zaterdag 17 augustus 2013

Phương Uyên: Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với Đảng

Thứ sáu 16 Tháng Tám 2013

Phương Uyên: Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh đồng với Đảng

Nỗi vui mừng khi Nguyễn Phương Uyên vừa được ra khỏi trại giam Long An tối 16/08/2013.
Nỗi vui mừng khi Nguyễn Phương Uyên vừa được ra khỏi trại giam Long An tối 16/08/2013.
FB

Thụy My
Vừa được trả tự do tại tòa phúc thẩm ở Long An chiều nay 16/08 (giờ Việt Nam), trong vòng tay vui mừng khôn tả của người thân, bạn bè và những người ủng hộ, đến tối sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã có mặt ở Saigon tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi diễn ra một buổi liên hoan nho nhỏ để chào đón Uyên.


Trong không khí đầy xúc động này, Nguyễn Phương Uyên đã vui lòng dành thì giờ trả lời RFI Việt ngữ.


Nguyễn Phương Uyên - TP Hồ Chí Minh
 
16/08/2013
by Thụy My
 
 

RFI: Thân chào Phương Uyên và xin chúc mừng bạn! Uyên có nghĩ mình sẽ được trả tự do hôm nay không?
Nguyễn Phương Uyên: Dạ không, tại vì rất là khó khăn, rất là khắt khe. Bởi vậy mà em không nghĩ là giờ này em được tiếp xúc với mọi người như thế này. Cảm giác rất là khó tả, vì bị giam đã mười tháng hai ngày, em mới được tiếp xúc với một bầu không khí khác với trại giam, một bầu không khí của sự tự do!
RFI: Trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay Uyên đã nói những gì?
Dạ, tại phiên tòa phúc thẩm có ba vấn đề chính em đã đặt ra. Thứ nhất là về thẩm quyền: cơ quan của Long An không có thẩm quyền đối với vụ án của em.
Thứ hai là nói về cái hành động của em. Em cho là không phạm vào điều 88 là chống Nhà nước. Em vẫn yêu Tổ quốc của mình đấy thôi. Em chỉ có xúc phạm đến Đảng. Vì Đảng chỉ là một tổ chức nên không cào bằng được. Không vì cái sự quá tôn sùng một đảng phái mà mọi người, nhất là Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát cào bằng Đảng với Nhà nước Việt Nam.
Thứ ba là em nói ngắn gọn về sự khác nhau giữa phiên tòa sơ thẩm và giấy của tòa sơ thẩm gởi xuống cho em – có rất nhiều sự khác biệt. Mà em cho rằng đó là một bản án có trước, không công minh và không có sự công bằng. Đã có một sự sắp xếp trước, làm cho em cảm thấy thất vọng thêm về những gì đang diễn ra.
Tuy nhiên phiên tòa phúc thẩm lần này đã cho em một đốm lửa hy vọng, cùng với sự tin yêu vào mọi người. Cảm ơn mọi người rất là nhiều! Bây giờ em được như thế này là nhờ một phần rất là to lớn của mọi người, ở trong nước cũng như trên thế giới, đã đứng về phía em, cho em cơ hội nói lên quan điểm của mình tại một đất nước ở chế độ cộng sản.
RFI: Vì sao Uyên tự bào chữa mà không nhờ luật sư?
Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù hai luật sư đã nói rất là nhiều, nhưng mà em thấy quyền hạn của luật sư rất là ít ỏi, thậm chí không có! Cho nên em sẽ tự bào chữa, bởi vì nếu quyền hạn không có thì không nên nhờ. Nếu tự nói thì sẽ tạo được nhiều cơ hội để em đối đáp với Viện kiểm sát cũng như Hội đồng xét xử. Sẽ có nhiều cơ hội để được nói hơn, em muốn nói lên tất cả những suy nghĩ của mình.
Điều thứ hai khiến em không muốn nhờ bào chữa của luật sư, là trong thời gian tạm giam mười tháng và hai ngày của em, em đã có một tí gọi là vững tâm. Vững tâm vào quan điểm mà mình cần nói. Bởi vậy em nghĩ là mình không có tội thì mình phải tự bào chữa cho chính mình. Cho nên em từ chối nhờ hai luật sư, là bác Lương và bác Sơn bào chữa.
RFI: Làm sao Uyên có thể giữ vững tinh thần được như vậy? Uyên còn trẻ, và chắc chắn là ở trong tù thì không thể như ở ngoài…
Dạ vâng, người ta bảo gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, ở đâu thì lại giống ở đấy thôi. Đôi khi lòng mình vẫn bị lung lay, sợ liên lụy đến những người bạn, đến cả gia đình. Nhưng em suy nghĩ, kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi.
Bởi vậy em không thể nào “bán danh chỉ có ba đồng”. Không thể nào làm trái lương tâm của mình được. Em không thể từ bỏ quan điểm, lập trường của riêng em. Đó là động lực thúc đẩy để em đứng trước tòa, tự bào chữa cho mình, cũng như giữ vững quan điểm và lập trường của mình.
RFI: Uyên vừa dẫn kinh Phật nhưng Uyên lại đang ở trong nhà thờ. Có lẽ đây là dịp để mọi người đoàn kết lại?
Vâng. Em chỉ có thể nói một lời: Cảm ơn tất cả mọi người trong nước cũng như trên thế giới! “We are one”- chúng ta là một, ở đâu cũng vậy, phải có công lý. Công lý và công bằng sẽ phải trở lại! Em hy vọng là trở lại càng sớm càng tốt.
RFI: Vẫn khó thể hiểu được là ở trong trại giam mười tháng rồi mà tinh thần Uyên lại được như vậy…
Đó là một việc không thể nào đoán biết được, em cũng không nghĩ là mình như thế. Ở cái tuổi hai mươi mốt, hai mươi hai này, em không nghĩ là mình như vậy. Nhưng mà em đã rất cố gắng, và nhờ mọi người rất là nhiều, những lúc đi thăm nuôi cùng gia đình em đã cho em động lực rất là lớn.
RFI: Thời gian gần đây Uyên có bị áp lực gì không?
Dạ, áp lực cũng rất là lớn. Mỗi khi gần ra tòa, áp lực đối với em là tại tòa. Phiên tòa có được công khai và minh bạch đúng thực chất hay không, hay là một phiên tòa dựng ra một cách hình thức?
Em mong muốn có những phiên tòa công khai và minh bạch, ở đó em nói lên được những quan điểm của mình, có nhiều người nghe, có nhiều người chứng kiến. Chứ không phải là phiên tòa chỉ mở ra để rồi bản án có sẵn đưa cho mình, thì em không muốn. Vì tòa là phải rõ ràng, công khai, đó là tính khoa học, pháp lý của pháp luật. Đó là sự công bằng. Em mong muốn có sự công bằng ở những phiên tòa.
RFI: Và có lẽ Uyên vẫn tiếp tục phản đối những thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông?
Dạ vâng, tất nhiên là như thế. Vì trước những thái độ tiêu cực thì phải có những ý kiến để dừng lại. Còn những gì về sau này, thì ngày mai rồi lại đến, “tomorrow will come”. Bởi vậy hãy để xem ngày mai mọi việc diễn biến như thế nào.
RFI: Chắc là bây giờ còn quá sớm để hỏi, nhưng dự định sắp tới của Uyên là gì?
Đó là một bí mật, rất là bất ngờ. Mọi người sẽ chờ xem. Em không thể nói cụ thể được là nó như thế nào, nhưng hy vọng là sẽ không làm mọi người thất vọng.
RFI: Uyên sẽ quay trở lại trường học hay không?
Dạ, học, học nữa, học mãi, con đường học vấn của em không bao giờ dừng lại đâu ạ.
RFI: Cảm ơn Phương Uyên nhiều lắm, và một lần nữa xin chúc mừng Uyên được tự do!
Cảm ơn chị và mọi người đã đứng về phía em rất là nhiều, em được trả lại tự do của mình là nhờ mọi người. Cảm ơn mọi người rất nhiều! Đó là sức mạnh để em vượt qua tất cả, là động lực của em!
tags: Chính trị - Dân chủ - Nhân quyền - Pháp luật - Phỏng vấn - Việt Nam
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130816-phuong-uyen-toi-yeu-to-quoc-nhung-xin-dung-danh-dong-voi-dang-0

Chuyện bên trong phiên xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha

Hải Huỳnh (Danlambao) - Kết quả phiên xử phúc thẩm vụ Phương Uyên - Nguyên Kha tại Long An ngày 16.8.2013 là một chiến thắng ngọt ngào của phong trào dân chủ cho Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam cộng sản tòa phúc thẩm tuyên án khác xa tòa sơ thẩm. Đây là thành quả của lòng can đảm của các sinh viên yêu nước, sự hi sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các blogger, sự sát cánh của truyền thông lề dân cùng tác động quốc tế đúng thời điểm. 

Bên trong của phiên tòa phúc thẩm này là một cuộc chiến gay cấn giữa nhà cầm quyền độc tài toàn trị trong tay có đủ các phương tiện hùng hậu và một bên là phe dân chủ yếu ớt mỏng manh có lúc tưởng chừng như gục ngã. Chúng tôi những người làm báo vì chính nghĩa nhân dân rất vui mừng vì chiến thắng của công lý và niềm tin. Và may mắn cho chúng tôi là tiếp cận với những nguồn tin từ ngay trong các cơ quan nội chính của Long An. Những tin tức chúng tôi có được rất chính xác, nhưng vì sự an toàn của nguồn tin chúng tôi từ từ cung cấp cho độc giả các tin tức được cập nhật có chọn lọc.


A. Công tác tổ chức phiên tòa

I. Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm gồm 3 thẩm phán:

1. Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ - chủ tọa phiên tòa.
2. Thẩm phán Phan Thanh Tùng (chồng của thẩm phán Lương Bội Trâm).
3. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố là ông Hoàng Thanh Chuyên.

II. Phương thức tổ chức phiên tòa: 

Xử kín. Vì lý do an ninh nên hạn chế số người tham dự phiên tòa khoảng 15 người, đa số là an ninh của bộ, cục và từ thành phố xuống. Phía Long An có 2 người thuộc cục an ninh quản lý tham dự. Chỗ này cần nhắc lại là chúng tôi biết trước là gia đình của Nguyên Kha và Phương Uyên chắc chắn bị cấm tham gia phiên tòa này nên đã tìm cách báo tin cho phía gia đình các sinh viên yêu nước này biết trước.

III. Bất đồng giữa công an:

Có sự bất đồng về nhân sự trong việc tổ chức phiên tòa phúc thẩm này giữa Bộ công an và công an tỉnh Long An trong khâu tổ chức nên phía Long An gần như "thả nổi" các khâu phá sóng điện thoại, tuyên bố máy dò kim loại bị hỏng đột ngột nên đã có người cài được máy ghi âm và điện thoại di động vào ngay phòng xử. Việc bất đồng trong sự chỉ đạo thể hiện rõ là khi an ninh từ bộ yêu cầu công an tỉnh Long An cung cấp 4 đầu gấu xã hội đen để uy hiếp đoàn biểu tình vào buổi chiều ngày 16.08.2013 thì phía Long An từ chối nói là chúng tôi không có và yêu cầu gấp quá chúng tôi không chuẩn bị kịp.

IV. Phòng xử:

Phòng xử án được ngụy trang là vào sâu bên trong tòa án tỉnh Long An, xảy ra trong một phòng xử án dân sự nhỏ. Hội trường chính được trang trí như là phòng xử án chính nhưng để trống. Điều này đánh lừa được đám đông biểu tình đòi thả người có la hét ồn ào cỡ nào cũng chỉ ở khu vực gần hội trường chính được ngụy trang. Còn phòng xử thật thì sâu vào bên trong hoàn toàn không nghe gì từ bên ngoài.

V. Trang phục cho các sinh viên yêu nước:

Rút kinh nghiệm phiên sơ thẩm và nhằm hạ đổ hình ảnh thần tượng sinh viên, lần này người ta cho Nguyên Kha mặc áo xanh dương giống công nhân và có vẻ già trước tuổi. RiêngPhương Uyên mặc áo màu tím. Thêm vào đó các phóng viên báo lề đảng được yêu cầu chụp hình hai sinh viên này dưới một góc tối sao cho khung hình thể hiện các em già giặn hơn tuổi sinh viên.

VI. Không khí phiên tòa:

Phải tổ chức làm sao có màu sắc sợ hãi từ ngoài vào trong và nhằm giảm sự chú ý của dân chúng trong thành phố Tân An. Xe tù thì huy động 4 chiếc nhằm chở 3 tù nhân. Trong phòng thì lắp máy camera rất nhiều. 

VII. Luật sư:

Thuyết phục các bị cáo từ chối luật sư và dùng sức ép lên các đoàn luật sư để hạn chế luật sư tham gia phiên xử kín này. Bắt đầu mở các chiến dịch dùng các đoàn luật sư kỷ luật các luật sư tham gia phiên xử phúc thẩm này.

B. Những diễn biến tại phiên tòa

I. Mục tiêu của phiên tòa là ép các bị cáo nhận tội để tòa phúc thẩm giảm án theo hướng "sự khoan hồng của đảng và nhà nước". Nếu có luật sư bào chữa theo hướng vô tội thì rất căng.

II. Tuy nhiên diễn biến xảy ra ngoài "định hướng" mặc dù yếu tố luật sư đã được "giải quyết" xong. Cả Phương Uyên và Nguyên Kha đều tuyên bố là kêu oan chứ không yêu cầu giảm tội. Đặc biệt Phương Uyên đã đưa Hội đồng Xét xử vào thế bí là "yêu cầu xử đúng người đúng tội". Những hành động chống đảng cộng sản của các em là điều 258 Bộ luật hình sự chứ không phải điều 88 như đã áp dụng. Khi Phương Uyên chỉ ra điều này thì Hội đồng Xét xử và cả Kiểm sát viên đều lúng túng. Các em đòi xử theo Bộ luật hình sự còn Kiểm sát viên đòi xử theo Điều 4 Hiến pháp.

Chính điều này đã gây lúng túng cho Hội đồng Xét xử làm kéo dài tuyên án từ lúc 10 giờ 30 sáng đến 15 giờ 30 chiều. Thường những phiên Phúc thẩm thì rất chóng vánh và luôn y án. Nhưng buổi chiếu thì Hội đồng Xét xử thay vì tuyên án họ quay trở lại phần thẩm vấn xét hỏi. Khi điều luật 88 của Bộ luật hình sự bị thay đổi sang điều 258 thì Kiểm sát viên hạ giọng và đề nghị các mức án khác với mức án buổi sáng ông ta đã đưa ra trong phần luận tội. 

Nói về Kiểm sát viên Hoàng Thanh Chuyên thì ông ta lúng túng lẫn lộn phần xét hỏi và tranh luận. Khi xét hỏi thì ông ta tranh luận và ngược lại. Thẩm phán Phan Thanh Tùng suốt phiên xử không có ý kiến gì. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy thì là phản ứng gay gắt nhất luôn cay cú ăn miếng trả miếng với 2 sinh viên. Và dường như ông ta chưa đọc kỹ hồ sơ vụ án nên ông ta không biết rằng Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy là 2 anh em ruột. Riêng thẩm phán Trương Thị Minh Thơ được một nhân viên an ninh mô tả là "xơ cứng trịnh trọng đến mức buồn cười". Phần giải thích của bà về án treo cho Phương Uyên trong phần tuyên án được cho là vòng vo khó hiểu vì lúng túng khi tuyến án đã được chỉ đạo điều chỉnh. 

Luật sư Nguyễn Văn Miếng hỏi Đinh Nguyên Kha được 1 câu là khi mượn xe của Nhật Uy đi rải truyền đơn có cho Nhật Uy biết không. Đương nhiên Nguyên Kha trả lời là "không cho biết".

Trong suốt phiên xử có 3 vấn đề tranh luận gay gắt: 

1. Treo cờ vàng, 
2. Áp dụng điều 88 hay điều 258 Bộ luật hình sự 
3. Có xin giảm án khoan hồng không? 

Đặc biệt khi 2 sinh viên nhắc đến những vi phạm tố tụng trong phiên Sơ thẩm như là phiên Sơ thẩm không có nhân chứng nhưng trong bản án Sơ thẩm ghi là có 3 nhân chứng hiện diện tại tòa; hay là tuyên án Phương Uyên bắt đầu từ ngày 14.10 (ngày Phương Uyên bị bắt cóc) nhưng trong bản án ghi là ngay 19.10; hoặc là chưa có giám định nội dung các khẩu hiệu truyền đơn mà các sinh viên phân phát. Thẩm quyền xét xử là tòa thành phố hay tòa Long An... Tất cả những vấn đề này đã bị Hội đồng Xét xử gạt ra. 

C. Dư luận sau phiên xét xử phúc thẩm ngày 16.8.2013 tại Long An

1. Luật sư Ng. (Đoàn luật sư Thành phố) cho biết lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp án, kết quả bản án Phúc thẩm khác xa án Sơ thẩm một trời một vực.

2. Nhà báo T. D. cho là "Có sự do dự trong khi tuyên án, chưa bao giờ thấy căng thẳng như vậy".

3. Thẩm phán H. (Tòa án tỉnh Đồng Nai) cho biết dường như tác động của can thiệp ngoại giao nên kết quả mới đảo lộn như vậy.

4. Luật sư H. (Đoàn luật sư Thành phố) cho rằng chắc chắn sẽ có chiến dịch nhằm kỷ luật các luật sư khi Tòa án Tối cao ra công văn "quan điểm của luật sư làm xấu vụ án".

5. Biên tập viên báo P.L cho là bản chất của vụ án làm nhằm hạ bệ thần tượng và làm nhục các luật sư.

6 Luật gia A. (Hội luật gia X) cho là khi án phúc thẩm sửa như vậy thì cần đặt ra là kỷ luật những người trong Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm.

7. Blogger B. cho là chiến thắng ngọt ngào cho phe dân chủ nhưng đừng chủ quan và ngủ quên. 


 
http://danlambaovn.blogspot.nl/2013/08/chuyen-ben-trong-phien-xu-phuc-tham.html#more

'Không thể cào bằng một phe đảng với tổ quốc Việt Nam' Friday, August 16, 2013 8:42:58 PM






Bài liên quan



LTS:  Sau khi ra khỏi trai giam công an tỉnh Long An về Sài Gòn, nữ sinh Nguyễn Phương Uyên, người được giảm án từ 6 năm tù xuống còn 3 năm tù treo và được trả tự do, dành cho báo Người Việt cuộc phỏng vấn ngắn vào buổi sáng ngày 17 tháng Tám về phiên tòa và vụ án.
Nam Phương/Người Việt (Thực hiện)
Nam Phương (NP): Trước hết, mừng Phương Uyên đã thoát ra khỏi nhà tù. Xin cho biết cảm tưởng đầu tiên của cô khi nghe toà tuyên án giảm từ 6 năm tù giam xuồng còn 3 năm tù treo?
Nguyễn Phương Uyên (NPU): Cảm tưởng đầu tiên của cháu là bất ngờ. Tim cháu như ngừng lại khoảng từ 5 cho đến 10 giây, tay bỗng nhiên run lên vì đã có một sự công bằng nào đấy lên lỏi vào cái nơi tối nhất là vành móng ngựa.
Nguyễn Phương Uyên trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông hải ngoại ngay sau khi bước ra khỏi cổng nhà tù. (Hình: Facebook)

NP: Vậy những gì người ta nêu ra trong bản cáo trạng để kết tội Phương Uyên có đúng không?
NPU: Dạ không, cái hành động trong bản cáo trạng đã truy tố, kết tội cháu không rõ ràng, cháu có cho ý kiến khi nhận bản cáo trạng nhưng không thấy hồi đáp sau đó.
NP: Nói khác đi, những việc làm của Phương Uyên là đúng, biểu lộ lòng yêu nước và không thể dùng để bỏ tù, có phải vậy không?
NPU: Dạ vâng, theo cảm tính của cháu, không thể cào bằng đánh đồng một tổ chức, một phe đảng với một tổ quốc thiêng liêng là nước Việt Nam. Không thể đánh đồng được.
NP: Trên internet người ta phổ biến lời nói rất khẳng khái của Phương Uyên ở phiên tòa phúc thẩm là “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần xử người đúng tội. Tôi cho rằng chống đảng Cộng Sản không phải là phản đất nước, dân tộc, các ông đừng đánh đồng”. Có đúng Phương Uyên nói vậy không?
NPU: Dạ vâng. Cháu đã nói thế trước phiên toà buổi sáng.
NP: Vậy phản ứng của họ ra sao?
NPU: Họ nói thái độ của cháu sẽ là một tình tiết để họ xem xét mức án cho cháu. Và thái độ khi nói đánh đòn tâm lý của cháu thật sự bị chủ tọa làm cháu phải run lên.
NP: Nói như vậy có nghĩa Phương Uyên ngỡ là người ta sẽ kết  án tù nhưng họ lại giảm án xuống tù treo?
NPU: Dạ vâng, khi viện kiểm sát bác bỏ đơn kháng cáo của cháu, cháu hoàn toàn thất vọng về công lý, về những gì diễn ra trước phiên tòa.
NP: Nhiều phần người ta không cho Phương Uyên đi học lại ở trường đại học, Phương Uyên có tính gì cho tương lai?
NPU: Cháu là công dân Việt Nam, cháu có quyền học bất cứ nơi nào cháu thích trên đất nước Việt Nam. Còn nếu họ không đồng ý, thì đó là một sự đối xử bất công đối với một người mới ra khỏi trại giam, vừa mới lãnh án treo, thì đó là sự không công bằng. Cháu cần tự do để học ở đất nước này, cháu là người thanh niên là mùa xuân của đất nước, như vậy có phải muốn biến mùa xuân của đất nước thành mùa đông tàn hay không. Cháu cần những người đứng đầu các trường trả lời câu hỏi đó cho cháu.
NP: Cô có tính tiếp tục vận động, tranh đấu, cổ võ cho lòng yêu quê hương đất nước, chống ngoại xâm hay không?
NPU: Lòng yêu nước của cháu lúc nào cũng sẵn sàng, tuy có những lúc khó khăn và lập trường có những lúc phải lung lay nhưng mà về phía gia đình, nhất là ông ngoại của cháu là sĩ quan của chế độ cũ cùng quan điểm với cháu. Thật sự mọi người trên khắp đất nước Việt Nam và khắp thế giới đang ủng hộ mình, cháu sẽ giữ vững lập trường để tiếp tục bảo vệ những chính kiến của cháu và thay cho những thanh niên chưa nói được tiếng nói của mình vì e dè mà người ta nói họ bị bệnh vô cảm. Cháu xin thay mặt những người ấy để nói lên tất cả để thức tỉnh họ phải nói, phải cùng mình nói vì đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết và chỉ có đoàn kết mới chiến thắng.
NP: Cảm ơn Phương Uyên đã đành cho báo Người Việt cuộc phỏng vấn này!

 
 
Tiếng “Họa Mi” sổ lồng

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Tôi thấy trong lòng mình nhen nhóm lên một nhiệt huyết, chưa thể dừng lại ở đây được”... - sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Thật lạ lùng! 10 tháng, kể từ ngày bị bạo quyền bắt bất hợp pháp, tạm biệt mái trường Đại học Công nghiệp, hơn 300 ngày đêm trong phòng giam, phải mang danh thân phận là “tù nhân” cô đơn, trơ trọi, u uẫn, khắc nghiệt như giữa địa ngục, nhưng vừa bước chân ra khỏi cửa nhà tù, cũng là lúc vừa tròn 21 tuổi, trước câu hỏi của PV đài BBC - Về những thay đổi nội tâm trong thời gian qua - như tiếng chim “họa mi”, nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên thánh thoát cất vang:

Tôi thấy trong lòng mình nhen nhóm lên một nhiệt huyết, chưa thể dừng lại ở đây được và tôi nghĩ hành động của mình nhỏ bé thôi... Nhưng tôi vui mừng và tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ, để họ không còn vô cảm nữa. (BBC)


Chẳng tìm thấy chút run rẩy, rụt rè, sợ sệt nào lẫn khuất trong từng lời qua câu nói ấy! Dường như 300 ngày tù tội chỉ là “giấc ngủ trưa” không chút mộng mị của cô bé sinh viên 21 tuổi, cái tuổi liễu yếu, ngây thơ, mà đa phần cùng trang lứa khi nghe tiếng “tu huýt” hay nhìn thấy “cái còng” số 8 của CA/AN chạm vào mình là xanh mặt nhấc Iphone thất thanh gọi ngay bố mẹ.

Không phi thường, nhưng rõ ràng nghị lực ấy không phải tuổi trẻ nào cũng sớm hình thành trong nhân cách nếu không có một trái tim “sắt đá” cá biệt.

