn của phương Tây để được chuyển giao công nghệ : hoặc là Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp của Âu Mỹ, hoặc dưới hình thức liên doanh. Đây là hình thức để các tập đoàn của Trung Quốc chen chân được vào thị trường châu Âu hay châu Mỹ. Bởi cho đến nay thị phần của họ còn rất khiêm tốn. Nhưng công bằng mà nói thì các luồng vốn đầu tư trên thế giới đổ vào Trung Quốc hay từ Trung Quốc tuôn ra thế giới bên ngoài tuần hoàn theo hai chiều.
Hiện nay Trung Quốc là điểm đến số 1 của các dòng tư bản quốc tế, nhưng từng bước thì đầu tư của Trung Quốc ra phần còn lại của thế giới cũng đang được tăng lên. Hiện tượng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa. Nói cách khác, vốn của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tràn vào các thị trường quốc tế mạnh hơn trong những năm tới. Quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc China Investment Corp (CIC) đã được thành lập ra với mục tiêu đó. CIC đang có trong tay một khối tiền khổng lồ hàng ngàn tỷ đô la. Nhưng đầu tư một khoản tiền lớn như vậy không phải là chuyện dễ. Một phần khoản dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc được đầu tư ở Hoa Kỳ. Đừng quên rằng Trung Quốc là chủ nợ lớn của Mỹ và hiện đang nắm giữ luôn 10 % nợ công của châu Âu. Nhưng đấy là các khoản đầu tư với hiệu quả thấp. Chính vì vậy mà CIC có trọng trách tìm các nguồn đầu tư có thể đem lại lợi nhuận cao».
Vậy đầu tư của Trung Quốc có lợi gì cho thế giới ? giáo sư Françoise Nicolas thuộc viện quan hệ quốc tế IFRI trả lời :
« Đương nhiên là quốc tế có lợi khi Trung Quốc ồ ạt đầu tư ra nước ngoài. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với lo ngại của Pháp và các nước phương Tây. Chúng ta hay sử dụng những cụm từ như là ‘chiếm đoạt’, hay ‘bành trướng’ khi nói về hiện tượng các tập đoàn Trung Quốc trên đường ‘quốc tế hóa ‘… Nhưng thực tế là như chuyên gia Claude Meyer vừa nói, chính sách đầu tư của Trung Quốc nhằm đáp ứng một số đòi hỏi của nền kinh tế nước này và xét cho cùng thì những ưu tiên của Trung Quốc cũng rất gần gũi với những động cơ của tất cả các nhà đầu tư trên thế giới : đầu tư trước hết là một phương tiện để mở ra những thị trường mới.
Chính vì vậy mà Trung Quốc đầu tư vào những lĩnh vực cho phép họ đẩy mạnh xuất khẩu vào những địa bàn mới. Vậy thì đầu tư của Trung Quốc có lợi gì cho một quốc gia như Pháp hay châu Âu ? Tôi xin nhấn mạnh là khi mà Trung Quốc đầu tư vào một hãng nào đó tại châu Âu, thì điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp này cũng sẽ dễ dàng chen chân vào thị trường Trung Quốc hơn. Bước vào thị trường Trung Quốc cùng với một đối tác Trung Quốc thì sẽ dễ hơn là phải tự đẩy cánh cổng vốn khép kín của thị trường nội địa Trung Quốc ! ».
Trước sự hiện diện ngày càng được mở rộng của các tập đoàn Trung Quốc trên trường quốc tế, các chuyên gia Pháp về Trung Quốc thường xuyên kêu gọi chính phủ thận trọng tránh để bán rẻ di sản văn hóa, công nghiệp của nước Pháp cho một đối tác nước ngoài. Điều khiến mọi người quan ngại đó là các tập đoàn Trung Quốc muốn mua lại hay hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây, đều do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Ở đây đặt ra vấn đề chính trị và chiến lược . Nhà nghiên cứu Claude Meyer của trường Sciences Po Paris giải thích thêm :
« Chúng ta không nên quên rằng các tập đoàn Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư ra nước ngoài đều là các tập đoàn nhà nước. Do vậy tôi cho rằng, đầu tư của Trung Quốc vào Âu Mỹ hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới là điều đáng khích lệ trong một số điều kiện : thứ nhất là đối với một số quốc gia chưa phát triển, chẳng hạn như tại châu Phi, các bên cần phải củng cố thêm luật lệ về xã hội về lao động và môi trường. Điểm thứ nhì cần lưu ý là tại một số nơi, như châu Phi hay châu Mỹ La Tinh, đầu tư của Trung Quốc phải nhằm giúp cho các ngành công nghiệp địa phương phát triển.
Đây là điều không phải lúc nào cũng được phía Trung Quốc tôn trọng. Các nền kinh tế chậm phát triển phải thận trọng để Trung Quốc không rút ruột hết các nguồn tài nguyên rồi bỏ đi vì khi đó thì họ không còn gì để nuôi sống người dân và tự biến mình thay ‘tay chân’ của Trung Quốc. Tôi nghĩ là những nền kinh tế đang phát triển nên coi các nhà đầu tư Trung Quốc như một ngân hàng, để được cấp tín dụng. Dùng đầu tư của Trung Quốc để mở rộng mạng lưới công nghiệp chứ không phải để trao hết thân phận mình cho các doanh nghiệp Trung Quốc !
Về phần các nền công nghiệp phát triển của phương Tây chúng ta cũng nên thận trọng trên một số vấn đề như là : bảo vệ tất cả các lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng ; tránh để bị lệ thuộc vào Trung Quốc hoặc để Bắc Kinh dùng lá bài kinh tế nhằm gây áp lực với châu Âu hay với Pháp. Tôi lấy thí dụ gần đây nhất là Trung Quốc toan bắt chẹt các nước trong khối euro để đòi Bruxelles công nhận quy chế kinh tế thị trường của nước này hay đòi Liên Hiệp Châu Âu bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc …
Riêng đối với các doanh nghiệp Pháp đã và đang hoặc sắp liên kết với một đối tác Trung Quốc thì cũng cần biết rằng hợp tác với Trung Quốc không phải là dễ và sự hợp tác đó phải tuân thủ một số thứ tự ưu tiên. Một là sự tham gia của đối tác Trung Quốc phải cho phép hoặc tạo thêm hay ít nhất cũng là bảo vệ công việc làm cho người lao động Pháp. Hai là về mặt chuyển giao công nghệ tránh để khoảng cách về công nghệ giữa các nước phát triển và đang phát triển bị thu hẹp lại quá nhanh ».
Nhân thượng đỉnh Trung Quốc –Châu Âu lần thứ 15 hồi tháng 9/2012 tại Bruxelles Trung Quốc đã khẳng định lại quyết tâm đầu tư vào Liên Hiệp Châu Âu. Từ 5 năm qua Bắc Kinh đã không ngừng khuyến khích các công ty trong nước « quốc tế hóa » và lợi dụng thời cơ Âu Mỹ đang chỉnh đốn kinh tế để chen chân vào hai thị trường này. Trong chiến lược phát triển thì không một bên nào được phép ngây thơ trước những toan tính của đối phương.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten