zaterdag 3 augustus 2013

Vụ Snowden đe dọa quan hệ Mỹ-Nga

Thứ sáu 02 Tháng Tám 2013

Vụ Snowden đe dọa quan hệ Mỹ-Nga

Văn bản chính thức cho phép Edward Snowden quyền tỵ nạn tạm thời tại Nga - REUTERS /M. Shemetov
Văn bản chính thức cho phép Edward Snowden quyền tỵ nạn tạm thời tại Nga - REUTERS /M. Shemetov

Mai Vân
Như tin chúng tôi đã đưa vào hôm qua, 01/08/2013, cựu kỹ thuật viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã được Nga cấp quy chế tỵ nạn tạm thời và đã rời khỏi sân bay Cheremetievo – Matxcơva - sau gần hơn một tháng bị kẹt tại đây. Chỗ ở mới của Snowden, công việc mà anh được phép làm trong thời gian tới đây vẫn là một ẩn số, nhưng theo giới phân tích, việc Nga cho Snowden quy chế tỵ nạn chắc chắn sẽ tác hại quan hệ vốn đang lạnh nhạt giữa Nga và Mỹ.


Trước mắt điều thấy rõ nhất là quan hệ Mỹ Nga sẽ phải hứng chịu bão táp sau quyết định của Matxcơva, vốn đặt tổng thống Mỹ vào trong tình thế rất tế nhị. Cho đến nay Washington đã luôn cảnh cáo Matxcơva rắng cho Snowden tỵ nạn sẽ là một quyết định ‘rất đáng tiếc’, trái lại Nga phải cho Mỹ dẫn độ Snowden.
Chính quyền Obama đã lập tức tỏ thái độ bất bình sau diễn biến mới trong vụ Snowden. Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carney đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ « vô cùng thất vọng » trước việc chính phủ Nga đã quyết định như vậy cho dù phía đã có yêu cầu rõ ràng... là muốn thấy ông Snowden bị trục xuất về Hoa Kỳ để trả lời về các cáo buộc nhắm vào ông ».
Phát biểu của ông Carney xem ra rất chừng mực so với phản ứng dữ dội trong giới lập pháp. Họ kêu gọi tổng thống Obama phải trả đũa cứng rắn hành động mà Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain cho là ‘một cái tát tai đối với Mỹ’. Nghị sĩ đảng Dân Chủ, Chuck Schumer thì xem đó là ‘một nhát dao đâm sau lưng’ Mỹ.
Biện pháp mà nhiều người đề nghị truớc mắt là ông Obama nên hủy bỏ cuộc gặp gỡ được dự kiến với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva trước hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Saint Petersburg. Phát ngôn viên Nhà Trắng hôm qua đã không loại bỏ khả năng này khi thông báo là chính quyền đang xem xét lại sự cần thiết của một chuyến thăm như thế.
Cũng phải nói là ông Putin và ông Obama không mấy hợp nhau. Giới quan sát đều ghi nhận là các cuộc gặp gỡ trước đây giữa hai người đều không mấy có kết quả. Nhiều người còn đề nghị tẩy chay Thế vận hội mùa đông sắp được tổ chức tại thành phố Nga Sotchi.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tóm lược tình hình khi đánh giá vụ Snowden đó là một sự suy thoái trong quan hệ Mỹ Nga.
Rõ ràng theo các nhà bình luận, quan hệ hai bên khó thể tiếp tục như trước, như không có chuyện gì xẩy ra sau diễn tiến hôm qua, kể cả khi cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Obama được duy trì.
Phía Nga dĩ nhiên đã tìm cách giảm nhẹ tầm hệ trọng của vụ việc, tuy cũng công nhận ảnh hưởng của vụ này trên quan hệ Mỹ Nga. Từ Mátxcơva, thông tín viên RFI, Anastasia Becchio, lược lại những phản ứng :
« Tổng thống Obama có thể không ghé Matxcova, vì chuyện của cựu phân tích viên của CIA », đây là nhận xét của tờ Kommersant, phản ánh đánh giá tại đây. Tờ báo ghi nhận lần đầu tiên Nhà Trắng đã chính thức xác nhận việc Nga cho Snowden tỵ nạn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc gặp dự kiến vào tháng chín.
Còn điện Kremly thì đang ra sức giảm thiểu hệ quả của vụ việc, cho răng vấn đề đó quá nhỏ để có thể tác hại đến quan hệ Matxcơva – Washington.
Giới lập pháp Nga đã bào chữa cho quyết định cho Snowden tỵ nạn : Trả lời tờ Kommersant, dân biểu Viatcheslav cho là Nga ‘không thể có quyết định nào khác nếu không muốn bị mất mặt’.
Nhắc lại sự kiện máy bay tổng thống Bolivia phải chuyển hướng do một quốc gia Châu Âu không cho phép bay qua - vì Snowden bị tình nghi có mặt trên máy bay - dân biểu Aleksei Pouchkov quy trách nhiệm cho một mình Hoa Kỳ về khủng hoảng hiện nay.
Trong hàng ngũ đối lập, nhà văn Edouard Liminov cũng hoan nghênh quyết định của Matxcơva, cho là « Nga đã hành động như một cường quốc có trách nhiệm ».
Theo một cuộc thăm dò trên tờ Izvestia, hơn một nửa người Nga tán đồng hành động của Snowden.
Báo Vedomosti chú ý đến những hệ khác của vụ việc. Snowden đã được đề nghị làm việc trong hệ thống mạng xã hội đứng đầu ở Nga : Vkonke, một loại ‘Facebook Nga’. Vedomosti nhìn thấy : ‘Vkonke giờ đây có triển vọng trở thành kẻ thù số một của Hoa Kỳ’.
Trong hồ sơ này nhận định hầu như chung của giói phân tích ông Obama ở trong thế tế nhị hơn là Putin. Câu hỏi đặt ra là Washington sẽ phải phản ứng như thế nào
Theo nhận định của chuyên gia về quan hệ Mỹ Nga, Steven Pifer, thuộc viện Brookings ở Washington, Tổng thống Nga đã từng cho thấy không hề nao núng trước sức ép của Mỹ, và ngược lại có những phản ứng rất cứng rắn.
Về phần ông Obama, theo nhận định của ông Pifer, nếu duy trì cuộc họp thượng đỉnh với Putin thì sẽ bị chỉ trích rất gay gắt tại Mỹ. Vấn đề là ông Putin có chịu làm cho cuộc họp này mang lại nhiều kết quả hay không, để ông Obama có thể chịu cái giá chính trị mà ông phải trả.
Giới quan sát cũng đang chờ đợi xem Washingon có tỏ thái độ giận dữ hay không vào lúc này, trong khi mà Mỹ cần sử dụng lãnh thổ Nga để rút quân khỏi Afghanistan.
tags: Hoa Kỳ - Nga - Ngoại giao - Phân tích - Quốc tế
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130802-vu-snowden-de-doa-quan-he-my-nga

Geen opmerkingen:

Een reactie posten