Tạo hóa đã xây dựng nên sự sống của muôn loài, mọi con người hay động vật đều có khát vọng sống. Tuy nhiên sống như thế nào để phẩm giá một con người được vinh danh hoàn toàn khác biệt với động vật thì chỉ có loài người mới đúc kết được bằng tư duy.

Loài khuyển mã, với cái roi người ta có thể sỏ mũi dắt đi, hay tệ hơn, nhổ một bãi nước bọt vào mặt nó rồi ném cho một mẫu thức ăn nó vẫn vẫy đuôi “trung thành” vô điều kiện, con người thì không, nếu còn nguyên bản chất bởi cái “gen” Bất Khuất không có tổ quốc hay chủng tộc.

Vâng! Đúng như thế, tiếng hót của con chim họa mi vừa sổ lồng Nguyễn Phương Uyên như hót lên từ cái gen “Bất khuất” của nòi giống qua cha mẹ lập trình từ giọt máu thuở ấu nhi, để trong hành trang cất cánh vào đời, cô bé ấy trong tư duy, không chỉ mang một sắc thái riêng tư là cánh chim nhỏ của của xứ sở biển mặn Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận mà từ cái gen bất khuất cô bé muốn nói lên với trăm ngàn bạn trẻ khác, cùng trang lứa, chúng ta là con Lạc cháu Rồng.

Không cường điệu để nói rằng “té nước theo mưa”, khi mà công luận không tìm ra bất cứ lý do “vụ lợi” nào trong hành vi “phản kháng” của cô bé sinh viên Nguyễn Phương Uyên ngoài lý do yêu nước nồng nàn, “bất khuất” chống xâm lược.

Và vì thế, đặc thù của lòng “bất khuất” mặc nhiên cũng phản ứng chống lại mọi thế lực độc tài, nhược tiểu, hèn mọn vì quyền lực và quyền lợi đàn áp lòng yêu nước của một thế hệ học sinh, sinh viên và những nhà trí thức đang trên bục giảng đường hôm nay trước vận mệnh quốc gia dân tộc bị đe dọa xâm lược và vong bản.

4000 năm lịch sử nếu không có lòng “Bất Khuất” dân tộc Việt Nam không thể gần trăm triệu ngẩn mặt ra biển Đông như hôm nay. Thế nước thịnh suy có lúc bởi cá nhân hay tập đoàn lộng quyền, nhưng lòng Bất Khuất thì không, trong mọi hoàn cảnh, chỉ nhân lên chứ không trừ đi bao giờ mà tiếng hót thánh thoát của con chim họa mi vừa “sổ lồng” tù ngục, sinh viên Nguyễn Phương Uyên cất vang lên chứng minh cho điều ấy với đồng bào dân tộc Rồng Tiên Âu Lạc chúng ta.



 
http://danlambaovn.blogspot.nl/2013/08/tieng-hoa-mi-so-long.html#more

'Chưa thể dừng ở đây'


Cập nhật: 12:56 GMT - thứ sáu, 16 tháng 8, 2013

Media Player

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên nói tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 16/8 ngay sau khi ra khỏi trại tạm giam, sinh viên Nguyễn Phương Uyên nói: "Tôi rất hạnh phúc khi được trở về với gia đình".
Giải thích về quyết định tự bào chữa, Uyên nói "tôi muốn nói nhiều hơn nhưng tại tòa thì những vụ án như tôi, quyền hạn của luật sư rất hạn chế, thậm chí là không có, nên tôi quyết định tự bào chữa cho mình."
Trả lời trước câu hỏi của BBC về những thay đổi trong một năm qua, sinh viên này cho biết:
"Người ta bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn"
"Tôi thấy trong lòng mình nhen nhóm lên một nhiệt huyết, chưa thể dừng ở đây được."
"Nhưng như người ta bảo, hữu dũng vô mưu ... Tôi sẽ điềm tĩnh hơn."
"Tôi nghĩ hành động của mình nhỏ bé thôi ... Nhưng tôi vui mừng và tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ, để họ không còn vô cảm nữa."
"Tôi rất tiếc khi nhìn thấy những thanh niên là bạn ngồi cùng lớp với tôi, là các anh chị đã tốt nghiệp, nhưng vì sợ, họ lại trú mình."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/08/130816_nguyenphuonguyen_interview.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten