2011-11-01
Biểu đồ của Liên Hiệp Quốc diễn giải mối tương quan giữa dân số với tuổi tác con người trên thế giới cho thấy một tương lai lão hoá của nhân loại.Công dân thứ bảy tỉ
Tên tuổi lý lịch của công dân thứ bảy tỷ của thế giới đã được công bố trong ngày hôm nay, thứ hai 31 tháng 10 năm 2011. Đó là bé gái tên Danica May Camacho, nặng 2 ký rưỡi, sinh ra trước nửa đêm chủ nhật 30 tháng 10 tại bệnh viện công Jose Fabella ở Manila.Cha mẹ công dân thứ bảy tỉ của thế giới đã cùng đại diện của Liên hiệp quốc tại Manila chào đón cháu Danica May Camacho với một chiếc bánh ngọt. Đặc biệt, cùng có mặt để đón công dân tí hon đặc biệt này có cháu Lorrize Mae Guevarra, 12 tuổi mà Philippines đã phong là công dân thứ sáu tỷ hồi năm 1999. Như vậy nghĩa là nhân loại đã “sản xuất” thêm 1 tỉ nhân khẩu chỉ trong vòng 12 năm! Chúng ta sẽ thấy tốc độ này sắp chậm lại đáng kể.
Tất nhiên cả hai bé sáu tỷ và bảy tỷ đều là những nhân vật tượng trưng cho dân số thế giới ở những điểm mốc quan trọng. Cơ quan dân số của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận sai số cộng trừ 1% đến 2% về dân số thế giới; nghĩa là lúc bé Danica ra đời, dân số thế giới có thể là 56 triệu cao hơn hay thấp hơn con số 7 tỉ người.
Cơ quan Tham khảo Dân số của Hoa Kỳ thì cho rằng dân số toàn cầu đã vượt con số 7 tỉ trước đó nhiều tuần lễ. Các viên chức về dân số tại Ấn Độ thì lại chỉ định bảy bé gái sinh ngày thứ hai là biểu tượng cho các công dân thứ 7 tỉ của trái đất!
Website chuyên so sánh các nước trên thế giới với nhau, có tên “Nếu đó là nhà tôi”, IfItWereMyHome.com, lại cho biết Danica sẽ chỉ sử dụng gần 5% năng lượng và xăng dầu so với một ấu nhi ở Mỹ, và cũng chỉ làm ra tiền bằng 8% so với bé Mỹ kia.
Dân số thế giới lão hoá
Giới nghiên cứu trên thế giới chú ý đến sự kiện dân số thế giới đang già đi so với từng phút giây trước đó, vào khi một trẻ sơ sinh ra đời để dân số thế giới tăng thêm. Nói cách khác, dân số thế giới đang tiến vào vùng xám. Khi công dân thứ bảy tỉ ra đời, thì dân số mang kính lão của thế giới cũng gia tăng.Dân số toàn cầu lão hoá nhanh hơn bất cứ dự đoán nào cách nay vài thập niên. Sinh xuất toàn cầu, tức là tỉ lệ sinh nở trên toàn thế giới, đã suy giảm mạnh, trong khi tuổi thọ con người gia tăng nơi nơi trên trái đất. Kết quả là biểu đồ diễn giải mối tương quan giữa dân số với tuổi tác đang biến dạng nhanh chóng kể từ năm 1975 đến nay.
Biểu đồ này có hình thiết diện chiều dọc của một kim tự tháp với đỉnh nhọn ở phía trên. Phần chóp của kim tự tháp dành cho các cụ già, trên chót đỉnh, đúng hơn là ngoài chót đỉnh, là những ông bà cụ thọ nhất của loài người. Đáy kim tự tháp lớn rộng, biểu diễn số lượng trẻ sơ sinh và thiếu nhi, ngay bên trên phần đáy là phần của những người trẻ tuổi, càng lên thêm trên cao độ của biểu đồ thì hình tháp càng tóp lại,có nghĩa dân số giảm theo tuổi tác gia tăng.
Từ 1950 đến 1970 phần đáy và phần đỉnh to nhỏ thay nhau, không đáng kể, nghĩa là tuổi trung bình của dân số thế giới ít đổi thay. Nhưng từ 1975 đến nay, mỗi năm năm phần đáy và gần đáy đã tóp lại nhanh chóng. Từ đó trở lên, kim tự tháp phình ra, và càng về sau, tức là càng gần hiện tại, thì bề ngang của phần giữa kim tự tháp càng tăng nhanh chóng. Điều đó có nghĩa là với tất cả thiên tai, chiến tranh, dịch hoạ… con người ta vẫn tăng tuổi thọ trong khi sinh xuất giảm đều.
Biểu đồ này thay đổi theo từng quốc gia. Những nước càng giàu có, phát triển thì càng thiên về khuynh hướng tăng tuổi thọ, giảm sinh xuất toàn dân.
Niềm vui và mối lo
Tin vui từ đó ra, là ở chỗ cuộc sống con người thọ hơn nhờ thuốc men càng ngày càng có hiệu quả, dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh hơn. Một ví dụ là trong thập niên 1950, ai mang bệnh lao là ký bản án với tử thần, trong khi đến thập niên 1970 trở đi bệnh lao đã trở thành dễ chữa. Tất cả những bệnh dịch khủng khiếp nhất của nhân loại đều bị ngăn chặn kịp thời và chữa trị nhanh chóng, dưới sự điều động hiệu quả của Liên Hiệp Quốc và sự cộng tác nhiệt thành của tất cả hằng trăm quốc gia, bất kể chính kiến, giàu nghèo, tôn giáo…Con người cũng chịu khó ăn uống bổ khoẻ và kiêng cữ tốt hơn, hay nói cách khác, điều kiện sống gia tăng đã đem lại nhiều thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh, trong khi ý thức về mối tương quan giữa thực phẩm với sức khoẻ đã được nâng cao ở hầu hết các quốc gia.
Ngày nay ở nhiều n
ơi trên thế giới người ta không còn thấy những bữa tiệc hay bữa ăn thường nhật đầy tràn ê hề những thịt thà cá mú mỡ màng bóng nhẫy, hay trứng gà vịt, những hải sản đầy dầu mỡ với cholesterol… Ngay tại những nước trọng phong tục như Việt Nam, ngày tết với bánh chưng thịt mỡ dưa hành, ngày cưới hỏi với lợn quay xôi gấc… cũng dần dần được cải tiến hay cắt giảm để vừa ngon vừa lành hơn trước. Đó là điều lợi ích của ý thức về dinh dưỡng, cùng lúc với những nguồn dinh dưỡng gia tăng.
Trong khi đó thì sinh xuất giảm sút ở những xã hội thịnh vượng có nền giáo dục cao. Phụ nữ ở khắp nơi càng ngày càng có quyền quyết định nhiều hơn về sự sinh sản của mình.
Tuy nhiên sự chuyển đổi biểu đồ tương tác giữa dân số với tuổi tác con người lại là mối lo của giới khoa học cũng như giới lãnh đạo chính trị ở nhiều quốc gia. Những quốc gia hạn chế sinh sản mãnh liệt nhất nay gặp phải vấn đề xã hội già nua như một cuộc khủng hoảng tổng thể đáng lo ngại. Những xã hội này đột nhiên khao khát có thêm lớp trẻ sơ sinh và thiếu nhi.
Dân số già lão tăng khá nhanh, dân số lao động trẻ giảm sút mau chóng, khiến người ta thiếu những người lao động sản xuất để nuôi thế hệ cha mẹ, thậm chí thế hệ ông bà của họ còn tại thế. Lớp tiền bối ngày càng đông hơn và sống thọ hơn, nhưng không còn đủ sức lao động để đóng góp cùng xã hội.
Việc dân số lão hoá của thế giới có thể thay đổi các nền văn hóa theo vô số dạng thức. Nhiều nơi có thể có những vị cao niên cần làm việc thêm nhiều năm sau tuổi hưu trí. Nhiều nước có thể tranh giành nhau những di dân trẻ, cần cù.
Nhìn tổng quát, cả thế giới vẫn không thiếu trẻ sơ sinh, và do đó không thiếu lớp người trẻ tuổi. Theo Cơ quan Dân số Hoa Kỳ, mỗi phút trong từng ngày, trên thế giới số trẻ được sinh ra vẫn nhiều hơn số người từ giã cõi đời tới 158 nhân mạng. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ con số chênh lệch về gia tăng dân số này không đều khắp. Các nước đang phát triển gia tăng dân số nhiều hơn và nhanh hơn các nước phát triển.
Riêng Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển nhanh và có chính sách hạn chế sinh sản khắc nghiệt nhất, biểu đồ dân số/ tuổi tác năm 1970 cho thấy một hình dáng gần bình thường, nhưng biểu đồ năm 2000 thay đổi sang một hình thể lạ kỳ, khi dân số Trung Quốc cỡ tuổi 30–34 bằng dân số tuổi 10-14, và nhiều hơn tuổi 15-19. Cỡ tuổi ít người nhất lại là tuổi sơ sinh từ 0 tới 4 và thanh niên từ 20 đến 24!
Hiện tượng lão hoá ở Việt Nam và Mỹ
Biểu đồ này của Việt Nam từ năm 1995 về trước mang hình dáng bình thường, tức là kim tự tháp đáy lớn rộng và ngọn thật nhỏ. Năm 2000 bắt đầu biến dạng, qua 2010 thì biểu đồ trông không còn bình thường, với dân số từ 15 tới 19 tuổi đông nhất, các nhóm từ 25 tới 29 cho tới 45-49 có dân số bằng nhau, và chỉ kém nhóm sơ sinh từ 0 tới 4 tuổi có vài phần trăm.Biểu đồ dân số Hoa Kỳ năm 2010 cho thấy các nhóm từ 0 tới 4 tuổi cho tới 50 đến 54 tuổi có dân số bằng nhau hết, từ đó trở lên hình tháp mới nhỏ dần đến đỉnh tháp. Hình dáng biểu đồ càng về những năm sau này càng có dạng phần phía trên của tháp tăng dần chiều ngang cho bằng với phần bên dưới không thay đổi. Điều đó có nghĩa là các nhóm tuổi từ trẻ tới già dần dần sẽ có dân số bằng nhau hết, cho đến khi tuổi thọ và lìa đời thì dân số m
ới tiến tới số không.
Đà giảm sút sinh nở khiến giới chuyên môn của nhiều quốc gia kinh ngạc và bị bất ngờ. Giáo sư Linda Waite, giám đốc Trung Tâm Lão hoá của đại học Chicago, cho biết cho đến thời gian gần đây không ai nhận ra rằng những khuynh hướng xã hội làm giảm sự sinh sản của phụ nữ vẫn tiếp tục, dù phái đẹp bắt đầu có ít hơn hai con.
Khuynh hướng khiến phụ nữ giảm con là do phái đẹp có học thức cao ngày càng nhiều hơn, phụ nữ bước vào thị trường lao động ngày càng đông đảo hơn. Khuynh hướng ấy không dừng lại, dù trẻ ấu nhi chào đời đã ít đi.
Nhưng dù sao, biểu đồ dân số/tuổi tác của Cơ quan dân số thuộc Văn phòng kinh tế, xã hội trong Ban thư ký Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy thế giới sẽ vượt 8 tỉ người vào năm 2025. Và 20 năm sau nữa, tức là 2045, dân số toàn cầu sẽ mấp mé 9 tỉ nhân khẩu. Như vậy nghĩa là sẽ tăng 1 tỉ người trong 14 năm sau, và 1 tỉ người tiếp theo phải cần 20 năm mới ra đời đủ số, chứng tỏ đà tăng trưởng dân số giảm nhiều so với 1 tỉ người ra đời thêm trong 12 năm nay.
Quý vị và chúng tôi hãy gắng sống thêm 34 năm nữa để coi dự đoán này có đúng không, nhé!
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/world-grows-and-grows-older-11012011123638.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten